Lý luận và thực tiễn về thực hiện quy hoạch trong xác định vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác địnhmục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc Hà Nội triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển Thủ đô.
Từ năm 1954 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã trải qua nhiều lần lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử: Thời kỳ 1954 - 1981 (sau giải phóng Thủ đô), thời kỳ 1960 - 1964 (thời kỳ kế hoạch hóa 5 năm đầu tiên sau đó tạm dừng do chiến tranh); thời kỳ 1976 - 1981 (sau thống nhất đất nước); thời kỳ 1986 - 1992 (thời kỳ đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa); thời kỳ 1998 - 2011 (đẩy mạnh công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước) và thời kỳ từ năm 2011 đến nay.
Bên cạnh việc tập trung giải quyết những vấn đề nội tại của một đô thị, thì vai trò, vị thế của Thủ đô, cần được xác định ở nhiều khía cạnh khác nhau, để hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Hà Nội trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tập trung ở vai trò trong một vùng đô thị lớn và đô thị trung tâm cấp quốc gia.
Vùng đô thị lớn Hà Nội cần được xây dựng và phát triển hệ thống đô thị, gồm: 1- Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quốc gia; 2- Các đô thị lân cận của các tỉnh xung quanh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình và Phú Thọ). Đây là vùng đô thị chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội, phù hợp với hệ sinh thái lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.
Căn cứ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 6-5-2016, hệ thống đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm: Đô thị trung tâm là đô thị loại đặc biệt; đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; 3 thị trấn Phúc Thị, Quốc Oai, Chúc Sơn là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện (còn lại) là đô thị loại V. Do đó, việc xác định phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tỉnh cho Hà Nội là yêu cầu bắt buộc tuân thủ theo đúng Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, thực tế Thủ đô Hà Nội không chỉ bao gồm một hệ thống các đô thị mà còn có cấu trúc của một đô thị, là một đô thị thống nhất, được hình thành từ lâu đời, với các khu vực đô thị đều mang dấu ấn đậm nét cho từng thời kỳ. Rõ nét nhất trong các thời kỳ đó là giai đoạn 200 - 300 năm trở lại đây. Không gian đô thị Hà Nội có thể phân loại với cấu trúc và hình thái thông qua các khu vực sau:
Khu vực phố cổ (thuộc quận Hoàn Kiếm) là khu vực bao gồm những lô phố nhỏ, kiến trúc nhỏ, chủ yếu là nhà ở (kiểu hình ống) gắn liền với phương thức kinh doanh theo kiểu phố chợ.
Khu phố cũ và phần còn lại thuộc 4 quận nội thành Hà Nội cũ (khu vực nằm trong vùng hạn chế phát triển - trong ranh giới đường Vành đai 2 và đê sông Hồng).
Khu vực phát triển các khu đô thị mới: Khu vực chủ yếu phát triển theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Thời kỳ này đánh dấu bước nhảy vọt về tốc độ đô thị hóa của Hà Nội với hàng loạt các khu đô thị mới, các khu chức năng mới khang trang, hiện đại đem lại một dấu ấn cho một đô thị hiện đại ngày càng tương xứng với sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường.
Qua đó, có thể thấy, bên cạnh tính hệ thống với nhiều cấp bậc đô thị trực thuộc, tính đồng nhất của một đô thị - một thành phố của Thủ đô Hà Nội là điểm đặc thù cần được quy hoạch không gian theo Luật Quy hoạch đô thị; sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến, các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hóa và kết nối không gian số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quá trình đô thị hóa thời gian qua đã bộc lộc những khó khăn, thách thức từ thực tiễn phát triển Thủ đô, như:
Một là, tăng dân số cơ học từ ngoại thành và các tỉnh xung quanh di dân tự do, lao động thời vụ diễn ra nhanh, vượt quá so với dự báo quy hoạch dẫn tới tình trạng quá tải, gây ra bất cập trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở, sinh hoạt, giáo dục...
Hai là, chưa hình thành được các trung tâm hành chính, thương mại, ngân hàng, dịch vụ quốc tế để làm thay đổi căn bản bộ mặt kiến trúc đô thị.
Ba là, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng ách tắc giao thông vẫn hiện hữu. Phát triển đô thị còn nặng về số lượng, chất lượng chưa cao và chưa đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong tổ chức thực hiện quy hoạch.
Bốn là, phân bố cơ sở sản xuất còn chưa hợp lý, chưa phát huy được lợi thế nguồn lực chất xám của Thủ đô.
Năm là, cụm đô thị vệ tinh chậm hình thành và phát triển, do vậy đã tạo sức ép về dân số, việc làm, cơ sở sản xuất, đào tạo… lên đô thị trung tâm.
Với những đặc thù riêng về hệ thống các đô thị trực thuộc, về không gian đô thị của một thực thể đô thị thống nhất và những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, thì quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội cần cụ thể hóa được các định hướng sau:
Thứ nhất, đặt quy hoạch Thủ đô trong mối quan hệ chung của quy hoạch vùng Thủ đô, quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; mối quan hệ với quốc tế, biến tiềm năng lợi thế phát triển của địa phương thành động lực chung cùng phát triển.
Thứ hai, gắn việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường với không gian đô thị, kết hợp với các ngành, lĩnh vực đang là thế mạnh, có xu hướng phát triển tốt, như thương mại điện tử, bán lẻ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, du lịch, dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí và các dịch vụ đô thị chất lượng cao.
Thứ ba, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giảm sức ép lên đô thị trung tâm. Trong đó, cần xác định mô hình phát triển không gian Thủ đô theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị... để triển khai thực hiện quy hoạch của Thủ đô có hiệu quả. Các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án lớn cần ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với phân kỳ thời gian, nguồn lực thực hiện, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thứ tư, tạo liên kết, hình thành các khu hạ tầng kỹ thuật, trục hành lang kinh tế hỗ trợ cho đô thị hạt nhân của Hà Nội. Đồng thời, xây dựng mối liên kết giữa đô thị hạt nhân với các đô thị vệ tinh, giữa đô thị với các vùng nông nghiệp nông thôn, cụm làng nghề, cụm dân cư nông thôn.
Thứ năm, quan tâm đến phát triển nông nghiệp - nông thôn. Xác định rõ hướng đi và mô hình phát triển các cụm làng nghề, các điểm dân cư nông thôn; các trung tâm, trung tâm làng nghề; các liên kết về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kinh tế giữa các đô thị và nông thôn trên quan điểm giảm dần sự tách biệt và mất cân bằng giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực phát triển nông thôn.
Thứ sáu, xác định quy mô dân số và hạn chế di dân cơ học về đô thị trung tâm bằng việc phát triển các đô thị trung gian vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Tạo công ăn việc làm tại địa phương (phát triển các làng nghề, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ…).
Thứ bảy, hình thành đầu mối giao thông đối ngoại (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không) cho đô thị trung tâm. Hình thành đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt bao quanh Hà Nội, nhằm phân bố các luồng xe quá cảnh không vào sâu trong thành phố, giảm ách tắc từ xa cho Hà Nội, các đô thị đối trọng và vệ tinh trong vùng liên hệ với nhau không phải cắt qua đô thị trung tâm. Cần làm rõ chức năng của hệ thống giao thông nội đô (metro, BRT, UMRT), nội vùng (RER) và quốc gia (TGV). Xác định rõ các đầu mối để khớp nối các loại hình giao thông thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất./.
Khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại  (10/11/2024)
Hà Nội phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý nhà nước ở địa phương qua thực hiện phân cấp, ủy quyền  (08/11/2024)
Để phát huy hiệu quả nguồn lực FDI tại Hà Nội theo hướng bền vững  (06/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay