Phát huy tổng hợp nguồn lực xã hội trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển, đảo trên địa bàn Quân khu 3 hiện nay
TCCS - Chủ quyền biển, đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền toàn vẹn của đất nước, tạo nên không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, Quân khu 3 tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển, đảo.
Khơi thông các nguồn lực
Quân khu 3 bao gồm phần lớn vùng Đồng bằng Bắc Bộ và một số vùng phụ cận thuộc Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược, là hướng phòng thủ trọng yếu của đất nước, bao bọc vùng lãnh thổ phía Nam Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp Quân khu 1, Quân khu 2 ở phía Đông Bắc, Tây Bắc; Quân khu 4 ở phía Nam; Vịnh Bắc Bộ ở phía Đông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Quân khu 3, Quân khu đồng bằng, án ngữ Thủ đô, dựa vào Việt Bắc và Tây Bắc, nối liền với đất Thanh Nghệ miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình, đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến, đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là một mặt trận chống quân xâm lược”(1).
Hiện nay, địa bàn Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên), có diện tích tự nhiên 20.429,25km2, dân số trên 13 triệu người; địa hình đa dạng, có đủ đồi núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Trên địa bàn Quân khu 3 có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới (như Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Tràng An,...); có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, lâu đời (như Yên Tử, Bạch Đằng Giang, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền Trần, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc,...); có nhiều trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn của đất nước. Đến nay, đã có 6/9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 3 tự chủ về ngân sách (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình); có 54/92 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 1.264 xã, phường, thị trấn hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới,...
Quân khu 3 có diện tích mặt nước biển trên 10 nghìn km2, hơn 500km bờ biển, gần 2.500 đảo nằm trọn trong Vịnh Bắc Bộ, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng biển tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng (đảo Cái Bầu và Cát Bà có diện tích trên 100km2, là 2 trong số 3 đảo có diện tích lớn nhất nước). Đây là khu vực nằm trên tuyến giao thông đường biển, đường hàng không trong nước và quốc tế, có nhiều tiềm năng, giá trị lớn về kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh. Các huyện đảo Vân Đồn, Bạch Long Vĩ và đảo Cát Bà được xây dựng theo hướng trở thành khu kinh tế biển tổng hợp, từ đó phát triển, lan tỏa ra toàn bộ vùng biển, đảo Đông Bắc; đảo Vĩnh Thực nằm trong mối liên kết với thành phố Móng Cái được định hướng quy hoạch thành trung tâm kinh tế cửa khẩu có chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, cảng trung chuyển quốc tế, cửa ngõ đi ra biển của Bắc Bộ và Tây Nam Trung Quốc. Bên cạnh đó, vùng biển, đảo trên địa bàn Quân khu có tiềm năng về nguồn lợi hải sản, có tài nguyên khoáng sản đa dạng, thế mạnh lớn về du lịch biển; hệ sinh thái phong phú với di sản thiên nhiên thế giới, như quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An; nhiều bãi biển đẹp (như Vân Đồn, Cô Tô,...) khi được liên kết với các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch.
Hệ thống đảo trên địa bàn Quân khu phân bổ thành nhiều tuyến, nhiều lớp, hình cánh cung từ trong bờ biển ra ngoài khơi. Theo khoảng cách địa lý, có thể phân chia thành 3 tuyến chủ yếu là tuyến đảo ngoài, tuyến đảo giữa và tuyến đảo trong. Tuyến đảo ngoài là nơi có thể kiểm soát hoạt động ra, vào, đi lại của tàu thuyền. Tuyến đảo giữa có địa hình núi thấp, phạm vi quan sát rộng; có nhiều hang động rộng lớn, cùng với dải đất liền ven biển có mạng lưới giao thông đa dạng, thuận tiện cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, trận địa phòng không, trạm gác tiền tiêu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật... Tuyến đảo trong gần các cửa sông lớn, các vịnh sâu, kín gió, thuận lợi cho neo đậu tàu, thuyền và thiết lập các căn cứ hải quân lớn.
Những kết quả đạt được trong phát huy các nguồn lực
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng cường liên kết, phát triển vùng kinh tế trọng điểm cũng như phát huy các nguồn lực, phát triển kinh tế biển, đảo, góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc(2). Trên cơ sở chủ trương, chính sách, định hướng đó, Quân khu 3 và các địa phương ven biển đã nghiên cứu, ban hành các nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện, khả năng và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo, những năm qua, các tỉnh, thành phố có biển trên địa bàn Quân khu 3 đầu tư ngân sách, huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đảo một cách toàn diện, với trọng tâm là các ngành, lĩnh vực quan trọng, như kinh tế hàng hải; dịch vụ và du lịch biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản, hải sản; kinh tế huyện đảo; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đối với các đảo, công tác quy hoạch được xây dựng, điều chỉnh phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm đúng định hướng phát triển kinh tế trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo (trước hết là hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, thông tin liên lạc), các dự án xây dựng khu hậu cần dịch vụ nghề cá (đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) và hạ tầng khu, cụm công nghiệp được đầu tư phát triển bằng nhiều nguồn, ngày càng hiện đại, đồng bộ. Đến nay, các đảo có người ở trên địa bàn Quân khu đã được phủ lưới điện quốc gia (riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ sử dụng nguồn điện tại chỗ do vị trí cách xa đất liền).
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh là điểm sáng nổi bật trong việc thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên các đảo, trở thành địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc,... thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu và về đích trước 2 năm trong việc đưa điện lưới quốc gia đến tất cả thôn, khu, khe, bản với quy mô dưới 20 hộ trên đất liền và các xã đảo(3). Kết cấu hạ tầng và các dịch vụ y tế, giáo dục tại một số xã đảo, huyện đảo được tăng cường về chất và lượng. Tỉnh Quảng Ninh phân bổ nguồn lực lớn trong đầu tư và thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn thành trung tâm công nghiệp, giải trí, du lịch cao cấp (đã có 64 dự án đăng ký đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng nguồn vốn trên 62.900 tỷ đồng); đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại Khu kinh tế Vân Đồn đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động bến cảng cao cấp Ao Tiên (vốn đầu tư trên 610 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án 240 tỷ đồng, vốn huy động khác 372 tỷ đồng), phục vụ nhân dân sinh sống trên các đảo và khách du lịch tham quan các địa điểm thuộc Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.
Cùng với tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng chủ trương phát triển hệ thống cảng vươn dần ra biển, đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng vừa mang tính chiến lược, vừa kết nối hạ tầng giao thông, tạo đà, tạo thế để thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng Cát Hải thành trọng điểm kinh tế biển của thành phố và là “đảo thông minh”, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, khu công nghệ hiện đại; xây dựng đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái quốc tế. Tính chung, giai đoạn 2011 - 2020, tổng vốn đầu tư của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải chiếm khoảng 68% tổng vốn đầu tư toàn thành phố Hải Phòng. Mặt khác, về dịch vụ, thương mại, thành phố Hải Phòng tiếp tục định hướng và thúc đẩy xây dựng, phát triển các khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà với kết cấu hạ tầng văn minh, hiện đại gắn với phát huy các di sản văn hóa lịch sử đặc biệt, độc đáo của thành phố Hải Phòng.
Việc phát triển kinh tế trên các đảo luôn được kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tỉnh, thành phố có biển trên địa bàn Quân khu 3 đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung định hướng phát triển các ngành thuộc lĩnh vực biển. Thành phố Hải Phòng chú trọng đầu tư, xây dựng mới một số dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh tuyến ven biển, hải đảo tại Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Đồ Sơn; xây dựng các công trình, nhà máy, dự án khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, hệ thống giao thông đường thủy, các dự án nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch, dịch vụ cảng biển,... mang tính lưỡng dụng, như Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải; Cảng nước sâu Lạch Huyện, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến đường bộ ven biển; đường xuyên đảo Cát Bà; cảng và khu neo đậu tàu Bạch Long Vĩ(4); tàu Hoa Phượng Đỏ (chở khách và hàng hóa) ra đảo Bạch Long Vĩ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Các địa phương có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách vận động, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân vùng ven biển, trên các đảo phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, hỗ trợ thủ tục cho hộ dân vay vốn đóng mới tàu dịch vụ thủy sản; triển khai sản xuất một số giống hải sản, cho thuê mặt nước biển ven đảo nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế và khôi phục tài nguyên biển.
Cùng với đó, các địa phương tích cực triển khai kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS),... góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp nắm chắc tình hình, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện hoạt động trên địa bàn biên giới biển, bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, đảo. Các địa phương tổ chức xây dựng, tu sửa nhiều công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trên các đảo; khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quân khu đã xây dựng quy hoạch hệ thống công trình phòng thủ trên các đảo gần bờ thuộc tuyến đảo Đông Bắc giai đoạn 2015 - 2025; chăm lo xây dựng lực lượng phòng thủ đảo, lực lượng vũ trang ở các địa phương ven biển vững mạnh. Các địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, tích cực triển khai xây dựng thế trận trong khu vực phòng thủ, bố trí đủ lực lượng công an chính quy tại các xã đảo làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân ra định cư tại những đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh...
Một số hạn chế, bất cập
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát huy các nguồn lực xã hội cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế trên các đảo thuộc địa bàn Quân khu 3 còn một số hạn chế, bất cập như sau:
Một là, các địa phương chưa có sự thống nhất chung trong thu hút nguồn lực, thiếu tính định hướng đầu tư bền vững, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai lập quy hoạch phát triển chung, chi tiết toàn vùng và việc điều phối, phân bổ các nguồn lực đầu tư phù hợp theo lợi thế của từng địa phương; việc thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại những đảo xa, có điều kiện khó khăn còn hạn chế; bố trí nguồn lực trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương “kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh” còn thiếu đồng bộ; việc đầu tư về khoa học - công nghệ cho phát triển kinh tế đảo ở một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm.
Hai là, việc phân bổ, quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động còn bất hợp lý. Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên các đảo còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Đầu tư vào kết cấu hạ tầng trên một số đảo còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước; hoạt động xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia còn hạn chế. Khung khổ pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ; việc quản lý, khai thác và sử dụng kết cấu hạ tầng còn bất cập.
Ba là, hoạt động du lịch trên một số đảo chủ yếu thuộc loại hình kinh tế nhà nước, chưa thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối kinh tế tư nhân, nhất là về hạ tầng du lịch... Phương tiện ra đảo phục vụ du lịch còn khó khăn, một số đảo giao thông chưa thuận lợi; đồng thời, hình thức du lịch còn đơn giản, chủ yếu mới hướng đến hoạt động trải nghiệm, giáo dục, khám phá. Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình chưa phát huy hiệu quả; phát triển nuôi trồng thủy sản còn chậm; dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn thiếu chiều sâu. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế. Đời sống nhân dân trên một số đảo gặp khó khăn nên chưa thực sự muốn định cư lâu dài tại đảo.
Giải pháp phát huy tổng hợp nguồn lực xã hội cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển, đảo thời gian tới
Để phát huy nguồn lực xã hội cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển, đảo, trong thời gian tới, Quân khu 3 và các địa phương trên địa bàn thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khơi thông, giải phóng tối đa, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện có và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhà đầu tư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng trên các đảo. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp trên các đảo. Phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển nhằm tạo điều kiện thiện lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo và công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh. Làm tốt quy hoạch không gian ven biển, ven đảo lớn cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển. Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng biển, đảo. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển, đảo theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Hai là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên các đảo đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực (xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn và kết cấu hạ tầng tại các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ...). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xây dựng các khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh bão, cơ sở bảo đảm hậu cần nghề cá, hệ thống công trình, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai trên các đảo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư phát triển du lịch bền vững, phát triển điện gió tại các đảo Bạch Long Vĩ, Vân Đồn, Cô Tô,... Quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định; nâng cao chất lượng rừng, chất lượng thu gom, xử lý rác thải rắn tại các xã đảo, huyện đảo, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động; có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng biển, đảo trong tình hình mới. Phát triển hệ thống thông tin đại chúng, mở rộng cơ hội và tăng cường năng lực cho người dân trên các đảo tiếp cận thông tin, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, có cuộc sống tinh thần lành mạnh. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu; khuyến khích đầu tư phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao (nhất là ở các địa phương, như Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Cát Hải...). Huy động nguồn lực nhằm nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang; xây dựng, hoàn thiện mô hình kết hợp quân dân y ở khu vực biên giới đất liền, trên biển và hải đảo. Nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước có liên quan tới đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực trên biển và hải đảo. Tổ chức kêu gọi, thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các đối tác, các quỹ trong và ngoài khu vực cho các dự án xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng trên một số đảo nhằm tạo thế đan xen lợi ích và phòng thủ tự nhiên. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bốn là, gắn phát triển kinh tế biển, đảo với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Bố trí nguồn lực cho các chính sách, chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên biển và hải đảo theo chủ trương “kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh”. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các đảo nằm trong quy hoạch các khu kinh tế quốc phòng; xây dựng các công trình hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo mang tính lưỡng dụng, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khi có tình huống. Đẩy mạnh dân sự hóa trên biển, đảo gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển; khuyến khích nhân dân định cư lâu dài và phát triển kinh tế trên các vùng biển, các đảo xa. Đa dạng hóa nguồn lực phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng./.
-------------------------
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng bằng sông Hồng đẹp, giàu, vị trí chiến lược quan trọng”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 6, năm 1992, tr. 1 - 2
(2) Cụ thể: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 11-10-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”,...
(3) Năm 2013, đã đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, huy động được 200 tỷ đồng tiền tài trợ,...
(4) Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đầu tư kết cấu hạ tầng, xúc tiến thực hiện dự án khu hậu cần, bến neo đậu tàu phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ thành cảng loại I, xây dựng, đưa vào sử dụng cảng và khu neo đậu tàu Tây Bắc. Từ năm 2016 - 2020, đã bố trí, sắp xếp 37.745 lượt phương tiện vào neo đậu và trao đổi hàng hóa trong âu cảng; bốc xếp, vận chuyển qua cảng đạt 100.342 tấn hàng hóa
Phát triển kinh tế biển: Nguồn lực tăng trưởng của tỉnh Khánh Hòa  (15/11/2023)
Kinh tế biển - Động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2030  (15/10/2023)
Vùng 3 Hải quân với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung trong bối cảnh mới  (06/10/2023)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm