Quảng Ninh phát triển kinh tế “xanh”
TCCS - Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, đã được tỉnh Quảng Ninh định hình từ rất sớm và đặt ra lộ trình phát triển khá bài bản. Trong đó, phải kể đến việc xây dựng, thực hiện những nghị quyết phát triển du lịch, dịch vụ - những ngành được tỉnh xác định là kinh tế “xanh”.
Nhận diện thách thức
Giai đoạn năm 2011 trở về trước, so với các ngành kinh tế khác, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa. Trong đó, chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.
Tỉnh Quảng Ninh còn có trên 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác; trong đó, sản lượng khai thác nguyên khai một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu mét khối, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn...
Theo quy hoạch, để khai thác than lộ thiên, hằng năm ngành than thải ra môi trường khoảng 300 - 500 triệu mét khối đất đá và 100 - 250 triệu mét khối nước thải. Cùng với đó, các ngành vận tải biển, cảng biển, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển thiếu quy hoạch, định hướng cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, sông suối, diện tích bồi lắng do đất đá trôi lấp.
Việc phát triển đô thị cùng với tình trạng rửa trôi đất đá xuống các vùng cửa sông và vùng nước ven bờ đã làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản...
Tỉnh Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với rất nhiều ưu thế cả về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản lẫn những giá trị về văn hóa, lịch sử; là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc; có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long cùng với hơn 500 di tích, danh lam thắng cảnh đã được công nhận; có trữ lượng than đá lớn nhất Đông Nam Á. Xã hội con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Nơi duy nhất có nhà vua từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo.
Du lịch của tỉnh qua mỗi năm đều có sự tăng trưởng nhất định. Mặc dù vậy, tiềm năng, lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương trong suốt một thời gian dài được đánh giá là chỉ khai thác được “bề nổi”, thiếu tính bền vững. Mâu thuẫn trong phát triển du lịch, dịch vụ với công nghiệp vẫn tồn tại khá rõ nét.
Dưới tác động của tăng trưởng “nâu”, về phát triển kinh tế, dù là tỉnh được cho là có những lợi thế nổi trội để phát triển du lịch, đặc biệt là có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng nhiều thắng cảnh đẹp, tuy nhiên, việc phát triển đan xen giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ thiếu tính quy hoạch đã khiến các ngành kinh tế khác ngoài công nghiệp tăng trưởng chậm. Theo thống kê của tỉnh, số thu ngân sách nội địa từ ngành du lịch Quảng Ninh năm 2011 chỉ chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách.
Gỡ “nút thắt” để tăng trưởng bền vững
Để tạo nền tảng cho phát triển từ “nâu” sang “xanh”, kinh tế “xanh” đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện theo lộ trình bài bản. Năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 24-5-2013, về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2016, tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 5-2-2016, về phát triển dịch vụ, đã tạo những bước tiến lớn trong phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai những nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn. Cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chương trình hành động (hoặc nghị quyết chuyên đề), kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế. Đáng chú ý, những nội dung này không chỉ được thực hiện quyết liệt ở một số địa bàn được xác định là trọng điểm du lịch từ trước, mà đã lan tỏa ra 14/14 địa phương. Qua đó, tạo khí thế thi đua, thậm chí là “cạnh tranh” để phát triển du lịch, dịch vụ ở mỗi địa phương. Điều này thể hiện rất rõ ở việc hiện nay các địa phương đều xác định được những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, dịch vụ của mình là gì; đồng thời, xây dựng được những giải pháp cụ thể để biến tiềm năng thành những sản phẩm dịch vụ rõ ràng, cụ thể, có thể đong đếm, đánh giá được.
Giai đoạn 2013 - 2018, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, dịch vụ, tổng số khoảng 186 dự án, kinh phí ước đạt 16.662 tỷ đồng. Trong đó: đầu tư trực tiếp cho du lịch 928,59 tỷ đồng, cho thương mại, dịch vụ 78,782 tỷ đồng; các dự án hỗ trợ phát triển du lịch 13.403 tỷ đồng, thương mại, dịch vụ 2.251 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, đến tháng 10-2019, nhiều chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết số 07-NQ/TU và Nghị quyết số 02-NQ/TU đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ so với thời điểm năm 2015. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, cụ thể: năm 2016 tăng 11,8%, năm 2017 tăng 13,6%, năm 2018 tăng 14,2%.
Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt hoặc vượt mục tiêu Nghị quyết đặt ra, như: tổng số khách du lịch đến tỉnh đạt trên 12,2 triệu lượt, trong đó 5,2 triệu lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú trung bình của du khách từ 2,7 - 3 ngày trở lên; tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2016 - 2018 đạt 42.800 tỷ đồng; thu ngân sách từ hoạt động du lịch ước đạt 2.750 tỷ đồng, chiếm 9% tổng thu ngân sách nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 119.000 lao động trực tiếp...
Lĩnh vực dịch vụ thương mại thời gian qua cũng có sự tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 năm trở lại đây đạt 364.892 tỷ đồng, tăng bình quân 17,8%/năm (cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU). Trong đó, từ năm 2016 đến năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt 220.910 tỷ đồng, tăng bình quân 17,8%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 6 năm đạt 10,766 tỷ USD, tăng bình quân 7,8%/năm (tăng gấp 2 lần so với mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU).
Dự báo đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra của các nghị quyết phát triển du lịch, dịch vụ. Hiện tỉnh cũng là một trong những địa phương được Trung ương đánh giá cao về hiệu quả trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, đặc biệt là những bứt phá ngoạn mục trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam đối với cả du khách và nhà đầu tư.
Các lĩnh vực về dịch vụ giáo dục, đào tạo và dạy nghề; dịch vụ khoa học và công nghệ; dịch vụ thông tin truyền thông; dịch vụ y tế; dịch vụ tài chính; dịch vụ vận tải,... cũng đã và đang có những bước tiến quan trọng, không chỉ theo hướng đồng bộ, hiện đại, mà còn có những dịch vụ cao cấp, đáp ứng xu hướng trong tương lai.
Phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội  (07/02/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc  (02/02/2020)
Bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương - qua thực tiễn ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (14/01/2020)
Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2020  (31/12/2019)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm