Bầu cử Nghị viện châu Âu: Một bước tiến nữa đối với các đảng dân túy và cực hữu
Đã không có một cú sốc thực sự lớn trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, kể cả những người lạc quan nhất cũng không thể che giấu thực tế rằng Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) không còn giữ được thế độc tôn. Khối Đảng Nhân dân châu Âu và Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ dự kiến chia nhau 44% tổng số ghế ở Nghị viện châu Âu. Đây là hai khối đảng đại diện cho quyền lực truyền thống, vốn dĩ duy trì suốt 40 năm qua ở châu Âu.
Lần đầu tiên kể từ năm 1979, EEP và S&D không thể hình thành một cặp khối đảng trung tả và trung hữu để dẫn dắt châu Âu. Họ sẽ phải liên minh với khối đảng thứ ba, đồng nghĩa có thêm các đảng tham gia vào các quyết sách tương lai. Hai khối đảng lớn không còn tự động chiếm đa số nữa. Và việc ra quyết định sẽ trở nên khó khăn hơn ở nghị viện.
Nghị viện châu Âu (Europarl hay
EP) là một nghị viện với các nghị sĩ được bầu cử trực tiếp của Liên minh
châu Âu (EU). Cùng với Hội đồng Liên minh châu Âu (the Council), nó tạo
thành lưỡng viện cơ quan lập pháp của các thể chế của Liên minh và được
mô tả là một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Nghị
viện châu Âu bao gồm 751 nghị sĩ. Nghị viện được bầu cử trực tiếp mỗi
năm năm một lần theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Đây là cuộc bầu cử EP
lần thứ 9 kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1979, diễn ra từ
23 đến 26-5-2019 với cử tri đại diện cho 512 triệu người của 28 nước EU.
Các đảng dân túy và cực hữu có bước tiến lớn
Là quốc gia lớn nhất EU cả về dân số và quy mô nền kinh tế, Đức có nhiều đại diện nhất tại EP với 96 ghế. Kết quả kiểm phiếu sau ngày 26-5 cho thấy liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) chỉ giành được 28,1% số phiếu, giảm 7,2% so với cuộc bầu cử năm 2014.
Thất bại nặng nề nhất lại thuộc về đảng Dân chủ Xã hội (SPD), chỉ còn được 15,5% cử tri ủng hộ, giảm tới 11,8% so với năm năm về trước. Tổng cộng, "đại liên minh" cầm quyền ở Đức hiện nay mất tới 19% số phiếu, mức độ sụt giảm uy tín ở mức "kinh khủng". Trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức năm 2017, cả ba đảng này cũng chỉ mất tổng cộng 12,5% số phiếu bầu so với năm 2013.
Ở chiều ngược lại, đảng Xanh theo đường lối bảo vệ môi trường đã tạo ra một bước nhảy vọt ngoạn mục khi trở thành đảng lớn thứ hai của Đức ở EP, giành 20,8% phiếu bầu, tăng 10,1% so với kỳ trước. Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức theo đường lối cực hữu cũng tiếp tục nhận được thêm 3,8% cử tri ủng hộ, lên mức 10,9%. Đảng Cánh tả mất 1,9% phiếu, còn 5,5% trong khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) tăng 2,2% phiếu, lên mức 5,6%.
Việc cả ba đảng trong chính phủ "đại liên minh" cầm quyền hiện nay ở Đức tiếp tục mất phiếu là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử này càng khiến uy tín của cả CDU, CSU và SPD sụt giảm nghiêm trọng, có thể dẫn đến những xáo trộn mạnh mẽ trên chính trường Đức trong thời gian tới.
Còn tại Paris, kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã xác nhận sự đối đầu truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu chính thức biến mất, nhường chỗ cho cuộc đấu tay đôi giữa đảng cầm quyền của Tổng thống Emmenuel Macron và đảng cực hữu của bà Marine Le Pen.
Các số liệu do Bộ Nội vụ Pháp công bố sáng 27-5 cho thấy, đảng Tập hợp Quốc gia của bà Le Pen dẫn đầu với 23,4% số phiếu, tiếp đó là đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Macron với 22,4% số phiếu. Kết quả này phản ảnh đúng các dự báo trước đó cho thấy xu hướng thắng thế của phe cực hữu Pháp. Đối với bà Le Pen, thắng lợi này được xem như là một "sự phục thù" cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017. Giới quan sát cho rằng việc để thua đối thủ cực hữu một điểm là một thất bại đối với chính ông Macron trên cả 2 bình diện đối nội và đối ngoại. Kết quả này có thể cản trở các tham vọng của Tổng thống Pháp trong các dự án cải cách Liên minh châu Âu.
Cuộc bầu cử EP 2019 tại Pháp đã mang lại 3 điều bất ngờ. Trước hết là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 51,3%, cao hơn 7 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử EP 2014 và cao hơn nhiều so với dự kiến. Dù chiến dịch vận động tranh cử tại Pháp bắt đầu khá muộn, công dân Pháp rất quan tâm đến các vấn đề của EU, gắn liền với các chủ đề chính của quốc gia trong thời điểm này như chuyển đổi sinh thái, tăng sức mua và quản lý nhập cư. Thứ hai là số phiếu bầu cho các nhóm ứng cử viên ủng hộ châu Âu tăng cao, vượt trên 4 điểm so với những nhóm theo đường lối hoài nghi, trong bối cảnh lòng tin vào hệ thống chính trị EU đang giảm sút mạnh. Thứ ba là sự trỗi dậy của đảng Xanh để vươn lên vị trí số 3 với 13,5% số phiếu. Người đứng đầu, nhà hoạt động môi trường Yannick Jadot trở thành mối quan tâm hàng đầu của những cử tri trẻ. Ông định hướng phát triển đảng Xanh theo đường lối “không tả không hữu”. Ông cũng tự khẳng định là một người ủng hộ châu Âu và sẵn sàng trợ giúp Tổng thống Macron trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của phong trào dân túy và chủ nghĩa dân tộc.
Cử tri Pháp trong ngày 26-5 đã mang đến câu trả lời cho bất cứ ai đang nghi ngờ về một cuộc cải tổ chính trị sâu sắc đang diễn ra trên đất nước hình lục lăng này. Điều này không chỉ tập trung vào các vấn đề bản sắc, khủng hoảng xã hội và sinh thái, mà còn liên quan đến các cấu trúc đảng phái. Sự đối đầu tả - hữu bị thay thế bằng cuộc song đấu giữa phong trào dân túy, dân tộc chủ nghĩa và phe chủ trương tự do, ủng hộ châu Âu. Theo giới quan sát chính trị Pháp, cuộc bầu cử EP 2019 đem đến một bài học: tương lai thuộc về những người đã và sẽ nỗ lực đổi mới chính mình.
Kết quả kiểm phiếu chính thức tại Ba Lan cho thấy đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu cầm quyền đã giành chiến thắng. Cụ thể, PiS đã chiếm được 45,38% số phiếu ủng hộ, qua đó giành 27 ghế trên tổng số 51 ghế tại EP được phân bổ cho quốc gia này. Về thứ 2 là đảng Liên minh châu Âu Tự do giành được 38,47% số phiếu ủng hộ, tương đương 22 ghế trong EP. Đảng mùa Xuân đã giành được 3 ghế còn lại với 6,06% số phiếu ủng hộ. Đây là lần đầu tiên PiS giành chiến thắng tại cuộc bầu cử EP trong bối cảnh tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử năm nay ở mức kỷ lục 45,68%. PiS thực hiện chiến dịch vận động bầu cử với chủ trương ủng hộ chi tiêu xã hội hào phóng, vốn đã được Thủ tướng Kaczynski thúc đẩy thông qua các biện pháp tăng lương hưu và phúc lợi trẻ em.
Tại Tây Ban Nha, quyền Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng kết quả cuộc bầu cử EP diễn ra ngày 26-5 trong đó đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) của ông giành chiến thắng, cho thấy nguyện vọng của người dân là tiến lên phía trước, ủng hộ các chủ trương của đảng cầm quyền. Đảng PSOE của ông Sanchez giành được 20 ghế trên tổng số 54 ghế trong nghị viện châu Âu được phân bổ cho Tây Ban Nha.
Đây là cuộc bầu cử EP lần thứ 9 kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1979. Cử tri toàn châu Âu đã bày tỏ thái độ bằng cách tước quyền đa số mà các đảng trung hữu và trung tả lâu nay có được tại Nghị viện châu Âu. Các đảng dân túy và dân tộc đã giành thắng lợi lớn ở Italy, Pháp và Anh. Tại Anh, đảng dân túy do ông Nigel Farage lãnh đạo với tư tưởng bài châu Âu đã chiến thắng mặc dù chỉ mới thành lập được 6 tuần. Tại Đức, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel chỉ giành 29% phiếu - mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi đảng Dân chủ Xã hội theo xu hướng trung tả về thứ ba với 16% số phiếu ủng hộ.
Tại Pháp và Đức, phe dân tộc chủ nghĩa đã thắng thế. Đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini được dự đoán sẽ chiếm 30% phiếu bầu tại Italy. Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen - trước đây có tên Mặt trận Quốc gia - giành được tới 23,4% phiếu bầu, vượt qua đảng của Tổng thống Emmanuel Macron.
Các chính phủ châu Âu lo ngại số lượng các nghị sĩ có tư tưởng bài châu Âu được bầu nếu ở mức cao có thể sẽ tác động tới khả năng thống nhất quyết định tại cơ quan lập pháp châu Âu. Kết quả bầu cử EP cho thấy có thể tỷ lệ ủng hộ các kế hoạch hội nhập Eurozone giảm sút và hậu thuẫn cho Italy trong những mâu thuẫn với Ủy ban châu Âu về vấn đề chính sách tài khóa. Vấn đề hội nhập Eurozone không còn được nhắc tới trong các chiến dịch vận động bầu cử. Thay vào đó là các vấn đề mà các chính trị gia quan tâm như biến đổi khí hậu, nhập cư hay các vấn đề xã hội.
Nguy cơ ngày càng chia rẽ
Khối đảng Nhân dân châu Âu và Liên minh Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ vẫn là hai đảng mạnh nhất tại Nghị viện châu Âu khóa mới, nhưng lần đầu tiên sau hai thập niên, liên minh này không còn chiếm đa số. Việc đảng Xanh và các đảng theo đường lối cực hữu giành được kết quả đột phá khiến Liên minh châu Âu đang đứng trước nguy cơ ngày càng chia rẽ, khi việc tìm được tiếng nói chung ở cơ quan lập pháp cao nhất trở nên khó khăn hơn. Kết quả cuộc bầu cử EP diễn ra từ ngày 23 đến 26-5 đang đẩy EU vào tình thế "rối càng thêm rối" trong bối cảnh khối này cần tinh thần đoàn kết hơn lúc nào.
Để giành được thế đa số, liên minh nắm quyền tại EP phải tập hợp được tối thiểu 376 ghế. Trong khi đó, hiện tại nhóm đảng EPP và S&D đang nắm giữ chỉ 329 ghế, sau khi đã để mất tới 75 ghế trong cuộc bầu cử này. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện một liên minh tối thiểu là 3 nhóm đảng tại EP trong nhiệm kỳ 2019-2024. Sự xuất hiện của một nhóm đảng thứ ba sẽ tác động nhiều đến khả năng hoạch định chính sách của EP, bởi việc tìm kiếm một tiếng nói đồng thuận chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn.
Để EP rơi vào tình trạng này, trước hết phải kể đến thất bại của những đảng truyền thống vốn giữ vai trò quan trọng tại các nước lớn. Ở Đức, liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) mất tới hơn 7% số phiếu. Tại Pháp, phong trào Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron thất thế trước đảng cực hữu Tập hợp quốc gia. Tại Hy Lạp, đảng Syriza chỉ xếp thứ hai sau đảng Dân chủ mới của phe bảo thủ đối lập.
Môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm của châu Âu hiện nay, và nhờ sự quan tâm lớn của các cử tri, đảng Xanh đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử EP lần này. Tại Đức, đảng Xanh đã vượt qua đảng Dân chủ Xã hội (SPD) để trở thành đảng lớn thứ hai của Đức ở EP, chỉ còn xếp sau liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Tại Pháp, đảng Xanh và sinh thái châu Âu (EEVL) cũng đạt được bước tiến rất quan trọng.
Bầu cử EP 2019 là một bước tiến nữa đối với các đảng dân túy và cực hữu, sau những thành công tại các cuộc bầu cử quốc gia gần đây. Những bước tiến hay chiến thắng quan trọng của các đảng này ở Italy, Pháp, Đức... sẽ góp phần hình thành nên một nhóm quyền lực mới tại EP, như chính nhận định của bà Marine Le Pen - người đứng đầu đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu tại Pháp. Không chỉ ở các nước lớn trong EU, các quốc gia nhỏ cũng chứng kiến sự lớn mạnh khó cưỡng của phe dân túy. Tại Hungary, đảng dân túy Fidesz của Thủ tướng Victor Orban đã giành chiến thắng vang dội, dự kiến đạt hơn 52% số phiếu ủng hộ, trong khi phái cực hữu vùng Flanders ở Bỉ cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, việc các đảng dân túy và cực hữu có mặt trong liên minh cầm quyền ở EP hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Để ngăn chặn nguy cơ này, vốn sẽ khiến EP rơi vào tình trạng rối loạn, khối trung hữu truyền thống tại EP có thể chào đón các thành viên của đảng Xanh, cũng như các đảng tự do tham gia liên minh. Vấn đề đặt ra, là khối đảng Xanh và tự do dường như không cùng đường lối với hai đảng trung hữu truyền thống đang chi phối các chính sách châu Âu hiện nay. Ngược lại, khối đảng Xanh và tự do có quan điểm giống như các nhóm hoài nghi châu Âu, là muốn cải cách và làm mới EU. Đây sẽ là rào cản đối với khả năng liên minh giữa phe trung hữu và khối đảng Xanh.
Lần đầu tiên kể từ năm 1999, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu EP đã vượt qua mức 50%. Tuy nhiên, đó không hẳn là một tín hiệu vui, khi các nghiên cứu và khảo sát chỉ ra rằng, tỷ lệ cử tri tăng trở lại chủ yếu đến từ nhóm những người ủng hộ các đảng chống lại châu Âu và các đảng dân túy. Điều đó cho thấy, mâu thuẫn và chia rẽ tại châu Âu ngày càng trầm trọng hơn.
Cuộc bầu cử EP lần này đã bộc lộ rõ, thậm chí phần nào khoét sâu thêm những chia rẽ vốn tồn tại trong EU, những chia rẽ không chỉ giữa các nước thành viên EU với nhau, mà cả trong nội bộ từng nước. Hàng loạt thách thức đang đặt ra với EP khóa mới, từ việc giải quyết bài toán Brexit với nước Anh, xử lý mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với nước Mỹ, hay các quan hệ không kém phần phức tạp với các nước lớn khác như Nga và Trung Quốc, đến những vấn đề nội bộ hơn như sự trỗi dậy của phong trào dân túy và cực hữu, ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế... Với một EP chia rẽ hơn trước, không gì có thể đảm bảo rằng châu Âu sẽ ổn định hơn so với giai đoạn vừa qua./.
100 học viên Trường Đại học Kinh Bắc được trao Bằng Thạc sỹ  (28/05/2019)
“Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi soi đường cho công tác xây dựng Đảng hiện nay  (28/05/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam