Giải quyết vấn đề tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh
TCCS - Là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của cả nước, nhưng thu nhập của đa phần cán bộ, công chức, viên chức chưa bảo đảm được đời sống nên họ chưa thật sự an tâm làm việc. Vì vậy, Thành phố xin Trung ương cho phép hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có việc chi thu nhập tăng thêm. Sau một năm thực hiện cơ chế, đã bộc lộ nhiều bất cập cần được hoàn thiện hơn trong thời gian tới bằng những giải pháp cần điều chỉnh cho sát hợp với thực tiễn.
Thực trạng tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nhiều năm qua, Nhà nước luôn thực hiện cải cách các chính sách tiền lương bằng xây dựng hệ thống lương nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội, phù hợp với nền kinh tế đang phát triển nhanh. Tuy mức lương tối thiểu thường được nâng lên chủ yếu để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần gánh nặng trong chi tiêu hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công, nhưng vẫn còn thấp và chế độ nâng ngạch, bậc, xếp lương chưa gắn với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chức vụ, mà tăng lên theo định kỳ chủ yếu dựa vào thâm niên công tác.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp đến 21,6% cho ngân sách quốc gia. Giai đoạn 2013 - 2017, năng suất lao động của Thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân của cả nước; năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước cao gấp 1,5 lần cả nước, nhưng mức lương bình quân của họ thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất. Chi phí cho cuộc sống khá cao tại một đô thị lớn, thu nhập chưa có tác dụng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó với khu vực nhà nước, khó thu hút được nhân tài, lao động chuyên môn kỹ thuật cao cống hiến cho Thành phố. Cụ thể:
Tại các cơ quan hành chính, cơ bản sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP(1). Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan này đã thể hiện hiệu quả, chất lượng cải cách bộ máy hành chính nhằm thúc đẩy hoạt động của đơn vị gắn với nhu cầu xã hội. Cơ chế tự chủ đã sử dụng kinh phí tiết kiệm giúp tăng thu nhập cho cán bộ, công chức với hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 01 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, giai đoạn 2013 - 2017 Thành phố có khoảng 770 cơ quan hành chính thực hiện tự chủ theo quy định của Chính phủ. Về tỷ lệ, khoảng 58% số lượng đơn vị có mức tăng thu nhập từ 0,1 đến 0,5 lần so với lương ngạch bậc, chức vụ; 10% số lượng đơn vị có mức tăng thu nhập từ 0,8 đến 1 lần so với lương ngạch bậc, chức vụ. Tỷ lệ đơn vị có mức thu nhập tăng thêm dưới 0,5 lần tăng theo thời gian, năm 2013 là 47%, đến năm 2017 lên đến 78%; trong khi tỷ lệ đơn vị có mức thu nhập tăng thêm trên 0,8 giảm dần, năm 2013 là 19%, đến năm 2017 chỉ còn 4%.
Ở các đơn vị sự nghiệp công lập, Thành phố thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ(2). Mức trả thu nhập tăng thêm được vận dụng: Đối với đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, mức chi trả do thủ trưởng đơn vị quyết định, đồng nghĩa với không giới hạn chi trả thu nhập tăng thêm. Các đơn vị căn cứ nguồn tài chính đã chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường quản lý nội bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức trong sử dụng kinh phí, chống tiêu cực, lãng phí nhằm tiết kiệm kinh phí để tăng thu nhập cho công chức, viên chức tại đơn vị. Giai đoạn 2013 - 2017, bình quân Thành phố có 1.831 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ, trong đó, khoảng 88% số đơn vị có mức tăng thu nhập dưới 1 lần quỹ lương cấp bậc, chức vụ theo quy định; khoảng 0,4% số đơn vị có mức tăng thu nhập trên 3 lần quỹ lương cấp bậc, chức vụ theo quy định.
Để bảo đảm chính sách tiền lương áp dụng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với năng suất lao động thực tế của Thành phố, cơ bản bảo đảm mức chi phí sinh hoạt tại một đô thị lớn và góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hơn nữa năng suất phục vụ, hiệu quả công việc góp phần đưa Thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, lãnh đạo Thành phố đệ trình Quốc hội cho Thành phố được hưởng cơ chế đặc thù và được chuẩn y qua Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ...
Quán triệt Nghị quyết số 54/2017/QH14, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND để quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Căn cứ dự kiến Quỹ tiền lương ngạch bậc, chức vụ giai đoạn 2018 - 2020 của Thành phố, cùng với khả năng cân đối nguồn cải cách tiền lương giai đoạn này, Thành phố xác định hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm theo lộ trình: Năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; Năm 2019, hệ số sẽ là 1,2 lần; Năm 2020, hệ số đạt 1,8 lần. Kế tiếp, từ năm 2021 đến 2022, căn cứ kết quả đánh giá sơ kết thí điểm chi trả thu nhập tăng thêm của những năm trước, Thành phố sẽ tiếp tục xác định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù cho phù hợp với tình hình thực tế.
Kể từ khi Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND đến nay, cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố được nhận nguồn thu nhập tăng thêm. Mức thu nhập này được hưởng tùy thuộc vào hệ số lương, kết quả hoàn thành công việc. Động thái trên được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp cán bộ, công chức, viên chức an tâm cống hiến trong công tác.
Những vấn đề đặt ra khi thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm
Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố mới được áp dụng hơn năm nay, và chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc xuất hiện những bất cập trong quá trình thực hiện là không tránh phải.
Thứ nhất, nội dung các tiêu chí đánh giá kết quả công tác của từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức được liệt kê quá chi tiết, nhưng lại mang tính chung chung. Để được nhận thu nhập tăng thêm, từng cá nhân phải tự đánh giá kết quả công việc mình thực hiện, lẽ thông thường họ đều có thể đánh giá cho mình được điểm tối đa. Các tiêu chí này hầu như đều có trong mọi đối tượng được đánh giá từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, như luôn gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống, tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực, lành mạnh; duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý trong phạm vi quản lý; tận tụy, có trách nhiệm trong công tác; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao...
Thứ hai, phương pháp đánh giá chưa khoa học, rõ ràng. Cụ thể:
- Đánh giá cho từng cán bộ, công chức, viên chức được thể hiện qua 3 phiếu: cá nhân tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá cho cá nhân, sau cùng là cấp có thẩm quyển đánh giá. Điều này dễ nảy sinh bất cập, việc đồng nghiệp đánh giá cho từng cá nhân chưa hẳn đã hợp lý đối với một số cơ quan, đơn vị có số người đông, nếu tổ chức lấy ý kiến tất cả mọi người thì sẽ rất phức tạp và 3 phiếu đánh giá cho 1 cá nhân sẽ tốn kém thời gian (thậm chí mang tính hình thức).
- Thời gian thực hiện đánh giá được ấn định vào những ngày cuối tháng của quý, hiển nhiên thu nhập tăng thêm sẽ được nhận theo định kỳ 3 tháng/lần. Trong khi, cán bộ, công chức, viên chức rất cần thu nhập đều đặn hằng tháng để trang trải cho sinh hoạt hằng ngày. Hơn nữa, trước kia đã có nhiều đơn vị tự chủ tài chính thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo hằng tháng, nay chuyển sang chi theo quý sẽ khó khăn.
- Các văn bản của Thành phố hướng dẫn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ không quy định rõ tỷ lệ đối với từng cấp độ. Điều này dẫn đến sự dễ dãi trong đánh giá tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm, làm cho chi trả thu nhập tăng thêm sẽ không đầy đủ ý nghĩa tích cực. Thực tế cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được chi thu nhập tăng thêm của quý II, III, IV/2018 khá cao. Nhiều đơn vị có số cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt tới hơn 80%, thậm chí đạt 100%.
Thứ ba, đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm mới chỉ dừng lại ở cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và còn bất cập về thời gian hưởng trong một số lĩnh vực công tác. Với cán bộ, công chức, viên chức nói chung, tùy theo hiệu quả công việc để nhận thu nhập tăng thêm, nhưng với người lao động làm việc hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và các hợp đồng khác chỉ được hưởng chia sẻ thu nhập tăng thêm từ cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế. Việc chia sẻ thu nhập tăng thêm này rất phụ thuộc vào sự quyết định của tập thể trong hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức tại đơn vị. Điều đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của mọi người, gây không ít khó khăn cho đơn vị trong quá trình thực hiện đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tâm lý của những người không được hưởng thu nhập tăng thêm sẽ bất an, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, còn những người được hưởng bị giảm bớt một phần thu nhập.
Ngoài ra, cũng còn có một số đối tượng khác không được hưởng thu nhập tăng thêm dù là cán bộ, công chức, viên chức. Chẳng hạn, như việc chi trả thu nhập tăng thêm cho giáo viên nghỉ hè; cán bộ, công chức, viên chức tập sự hoặc đang trong thời gian đi học hoặc được điều động công tác từ đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội sang một số ngành khác, như tổ chức hiệp hội ngành, nghề... cũng là bài toán chưa có lời giải..
Một số đề xuất góp phần hoàn thiện việc chi trả thu nhập tăng thêm
Quán triệt Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu bảo đảm tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện phục vụ nhân dân, thu hút nhân tài phục vụ tốt cho sự phát triển bền vững của Thành phố, để tiếp tục thực hiện thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, Thành phố nên tham khảo một số giải pháp sau:
Một là, điều chỉnh khung tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ công chức, viên chức trong công việc cho thực tế hơn. Cụ thể, đối với những tiêu chí, như có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách và được cấp có thẩm quyền công nhận; hay có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận... thì cán bộ, công chức, viên chức rất khó có thể thực hiện được trong tháng, quý, nhất là những công trình khoa học, thường thời gian thực hiện 1 - 3 năm. Nên chăng, các tiêu chí này chỉ xét trong năm hoặc khi có kết quả nghiệm thu của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó cần chấm điểm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp hơn. Các tiêu chí đánh giá cần bám sát thực tế với công tác, tránh tình trạng chấm điểm các tiêu chí một cách chung chung.
Hai là, phương pháp đánh giá chi thu nhập tăng thêm nên đơn giản và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo tháng thay bằng theo quý. Nên chăng, từ 3 bảng chấm điểm đánh giá quy tụ vào làm 1 bảng duy nhất, trong đó chia khung chấm điểm cho cá nhân tự đánh giá và cho lãnh đạo trực tiếp chấm điểm đánh giá. Như vậy, sẽ ít tốn kém về vật chất và thời gian.
Ba là, cụ thể hóa cho từng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm, nhất là những đối tượng chưa được đề cập cụ thể trong Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND. Dưới đây là những gợi ý chính sách có thể triển khai:
- Với ngành giáo dục, giáo viên vẫn được hưởng thu nhập tăng thêm trong kỳ nghỉ hè đầy đủ khi có công việc học tập, còn khi không có công việc thì được hưởng theo mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức được điều động công tác từ đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội sang một số ngành khác không được tính thu nhập tăng thêm nên bảo lưu tính thu nhập tăng thêm (tính theo tương ứng với bình bầu thi đua tại đơn vị công tác).
- Cán bộ, công chức, viên chức tập sự và đang trong thời gian đi học việc được hưởng theo mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Đối với người lao động ký hợp đồng lao động nên đưa vào đối tượng thực hiện chi thu nhập tăng thêm.
Bốn là, thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm bám sát thực tế hơn. Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND đã cụ thể chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo Nghị quyết, người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hưởng hệ số thu nhập tăng thêm mức tối đa 0,6 lần tiền lương theo bậc, ngạch chức vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được hưởng tối đa 80% của trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Chính sách này đã được áp dụng trong 3 quý cuối năm 2018. Trong khi, tại Thành phố có nhiều đơn vị tự chủ tài chính từ nhiều năm nay đã thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động hằng tháng ở mức cao hơn rất nhiều so với thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù, có nơi thực hiện chi cao hơn gấp đến 2 lần so với lương theo bậc, ngạch chức vụ và còn chi trả theo hằng tháng... Vì vậy, Thành phố nên chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo hằng tháng. Như thế, sẽ ổn định mức sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị đã chi trả theo tháng. Đối với các đơn vị chưa thực hiện, cũng nên sử dụng phương án này, hoặc hằng tháng có thể hưởng khoảng 80% so với định mức, cuối mỗi quý các cơ quan, đơn vị sẽ thực hiện thanh toán đủ phần còn lại. Đồng thời, điều chỉnh mức thu nhập tăng thêm cao hơn Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND đối với các đơn vị đã chi theo Nghị định số 43/2006 của Chính phủ hợp lý (giảm dần có lộ trình tương ứng với Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND). Với những đơn vị tự chủ tài chính (hoàn toàn hoặc một phần) đang không có tích lũy để chi thu nhập tăng thêm (do đặc điểm ngành) nên được hỗ trợ một phần. Cân đối nguồn chi thu nhập tăng thêm tại đơn vị, nếu đơn vị thật sự không có nguồn chi thì Thành phố nên trích từ ngân sách để thực hiện./.
------------------------------
(1) Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17-10-2005, của Chính phủ, “Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước”. Nghị định 117/2013/NĐ-CP, ngày 7-10-2013, của Chính phủ, “Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17-10-2005, của Chính phủ
(2) Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25-4-2006, của Chính phủ, “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên