Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên hành trình giảm nghèo của Cao Bằng
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình hành động số 58-CTr/TU, ngày 24-7-2015, về việc triển khai Chỉ thị số 40. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo danh sách được phê duyệt làm căn cứ cho vay.
Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi tại các xã, phường, thị trấn; bổ sung nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; bố trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH cấp huyện; bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn các buổi giao dịch của NHCSXH tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.
Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường công tác kiểm tra giám sát hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả… Đến nay, 4 tổ chức chức chính trị - xã hội đang tham gia quản lý 2.503 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 62.207 hộ vay với số tiền 2.549 tỷ đồng, chiếm gần 99,7% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh, tăng 910 tỷ đồng so với năm 2014.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, thành phố đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh để bổ sung vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến hết ngày 30-6-2019, nguồn vốn địa phương chuyển sang đạt 22,5 tỷ đồng, tăng 16,4 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó, ngân sách tỉnh là 14,6 tỷ đồng; ngân sách huyện 7,9 tỷ đồng.
Để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay, các sở, ban, ngành liên quan đã tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách ủy thác địa phương qua NHCSXH thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách. Đến ngày 30-6-2019, dư nợ cho vay đối với hộ mới thoát nghèo toàn tỉnh đạt gần 47 tỷ đồng với 2.500 hộ vay.
Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội
Nhiều năm trước, chị Lục Thị Lệ, xóm Bản Mặc, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh đã biết đến tín dụng chính sách. Song, do chưa có kinh nghiệm nên chị không dám vay vốn để mở rộng chăn nuôi mà chỉ duy trì nuôi 3 con bò có từ trước. Năm 2016, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, chị Lệ đã vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện.
Chị Lệ cho biết: “Trong lúc đang tìm hướng thoát nghèo thì tôi được NHCSXH tiếp sức kịp thời. Với số vốn trên, tôi đầu tư mua thêm 3 con bò sinh sản, nâng cấp chuồng trại nuôi thêm trâu, bò vỗ béo. Sau 4 năm mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay gia đình tôi có 25 con trâu, bò. Từ hộ nghèo, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình tôi đã thoát nghèo, trung bình thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng/năm”.
Chị Nông Thị Năm, xóm Lũng Cưởm, xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Để có vốn đầu tư trồng cây chanh leo xuất khẩu, năm 2018, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để trồng 450 gốc chanh leo, hứa hẹn thu khoảng 40 - 45 triệu đồng/năm. Đây là cơ hội giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Bí thư Huyện ủy Trà Lĩnh, Nông Văn Đàm cho biết, Chỉ thị số 40 đã thực sự tạo ra sự chuyển biến rõ nét về tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với NHCSXH, bố trí 450 triệu đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay.
Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện đạt 121,3 tỷ đồng, tăng 31,8 tỷ đồng so với năm 2014. Doanh số cho vay giai đoạn 2014 - 2019 đạt 164,7 tỷ đồng/4.982 lượt hộ được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình đạt 120,65 tỷ đồng/2.866 hộ còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách giúp 4.892 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác của huyện được vay vốn; góp phần tạo việc làm cho 154 lao động; giúp 384 học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; xây dựng 980 công trình nước sạch và vệ sinh, 23 căn nhà cho hộ nghèo…
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Vương Quang Minh, Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 131.609 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho trên 169.500 lao động, giúp 1.944 học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; xây dựng 35.274 công trình nước sạch và vệ sinh, 1.812 căn nhà cho hộ nghèo…
Với đặc thù là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thời gian tới, tỉnh mong muốn Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay, chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg với đối tượng là hộ có mức sống trung bình.
Xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay khi hết thời hạn quy định (ngày 31-12-2020), đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.
Nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp…/.
Khi Chỉ thị “bốn mươi” của Đảng đi vào cuộc sống!  (07/08/2019)
Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019  (26/07/2019)
Dòng vốn chính sách nơi “bát ngát chân trời miền hạ”  (26/07/2019)
Quyết sách mang tính đột phá  (26/07/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm