Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
TCCS - Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình bầu cử là một tất yếu nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đầy đủ các tiêu chuẩn theo luật định, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có năng lực và có điều kiện thực thi nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; đồng thời, bảo đảm được cơ cấu đúng đắn, hợp lý nhất. Đó là căn cứ và cơ sở pháp lý để hình thành các cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới với chất lượng cao, tiền đề của hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”. Để cuộc bầu cử này đạt kết quả cao, Chỉ thị đã xác định 9 nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó, có một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện một cách tốt nhất, triệt để nhất.
Căn cứ pháp lý về sự lãnh đạo của Đảng và thực tế các cuộc bầu cử trước đây
Những căn cứ pháp lý về sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động bầu cử đại biểu dân cử chủ yếu là các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) (gọi tắt là Luật Bầu cử), Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, quy định của Hiến pháp là căn cứ quan trọng hàng đầu. Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khi lãnh đạo Nhà nước thì Đảng ta phải lãnh đạo ngay từ việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (Khoản 1, Điều 2 của Hiến pháp). Việc hình thành bộ máy nhà nước mỗi khóa bao giờ cũng bắt đầu từ kết quả bầu cử đại biểu dân cử theo tinh thần nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đảng phải lãnh đạo thấu suốt cả quá trình bầu cử theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 1, Luật Bầu cử) nhằm đạt tới mục đích cao nhất là bầu ra được những người xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; xứng đáng là thành viên của “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nếu là ĐBQH và xứng đáng là thành viên của “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”; “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương” nếu là ĐBHĐND.
Về thực tiễn, một trong 8 bài học kinh nghiệm quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 mà Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Hội đồng Bầu cử quốc gia số 695/BC-HĐBCQG, ngày 19-7-2016, đã chỉ ra là, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Nơi nào có sự chuẩn bị chu đáo, sát sao, thống nhất; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy được phổ biến, quán triệt đầy đủ, nơi đó, công tác bầu cử được triển khai kịp thời, phối hợp chặt chẽ, đạt kết quả cao. Kinh nghiệm này, một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là tối quan trọng, là yêu cầu tất yếu của một Đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử đại biểu dân cử.
Sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình tổ chức bầu cử
Theo quy trình một cuộc bầu cử, từ khi công bố ngày bầu cử cho đến khi tổng kết cuộc bầu cử có thể chia ra hơn 40 công đoạn. Công đoạn nào cũng yêu cầu, cũng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo sát sao của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng trong các cuộc bầu cử có thể chia làm hai dạng: Ở cấp cao, nhất là ở Trung ương, chủ yếu là lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách; ở các cấp, nhất là ở cơ sở, như ban bầu cử, tổ bầu cử thì các thành viên vừa phải quán triệt chủ trương, đường lối, thấm nhuần chính sách, cơ chế, vừa phải tác nghiệp cụ thể trong công việc. Dưới đây là 4 công đoạn then chốt mà các cấp ủy phải tập trung lãnh đạo thường xuyên, liên tục, sát sao nhất.
1- Lãnh đạo dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND.
Về số lượng đại biểu dân cử, Luật Bầu cử đã xác định cụ thể (ĐBQH là 500 người; ĐBHĐND các cấp được tính theo số dân và các yếu tố cụ thể của mỗi địa phương). Nhìn chung, số lượng đại biểu dân cử mỗi khóa không nhiều (ví dụ, kết quả bầu cử và được xác nhận đủ tư cách đại biểu nhiệm kỳ 2016 - 2021 chỉ là 321.886 đại biểu, gồm 494 ĐBQH và 321.392 ĐBHĐND các cấp; tỷ lệ đại biểu trên tổng số cử tri chỉ khoảng 0,44% và khoảng 0,33% so với tổng số dân ở thời điểm bầu cử). Trong khi đó, số cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử lại rất nhiều. Đối với ĐBQH, các đơn vị được phân bổ gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đối với ĐBHĐND cấp tỉnh, cấp huyện, còn thêm các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn. Đối với ĐBHĐND cấp xã, còn thêm thôn (làng, bản, ấp), tổ dân phố.
Với số lượng đại biểu dân cử rất hạn hẹp, trong khi trên thực tế các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân bổ lại rất nhiều thì việc phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, số lượng bao nhiêu, đòi hỏi một sự lãnh đạo rất cụ thể. Có ít nhất ba vấn đề phải được chú ý đặc biệt trong quá trình lãnh đạo:
Một là, tổ chức đảng ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở thường trực hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp phải lãnh đạo để xác định chính xác những cơ quan, tổ chức, đơn vị cần được phân bổ người ứng cử và số lượng người được phân bổ cho mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là một việc rất khó và cũng là một tồn tại qua nhiều lần bầu cử. Do đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ cho việc phân bổ, nhất là đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên).
Hai là, phải lãnh đạo việc nghiên cứu cơ cấu, thành phần hợp lý nhất để phân bổ người ứng cử, tránh tình trạng thừa cơ cấu, thiếu thành phần hoặc thành phần không hợp lý, dẫn đến sai lệch cơ cấu.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để bảo đảm được các cơ cấu cơ bản, nhất là cơ cấu nữ và cơ cấu dân tộc. Về cơ cấu nữ, theo Luật Bầu cử, phải có ít nhất 35% số người được giới thiệu là nữ. Muốn vậy, phải giới thiệu ít nhất được 40% để nếu có bị loại vẫn bảo đảm con số 35%. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng người được giới thiệu làm ứng cử viên, vì vậy ngay từ đầu đã phải quan tâm thật đúng mức tới chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Về số lượng và tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong cơ quan dân cử. Đối với Quốc hội (mang tính toàn quốc), Luật Bầu cử quy định ít nhất là 18%, tỷ lệ này nhìn chung là đạt được. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo; ngược lại, phải hết sức chú ý lãnh đạo, chỉ đạo tìm người đủ tiêu chuẩn ở một số dân tộc mà nhiều khóa vừa qua chưa có ĐBQH; tìm người xứng đáng nhất trong các dân tộc có số dân đông hơn để giới thiệu. Đối với HĐND (mang tính chất địa phương; có tỉnh, có huyện, có xã không có người dân tộc thiểu số; những tỉnh, huyện, xã có người dân tộc thiểu số thì số lượng và tỷ lệ cũng rất khác nhau), Luật Bầu cử không quy định tỷ lệ chung. Bởi vậy, cấp ủy ở từng địa phương phải lãnh đạo sát sao, bám sát thực tế, chỉ đạo cụ thể để việc giới thiệu đạt được các tỷ lệ hợp lý, mang tính đại diện cao giữa các dân tộc trên từng địa bàn.
Công đoạn dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử là công đoạn nghiệp vụ đầu tiên. Nó phải mang đầy đủ tính đại diện đúng đắn, hợp lý của cơ quan dân cử. Công đoạn này sẽ chi phối tất cả các công đoạn tiếp theo. Nếu không bảo đảm tính hợp lý, chính xác ngay từ đầu sẽ gây khó khăn cho tất cả các công đoạn tiếp theo.
2- Lãnh đạo hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử (gọi tắt là Hội nghị hiệp thương).
Về lý thuyết, nếu ở công đoạn dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng mà được thực hiện tốt (chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần hợp lý) thì sang công đoạn hiệp thương và các công đoạn tiếp theo sẽ “nhẹ nhàng”, đỡ vất vả hơn. Nhưng trên thực tế, các cuộc bầu cử gần đây cho thấy, công đoạn hiệp thương là khá phức tạp. Trong Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã nhận định: Một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa được như định hướng, dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài đảng; nhiều người do Trung ương giới thiệu không trúng cử ở một số tỉnh, thành phố... Việc đưa ra khỏi danh sách một số ứng cử viên tự ứng cử ĐBQH trong hiệp thương lần thứ ba mà được cử tri nơi cư trú, ở cơ quan tín nhiệm chưa hoàn toàn được dư luận đồng tình. Bài học này gián tiếp nói rằng, ở những nơi đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo có phần lơi lỏng, hạn chế.
Như đã trình bày, số lượng các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương cũng như ở địa phương là rất lớn, trong khi số lượng đại biểu dân cử lại không nhiều nên hiệp thương để chuẩn xác lại cơ cấu, thành phần cho thật hợp lý là công việc tất yếu, phải tiến hành nhiều lần (theo Luật Bầu cử là 3 lần).
Đối với hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, có mấy cơ cấu, thành phần đáng lưu ý:
Thứ nhất, cơ cấu số lượng và tỷ lệ giữa đại biểu ở Trung ương và đại biểu ở địa phương.
Ở nhiều khóa, thường là 1/3 đại biểu ở Trung ương và 2/3 là đại biểu ở địa phương. Tuy nhiên, đang có xu hướng tăng đại biểu ở Trung ương (từ khóa XI đến khóa XIV lần lượt là 30,92%; 31,03%; 33,4% và 36,04%), cũng có nghĩa là giảm số lượng và tỷ lệ đại biểu ở địa phương. Vì vậy, giữ ở mức 30% và 70% như nhiều khóa trước đây là hợp lý. Muốn vậy, phải thống nhất cao và có sự lãnh đạo sát sao, chỉ đạo cụ thể của Đảng đoàn Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp ủy, ngành, địa phương.
Thứ hai, cơ cấu đại biểu là nữ.
Đã có một số khóa, tỷ lệ đại biểu là nữ đạt trên 30% (khóa V có tới 32%). Những khóa sau này, tỷ lệ đại biểu là nữ chỉ đạt từ 18% đến hơn 27%. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân mà cuộc bầu cử tới đòi hỏi sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy để khắc phục tình trạng này. Trước hết, là nguyên nhân về tính đặc thù của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có ít phụ nữ mà số người ứng cử lại tương đối nhiều, như trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thường trực các cơ quan của Quốc hội... Những cơ quan này không thể áp dụng tỷ lệ cao người ứng cử là nữ được. Ngược lại, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ở địa phương có nhiều phụ nữ, nhưng trong thực hiện lại có thiên hướng cố gắng đạt tỷ lệ trung bình là được. Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tính toán tỷ lệ nữ ứng cử ở từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị cho thật tương thích. Và trong chỉ đạo, phải kiên quyết giữ vững tỷ lệ đó. Hai là, mấy khóa gần đây trong cơ cấu không còn đại biểu là nông dân, công nhân - hai thành phần có tầm quan trọng nhiều mặt trong xã hội. Nhiều khóa trước, các đại biểu thuộc cơ cấu này chiếm tỷ lệ khá cao (khóa IV: công nhân chiếm 23,3%, nông dân chiếm 21,4%; khóa V: công nhân chiếm 22%, nông dân chiếm 21%; khóa VI: công nhân chiếm 16,2%, nông dân chiếm 20,3% ...). Riêng khóa IX thì lại đổi tỷ lệ đại biểu công nhân thành công nghiệp, nông dân thành nông nghiệp! Bốn khóa gần đây có tỷ lệ đại biểu của khối doanh nghiệp (có từ 3% đến 7%), nhưng trong đó, doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm phần đáng kể. Như vậy, trên thực tế, dần dần các ĐBQH hầu như đều là cán bộ, công chức nhà nước, mà trong cơ cấu cán bộ, công chức nhà nước, nhất là ở Trung ương, tỷ lệ nữ không cao. Cơ cấu của khối cử tri có tỷ lệ nữ không cao mà lại đặt yêu cầu nâng cao tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử thì thật là khó, dù lãnh đạo, chỉ đạo cực tốt cũng rất khó khăn. Do đó, phải xác định cơ cấu, thành phần thật hợp lý ngay từ khi phân bổ và chuẩn xác lại trong ba lần hiệp thương. Trong đó có vấn đề lớn là cần xem xét để có đại biểu là những người lao động bình thường (công nhân, nông dân, lao động khu vực phi chính thức...) đại diện cho phần lớn nhân dân và cử tri cả nước.
Thứ ba, sự “cọ xát” căng thẳng về số lượng.
Tâm lý chung là, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào cũng mong muốn có số lượng người được giới thiệu ứng cử nhiều. Ở địa phương thì có “công thức” tính gồm 3 đại biểu “gốc” cộng số lượng đại biểu tăng thêm theo số dân, còn ở Trung ương thì “ngầm hiểu” là tầm quan trọng của mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị, mà “định tính” về tầm quan trọng thì khi thảo luận vô cùng căng thẳng, khó phân định. Chính đây là vấn đề đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của tổ chức đảng trên cơ sở Hiến pháp và tính chất, hiệu quả hoạt động của mỗi lĩnh vực (trong Hiến pháp năm 2013: Điều 4 nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 6 nói về nhân dân, Điều 8 nói về Nhà nước, Điều 9 nói về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều 10 nói về Công đoàn Việt Nam...).
Thứ tư, bám sát tiêu chuẩn đại biểu để “cọ xát” về chất lượng người được giới thiệu ứng cử.
Chất lượng (đức và tài) là vấn đề hàng đầu trong hoạt động của đại biểu. Bởi vậy, trong lãnh đạo giới thiệu người ứng cử đại biểu, ngoài việc nhận biết trình độ học vấn thể hiện qua cấp độ được đào tạo, nên kết hợp với việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc, địa bàn hoạt động, nơi cư trú để nắm bắt được tinh thần, thái độ công tác, kết quả công việc cụ thể, mức độ gắn kết với nhân dân, đạo đức, tư cách của người được giới thiệu ứng cử (hết sức tránh hình thức, ngợp về bằng cấp, cả tin vào những lời nói hoa mỹ... mà không biết rõ thực hư công việc, đạo đức, lối sống ra sao). Trong giai đoạn hiện nay, có vấn đề cần được quan tâm đặc biệt là, người được giới thiệu ứng cử phải là người không tham nhũng, không có liên quan đến tham nhũng và phải kiên quyết đấu tranh quyết liệt với tham nhũng.
Đối với hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBHĐND các cấp:
Ngoài những vấn đề tương tự như giới thiệu người ứng cử ĐBQH thì cần lưu ý tới cơ cấu đại biểu là nữ ở HĐND cấp xã. Thực tế cho thấy, kết quả các cuộc bầu cử gần đây chưa bao giờ tỷ lệ đại biểu là nữ ở HĐND cấp xã đạt được định hướng, và bao giờ cũng thấp hơn tỷ lệ đại biểu là nữ ở HĐND cấp tỉnh và cấp huyện (nhiệm kỳ 2007 - 2011, cấp tỉnh là 23,9%, cấp huyện là 23,0%, cấp xã là 19,5%; nhiệm kỳ 2011 - 2016, cấp tỉnh là 25,2%, cấp huyện là 24,6%, cấp xã là 21,7%; nhiệm kỳ 2016 - 2021, cấp tỉnh là 26,7%, cấp huyện là 27,5%, cấp xã là 26,5%). Vì sao có tình hình này? Đó là vì việc vận dụng tiêu chuẩn. Bốn tiêu chuẩn ĐBHĐND là thống nhất, nhưng đối với ĐBHĐND cấp xã thì tiêu chuẩn thứ 3 “Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND”, đối với phụ nữ ở cấp xã nói chung và phụ nữ ở xã, bản miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là vô cùng khó khăn. Do trình độ học vấn thấp, trình độ chuyên môn cũng như kiến thức về khoa học - kỹ thuật yếu kém; một số nơi do tập tục, lối sống lạc hậu... nên phụ nữ khó có điều kiện tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, có một số chị em lại tự ti, không muốn tham gia hoạt động. Có lẽ các tổ chức đảng ở những địa bàn này phải căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế để lựa chọn, giới thiệu (theo phương pháp “so đũa”), chứ không thể rập khuôn theo khu vực đồng bằng hay khu vực thành phố, thị xã.
3- Lãnh đạo xây dựng các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương.
Theo Luật Bầu cử, các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương gồm:
- Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có từ 21 đến 31 thành viên; ủy ban bầu cử cấp huyện có từ 11 đến 15 thành viên; ủy ban bầu cử cấp xã có từ 9 đến 11 thành viên (gọi chung là ủy ban bầu cử).
- Ban bầu cử ĐBQH có từ 9 đến 15 thành viên; ban bầu cử ĐBHĐND cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên; ban bầu cử ĐBHĐND cấp huyện có từ 9 đến 11 thành viên; ban bầu cử ĐBHĐND cấp xã có từ 7 đến 9 thành viên (gọi chung là ban bầu cử).
- Tổ bầu cử: Mỗi khu vực bỏ phiếu có một tổ bầu cử, có từ 11 đến 21 thành viên.
Số lượng các tổ chức bầu cử ở địa phương là rất lớn, các thành viên trong các tổ chức đó càng vô cùng lớn. Riêng các tổ chức cuộc bầu cử năm 2016 bao gồm: 63 ủy ban bầu cử cấp tỉnh, 712 ủy ban bầu cử cấp huyện, 11.162 ủy ban bầu cử cấp xã; 184 ban bầu cử ĐBQH, 1.096 ban bầu cử ĐBHĐND cấp tỉnh, 6.721 ban bầu cử ĐBHĐND cấp huyện, 79.988 ban bầu cử ĐBHĐND cấp xã và 90.800 tổ bầu cử. Việc lãnh đạo các tổ chức làm công tác bầu cử ở địa phương phải chú ý ít nhất tới hai vấn đề:
Một là, phải bảo đảm các thành phần đúng như yêu cầu luật định, nhân sự (các thành viên) của các tổ chức phải bảo đảm yếu tố chính trị cao và có nghiệp vụ, hoặc đã từng làm tốt công tác bầu cử các khóa trước, đặc biệt là ở cấp xã, cấp huyện. Kinh nghiệm cho thấy, hai cuộc bầu cử vừa qua có một vài sai sót đều chủ yếu xảy ra ở cấp huyện hoặc cấp xã. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung nhất là vì “lợi ích nhóm” và thiếu tinh thần trách nhiệm, cộng với trình độ, năng lực yếu kém. Bởi vậy, việc lựa chọn nhân sự, tăng cường quản lý và lãnh đạo tư tưởng chặt chẽ là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Hai là, sự lãnh đạo của các tổ chức bầu cử ở cấp huyện, cấp xã, nhất là ở các ban, các tổ bầu cử, đảng viên vừa có vai trò lãnh đạo, vừa có trọng trách tác nghiệp, nghiệp vụ cụ thể trong bầu cử, do đó tuyệt đối không bao giờ được xem nhẹ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể. Cần nói thêm là, những thiếu sót, sơ suất như in sai phiếu bầu, viết sai họ, tên người ứng cử, phát thừa phiếu bầu... mà kiểm tra, giám sát không phát hiện ra sẽ dẫn đến hậu quả rất tai hại, phải tiêu hao lớn công sức, thời gian, tiền của để tổ chức bầu cử lại.
4- Lãnh đạo việc phân bổ người ứng cử về các địa phương và phân chia người ứng cử vào các đơn vị bầu cử.
Về giới thiệu người ứng cử về các địa phương: Việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giới thiệu người ứng cử ĐBHĐND cấp tỉnh về các huyện, quận, thị xã, trong lãnh đạo phải chú ý cả hai mặt là đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và sự tương thích ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động của người được giới thiệu. Các cuộc bầu cử trước, có người được Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử ĐBQH nhưng không trúng cử; ở HĐND cấp tỉnh cũng có một số nơi có tình trạng tương tự. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân là lĩnh vực hoạt động của người ứng cử không phù hợp với địa phương nơi ứng cử. Có cử tri ở vùng đồng bằng sông Cửu Long từng phát biểu: Ai giúp bà con chúng tôi tiêu thụ hết lúa gạo, cá, tôm, nông sản với giá phải chăng thì chúng tôi giơ cả hai tay bầu ngay; còn lúc này, thơ phú, tuồng chèo, khảo cổ... chúng tôi chưa cần. Đây cũng là một kinh nghiệm trong lãnh đạo và trong tham mưu phân bổ người ứng cử theo địa bàn. Mặt khác, cũng phải khắc phục tình trạng, một số địa phương luôn luôn muốn chọn những người ứng cử có chức sắc càng cao càng tốt, những người ứng cử là thành viên Chính phủ, những người đứng đầu ngành, lĩnh vực.
Về phân chia (sắp xếp) người ứng cử vào đơn vị bầu cử: Luật Bầu cử chưa quy định cụ thể, chi tiết việc phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử nên có hai chi tiết đáng quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Thứ nhất, có một số địa phương lo ngại trách nhiệm để người ứng cử có chức sắc cao của địa phương hoặc do Trung ương giới thiệu mà bị “trượt” nên đã bố trí những người ứng cử khác trong danh sách bầu có trình độ và vị thế cách biệt, thấp xa. Họ “biện lý” rằng, tất cả đều đủ tiêu chuẩn nên cử tri tín nhiệm ai thì bầu! Thực ra, đây là một ví dụ điển hình của tình trạng mà dân gian gọi là “quân xanh, quân đỏ”. Bởi vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải cố gắng khắc phục tối đa tình trạng này.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy, cũng là người ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, hoặc ĐBHĐND, nếu sắp xếp vào đơn vị bầu cử này thì có thể không trúng cử, nhưng sắp xếp vào đơn vị bầu cử khác thì lại có thể đắc cử. Điều này đòi hỏi khi phân chia, lập danh sách những người ứng cử vào các đơn vị bầu cử phải hết sức công bằng, công minh, khách quan, trung thực, mà mục đích đạt đến là bảo đảm được các cơ cấu định hướng ở mức tốt nhất... Muốn vậy, cần chỉ đạo nghiên cứu định ra những tiêu chí cần thiết làm căn cứ cho việc phân chia, sắp xếp. Các tiêu chí đó có thể là: có trình độ tương đương, có vị thế (chức danh) tương đương, có nam, có nữ, khác đơn vị công tác... Như vậy, việc trúng cử hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động và khả năng vận động bầu cử của người ứng cử./.
Tỉnh Đắk Lắk làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng  (14/11/2020)
Đảng lãng đạo Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự  (09/11/2020)
“Đảng, Bác Hồ và nhân dân với Công an nhân dân”  (03/08/2020)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm