Hà Nội quan tâm đầu tư phát triển y tế cơ sở tạo nền tảng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
TCCS - Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”. Đồng thời thực hiện giải pháp “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ”.
Y tế cơ sở ở thành phố Hà Nội hiện nay bao gồm: Y tế thôn, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mạng lưới y tế cơ sở của Thủ Đô ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi - là những khu vực điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn, ở xa các bệnh viện trung ương.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi hợp nhất tỉnh Hà Tây với thành phố Hà Nội (năm 2008) mạng lưới y tế cơ sở của Thủ đô đã được thành phố chú trọng quan tâm củng cố, phát triển. Hà Nội là một trong số địa phương có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn. Hiện nay, thành phố có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được khảo sát, chấm điểm và đạt chuẩn quốc gia về y tế xã với mức điểm từ 80% trở lên (trên tổng điểm 100). Trong giai đoạn 2010 - 2020, được sự quan tâm của thành phố, các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, công tác đầu tư nâng cấp, xây mới, cải tạo cho khối y tế cơ sở đã dần được chú trọng và triển khai tương đối hiệu quả. Các trạm y tế đóng vai trò rất quan trọng, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh; đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm, càng chứng minh vai trò hết sức quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đối với việc chăm sóc, quản lý sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề, như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là “chất lượng dịch vụ”, “lòng tin của người dân” và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ cở phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện. Bên cạnh đó, nhân lực y tế - vấn đề được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở, là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ quản lý, theo dõi người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn còn thiếu. Đến thời điểm hiện nay có 66/579 (11,4%) số trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm, do đó, ngành y tế đã có giải pháp cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ, tăng cường và làm việc. Nhiều xã, phường của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế. Với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe bảo đảm cho tối đa từ 13.000 - 15.000 dân. Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh, theo đó định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài, song song với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các trạm y tế cũng phải triển khai đồng thời nhiều hoạt động như tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe các đối tượng cách ly tại nhà cũng như tại các khu cách ly tập trung, trực dịch 24/24h cũng không được nghỉ bù, thậm chí còn phải làm liên tục cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng đội ngũ y, bác sỹ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ khối trạm y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề (trung bình từ 5-7 triệu/tháng), khi tham gia các hoạt động phòng chống dịch được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.
Trong những năm tới, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra: Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khoẻ nhân dân. Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y, dược của tư nhân và đầu tư nước ngoài; gắn phát triển du lịch với chăm sóc sức khoẻ. Tiếp tục triển khai Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU như: Số giường bệnh/vạn dân: 30 - 35; số bác sỹ/vạn dân: 15; duy trì tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe: 100%. tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất: 85%. tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất: 90%...
Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo là cần phải đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính, mà trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở.
Một là, điều chỉnh cơ chế chính sách, bảo đảm tăng cường phát triển hệ thống y tế cơ sở để bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế ít tốn kém, tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Hai là, quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo hoặc xây mới các trạm y tế không bảo đảm chất lượng, đã xuống cấp.
Ba là, cần có chính sách thu hút cán bộ y tế cơ sở
Để phát triển y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đề xuất thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở, như hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại trạm y tế, hỗ trợ tăng thu nhập hằng tháng, hỗ trợ kinh phí khi cử đi đào tạo...; quan tâm tuyển dụng bác sĩ y học gia đình, y học dự phòng, y học cổ truyền. Đồng thời ban hành cơ chế chính sách cho phép trung tâm y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách thành phố. Như đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số trên 25.000 dân thì cứ thêm 2.000-3.000 dân được bổ sung thêm 1 nhân viên y tế và cứ trên 10 cán bộ y tế được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên. Đây là giải pháp căn cơ, cụ thể góp phần quan trọng nhằm ổn định nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở…
Ngoài ra cần tăng định mức kinh phí theo đầu dân cho các hoạt động phòng, chống dịch và sự nghiệp y tế tại tuyến cơ sở. Hiện nay, thành phố đang bố trí kinh phí sự nghiệp y tế dân số 18.000 đồng/người. Mức kinh phí này hiện giờ vẫn chưa đáp ứng được so với các hoạt động và nhiệm vụ về y tế và dân số ngày càng đa dạng.
Trung tâm y tế đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, trực tiếp quản lý trạm y tế xã nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến huyện. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình tại nơi có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng tốt hơn.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ trạm y tế xã làm những việc theo danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Thực hiện luân phiên nhân viên y tế từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…
Đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện. Thực hiện nghiêm túc Thông tư 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản để khuyến khích người dân đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã. Ðồng thời thực hiện đẩy mạnh việc quản lý sức khỏe, theo dõi các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở để y tế cơ sở thật sự trở thành nền tảng, xương sống của hệ thống y tế Việt Nam.
Bốn là, về tài chính: Ðồng thời với giao nhiệm vụ phải kèm theo đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở. Bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, tăng tỷ trọng chi bảo hiểm y tế, huy động các nguồn vốn ODA, tư nhân, xã hội hóa cho y tế cơ sở. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
Năm là, về cơ sở hạ tầng: Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, nhưng tin rằng, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và của toàn dân, ngành y tế sẽ phát huy được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mục đích lớn nhất của ngành y tế là tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí; được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe. Y tế cơ sở sẽ không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện và lồng ghép.
Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp nhằm duy trì đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô; quy định cơ chế đặc thù về bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý đối với người lao động không phải là viên chức tại các đơn vị tự chủ tài chính để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách số hoá về quản lý y tế.
Tuyển dụng và đào tạo nhân sự trong lĩnh vực y tế cơ sở; sắp xếp nhân sự phù hợp với mô hình tổ chức hiện hành, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện các danh mục kỹ thuật; bảo đảm chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân viên y tế để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu của người dân./.
Phát huy vai trò của đầu tư công trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững  (20/10/2022)
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay