Quảng Ninh: Tạo sinh kế bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
TCCS - Thực hiện mục tiêu xóa nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ sinh kế cho đồng bào. Việc hỗ trợ sinh kế không chỉ nâng cao mức sống của người dân mà còn tạo sức bật, động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 12,31% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và ở nhiều vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia. Với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn luôn được sự quan tâm của tỉnh; thể hiện bằng những chính sách thiết thực, phù hợp, được các địa phương triển khai. Giai đoạn 2016 - 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 50/NQ-HĐND, ngày 7-12-2016, “Về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Tháng 1-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196). Với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà nghị quyết, đề án đưa ra, các sở, ngành, địa phương, lực lượng, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng vào cuộc, tạo nên bước chuyển mạnh ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
Ngày 17-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đề cập các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; nâng cao kỹ năng, kiến thức phù hợp với từng địa bàn. Các địa phương cũng đã cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cụ thể. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững. Tỉnh luôn chú trọng và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Theo đó, tỉnh xây dựng kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) thực hiện chương trình tổng thể phát triển tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu, với 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, 6 công trình y tế, 10 công trình văn hóa, 2 công trình chợ thương mại, 12 công trình nước sinh hoạt. Xây dựng, ban hành, triển khai nhiều đề án thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo như: Đề án phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án thu hút bác sĩ về làm việc tại tỉnh, nhất là bác sĩ về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025…
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND “Quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó, người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật cho bà con.
Đến đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững
Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nghị quyết số 20-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024” đặt mục tiêu: Đến hết năm 2024, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD/người, đến năm 2030 đạt từ 8.000 - 10.000 USD/người.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp tục khích lệ, động viên, khơi dậy sự vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo trong chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học, kỹ thuật, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình; trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch; mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tích cực vận động người dân thành lập các tổ hợp tác để cùng nhau phát triển sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.095ha nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận VietGAP với 94 cơ sở, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 14 vùng trồng cây ăn quả, 38 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 428 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Trên địa bàn tỉnh có 46 vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng sẵn sàng xuất khẩu; 7 cơ sở đóng gói, trong đó có 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài.
Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả là việc triển khai cho vay tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế. Bằng nguồn lực của Trung ương và địa phương, tính đến nay, nguồn vốn cho tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Với việc triển khai đa dạng các mô hình phát triển sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021 - 2025. Toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập; bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến toàn tỉnh giảm 239 hộ/246 hộ nghèo, bằng 97,15% kế hoạch năm 2024; giảm 1.826/3.063 hộ cận nghèo, bằng 152% kế hoạch năm, không có hộ tái nghèo, tái cận nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ cho vay vốn, tỉnh Quảng Ninh xác định đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số, nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với việc giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch của từng địa phương, giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân... Tỉnh Quảng Ninh có những cơ chế, chính sách đặc thù cùng với những chính sách của Trung ương để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề được triển khai thường xuyên và phát huy được hiệu quả, từng bước tạo cơ hội việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, có đóng góp quan trọng vào các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 16,2 vạn người. Sự đa dạng về văn hóa dân tộc thiểu số đang mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch, mang lại sinh kế bền vững cho người dân các địa phương. Đây cũng là mục tiêu được tỉnh triển khai, đẩy mạnh nhằm thực hiện có hiệu quả Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025).
Đầu năm 2024, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, 6 hộ dân đồng bào Sán Chỉ thôn Khe Lục (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) mạnh dạn xây dựng khu homestay và thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Mô hình chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 3-2024, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Sán Chỉ. Đây là mô hình du lịch cộng đồng thôn, bản đầu tiên được triển khai tại huyện Tiên Yên.
Từ mô hình này, người dân địa phương chú trọng hơn đến việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, phát huy thế mạnh nông nghiệp để phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa cũng là hướng đi mới của cộng đồng người Dao xã Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long). Nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển, nhiều hộ dân ở đây cùng nhau triển khai mô hình du lịch cộng đồng Am Váp Farm. Du khách đến đây được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên trong lành của núi rừng, trải nghiệm những hoạt động sản xuất, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu trang phục, văn hóa truyền thống. Trong hướng đi này, cộng đồng người Dao nơi đây luôn đặt yếu tố thiên nhiên và văn hóa làm giá trị cốt lõi để phát triển bền vững.
Huyện Bình Liêu đã xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 31-3-2023 “Về phát triển du lịch huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên; tập trung xây dựng, hình thành các bản văn hóa của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, tạo nên điểm nhấn, gia tăng các trải nghiệm của du khách. Đồng thời, hỗ trợ nâng cấp kết cấu hạ tầng viễn thông phục vụ cho các điểm du lịch, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, thuận tiện, đẩy mạnh chiến lược truyền thông, quảng bá cho du lịch huyện Bình Liêu.
Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06, “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh tổ chức tại thành phố Hạ Long ngày 10-4-2024, tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm; tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số. 100% số xã miền núi có đường ô-tô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh. 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí huy động trên 78,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, xây dựng, sửa chữa 527 nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát, vượt kế hoạch của tỉnh giao là 441 hộ. Những kết quả trên cho thấy với những cách làm sáng tạo, quyết liệt, phù hợp, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng cả nước về công tác giảm nghèo bền vững, mang lại cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số những giá trị mới, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân./.
Bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ mới  (20/11/2024)
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện  (20/11/2024)
Quảng Ninh: Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh  (18/11/2024)
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển con người  (18/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay