TCCS - Xây dựng nông thôn mới, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng cao là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện chủ trương đó, vai trò của nguồn vốn rất quan trọng, bao gồm huy động vốn của dân, vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp..., trong đó vốn tín dụng chính sách ngân hàng đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới_Nguồn: baohatinh.vn

Quan tâm phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này, thể hiện ở nhiều văn bản chỉ đạo. Cụ thể như: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp chủ trương “gắn việc giải quyết đúng đắn các vấn đề xã hội và xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa với việc phát triển sản xuất, đổi mới quản lý nông nghiệp… Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, no ấm, đoàn kết, văn minh, tiến bộ” (1). Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 6-1993) ra nghị quyết về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn đến năm 2000, nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, có hạ tầng vật chất và xã hội đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của nông dân, có hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội; tăng cường đoàn kết và ổn định chính trị, giữ vững trật tự xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh. Theo đó, “chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn được phát triển thành chủ trương công nghiệp hóa, nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nằm trong quá trình tổng thể của công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước” (2). Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 7-1994), xác định: CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu, phải được đặc biệt coi trọng. Gắn CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 10-11-1998, của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nêu rõ: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, ngành nghề gắn sản xuất với thị trường để hình thành sự liên kết nông - công nghiệp - dịch vụ và thị trường ngay trên địa bàn nông thôn và trên phạm vi cả nước; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết xác định những chủ trương, chính sách và giải pháp cơ bản về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, trong đó nhấn mạnh: Từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.     

Tiếp nối quan điểm của Đảng về xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ: Đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái từng vùng; chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu lao động, tạo việc làm thu hút nhiều lao động ở nông thôn. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX ra nghị quyết về đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xác định mục tiêu: Xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X ra Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó nêu một cách tổng quát về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như phương thức tiến hành quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương, khóa X, ngày 28-10-2008, Chính phủ ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491-QĐ/TTg, ngày 16-4-2009,  về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bộ tiêu chí là căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800-QĐ/TTg, ngày 4-6-2010, phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu chung nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định: Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có vai trò chủ lực cho vay chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới_Ảnh: Tư liệu

Phát huy vai trò quan trọng của chính sách tín dụng đối với khu vực nông thôn

Trải qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, kinh tế nông thôn và hộ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp cung cấp một khối lượng lớn hàng hóa cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt nhiều mặt hàng cho xuất khẩu. Đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn có những chuyển biến căn bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực kinh tế rộng lớn này. Các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi được triển khai có hiệu quả góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Có thể kể đến các văn bản như: Chỉ thị số 202/CT-HĐBT, ngày 28-6-1991, của Hội đồng Bộ trưởng về việc cho vay vốn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến hộ sản xuất; Quyết định số 67/1999/TTg, ngày 30-3-1999, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định: Cho vay không cần có tài sản bảo đảm: Tối đa đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại.

 Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP bộc lộ những điểm bất cập. Đó là đối tượng còn bó hẹp, chỉ ở phạm vi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Mức cho vay không có bảo đảm tài sản còn thấp. Việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị còn quá ít và hiệu quả thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn yếu. Thị trường nông sản hàng hóa bấp bênh, giá cả “đầu ra” không ổn định, tình trạng “được mùa rớt giá” xảy ra thường xuyên ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy hải sản, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, dẫn đến thu hồi vốn chậm… Để khắc phục những bất cập trong Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 9-6-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy sản xuất phát triển, bứt phá kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm một số chính sách, biện pháp của Nhà nước để tạo điều kiện đối với tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này, nhằm góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến tháng 10-2019, cả nước có 4.665 xã (chiếm 52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Đến tháng 9-2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện khoảng 1.567.091 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương: 37.900 tỷ đồng (2,4%), trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 27.960 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.940 tỷ đồng; vốn ngân sách đối ứng trực tiếp của địa phương 182.724 tỷ đồng (11,7%); vốn lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn 182.709 tỷ đồng (11,7%); vốn tín dụng: 958.859 tỷ đồng (61,2%); vốn doanh nghiệp và vốn huy động người dân và cộng đồng đóng góp…

Tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, như hệ thống thủy lợi, lưới điện, giao thông nông thôn, hệ thống chợ đầu mối phục vụ phân phối, trao đổi, tiêu dùng; tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm; giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, tăng khả năng quản lý nông hộ và gia tăng tiết kiệm tiêu dùng.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có vai trò chủ lực cho vay chính sách xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Với nhiều điểm giao dịch đến tận trụ sở các xã, phường trong toàn quốc nói chung, ngân hàng đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách với đối tượng phục vụ đặc thù. Các chương trình tín dụng chính sách được tổ chức thực hiện hiệu quả với chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành để tiếp nhận nguồn ngân sách bổ sung vốn điều lệ, vốn thực hiện chương trình; đồng thời, tích cực huy động vốn trên thị trường, nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, tạo lập nguồn vốn để triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng.

Theo đó, đến cuối tháng 9-2019, “tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đến ngày 30-9-2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, hoàn thành 76,9% kế hoạch” (7). Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (chiếm 73,6%). Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động; xây dựng hơn 1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Theo đó, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt việc quản lý ngân sách, đặc biệt là quản lý ngân sách trung hạn và hằng năm. Sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường nguồn thu cho ngân sách, đồng thời rà soát và cơ cấu lại các nhiệm vụ chi nhằm tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chương trình nông thôn mới nói riêng.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và phát triển bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia hiến đất, ngày công và các nguồn lực khác để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Thực hiện mở rộng hoạt động tín dụng, cho vay thông qua các cấp hội (hội nông dân, hội phụ nữ) trên toàn quốc; có cán bộ chuyên trách hoạt động ủy thác; chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động ủy thác nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống nông dân.

Thứ tư, mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp dễ tiếp cận vốn tín dụng.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới nhằm vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ về vốn, cho vay ưu đãi, hỗ trợ tư vấn cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư vào khu vực nông thôn. Tiến hành xã hội hóa một số dự án, công trình trên cơ sở chọn lọc, nhằm tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới./.

------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 49, tr. 131, 132

(2) Lê Quang Phi: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ năm 1991 đến 2002, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội, 2006, tr. 39

(3)https://vbsp.org.vn/9-thang-dau-nam-2019-hoan-thanh-769-tang-truong-du-no-tin-dung-chinh-sach.html, truy cập ngày 29-10-2019