TCCSĐT - Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Từ tháng 8-2018 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngày 20-5-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dịch tả châu Phi đạt được một số kết quả bước đầu, như 1- Trong giai đoạn đầu, bệnh phát sinh ở nhiều nơi song lẻ tẻ, phạm vi các hộ nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy ít; số tỉnh, thành phố có dịch không tăng nhiều, chỉ tăng số lợn buộc phải tiêu hủy; 2- Thiệt hại do dịch bệnh gây ra được giảm thiểu, do có các giải pháp và việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh quyết liệt trong thời gian qua; góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất, nhất là tại các địa phương chưa có dịch bệnh; 3- Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn triệt để áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn (như chuỗi sản xuất thịt lợn của các công ty: GreenFeed Việt Nam, Masan, Dabaco, CP, …). Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh; 4- Chỉ đạo địa phương và các doanh nghiệp triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm và các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn; 5- Các cơ quan và doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh, sản xuất KIT chẩn đoán, phát hiện nhanh bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 

 Ở nước ta, tính đến ngày 12-5-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước. Cũng tại thời điểm đó, có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã; tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
 

 

Một số vấn đề nổi lên trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Một là, công tác giám sát, phát hiện, công bố dịch bệnh chưa kịp thời

Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch; chính quyền và một số cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, dẫn đến người dân bán chạy lợn bệnh, làm lây lan dịch bệnh.

Hai là, công tác tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết còn lúng túng, chưa triệt để

Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; lợn chết để trong chuồng quá thời gian quy định; người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường; kỹ thuật tiêu hủy và phương tiện vận chuyển lợn bệnh đến nơi tiêu hủy không bảo đảm, dẫn đến các chất thải rơi vãi ra môi trường; lực lượng tiêu hủy lợn chưa được tập huấn kỹ thuật; trang bị, dụng cụ, quần áo của người tiêu hủy lợn chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, dịch bệnh.

Ba là, áp dụng cơ chế, chính sách về hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn bệnh còn nhiều bất cập

Nhiều địa phương chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân có lợn tiêu hủy; mức hỗ trợ giữa các địa phương có khác nhau; mức hỗ trợ giai đoạn đầu có dịch cao hơn giá bán thị trường, dẫn đến người chăn nuôi để lợn mắc bệnh rồi báo cho chính quyền nhận mức hỗ trợ cao hơn giá bán ngoài thị trường.

Mức thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch thấp hơn ngày công thực tế, do vậy, việc huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, trong khi dịch còn kéo dài.

Nguồn kinh phí dự phòng của địa phương không đủ để chi trả cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bao gồm hỗ trợ tiêu hủy lợn, chi phí lấy mẫu, chẩn đoán xét nghiệm, thù lao cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh.

Bốn là, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu

Đến nay, kinh phí mua hóa chất phục vụ tiêu độc, khử trùng được Trung ương hỗ trợ hoặc từ nguồn ngân sách của địa phương. Việc tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc thiếu đồng bộ, do đó, chưa được đúng quy trình, không bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Năm là, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh

Dịch bệnh đang xảy ra mạnh chủ yếu tại các địa phương phía Bắc, nơi phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi nuôi lợn phổ biến xen lẫn trong khu dân cư, nhà ở đan xen với chuồng lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng nên có rất nhiều yếu tố làm lan truyền bệnh nhanh và rộng.

Sáu là, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng ở các địa phương, doanh nghiệp

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản, đã tổ chức đôn đốc, triển khai trong nhiều năm, nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm, chưa triển khai công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc quản lý các đàn không mắc bệnh và cấp phép chứng nhận để vận chuyển tiêu thụ theo quy định của pháp luật.

Bảy là, công tác kiểm soát, quản lý vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn còn nhiều bất cập

Do bỏ quy định bắt buộc về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật giữa vùng có dịch và không có dich; vận chuyển không sử dụng các phương tiện chuyên dụng, chất thải của động vật bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển; công tác tiêu độc khử trùng phương tiện, dụng cụ khi vận chuyển, thu gom xử lý chất thải trong quá trình vận chuyển cũng chưa được thực hiện đầy đủ; có nhiều cơ sở tắm động vật, lưu trữ tạm thời động vật tự phát gây khó khăn trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh động vật trong quá trình vận chuyển. Việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch đến các địa phương khác chưa được thực hiện nghiêm theo quy định; hoạt động tại các chốt kiểm dịch cấp xã có dịch bệnh chưa đem lại hiệu quả cao.

Cơ sở vật chất của hệ thống kiểm dịch tại các đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết các trạm không có nơi xét nghiệm, không có thiết bị để thực hiện các xét nghiệm nhanh; không có khu vực nuôi nhốt cách ly động vật và nơi lưu giữ sản phẩm động vật. Hành lang pháp luật chưa kích hoạt tính chủ động của các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông do đó còn phụ thuộc vào công an, quản lý thị trường trong việc dừng phương tiện vận chuyển, kiểm tra sản phẩm và động vật. Việc kiểm soát người, phương tiện qua các chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch gặp khó khăn do lưu lượng người, phương tiện lưu thông lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm, không thể khử trùng tiêu độc triệt để.

Tám là, quản lý giết mổ và tiêu thụ thịt lợn

Hiện, cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung và còn hơn 27.000 điểm/cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, việc kiểm soát giết mổ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, gây lây lan dịch bệnh. Tại nhiều tỉnh, thành phố, việc buôn bán thịt lợn chủ yếu tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, vận chuyển thịt lợn bằng xe máy không có bao gói nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Chín là, tổ chức hệ thống thú y và nguồn nhân lực bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém

Nhiều địa phương đã thực hiện việc sáp nhập hệ thống thú y trước đây vốn đã ổn định, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở theo những mô hình mới: Ở cấp tỉnh sáp nhập chi cục thú y thành tổ chức mới là chi cục chăn nuôi và thú y hoặc trung tâm dịch vụ nông nghiệp, chi cục phát triển nông nghiệp, phòng chăn nuôi và thú y (thuộc sở),... Ở cấp huyện, trạm thú y được sáp nhập, thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp/phòng kinh tế/phòng nông nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý. Ở cấp xã, ở nhiều địa phương chỉ còn 01 nhân viên phụ trách về nông nghiệp (khuyến nông, thú y, chăn nuôi, bảo vệ thực vật,…); không còn nhân viên thú y thôn/bản. Nguồn nhân lực cũng bị cắt giảm cơ học do tinh giản biên chế của hệ thống thú y các cấp, dẫn đến tình trạng vừa không đủ người, vừa không có đủ công chức, viên chức để thực hiện việc kiểm dịch động vật, cũng như các hoạt động thú y khác. Do đó, việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ bị trì trệ, hoạt động không hiệu quả, không giám sát, nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời; không tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không triển khai tiêm phòng vắc-xin; không thực hiện các biện pháp kiểm dịch xuất, nhập vào địa bàn cấp tỉnh; không thực hiện việc kiểm soát giết mổ động vật; không xử lý các trường hợp vi phạm;... Việc sáp nhập hệ thống thú y dẫn đến chi cục chăn nuôi và thú y không thể huy động lực lượng thú y của các huyện chưa có dịch đến hỗ trợ các huyện có dịch để tổ chức phòng, chống dịch bệnh như trước đây.

Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm khác khó khống chế ở nước ta, là do nhận thức về chăn nuôi và công tác thú y còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tình hình; tổ chức sản xuất chăn nuôi còn chưa phù hợp với việc phòng, chống, bảo đảm vệ sinh, an toàn dịch bệnh; bệnh dịch tả lợn châu Phi có kháng nguyên gây bệnh nguy hiểm, thế giới chưa chưa sản xuất được vắc-xin phòng bệnh; tổ chức, hoạt động thú y trong vùng dịch còn nhiều bất cập; công tác phòng, chống dịch bệnh rất chủ động nhưng hiệu quả còn thấp do chưa cắt đứt được các yếu tố, tác nhân truyền bệnh trong tự nhiên...

Để phòng, chống hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi ở nước ta hiện nay

Một là, cần huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị nhằm nhanh chóng khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi và phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn bền vững, giảm thiệt hại cho kinh tế đất nước.

Hai là, hệ thống các cơ quan tuyên truyền, truyền thông của Đảng và Nhà nước cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến từng khu dân cư, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận thức rõ về trách nhiệm của người dân trong việc tích cực tham gia chăn nuôi có trách nhiệm, có kiểm soát và phát triển bền vững. Bằng nhiều hình thức, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch nguy hiểm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân, từ đó động viên toàn dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch chủ động, giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, các cơ quan này cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Ba là, tập trung thực hiện kiên quyết và đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; phấn đấu khống chế thành công bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian nhanh nhất. Coi nhiệm vụ khống chế dịch bệnh này là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15-01-2019 của Bộ Chính trị.

Bốn là, tổ chức lại sản xuất của ngành chăn nuôi ở nước ta theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh: Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp để khống chế dịch, các bộ, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất theo hướng sắp xếp lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam.

Năm là, củng cố công tác thú y, trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng phát huy nguồn lực xã hội, xã hội hóa dịch vụ thú y, đổi mới cung ứng dịch vụ công về thú y hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi. Hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về thú y, chăn nuôi thông suốt, đủ mạnh để chủ động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế lây lan dịch bệnh. Trước mắt, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì, khôi phục hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y; đồng thời tăng cường năng lực thú y các cấp. Đầu tư cho nâng cao năng lực nghiên cứu, chẩn đoán, xét nghiệm về bảo vệ sức khỏe vật nuôi; có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghiệp sản xuất thuốc thú y và vắc-xin ứng dụng trong chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh lây giữa giữa người và động vật.

Sáu là, bảo đảm các nguồn lực tổ chức, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhanh chóng kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan.

Bảy là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh dịch tả lợn châu Phi; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát việc tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch ở từng cấp; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, phương tiện vật chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ các gia đình chính sách, các hội viên bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch bệnh này./.

 

 Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và kinh tế - xã hội; không loại trừ khả năng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc ban bố tình trạng khẩn cấp.