TCCS - Năm 2024, trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5, vai trò của văn hóa trà Việt được nâng lên một tầm cao mới khi tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và ngoại giao quốc tế.

Ngày 24-9-2024, Hội nghị đối thoại hữu nghị lần 2-2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác” đã diễn ra. Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các ban, bộ, ngành, lãnh đạo một số tỉnh; cùng sự tham dự của các tỉnh, thành phố, cơ quan ngoại giao các nước, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Singapore, Lào… Chương trình do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, Sở Ngoại vụ tổ chức.

Trà nương mời trà đại biểu tham dự chương trình_Ảnh: Thu Hoàn

Tại hội nghị, các đại biểu, khách quý trong và ngoài nước được thưởng thức trọn vẹn và ý nghĩa câu chuyện văn hóa trà qua chương trình nghệ thuật “Quốc ẩm Việt trà - Tinh hoa Việt trà thức". Đồng thời được trải nghiệm không gian thưởng trà tại khu vực đảo trà và 5 không gian Trà thức. Tại đây, những đại biểu được chứng kiến cách thức pha trà từ những phẩm trà hảo hạng do các nghệ nhân làm trà của Thương hiệu trà Đôi Dép dày công chuẩn bị, như: Đại Hoàng Bào, Bất Thụ Đông Phong, Bạch Trà Ngũ Sắc, Bích Thủy Hoàn Nguyên, Ngọc Trác Trà, Bất Thụ Đông Phong, Phong Mật Trà, Hoàng Tỳ Nhật Minh... Đây đều là các loại trà quý được giới sành trà ưu ái gọi là “Trà Cống Phẩm”.

Lần đầu tiên Việt Nam gửi đến bạn bè quốc tế một chương trình nghệ thuật mời trà độc đáo thông qua văn hóa Trà thức Việt, gồm 3 chương, tái hiện những câu chuyện lịch sử, với sự xuất hiện của chén trà từ thời đại Hùng Vương, gắn liền với huyền thoại Trương Chi thổi sáo trên sông Tiêu Thương. Qua đó, chương trình khắc họa sâu sắc sự gắn kết giữa văn hóa trà và hồn dân tộc, đồng thời thể hiện 5 hình thức thưởng trà tiêu biểu của người Việt, biểu trưng cho 5 phẩm chất: bình dị, chân chất, thẩm mỹ, tâm tính và trí tuệ.

Sự đa dạng trong cách thưởng trà thể hiện sự phong phú, sâu sắc trong văn hóa trà Việt Nam. Trà với người Việt không chỉ là thức uống mà còn là nét đẹp văn hóa. Chính vùng đất Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã lưu giữ hồn đất giao thoa với hồn người được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ để tạo ra những giống trà đặc trưng, đưa người xem đến với những cảm nhận sâu lắng về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn gửi đến khách mời quốc tế bộ quà tặng giới hạn mang tên "Cửu Nguyệt Trà" - một trong thập đại danh trà của Việt Nam, biểu tượng của sự thanh tao, hòa bình và gắn kết. Trong tặng phẩm bao gồm các dòng trà quý đến từ Đôi Dép. Thông qua bộ quà tặng đặc biệt “Cửu Nguyệt Trà”, có thể thấy, trà là chất dẫn truyền và kết nối giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Một tách trà ngon đủ để gói trọn tinh hoa văn hóa Trà Việt. Những người từ khắp nơi thông qua việc thưởng trà có thể chia sẻ câu chuyện, sẵn sàng kết nối. Thương hiệu Đôi Dép từng bước đưa ngành trà Việt Nam nâng tầm giá trị, đóng góp vào việc thúc đẩy kinh tế và ngoại giao quốc tế.

“Ngự Thức, một trong năm thức thưởng trà”_Ảnh: Thu Hoàn

Cùng với dòng chảy văn hóa dân tộc, Văn hóa trà Việt Nam không ngừng được giữ gìn và vươn xa, hội nhập và lan tỏa đến bạn bè thế giới. Trong khuôn khổ cuộc thi Miss Cosmo thế giới diễn ra tại Việt Nam, các thi sinh quốc tế được trải nghiệm và trình diễn áo dài dân tộc Việt Nam tại không gian nhà máy chè cổ nhất Việt Nam. Nhà máy chè 1927, một trong những nhà máy chè cổ nhất còn được lưu giữ lại, là nhân chứng của thời gian, minh chứng tiến trình phát triển của ngành chè, là niềm tự hào của ngành sản xuất trà Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với những hoạt động này, văn hóa trà Việt không chỉ được tôn vinh mà còn trở thành biểu tượng của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.