TCCS - Với quan điểm xây dựng hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ninh trở thành một vùng đô thị hiện đại, sinh thái ở tầm khu vực và quốc tế, việc phát triển đô thị được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá.

Một góc thành phố Hạ Long_Nguồn: quangninh.gov.vn

Tỉnh Quảng Ninh có hệ thống đô thị khá phát triển, tuy nhiên tốc độ phát triển và quy mô có sự khác biệt. Các đô thị phát triển nhanh, có quy mô lớn chủ yếu phân bố tập trung tại khu vực ven biển, bám trục quốc lộ18, gắn với các khu vực phát triển khu du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cửa khẩu. Trong khi đó, các đô thị phát triển chậm, quy mô nhỏ chủ yếu tại các huyện miền núi, hải đảo do hạn chế về điều kiện tự nhiên, địa hình, giao thông.

Hệ thống đô thị tỉnh chủ yếu phát triển theo tuyến, nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch nơi có điều kiện đất đai hoặc gắn với vùng có tài nguyên phát triển về du lịch, dịch vụ, khai thác than, công nghiệp, cảng biển hoặc tại trung tâm đơn vị hành chính cấp huyện. Các đô thị tỉnh đã và đang là các trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh và mỗi địa phương.

Những năm qua, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị đã được tỉnh tập trung triển khai. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch xây dựng, như quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng các vùng huyện. Hiện tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai các bước lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên (khu vực phía Tây Nam quốc lộ 18) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050...

Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo nâng cấp quốc lộ18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Uông Bí - Đông Triều; đường vào Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Hải Hà; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn...

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai có hiệu quả hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc. Hạ tầng y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại. Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại, hướng tới đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Cùng với đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả cải cách hành chính nhà nước thông qua việc cải thiện chỉ số PCI, chỉ số Par Index, chỉ số PAPI để thực hiện tốt nhất tất cả các nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội thực hiện các quyền và nghĩa vụ trên tất các các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn_Nguồn: quangninh.gov.vn

Chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục trong nhiều năm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền địa phương cải thiện rõ rệt. Điều đó được khẳng định với bước đột phá ba năm liên tục từ năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh luôn đứng đầu cả nước; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng.

Nguồn nhân lực được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng theo quy hoạch, đề án. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 85% (cả nước đạt khoảng 65%), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (cả nước đạt khoảng 25%).

Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành chương trình nâng cấp đô thị theo chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020. Toàn tỉnh có 13 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái); 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều); 2 đô thị loại IV (thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng) và 5 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V (Quảng Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà và Cô Tô).

Để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh đã đề ra 7 nhóm giải pháp: Xây dựng năng lực quản lý đô thị; quy hoạch; nâng cao năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước; thu hút dân số và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hệ thống công trình hạ tầng đô thị; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Với các nhóm giải pháp rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với những tiền đề, nền tảng vững chắc chúng ta đã có, tin tưởng rằng mục tiêu trở thành thành phố đô thị loại I sẽ sớm đạt được.

Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh 66,96%, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ), cao hơn so với trung bình các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng (40,43%) và so với trung bình cả nước (35,74%)./.