Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Từ chiều sâu lịch sử đến hiện tại và tương lai

TRẦN CHÍ TRUNG - VŨ THỊ HOÀI
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao - Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao
15:37, ngày 13-10-2023

TCCS - Gần 30 năm qua kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7-1995; xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào ngày 25-7-2013, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Ngày 10-9-2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam _Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ bang giao gần 300 năm qua, kể từ giai đoạn đầu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được thành lập (năm 1776). Vào những năm 1784 - 1789, Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp Thomas Jefferson đã liên hệ với triều Nguyễn để xin giống lúa thơm xứ Nam Kỳ về trồng tại quê hương. Ông cũng là người chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và sau này trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ(1). Tiếp đó, năm 1803, thuyền trưởng John Briggs là người Mỹ đầu tiên đưa tàu mang quốc kỳ Hoa Kỳ tới Việt Nam. Năm 1832, Phái bộ Ngoại giao của Chính phủ Hoa Kỳ chính thức tới Đại Nam. Sử sách Việt Nam cũng ghi lại dấu ấn bang giao chính thức đầu tiên giữa hai nước khi vua Tự Đức cử Bùi Viện hai lần sang Hoa Kỳ thực hiện sứ mệnh ngoại giao vào giai đoạn 1873 - 1875(2)... Hơn nửa thế kỷ sau đó, mối quan hệ bang giao giữa hai nước chủ yếu thông qua Pháp khi Việt Nam trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam -  Hoa Kỳ. Trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn, sau này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại Mỹ, Người đã có thời gian sinh sống và làm việc ở nhiều thành phố, như New York, Boston(3). Trong những năm tháng tại đây, với góc nhìn biện chứng, khách quan về Mỹ, Người thấu hiểu những giá trị tốt đẹp của nhân dân Mỹ với công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như những mặt trái của giai cấp tư sản Mỹ.

Năm 1941, sau khi trở về nước lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ. Dưới sự chỉ đạo của Người, Mặt trận Việt Minh đã liên hệ với Cơ quan Dịch vụ Chiến lược Hoa Kỳ (Office of Strategic Services - OSS, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ - CIA) để cùng chống phát-xít và nhận được nhiều sự hỗ trợ của tổ chức này trong giai đoạn trước năm 1945(4). Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 17-10-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt - Mỹ thân hữu Hội đã được thành lập, được coi là hội hữu nghị song phương đầu tiên của Việt Nam(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thông điệp, thư, điện đến Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, dành thời gian tiếp trao đổi với các sĩ quan Mỹ ở Thủ đô Hà Nội để chuyển thành ý của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Chính phủ Mỹ. Ngày 16-2-1946, trong thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”(6). Tuy nhiên sau đó, hai nước đã trải qua cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm bởi sự can dự của Mỹ với tư tưởng đế quốc bá quyền cùng những tính toán cạnh tranh nước lớn.

Trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngần ngại tuyên bố: “Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập” (7). Nêu cao tính chính nghĩa của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Tại Mỹ, đã có hàng trăm cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của hàng chục vạn người dân Mỹ tiến bộ.

Nhìn lại lịch sử, tháng 3-1966, Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright đã bày tỏ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam làm cho nước Mỹ yếu đi. Nó là một gánh nặng lớn cho nước Mỹ và tôi thấy chúng ta không thể nào tiến hành chiến tranh mà không phải trả bằng một giá rất cao” (8). Một số học giả Mỹ cho rằng, nếu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy không bị ám sát, Mỹ sẽ có thể rút quân đội khỏi Việt Nam trong hòa bình (9). Còn Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong cuốn hồi ký “No more Vietnam”, đã khẳng định thuyết domino áp dụng tại Việt Nam là một “sai lầm nghiêm trọng”, đẩy Mỹ vào những cuộc chiến tranh vô ích trong thế kỷ XX (10)...

Mặc dù hơn nửa thế kỷ sau, nguyện vọng “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được hiện thực hóa, nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Người là minh chứng rõ nét về đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước” trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi.

Từ nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn, hòa giải đến bình thường hóa quan hệ, thiết lập đối tác toàn diện

Việc ký kết thành công Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973 là một bước ngoặt quan trọng để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, hậu quả chiến tranh để lại vô cùng to lớn. Trong hơn hai thập niên sau đó, hai nước đã phải trải qua những giai đoạn thăng trầm để tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành một nền tảng quan trọng, đóng góp vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, tạo ra những cơ hội hợp tác mới trên những lĩnh vực quan trọng khác. Chỉ hai tuần sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để chủ trì giải quyết vấn đề nhân đạo tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA). Bên cạnh kênh Nhà nước, những chủ thể khác, như kênh Đảng, các cựu chiến binh, doanh nghiệp, người dân của hai nước đã góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn để đi đến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Kể từ năm 1986, sau khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường lòng tin và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ngày 11-7-1995, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang trang sử mới khi Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Từ đây mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Giai đoạn 1995 - 2013 chứng kiến những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuyên bố về Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2013 đã tạo lập khuôn khổ quan hệ cho hai nước, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương những năm tiếp theo. Hai nước cam kết hợp tác toàn diện trên chín lĩnh vực chủ chốt, bao gồm: chính trị - ngoại giao, thương mại - kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường, y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa - thể thao - du lịch. Hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Bước tiến quan trọng tiếp theo trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được ghi nhận vào năm 2015, khi lòng tin chiến lược giữa hai nước thực sự được thúc đẩy thông qua chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương, vừa là sự tiếp nối con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi, vừa đánh dấu sự hoàn tất một chương sử hai bên bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, theo tinh thần “hợp tác đầy đủ”, như ý nguyện của Bác, đồng thời mở ra một chương sử mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (11). Chuyến thăm còn là minh chứng điển hình cho bước phát triển và sức mạnh tổng thể của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Với những nền tảng vững chắc đó, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực và ở bình diện song phương, khu vực, quốc tế.

Về chính trị - ngoại giao, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau đã tăng lên rõ rệt thông qua việc hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tiến hành thăm Hoa Kỳ. Kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ đều đã sang thăm Việt Nam. Nổi bật nhất trong 10 năm qua là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (tháng 5-2016), Tổng thống Donald Trump (tháng 11-2017, tháng 2-2019) và Tổng thống Joe Biden (tháng 9-2023); các chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5-2017), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 5-2022).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN _Nguồn: vietnamplus.vn

Hợp tác kinh tế - thương mại là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 5 lần trong vòng 10 năm qua, từ 25 tỷ USD (năm 2012) lên gần 139 tỷ USD (năm 2022) và tăng hơn 300 lần so với năm 1995 (450 triệu USD) khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ trên toàn thế giới từ năm 2019. Đặc biệt, từ một nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại thấp nhất, năm 2014, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu các nước ASEAN về xuất khẩu vào Mỹ. Hiện nay, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam (12).

Về giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, hằng năm, có từ 23.000 sinh viên đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ năm trên thế giới về số lượng sinh viên theo học ở Hoa Kỳ. Đáng chú ý, số lượng đã tăng liên tục trong 18 năm, riêng trong 10 năm triển khai đối tác toàn diện, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ đã tăng từ hơn 16.000 sinh viên (năm 2013) đến mức cao nhất gần 25.000 sinh viên (năm 2020) (13). Nhiều địa phương của Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng các mối quan hệ, các dự án hợp tác với các thành phố, quận, bang ở Hoa Kỳ. Khách du lịch Hoa Kỳ duy trì trong tốp 5 số lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, xác minh hài cốt của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh, tẩy  độc dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ người khuyết tật, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Hoa Kỳ tìm kiếm, xác định và trao trả cho phía Hoa Kỳ hài cốt của 733 quân nhân mất tích (14).

Về hợp tác trong các thể chế đa phương, hai nước đã thúc đẩy trao đổi và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu. Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ tầm nhìn về thúc đẩy vai trò tích cực của các thể chế đa phương trong khu vực, như ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong,…

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước vẫn còn tồn tại một số khác biệt. Hai bên có lập trường và cách đề cập khác nhau liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền do xuất phát từ sự khác biệt về hệ thống chính trị - xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống, tập quán, trình độ phát triển. Mặc dù có những lợi ích và mối quan tâm chung, nhưng cũng có những vấn đề phức tạp, vấn đề mới cả về song phương và toàn cầu mà hai bên chưa có quan điểm và cách tiếp cận tương đồng (15). Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn cần tiếp tục được thúc đẩy. “Hội chứng chiến tranh” vẫn còn tồn tại trong đời sống chính trị ở Hoa Kỳ, một bộ phận nhỏ người Mỹ gốc Việt vẫn còn lưu giữ những tư tưởng gây chia rẽ, đối đầu (16). Thêm nữa, môi trường quốc tế, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Thẳng thắn nhìn vào sự thật, không chủ quan, lơ là, song có thể thấy, những rào cản và trở ngại trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua đã dần được tháo gỡ trên cơ sở khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, thiện chí, chân thành, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” (17).

Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang giai đoạn mới vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy” (18). Chủ trương này được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu có thể được hiểu theo cách đơn giản nhất là tăng kết quả, nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động đối ngoại và thêm lượng, tăng chất cho quan hệ đối ngoại. Mục đích cốt lõi của việc đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu là thúc đẩy quan hệ đối ngoại không ngừng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực đối với tất cả các bên liên quan. Qua đó, các mối quan hệ đối ngoại ngày càng thêm ổn định và bền vững, tránh nguy cơ quan hệ đối ngoại rơi vào tình trạng trì trệ, lợi ích chiến lược cơ bản chung không ngừng được củng cố và sự tin cậy lẫn nhau tiếp tục thêm vững chắc.

Trên thực tế, việc phát triển các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam đều được tiến hành từng bước, trên cơ sở phù hợp với lợi ích chính đáng của các bên và thực tiễn xu thế quan hệ song phương, từ đối tác toàn diện đến đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc); nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước, bao gồm tất cả các nước lớn. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng...

Ngày 10-9-2023, việc Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden một lần nữa ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hai nước cũng như trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ hợp tác đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyến thăm không chỉ có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới. Tầm vóc mới của quan hệ hai nước sẽ xác lập khuôn khổ bền vững, ổn định, lâu dài và mở ra không gian cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới. Một thời kỳ hợp tác mới đã mở ra đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó nội dung cốt lõi là đưa mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững hơn, hiệu quả hơn và tạo ra nhiều bước phát triển đột phá mang tính chiến lược hơn. Tuy nhiên, thời kỳ mới cũng đặt ra tiêu chí và thước đo cao hơn cả về chất lượng và số lượng đối với quan hệ giữa hai nước.

Có thể khẳng định, sự phát triển theo chiều sâu của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với dấu mốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, là xu thế tất yếu. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ nhân tố lịch sử, mà còn bắt nguồn từ những động lực quan trọng của hiện tại và tương lai.

Một là, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ nhiều lợi ích song trùng và đan xen, đồng thời nỗ lực gây dựng những lợi ích chiến lược lâu dài chung mới giữa hai nước. Hai bên đã đạt được nhiều thành tựu về hợp tác và đang có cơ hội rộng mở để hợp tác trong các lĩnh vực mới, như kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định chuỗi cung ứng, phát triển kết cấu hạ tầng… Hai nước đều có lợi ích chung trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh và thịnh vượng cho khu vực. Đây vừa là nguyên tắc cơ bản trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, vừa là lợi ích quan trọng mà hai bên cùng hướng tới.

Hai là, trải qua 22 năm nỗ lực bình thường hóa quan hệ (1973 - 1995), 28 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013 - 2023), độ tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có những bước cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho quan hệ song phương phát triển sang một giai đoạn mới sâu sắc hơn, tin cậy hơn và toàn diện hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp và vun đắp cho một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng.

Ba là, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành những nhân tố quan trọng, là đối tác mang tính chiến lược trong chính sách đối ngoại của nhau. Chương mới trong quan hệ giữa hai nước sẽ đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả. Hai nước sẽ hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới.

Bốn là, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển trong bối cảnh hòa bình, hợp tác là xu thế chủ đạo ở khu vực và trên thế giới. Cho dù đang đứng trước nhiều thách thức, song xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa được cho là sẽ tiếp tục tiến triển. Các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, dưới nhiều hình thức và tầng nấc khác nhau, tạo ra những khuôn khổ hợp tác mới sâu rộng hơn. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai.

Trong giai đoạn phát triển tới, hai nước nhất trí tích cực triển khai Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Những nội hàm của khuôn khổ hợp tác mới là sự kế thừa và nâng tầm từ các trụ cột hợp tác mà hai nước đã và  đang thiết lập. Chín lĩnh vực hợp tác được thiết lập từ khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đều được bổ sung những khía cạnh mới với những động lực mới, góp phần làm sâu sắc quan hệ song phương. Nổi bật là: Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, đồng thời gắn đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng trong quan hệ song phương; thứ hai, hướng đến giải quyết những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của Việt Nam, như biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hợp tác cụ thể tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; thứ ba, bổ sung khía cạnh hợp tác mới về các vấn đề khu vực và quốc tế, nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết yếu của Tiểu vùng sông Mekong trong việc duy trì ổn định, hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển bền vững của khu vực.

Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry khảo sát và làm việc tại tỉnh Bến Tre về tình hình biến đổi khí hậu _Ảnh: TTXVN

Nhìn lại 8 năm trước (năm 2015), nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đúng vào dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Những khác biệt giữa hai nước là thực tế khách quan và là tất yếu trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Nhưng thực tế cũng cho thấy, hai nước chúng ta có thể chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, và những khác biệt không thể là trở ngại cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, lợi ích tương đồng giữa hai nước càng được mở rộng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, hướng tới tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới” (19). 

Trên cơ sở nhận thức và định hướng chung trong quan hệ giữa hai nước, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt dấu mốc phát triển mới, mang ý nghĩa lịch sử. Thành tựu này đạt được là do trong những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực sự cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Đây cũng chính là điều làm nên tính “khác biệt” và “đặc biệt” trong quan hệ giữa hai nước, như nhiều chuyên gia đã bình luận rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là một mẫu mực của cố gắng “vượt lên quá khứ để nhìn về tương lai” (20)./.

----------------------------

(1) Trịnh Dũng: “Hai thế kỷ quan hệ Việt - Mỹ”, Tạp chí điện tử VnEconomy, ngày 8-2-2008, https://vneconomy.vn/hai-the-ky-quan-he-viet-my.htm
(2) Xuân Ba: “Cái thuở ban đầu nước Mỹ ấy - kỳ II: Chuyện lặn ngòi, ngoi nước của sứ thần Bùi Viện”, Báo Tiền phong điện tử, ngày 21-8-2023, https://tienphong.vn/cai-thuo-ban-dau-nuoc-my-ay-ky-ii-chuyen-lan-ngoi-ngoi-nuoc-cua-su-than-bui-vien-post1561960.tpo
(3)  Nguyễn Văn Công: “Hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ngước ngoài tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 30-5-2021, https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/chuyen-ve-nguoi/hanh-trinh-chu-tich-ho-chi-minh-ra-nuoc-ngoai-tim-duong-cuu-nuoc-giai-phong-dan-toc-661085
(4)  Đỗ Hoàng Linh: “Kế hoạch hợp tác Mỹ với Việt Minh chống phát xít trước Cách mạng Tháng Tám”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 2-9-2015, https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Ke-hoach-hop-tac-My-voi-Viet-Minh-chong-phat-xit-truoc-Cach-mang-Thang-Tam-i363529/
(5)  Xem: Nguyễn Phương Nga: “Về quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 17-7-2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/817017/ve-quan-he-nhan-dan-viet-nam---my.aspx
(6) Nguyễn Văn Trường: “Chủ động thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ và Liên hợp quốc - Bài học từ chủ trương đúng đắn khi nước nhà mới giành được độc lập”, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 21-6-2019, https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/chu-dong-thiet-lap-quan-he-voi-my-va-lien-hop-quoc-bai-hoc-tu-chu-truong-dung-dan-khi-nuoc-nha-moi-gianh-122257
(7) Bùi Đình Phong: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho hội nhập của Việt Nam với thế giới”, Tạp Chí Cộng sản điện tử, ngày 31-7-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/823751/chu-tich-ho-chi-minh---nguoi-dat-nen-mong-cho-hoi-nhap-cua-viet-nam-voi-the-gioi.aspx
(8) Bình Thi: “Tại sao phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra mạnh mẽ ngay tại Hoa Kỳ”, Trang thông tin điện tử Việt Nam thịnh vượng, ngày 20-4-2021, http://thinhvuongvietnam.com/Content/tai-sao-phong-trao-phan-doi-chien-tranh-viet-nam-no-ra-manh-me-ngay-tai-hoa-ky-36545
(9) Tiêu biểu như nhận định của nhà sử học Fredrik Logevall - người đạt giải Pulitzer, tại tác phẩm “Kennedy and Vietnam: The great what-if” (Tạm dịch: Kenneday và Việt Nam: Điều giả định lớn), Miller Center, ngày 7-12-2022,  https://millercenter.org/news-events/events/kennedy-and-vietnam-great-what-if
(10)  Richard Nixon: No more Vietnam (Tạm dịch: Không có thêm Việt Nam), Richard Nixon Foundation, ngày 1-9-2017, https://www.nixonfoundation.org/2017/09/no-more-vietnams/
(11), (16), (20) Hà Kim Ngọc: “Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, Tạp chí Cộng sản điện tử, tháng 7-2015, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nhung-chang-duong-phat-trien/-/2018/35134/tam-nhin-moi-cho-quan-he-viet-nam---hoa-ky.aspx
(12) Nguyễn Mại: “Quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ trong ¼ thế kỷ”, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), 2023, https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/15707-quan-he-thuong-mai-va-dau-tu-viet--my-trong-14-the-ky
(13) Doãn Hùng: “Việt Nam lần đầu trong top 5 về số du học sinh ở Mỹ”, Trang thông tin điện tử VnExpress, ngày 15-11-2022, https://vnexpress.net/viet-nam-lan-dau-trong-top-5-ve-so-du-hoc-sinh-o-my-4536161.html
(14) Từ năm 2021, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt thông qua Chương trình Vietnam Wartime Accounting Initiative
(15) Phạm Huân: “10 năm đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Dư địa hợp tác song phương còn rất lớn”, Báo điện tử VOV, ngày 25-7-2023, https://vov.vn/chinh-tri/10-nam-doi-tac-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-du-dia-hop-tac-song-phuong-con-rat-lon-post1034857.vov
(17) Ban Thời sự: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden”, Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 10-9-2023, https://vtv.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-hoi-dam-voi-tong-thong-hoa-ky-joe-biden-20230910194128433.htm
(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 163
(19) Xem: Toàn văn bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Thông tấn xã Việt Nam, ngày 9-7-2015, https://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-noi-chuyen-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-csis/331933.vnp