Đẩy mạnh các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc trong tình hình mới
TCCS - Tây Bắc là vùng chiến lược, có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng của nước ta. Thời gian qua, các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc đã góp phần thiết thực bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác này cũng còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của hoạt động phạm tội diễn ra tại vùng Tây Bắc nói chung, tại các tỉnh biên giới trong vùng nói riêng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể, lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương đã tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Qua thực tiễn triển khai công tác này ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc, có thể rút ra một số ưu điểm như sau:
Trước hậu quả, tác hại nghiêm trọng của hoạt động phạm tội đối với đời sống xã hội, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc đã nhận thức được sự cần thiết phải chung tay để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Các nguồn lực về con người, kinh phí, phương tiện ngày càng được tập trung đầu tư, góp phần tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng. Nhờ đó, công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm đã được quan tâm và triển khai tương đối rộng khắp, từng bước phát huy hiệu quả, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân. Sự phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm của công an, bộ đội biên phòng, hải quan ở các địa phương ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả hơn trong việc tổ chức các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập:
Một là, nhìn chung, các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm được tổ chức thực hiện có hiệu quả, phát huy tính tích cực, nhưng vẫn còn một số tuyến, địa bàn, các phong trào này chưa được triển khai một cách sâu rộng, chưa gắn với việc thực hiện các phong trào khác ở địa phương; một số hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả đạt được rất hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, gây tốn kém, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước và của địa phương.
Hai là, ở một số nơi, các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm vẫn chưa thực sự phong phú, đa dạng và phù hợp với đặc điểm của địa bàn, dân cư, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Công tác nắm tình hình và tham mưu tổ chức triển khai các phong trào này có lúc còn thiếu sự chủ động và kịp thời, do đó, chưa tạo ra được những hoạt động mang tính đột phá, chưa huy động được sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chưa thu hút được đông đảo nhân dân.
Ba là, quan hệ phối hợp giữa lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm của công an với các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm của bộ đội biên phòng, hải quan có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, chặt chẽ, còn mang tính vụ việc. Thậm chí, ở một số địa bàn, công tác phòng, chống tội phạm có lúc còn bị “khoán trắng”, coi đây là trách nhiệm riêng của lực lượng công an.
Bốn là, quan hệ hợp tác, phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam với cơ quan chức năng của các nước láng giềng Lào và Trung Quốc từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong đấu tranh với hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Năm là, trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ở một số địa bàn thuộc các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc, các cơ quan, lực lượng chức năng vẫn chưa chú trọng đến công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, cách thức tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao. Do đó, quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện và điều chỉnh nội dung hoạt động của các phong trào cho phù hợp hơn trong các giai đoạn tiếp theo chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm tại các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc thời gian qua là:
Thứ nhất, địa bàn các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc rất rộng, địa hình lại chủ yếu là đồi núi hiểm trở, có đường biên giới trải dài, giáp với cả hai nước láng giềng là Lào và Trung Quốc; dân cư thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau và cư trú rất thưa thớt, rải rác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới. Vì vậy, quá trình tổ chức triển khai đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng ở các địa bàn này gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự quan tâm, tập trung đầu tư về lực lượng, kinh phí và phương tiện. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số địa bàn lại chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tội phạm, thậm chí còn coi đó là nhiệm vụ riêng của các lực lượng chuyên trách như công an, bộ đội biên phòng, hải quan. Việc cụ thể hóa các nội dung về phòng, chống tội phạm của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự gắn với việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, vì vậy chưa huy động được tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm.
Thứ hai, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm ở các địa phương có mặt còn hạn chế, hoạt động chủ yếu theo kinh nghiệm. Một số cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm của công an, bộ đội biên phòng, hải quan ở các địa phương chưa nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong quá trình xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng, do đó chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa tích cực tham mưu triển khai thực hiện công tác này. Ngoài ra, do quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm của Việt Nam và các nước láng giềng Lào, Trung Quốc là khác nhau, đặc điểm dân cư ở hai bên biên giới cũng không giống nhau, nên quá trình thực hiện việc hợp tác, phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng đạt hiệu quả chưa cao.
Thứ ba, dân cư ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc nói chung, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua, điều kiện kinh tế của đồng bào từng bước được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào chưa cao, còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi quan hệ họ hàng, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán,… nên một số người dân chưa tích cực tham gia các phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm.
Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của các loại tội phạm ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc sẽ còn diễn biến phức tạp, đây vẫn là các tuyến, địa bàn trọng điểm và phức tạp về hoạt động phạm tội. Để tiếp tục đẩy mạnh các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ở các tỉnh biên giới Tây Bắc, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho việc xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tại các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc cần thường xuyên quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng. Căn cứ vào diễn biến hoạt động của các loại tội phạm tại địa phương mình, các cấp ủy, chính quyền cần xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai có hiệu quả công tác trên, trong đó có nội dung về xây dựng các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Hai là, phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26-3-2008, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22-6-2015, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1-12-2011, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 63/2013/QH13, ngày 27-11-2013, của Quốc hội khóa XIII, “Về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”… Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp tại các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc cần xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, mục tiêu cụ thể của công tác phòng, chống tội phạm.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, xây dựng bộ máy chính quyền thực sự vững mạnh, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực và có trách nhiệm trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về tổ chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để thu hút, tập hợp đông đảo nhân dân các địa phương tham gia phòng, chống tội phạm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải thật sự là “cầu nối” giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Hiện nay, bộ đội biên phòng, công an, hải quan là các lực lượng chủ công, nòng cốt trong tổ chức triển khai công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến, địa bàn cũng như ở các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng này trong phòng, chống tội phạm nói chung và trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về ngoại ngữ, pháp luật quốc tế (trong đó có pháp luật về phòng, chống tội phạm của các nước láng giềng Lào và Trung Quốc) và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị. Đồng thời, cần có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công an trong việc kiện toàn và chuyên nghiệp hóa lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm ở cơ sở.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm cho nhân dân.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm cần được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, để nhân dân nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, không bị các đối tượng phạm tội lợi dụng, lôi kéo vào các đường dây tội phạm; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm ở địa phương, trong đó có các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Năm là, tăng cường đầu tư kinh phí, nguồn lực, phương tiện phục vụ việc xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Cần quan tâm, tăng cường đầu tư về kinh phí cũng như các nguồn lực về con người, chế độ, chính sách, các trang thiết bị, phương tiện cần thiết để phục vụ tốt hơn cho quá trình tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, xây dựng và tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng. Đồng thời, cần chú trọng việc tổng kết, đánh giá để xác định các nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; rà soát các chương trình, kế hoạch về đấu tranh phòng, chống tội phạm đã và đang triển khai thực hiện tại các địa bàn để tránh sự chồng chéo, trùng giẫm, lãng phí các nguồn lực.
Sáu là, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm của công an, bộ đội biên phòng, hải quan cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với hệ thống chính trị các cấp của các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc và các cơ quan, đơn vị, lực lượng có liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, trong xây dựng và tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào và Trung Quốc trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Để làm cơ sở cho việc hợp tác giữa các bên, cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý và nghiên cứu xây dựng, ký kết các kế hoạch hợp tác về đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan chức năng tương ứng của Lào và Trung Quốc; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch hợp tác trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, trong xây dựng, tổ chức triển khai các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói riêng giữa Việt Nam với Lào và Trung Quốc./.
Khoa học - công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc  (24/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển