Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII
TCCS - Ngày 16-11-2022, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XIII, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Đây là hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm sớm đưa nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260km) và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng, như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm... Trong vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến. Vùng hiện có 9 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế; nhiều cảng biển lớn.
Sau gần 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khoảng cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần dần được thu hẹp. Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có những chuyển biến tích cực; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố vững chắc.
Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Chính vì vậy, lần này, Bộ Chính trị đã thống nhất cao cho rằng, cần phải ban hành Nghị quyết mới tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một số điểm mới trong nghị quyết lần này là, nếu như Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn về 3 quan điểm định hướng chung thì nghị quyết lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Phát triển vùng mạnh về biển, giàu từ biển trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là về biển...
Nghị quyết lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực... Đây là nội dung hoàn toàn mới.
Quyết tâm phấn đấu để đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một vùng phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu... Về nhiệm vụ và giải pháp, nghị quyết lần này cũng đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Tại hội nghị, đại diện một số ban, bộ, ngành trung ương và địa phương đã phát biểu ý kiến làm phong phú, sâu sắc thêm vấn đề liên quan đến tiềm năng, lợi thế, những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp phát triển vùng thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác...
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng. Phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nơi "mặt tiền", địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống. Thực hiện nghiêm các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch. Giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức. Đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh. Ban Cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. “Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc; kiên quyết "không đánh trống bỏ dùi", "không đầu voi đuôi chuột", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ tiếp tục phát huy truyền thống, cùng với các ban, bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc  (16/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển