Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trước nhiều thách thức
TCCSĐT - Sau hơn một thập niên tăng trưởng ấn tượng, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu xấu đi rõ rệt. Đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7-2016, Thổ Nhĩ Kỳ lại càng đứng trước nguy cơ suy thoái sâu hơn về kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn hơn và các biến động trên thị trường tài chính có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Không còn giai đoạn “tăng trưởng thần kỳ”
Năm 2002, khi ông T. Éc-đô-gan lên nắm quyền Thủ tướng cùng Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm ở giao điểm Á - Âu này đã có một lực đẩy khá tốt. Trước đó, năm 2001, K. Đơ-vít, một chính khách và kinh tế gia xuất chúng lên làm Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và ngay lập tức đề ra những cải cách mạnh bạo. K. Đơ-vít tiến hành tự do hóa nền kinh tế, ưu tiên lớn cho lĩnh vực tư nhân và tập trung mạnh vào việc thay đổi tư duy quản lý. Dù K. Đơ-vít chỉ tại vị một năm nhưng những tín hiệu tích cực đã liên tục xuất hiện và vào thời điểm đó, ông T. Éc-đô-gan đã quyết định lựa chọn đi tiếp con đường của K. Đơ-vít.
Giai đoạn 2002 - 2007, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm 7,2% (1). Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các quốc gia vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và vẫn có tốc độ tăng trưởng dương là 0,6%. Tăng trưởng GDP năm 2009 đạt 4,6% và ngay sau đó, kinh tế hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng đạt 8,8% trong năm 2010 và 9,2% trong năm 2011 (2), tốc độ tăng trưởng chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thành công kinh tế có được là nhờ kết quả của một loạt các chính sách cải cách được khởi xướng bởi cựu Bộ trưởng Kinh tế K. Đơ-vít và một phần là nhờ vào chương trình bình ổn mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã triển khai trong giai đoạn 2000 - 2001. Các chính trị gia và kinh tế gia ca ngợi “mô hình Thổ Nhĩ Kỳ” như một hình mẫu đáng học hỏi và cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu (EU) khá rộng mở đối với quốc gia này.
Từ cuối năm 2012, các bất ổn kinh tế bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn nửa sau năm 2012 đến giữa năm 2015, tăng trưởng GDP giảm xuống mức 3% (3). Cuối năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp đã vượt ngưỡng 10% (4). Đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ (đồng li-ra, TRY) mất giá với tốc độ sụt giảm nguy hiểm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh. Nếu như năm 2007, Thổ Nhĩ Kỳ thu hút được 22 tỷ USD đầu tư nước ngoài, mức cao nhất trong nhiều năm qua thì đến năm 2014, con số này chỉ còn khoảng 12,5 tỷ USD (5). Những tháng đầu năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát, giữ ổn định ở mức 6,57% trong tháng 5-2016 (6). GDP của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh hơn so với dự kiến, đạt 4% trong năm 2015 và tăng 4,8% trong quý I-2016 (7). Tuy nhiên, các bất ổn chính trị gần đây đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nguy cơ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi ngày một rõ rệt.
Nguyên nhân của vấn đề này trước hết đến từ chính những bất cập trong vận hành mô hình kinh tế. Trong một thời gian dài, nhờ vào thị trường lao động dồi dào, có kỹ năng cao, Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tạo nên một nền kinh tế gia công hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, một nền kinh tế gia công cũng đồng nghĩa với việc giá trị gia tăng thấp và luôn chịu tác động lớn từ các biến động của dòng tiền bên ngoài. Và đây chính là mấu chốt của vấn đề: các nguồn vốn đầu tư trực tiếp chịu sự tác động lớn bởi các biến động chính trị. Vài năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng bất ổn và xung đột chính trị liên miên. Tổng thống T. Éc-đô-gan đã coi cuộc xung đột ở nước láng giềng Xy-ri là một cơ hội lớn về địa - chính trị để đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại như một đế chế Ốt-tô-ma trước kia. Tham vọng đó đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy xung đột Xy-ri, với các tính toán, mặc cả chính trị phức tạp, kéo theo đó là sự tụt dốc của nền kinh tế. Mặt khác, nhiều người tị nạn Xy-ri đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạo nên gánh nặng kinh tế cho An-ka-ra. Bên cạnh đó, tham vọng sửa đổi hiến pháp theo chế độ tổng thống để thâu tóm quyền lực mạnh hơn của Tổng thống T. Éc-đô-gan đã làm bùng nổ những làn sóng phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập, các tổ chức xã hội dân sự và cả giới truyền thông. Sự cân bằng ổn định nhiều năm trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ tan biến, bạo lực bùng phát với các vụ khủng bố giết hại hàng trăm người trong năm 2015 và cuộc chiến với Đảng công dân người Cút (PKK) nóng bỏng trở lại.
Tất cả yếu tố trên đang tạo nên mối đe dọa lớn không chỉ đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến động chính trị to lớn ở quốc gia có vị trí địa - chính trị đặc biệt nhạy cảm và quan trọng này. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu có tâm lý e ngại khi đầu tư vào đây.
Nhiều bất ổn
Âm mưu đảo chính bất thành chống chính phủ Éc-đô-gan ngày 15-7-2016 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tính toán ban đầu, biến động chính trị đã gây thiệt hại cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 300 tỷ li-ra (tương đương 100 tỷ USD) (8). Về trung hạn, thiệt hại kinh tế có thể còn cao hơn do nguồn thu từ hoạt động du lịch sụt giảm và nhiều hợp đồng với nước ngoài đã bị hủy bỏ. Trước đó, hoạt động du lịch đã bị giảm sút mạnh sau các cuộc tấn công khủng bố và mâu thuẫn với Nga sau vụ bắn rơi máy bay Su-24, doanh thu du lịch giảm 23% trong tháng 5-2016 (9). Sau đảo chính, các nhà kinh tế dự báo, doanh thu du lịch sẽ giảm khoảng 8 tỷ USD năm 2016, tương đương với 1% GDP (10).
Thâm hụt ngân sách trong năm 2016 dự báo tăng lên 4,5% GDP, thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ giảm xuống 20% (11). Đồng li-ra ngay lập tức giảm 5% (12) - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Bank Asya, ngân hàng lớn thứ 6 của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu gặp vấn đề vào năm 2014 khi phong trào của Giáo sỹ F. Gu-len bị liệt vào danh sách những mối đe dọa an ninh quốc gia. Sau ngày 15-7-2016, An-ka-ra đã tạm ngưng hoạt động Bank Asya khiến khách hàng rút mạnh tiền gửi và nguy cơ “nợ xấu” gia tăng. Chi phí vay nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như rủi ro suy thoái tăng lên sau cuộc đảo chính. Các hãng xếp hạng tín dụng đều đánh giá tình hình Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi, làm giảm tính hấp dẫn đầu tư của nước này. Ngày 20-7-2016, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Thổ Nhĩ Kỳ một bậc, từ BB+/B xuống BB/B, cả hai mức đều được coi là không nên đầu tư và đánh giá triển vọng nợ công là tiêu cực. Ngoài ra, việc Tổng thống T. Éc-đô-gan tuyên bố khả năng tái áp dụng án tử hình sau vụ đảo chính bất thành khiến các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, các nhà đầu tư EU nói riêng lo ngại.
Không chỉ có vậy, sau cuộc đảo chính bất thành, chính quyền An-ka-ra tiến hành một chiến dịch thanh trừng trên diện rộng. Quy mô thanh trừng rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra một phản ứng dữ dội về chính trị và bất ổn xã hội. Chiến dịch thanh trừng không loại trừ một lĩnh vực nào, kể cả báo giới. Sau khi nhắm vào các lĩnh vực chủ chốt trong giới công chức, các cuộc thanh trừng sau đó được mở rộng sang các lĩnh vực xã hội dân sự như truyền thông, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và các doanh nghiệp. Tổng thống T. Éc-đô-gan cam kết sẽ cắt đứt nguồn thu nhập của những doanh nghiệp có dính líu tới Giáo sỹ F. Gu-len. Hiệu trưởng và trưởng khoa ở một số trường đại học buộc phải từ chức có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trong sinh viên; việc loại bỏ và thay thế hàng ngàn công chức cũ bởi các nhân viên mới có thể ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ; việc cáo buộc các doanh nghiệp tư nhân có mối liên kết với F. Gu-len sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Ước tính có khoảng từ 3 - 5 triệu người (13) đứng về phía F. Gu-len và nhiều người trong số này đang hoạt động trong khu vực tư nhân... Đây là điều sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng dài hạn của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, trước đây chính quyền An-ka-ra vẫn cam kết tôn trọng các giá trị lối sống và văn hóa của người dân thế tục. Sau đảo chính, vấn đề này sẽ có sự điều chỉnh theo xu hướng bảo thủ hơn, thúc đẩy nạn chảy máu chất xám ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng với Mỹ và EU khiến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị tổn hại nghiêm trọng. Tổng thống T. Éc-đô-gan đã đưa ra lời cáo buộc phương Tây hậu thuẫn “khủng bố” và những đối tượng thực hiện đảo chính nhằm lật đổ ông, đồng thời tuyên bố Giáo sỹ F. Gu-len đang sống ở Mỹ là nguyên nhân chính của cuộc đảo chính, do vậy, kêu gọi Mỹ dẫn độ F. Gu-len. Ngược lại, Mỹ và EU mặc dù lên án vụ đảo chính, song cảnh báo An-ka-ra về tác động của cuộc thanh trừng. EU gia tăng áp lực về vấn đề nhân quyền với Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính. Ngày 03-8-2016, Thủ tướng Áo C. Ken-nơ kêu gọi EU ngừng các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của khối này.
Tác động kinh tế sau đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ còn phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của sự xáo trộn thị trường, nhưng trước mắt, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn, đồng li-ra vẫn chịu áp lực giảm giá. Về lâu dài, các hậu quả kinh tế sẽ phụ thuộc vào các trấn áp chính trị. Sau chính biến, tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại từ 4% năm 2015 giảm xuống chỉ còn 3% trong năm 2016 (14). Lạm phát sẽ vượt mục tiêu kiềm chế mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đề ra trong hai năm tiếp theo (dự báo lạm phát năm 2016 là 7,8% và 7,5 % trong năm 2017) (15).
Như vậy, sau hơn một thập niên tăng trưởng ngoạn mục, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang phải đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải cải cách nền kinh tế, nâng cao sức sản xuất nói chung, năng lực đổi mới công nghệ, gia tăng giá trị thặng dư của các sản phẩm chế tạo, xuất khẩu. Trước mắt cần nhanh chóng ổn định tình hình, các thể chế cần phải hoạt động hiệu quả, không bị gián đoạn và duy trì niềm tin của cộng đồng quốc tế vào nền kinh tế nước này./.
---------------------------
(1), (2), (3), (4) Is this the end of Turkish miracle?, http://www.al-monitor.com/pulse/originals, ngày 8-2-2016
(5) Erdoganomics, http://www.economist.com, ngày 6-2-2016
(6), (7) Turkey’s economy to miss growth targets: Economists, https://www.dailystar.com.lb, ngày 23-7-2016
(8) Coup attempt cost Turkish economy $100bn - Trade Minister, https://www.rt.com, ngày 2-8-2016
(9), (11), (12) Turkey acts to reassure on economy after failed coup, https://www.ft.com, ngày 17-7-2016.
(13) How will Turkey’s failed coup and massive purge affect its economic future?, http://theconversation.com/, ngày 28-7-2016.
(10), (14) Clouds gather for Turkey economy after attempted coup, http://www.thenational.ae, ngày 24-7-2016.
(15) Turkey’s Tourism Drop Is Dragging the Economy Down With It, https://skift.com, ngày 24-7-2016.
Xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng trung ương  (24/08/2016)
Xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng trung ương  (24/08/2016)
Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản làm việc với đồng chí Bob Briton, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a  (24/08/2016)
Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" tại An Giang  (23/08/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Liên đoàn các Tổ chức kinh tế Nhật Bản  (23/08/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên