BIDV - 65 năm tự hào phát triển cùng đất nước
TCCS - Ngày 26-4-2022, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tròn 65 tuổi - một dấu mốc đáng tự hào trong hành trình vươn tới của ngân hàng thương mại có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. 65 năm xây dựng và trưởng thành, BIDV luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao phó - là người lính xung kích trên mặt trận tài chính tiền tệ phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp đầu tư phát triển đất nước...
65 năm thực hiện những sứ mệnh vẻ vang
Lịch sử phát triển của BIDV là cuộc hành trình của một tổ chức luôn đồng hành với những nhiệm vụ trọng đại của đất nước - một hành trình vẻ vang với nhiều dấu ấn đáng tự hào.
Ngày 26-4-1957, với Nghị định 177/TTg của Thủ tướng Chính phủ, lịch sử ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam được ghi thêm một dấu mốc quan trọng với sự ra đời của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam - đơn vị thuộc Bộ Tài chính và là tiền thân của BIDV ngày nay.
Ngân hàng Kiến thiết được thành lập với nhiệm vụ chính là cấp phát vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt 18 năm (từ 1957 đến 1975), Ngân hàng Kiến thiết đã bám sát nhiệm vụ cốt lõi, cấp phát vốn kịp thời, hiệu quả để xây dựng hàng trăm công trình quốc kế dân sinh ở miền Bắc. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu như: Khu công nghiệp Thượng Đình; các nhà máy cơ khí ở Hà Nội; Khu gang thép Thái Nguyên; Khu công nghiệp Việt Trì; Phân đạm Hà Bắc; Supe phốt phát Lâm Thao; các nhà máy điện Uông Bí, Nghệ An; các mỏ than ở Quảng Ninh; Công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải; các trường đại học Bách Khoa, Kinh tế Kế hoạch; các bệnh viện, cơ sở y tế;... Đồng thời, ngân hàng đã tổ chức những đơn vị đặc biệt để cấp vốn xây dựng các công trình cầu đường, thông tin liên lạc, đường ống xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại,... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, giang sơn thu về một mối, Ngân hàng Kiến thiết đã tiếp quản và sớm hình thành mạng lưới hoạt động ở các tỉnh thành phía Nam để làm nhiệm vụ quản lý và cung ứng vốn nhằm tái thiết và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Trong bộn bề khó khăn, ngân hàng đã tập trung mọi nguồn lực với trách nhiệm cao nhất để tiếp tục thực hiện quản lý hiệu quả nguồn vốn phục vụ xây dựng các công trình tạo đà cho phát triển kinh tế, tiêu biểu như: Đường tàu Thống Nhất, Dầu khí Việt - Xô, Thuỷ điện Trị An, Sợi Nha Trang, Thuỷ điện Đa Nhim, Đường La Ngà, Sửa chữa tàu biển Phà Rừng, Sợi Hà Nội, Giấy Vĩnh Phú, Đường Vạn Điểm, Thuỷ lợi Dầu Tiếng, Thủy lợi Phú Ninh...
Ngày 24-6-1981, nhằm triển khai chủ trương tập trung hệ thống tín dụng, tiền tệ vào một ngân hàng thống nhất, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định chuyển Ngân hàng Kiến thiết thuộc Bộ Tài chính để thành lập Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước với nghiệp vụ chủ yếu vẫn là cấp phát, cho vay thi công. Nhiều công trình tầm vóc thế kỷ như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Cảng Chùa Vẽ, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô,... hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao, tạo nền tảng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong gần 10 năm thực hiện sứ mệnh, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn để có những bước chuyển mạnh mẽ trong dòng chảy đổi mới của đất nước, khẳng định vị thế là một ngân hàng chuyên doanh chủ lực trong lĩnh vực kiến thiết, đầu tư, xây dựng đất nước, bắt đầu áp dụng cơ chế cấp tín dụng ưu đãi với nguyên tắc có vay, có trả để từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản. Qua đó, ngân hàng đã góp phần thiết thực hình thành cơ chế mới trong đầu tư kinh tế, khơi dậy tiềm năng to lớn của toàn xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh...
Thực hiện Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, ngày 14-11-1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên cơ sở chuyển đổi từ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng. Tiếp tục phát huy truyền thống xung kích và sáng tạo, BIDV đã có những đột phá về xoá bao cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản, tự lo một phần tới tự lo toàn bộ nguồn vốn cho đầu tư trung và dài hạn các công trình, dự án theo kế hoạch nhà nước; từ tín dụng theo kế hoạch đã phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới theo nhu cầu của thị trường.
Đến cuối năm 1994, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động cấp phát, tín dụng chỉ định được tách ra khỏi chức năng nhiệm vụ của BIDV để hình thành nên Tổng cục Đầu tư Phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Và kể từ 1-1-1995, BIDV chính thức hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại. Mặc dù chính thức chuyển sang kinh doanh thương mại muộn nhất trong số các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam, song bằng khát vọng cống hiến, bản lĩnh vững vàng, tinh thần đoàn kết, sự năng động sáng tạo,... BIDV đã trưởng thành vượt bậc về bản lĩnh vượt khó và tư duy kinh doanh; gặt hái được những thành tựu quan trọng về phát triển thể chế, mạng lưới, sản phẩm - dịch vụ, công nghệ, đối ngoại... Trong suốt hơn 2 thập kỷ tiếp đó, BIDV đã có những đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, đột phá và tăng tốc; hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả; vươn lên thành một ngân hàng có đẳng cấp cao, có đủ năng lực cạnh tranh và tự tin tham gia vào sân chơi quốc tế...
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, BIDV cổ phần hóa thành công và từ tháng 5-2012 chính thức chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần. Từ đó đến nay, BIDV tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước; linh hoạt theo diễn biến thị trường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và kế hoạch kinh doanh... BIDV đã chuyển đổi toàn diện, đồng bộ sang mô hình ngân hàng thương mại hiện đại, đa năng; xác lập mô hình kinh doanh theo tiêu chí của ngân hàng hiện đại; xác định khách hàng là trung tâm, công nghệ và nguồn nhân lực là giá trị, là công cụ cạnh tranh cốt lõi. BIDV cũng đã có những bước tiến phát triển trong đổi mới thể chế, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Hoạt động kinh doanh của BIDV luôn tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành ngân hàng và đất nước.
Trong giai đoạn này, một dấu mốc đáng nhớ đã được định danh trong dòng chảy lịch sử BIDV. Đó là năm 2019, BIDV hoàn thành giao dịch hợp tác chiến lược với Tập đoàn tài chính Hana (Hàn Quốc) và công bố Ngân hàng Hana là cổ đông chiến lược nước ngoài của BIDV. Đây là giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất lịch sử ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, đem lại lợi ích to lớn cho BIDV và cho cổ đông nhà nước. Qua đó tạo điều kiện để BIDV có cơ hội để thay đổi căn bản mô thức quản trị; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro; phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại với hàm lượng công nghệ cao; tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sản phẩm, tiện ích của khách hàng; mở rộng quy mô phục vụ nền kinh tế đất nước...
Thành quả đáng tự hào và khát vọng vươn xa
65 năm nỗ lực thực hiện sứ mệnh được giao, BIDV đã thể hiện rõ sự tận tụy và trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc; đã khẳng định vai trò của một tổ chức luôn xung kích, tiên phong, chủ lực trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thời gian trôi qua, đất nước ngày càng phồn thịnh, cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn,... nhưng những công trình, dự án phục vụ cho quốc kế dân sinh được tạo nên từ đồng vốn cấp phát/đầu tư thông qua ngân hàng vẫn còn hiện diện trên khắp mọi miền; những sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng hiện đại của BIDV đang được hàng vạn doanh nghiệp, doanh nhân, hàng chục triệu người dân tin dùng... là những minh chứng cho sự đóng góp to lớn của BIDV.... trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước
Trải qua 65 năm hoạt động với hơn 25 năm kinh doanh thương mại, từ một ngân hàng đơn sở hữu, hoạt động đơn lĩnh vực trong môi trường nội địa và khách hàng thuần túy là doanh nghiệp nhà nước, BIDV ngày nay đã trở thành một định chế tài chính đa sở hữu, hoạt động đa quốc gia, kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, vận hành công khai, minh bạch theo chuẩn mực, thông lệ quản trị quốc tế... Từ một ngân hàng chuyên doanh thời gian đầu với quy mô rất khiêm tốn là 11 chi nhánh và 200 cán bộ,... BIDV ngày nay có mạng lưới kinh doanh rộng khắp với 1.085 chi nhánh, phòng giao dịch trong và ngoài nước, 10 công ty con và các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 27.000 cán bộ được đào tạo bài bản, dạn dày kinh nghiệm... BIDV hiện đang phục vụ hơn 15 triệu khách hàng; hợp tác, giao dịch với hơn 2.300 định chế tài chính ở 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu... Và ở vào thời điểm kết thúc năm 2021, BIDV vững vàng với vị thế là ngân hàng thương mại có quy mô đứng đầu Việt Nam với tổng tài sản đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng - là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam; huy động vốn trên 1,5 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng trên 1,36 triệu tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,81%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu 235%; vốn Nhà nước được bảo toàn và không ngừng phát triển (vốn Nhà nước cấp cho BIDV năm 1990 là 200 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 vốn Nhà nước tại BIDV là gần 41.000 tỷ đồng, chiếm gần 81% vốn điều lệ của ngân hàng); giá trị vốn hóa của BIDV hiện đạt hơn 242.300 tỷ đồng (tương đương 10,5 tỷ USD); đứng thứ tư toàn thị trường; BIDV đóng góp ngân sách trên 28.000 tỷ đồng trong 5 năm trở lại đây, thuộc nhóm doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam...
BIDV ngày nay không chỉ được định lượng bằng quy mô, chất lượng, hiệu quả mà còn từng bước xác lập và khẳng định vị thế, uy tín của một ngân hàng thương mại hàng đầu đất nước; được các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, cộng đồng xã hội tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao. Thương hiệu BIDV không chỉ thể hiện ở tính tiên phong, tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, mà còn góp phần vào việc điều tiết kinh tế vĩ mô, phát triển cân đối các vùng miền của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, và là định chế tài chính tiên phong cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, BIDV là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, coi đó là một trong những giá trị cốt lõi mà ngân hàng nỗ lực dành nhiều nguồn lực, tâm sức thực hiện. Hoạt động an sinh xã hội được BIDV triển khai trên nhiều lĩnh vực, như giáo dục, y tế, cứu trợ thiên tai, xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng cầu đường, quà tết cho người nghèo, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế… Tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội của BIDV trong giai đoạn 2007 - 2022 đạt hơn 4.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, khi đất nước ta cùng với bạn bè quốc tế phải gồng mình để chống đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, BIDV đã phát huy tốt vai trò của mình, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vận hành hoạt động thông suốt để cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống... Trong đó có thể kể đến những chương trình nổi bật như: “Miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn”; “Đồng hành cùng ngành y - chung tay vượt đại dịch”... Trong 2 năm 2020 - 2021, BIDV đã chủ động giảm thu nhập 14.300 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Những hoạt động tích cực đó đã khẳng định vị thế, thương hiệu BIDV không chỉ là định chế tài chính hàng đầu đất nước mà còn là doanh nghiệp vì khách hàng, vì cộng đồng...
Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, BIDV tự hào được Đảng, Nhà nước Việt Nam phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Lao động các hạng... Và nhờ những đóng góp chí tình, trách nhiệm, hiệu quả,... BIDV được Đảng, Nhà nước Lào trao tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất...; được Quốc vương Campuchia trao tặng Huân chương Hoàng gia hạng Nhất, Huân chương Monisaraphon hạng Moha Sereivath... Bên cạnh đó, BIDV còn được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận, vinh danh với nhiều giải thưởng, tiêu biểu như: Top 2.000 công ty đại chúng lớn nhất và quyền lực nhất thế giới, Top 25 Thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam, Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á; Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc; Doanh nghiệp vì cộng đồng…
Có được thành quả đáng tự hào sau 65 năm xây dựng và trưởng thành, BIDV luôn trân trọng biết ơn sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các ban, bộ, ngành, địa phương; sự tin tưởng, ủng hộ, đồng hành của hàng triệu đối tác, khách hàng; sự nỗ lực không ngơi nghỉ của các thế hệ cán bộ BIDV. Bởi vậy, BIDV nhận thức rõ: phải phát huy tối đa truyền thống vẻ vang, xây dựng nhận thức đúng, nêu cao quyết tâm và quyết liệt hành động để đưa BIDV phát triển trường tồn và thịnh vượng, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và cộng đồng xã hội.
Chặng đường phía trước của BIDV đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng sẽ có không ít thử thách. Để định hướng cho giai đoạn phát triển mới, BIDV đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển kinh doanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam và thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Đây là kim chỉ nam để BIDV triển khai kế hoạch kinh doanh hàng năm và là nền móng để BIDV tiếp tục nỗ lực, phát huy vai trò là ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu lớn của Nhà nước, giữ vững vị thế ngân hàng chủ lực, có trách nhiệm của quốc gia, góp phần tích cực vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước./.
Đảng bộ Co-opBank: Kiên định với nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững  (04/04/2022)
Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022  (11/02/2022)
Tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - tạo đột phá cho phát triển bền vững  (05/02/2022)
Moody’s duy trì định hạng của BIDV ở mức cao, triển vọng tích cực  (15/12/2021)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm