TCCS - Đông Triều là địa phương tích cực trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hướng đến các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, nhiều công ty nông nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thị xã đã bắt nhịp được tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng sâu tiến bộ của công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sự cần thiết của chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thị xã Đông Triều xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhiệm vụ trọng tâm, vừa xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo của các cấp ủy và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người dân. Hiện nay, Đông Triều là một trong số ít những địa phương có lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 85%; thị xã đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản tại 100% các phòng chuyên môn. Các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo quản lý đều được cấp hộp thư công vụ và chữ ký số. Bên cạnh chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, Đông Triều đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển thương mại điện tử nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử của tỉnh (Posmart và Vostro) và sàn thương mại điện tử thị xã (dongtrieumart.vn).

Bí thư Thị ủy Đông Triều Nguyễn Văn Công kiểm tra mô hình sản xuất rau trong nhà màng tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vineco (xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều)_Nguồn: 

Là vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, thị xã Đông Triều đã triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, từng bước hình thành mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao. Thị xã xác định chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân, dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Đông Triều triển khai nhiều mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây, có diện tích trên 100ha, với 13 nhà kính và nhà màng, trồng các loại quả như: dưa chuột, cà chua, dưa lê kim hoàng hậu... Diện tích còn lại sản xuất ngoài đồng ruộng theo từng mùa vụ cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu. Sản lượng rau, củ trung bình 4-5 tấn/ ngày; được cung cấp tới các siêu thị, khu chung cư của Tập đoàn VinGroup. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang tạo việc làm cho khoảng 150 đến 170 lao động ở các xã Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây và Hoàng Quế, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Nhu cầu thị trường đang rất cần các sản phẩm nông  nghiệp sạch, có địa chỉ cụ thể. Do vậy, trong quá trình sản xuất, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần quan tâm nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho người dân, xây dựng mô hình liên kết, chuỗi sản phẩm giá trị, quan tâm thu hút lao động địa phương, tạo việc làm thu nhập cho người lao động. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong thuộc phường Xuân Sơn có quy mô 13ha, trồng các loại rau như rau muống, cải, rau xanh các loại, bầu, bí…, với sản lượng từ 120 - 150 tấn/năm, tiêu thụ tại các nhà máy, công ty, trường học, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, hợp tác xã và hộ dân đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,… để tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Nhiều hộ dân chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình thương mại, mã hóa thông số, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín, như Tiki, Lazada, Shopee, được người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng.

Tháng 4-2022, Đông Triều là địa phương đầu tiên trong tỉnh Quảng Ninh chính thức đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Thiết bị này có năng suất rất cao, mỗi ngày có thể phun được từ 70ha - 80ha cây trồng các loại, giúp nông dân tiết kiệm đến 30% chi phí cho thuốc trừ sâu, 90% lượng nước và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe nông dân.

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của thị xã cần tiến hành phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất chế biến nông nghiệp và  nông dân về chuyển đổi số. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã cần đẩy mạnh việc ứng dụng số trong cung ứng dịch vụ dự báo dịch bệnh; hướng dẫn người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận các loại máy móc thiết bị tự động hóa như công nghệ viễn thám, máy bay không người lái nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thổ nhưỡng, các công cụ dự tính, dự báo dịch bệnh và môi trường bằng thời gian thực trong trồng trọt, chăn nuôi. Thúc đẩy cấp mã vùng trồng, quản lý vùng trồng trọt chăn nuôi tập trung, ứng dụng các dữ liệu lớn trong việc thu thập thông tin trong quá trình sản xuất để tự động hóa việc kiểm soát môi trường, điều kiện canh tác; cung cấp dữ liệu đầu vào phục vụ quá trình điều chỉnh, hoàn thiện quy trình sản xuất. Ứng dụng chuyển đổi số trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất (vật tư, chất lượng đất, nước, quá trình chăm sóc) đến khâu chế biến, sơ chế, đầu ra; làm tốt công tác liên kết trong sản xuất, gắn kết sản xuất với dự báo thị trường, phát triển thương mại điện tử, phát huy sàn điện tử Đông Triều Mart; vừa chuyển đổi số vừa kết hợp xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị.

Để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 20-3-2022, về triển khai Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã Đông Triều đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đề ra mục tiêu: tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của thị xã. Đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân, tổ chức và doanh nghiệp, hợp tác tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Theo đó, thị xã Đông Triều phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% công việc được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của thị xã, của tỉnh; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm dùng chung ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập. Đồng thời, hình thành cơ sở dữ liệu số nông nghiệp về quy hoạch, thống kê, báo cáo, phân tích số liệu phục vụ chỉ đạo điều hành được tích hợp kết nối, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở; phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản của thị xã được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành được định kỳ hằng năm tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số, trong đó 10% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu./.