Ghi nhận từ một đảng bộ xã vùng cao biên giới

Phạm Hiệp - Chu Thành
14:26, ngày 01-11-2007

Xã Trung Lý, huyện Mường Lát nằm ở vùng cao biên giới Việt-Lào của tỉnh Thanh Hóa. Hai phần ba số dân ở đây là người dân tộc Mông, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, an ninh và xã hội phức tạp... Nhưng Đảng bộ xã Trung Lý là một tập thể đoàn kết và sát dân. Họ là nhịp cầu nối dân với Đảng, làm cho dân tin yêu vào Đảng.

Một địa chỉ Đảng ở biên giới phía tây đất nước

Đi theo con đường đèo dốc quanh co, uốn lượn, trập trùng, sâu hút, chúng tôi đến xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, một xã vùng cao ở tận cùng biên giới phía tây tỉnh Thanh Hóa.

Xã Trung Lý gồm 16 bản, có diện tích gần 20 nghìn héc-ta, xã rộng nhất của huyện Mường Lát và cũng là một trong những xã có đường biên giới Việt - Lào dài nhất huyện, tiếp giáp với ba bản Na Him, Him Đam, Khằm Nàng của huyện Viêng Xay (Lào). Trung Lý có hơn 5 ngàn người, là địa bàn của 4 dân tộc anh em là Thái, Mường, Mông và dân tộc Kinh cùng chung sống, nhưng chủ yếu là hai dân tộc Thái, Mông. Riêng người Mông ở 11 bản, gồm 558 hộ với 3.558 người. Với những đặc điểm về địa hình và dân cư như vậy, đủ thấy Đảng bộ và Chính quyền xã Trung Lý đã phải vất vả thế nào trong công tác lãnh đạo và quản lý. Chẳng hạn, xã có đông đồng bào người Mông sinh sống, mà tập tính phổ biến là sống du canh du cư. Đã thế đồng bào lại sống trên núi cao xa xôi hẻo lánh, nên đời sống hết sức nghèo nàn và chìm sâu trong những hủ tục lạc hậu. Họ không có điều kiện học hành nên trình độ dân trí thấp, có bản cách đây không lâu, còn chưa biết chữ và số người biết tiếng phổ thông rất ít. Đó là một trở ngại cho việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Đảng viên làm "nhịp cầu" cho dân

Chúng tôi lội bộ, vượt đèo, qua những con đường gập ghềnh cùng Bí thư đảng ủy xã tới bản Ma Hác. Trưởng bản Ma Hác là đồng chí Thào Seo Hòa, một đảng viên còn rất trẻ. Anh nói giọng phổ thông chưa được tròn, nhưng nhiệt tình giới thiệu và đưa chúng tôi thăm một số nhà dân trong bản. Ma Hác có 26 nóc nhà nằm chen với rừng rậm cheo leo trên sườn núi cao. Cả bản chỉ có Thào Seo Hòa là đảng viên và cũng là người có trình độ văn hóa cao nhất (hết lớp bốn). Dân bản Ma Hác theo đạo Tin Lành toàn tòng. Trưởng bản cũng theo đạo, nhưng anh nói: "Bản mình chỉ thờ "Giàng" ở nhà thôi, không tụ tập, không hoạt động lén lút theo bọn xấu đâu, bản mình chấp hành tốt theo Chỉ thị 22 của Đảng". Hỏi về đời sống kinh tế của người dân trong bản, anh kể: "Mấy năm trước vào mùa giáp hạt, dân còn phải vào rừng đào củ mài ăn, nay thì thôi rồi. Đảng và Nhà nước dạy cho cách trồng thêm cây ngô lai, cây đậu tương, nuôi thêm con trâu, con bò lai Sil nên lương thực đã tạm đủ. Chỉ có cái chữ là khó vào quá, học mãi mà vẫn cứ quên".

Bản Nà Ón ở dưới thấp, trong một thung lũng khá thơ mộng nên đường xe thuận tiện hơn. Cũng như Ma Hác, dân bản đều là người Mông và nhà nào cũng theo đạo Tin Lành. Nhìn những ngôi nhà xinh xắn, san sát bên nhau, những chiếc xe máy còn mới đã cho chúng tôi một thông điệp rằng, người dân bản Nà ón đã sống định cư nên đời sống khấm khá hơn. Trưởng bản Sùng A Nhà cho biết: "Ngoài việc làm rẫy, dân đã được cán bộ xã phổ biến cho cách làm ăn mới, lúc nông nhàn họ vào rừng đi khai thác nan thanh (một sản phẩm từ cây nứa) đem bán cho một công ty mỹ nghệ ở Hà Tây vào đặt mua. Mỗi ngày cũng thu được từ 25 đến 30 ngàn đồng". Khi biết làm ăn, kinh tế phát triển thì các mặt văn hóa, giáo dục cũng phát triển theo. Cả bản có 32 hộ mà có tới 4 bể nước sạch lớn, một trường tiểu học và có một cán bộ phụ trách công tác y tế. Sùng A Nhà gãi đầu và cười ngượng nghịu nói đến công tác kế hoạch hóa gia đình: "Bản mình đang còn đẻ nhiều thôi, nhưng mình đi tuyên truyền, dân nghe theo rồi; người trẻ đã đi đặt vòng, người già hơn thì vợ chồng bảo nhau kiêng không đẻ nữa".

Bản Táo, nơi đặt trung tâm hành chính của xã nằm trên trục tỉnh lộ 520, là bản khấm khá nhất Trung Lý. Dân ở đây chủ yếu là dân tộc Thái. Cả bản có 164 hộ, trong đó 84 gia đình đã mua được xe máy. Một trăm phần trăm trẻ em đều được đi học đúng độ tuổi; có người học đến trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Bí thư đảng ủy xã là người bản Táo, anh cho biết: "Dân ở bản này giàu hơn là do biết làm dịch vụ thương mại. Vì cư trú ở gần đường cái nên việc đi lại giao lưu buôn bán dễ dàng hơn".

Ở xã Trung Lý, một mô hình cơ cấu kinh tế mới đang được hình thành theo hướng nông - lâm nghiệp và dịch vụ thương mại. Thực ra, trong những năm qua (2001-2005), mô hình kinh tế này đã được triển khai nhưng phát triển còn chậm chạp, chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân và so với tốc độ phát triển chung của huyện. Về nông nghiệp, sản lượng lương thực tính bình quân đầu người tăng dần qua hằng năm (năm 2000 đạt 232,8 kg/đầu người/năm, đến năm 2006 đạt trên 350kg/đầu người/năm). Đàn gia súc cũng phát triển (năm 2000 có 686 con trâu bò, đến 2006 có 1.518 con). Triển khai giao đất, giao rừng đến từng hộ, trồng cây theo dự án, khoanh nuôi rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng bảo tồn thiên nhiên, trồng và chăm sóc vườn luồng thuộc diện tích rừng sản xuất. Đội phòng chống cháy rừng được thành lập đến từng bản. Người trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng đã có thu nhập và sống được từ lợi ích của rừng đem lại. Về dịch vụ thương mại, đã tạo điều kiện cho dân vay vốn sản xuất và mở dịch vụ tiêu thụ sản phẩm khai thác của rừng. Với thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng (năm 2000 là 1.128.000 đồng/năm đến 2006 là 1.598.000 đồng/năm), tuy chưa cao nhưng với một xã có nhiều khó khăn như Trung Lý thì đó quả là một nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân.

Đảng bộ xã Trung Lý có 69 đảng viên, được thành lập cách đây hơn 40 năm, nhưng trình độ năng lực của đảng viên ở nhiều bản còn rất hạn chế, ở một số thôn bản vẫn chưa có đảng viên. Địa bàn xã lại quá dài, rộng, các bản người Mông ở sâu trong rừng, đường đi lại vô cùng khó khăn. Có những bản cách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã tới hơn 50 km như Tà Cóm, Cánh Cộng, Ca Giáng... chỉ có thể đi bộ. Bù lại, đối với tập thể các thế hệ Ban Chấp hành Đảng bộ xã và toàn thể đảng viên, không khó khăn nào có thể làm họ chùn bước, không đường sá xa xôi cách trở nào ngăn bước chân họ đi về các bản để dìu dắt nhân dân từng bước đi lên theo conđường của Đảng đã vạch định.

Mặc dù có nhiều dân tộc chung sống, trình độ nhận thức cũng chênh lệch nhau rất nhiều, song, Đảng bộ xã Trung Lý đã phát huy được truyền thống đoàn kết và luôn nhất trí một lòng thực hiện tốt nhiệm vụ. Điểm mạnh dễ nhận thấy ở Trung Lý là Đảng bộ đã lựa chọn được các đảng viên tiêu biểu bầu vào Ban Chấp hành. Họ hiểu biết về tập quán địa phương, dân tộc, biết vận dụng các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Đảng ủy đã lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xã để vận động nhân dân, chia sẻ với dân. Chẳng hạn, việc xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh cho từng bản. Sau khi có chủ trương của tỉnh và huyện, Trung Lý đã khẩn trương "đấu mối" với các cơ quan, các ban ngành của tỉnh để tìm "người đỡ đầu" cho các bản. Các cơ quan, đơn vị ở tỉnh đảm nhận việc giúp một phần kinh phí để xây dựng bản, cử người xuống tuyên truyền giúp đỡ dân bản, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và phương pháp kinh doanh, xây dựng nếp sống văn hóa... Đến nay, có 11 bản được các cơ quan, ban, ngành của tỉnh nhận giúp đỡ nên việc làm ăn của đồng bào có tiến bộ rõ rệt.

Trong 5 năm vừa qua, Đảng bộ xã Trung Lý đã kết nạp được 32 đảng viên mới. Về vấn đề này, đồng chí Ơn nói: "Đảng bộ chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng, không phải vì những quần chúng của chúng tôi không đủ phẩm chất đứng trong hàng ngũ của Đảng, mà vì đa số họ là dân di cư tự do nên khi thẩm tra lý lịch đều không rõ nguồn gốc. Do đó, nhiệm vụ xóa bản "trắng đảng viên" quả đang là vấn đề nan giải"

Cũng như các đảng bộ khác ở vùng cao biên giới, công tác an ninh quốc phòng ở Trung Lý đang phải đối mặt với nhiều bức xúc, mà nóng bỏng nhất vẫn là ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển chất ma túy trái phép qua biên giới. Trung tâm xã chỉ cách biên giới Việt- Lào 4 km và cách bản Na Hàm (Lào) 6 km, nên ở đây thường nóng lên về các hoạt động buôn bán ma túy từ Lào sang. Những cán bộ đảng viên ở đây vô cùng vất vả. Họ luôn phải đứng trước những thử thách thật nặng nề. Trước hết, họ phải là những người đầu tầu gương mẫu trong gia đình, trong dòng họ, không nghiện thuốc phiện, không dung túng chứa chấp những phần tử có dính líu đến ma túy... Điều đó với người Mông thật không dễ, vì bao đời nay dân tộc Mông, nhất là bộ phận sống du canh du cư đã gắn liền với mùi thơm của hoa anh túc. Tính cộng đồng trong các bản người Mông rất cao. Đảng viên người Mông ở Trung Lý còn luôn phải đứng trước sự cám dỗ đến mê hoặc của đồng đô-la sặc mùi hê rô in cứ âm thầm chảy qua rừng biên giới như một khe nước độc. Nhưng trước sự tỉnh táo của các cán bộ trong cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cùng với việc thường xuyên chăm lo giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã thấm dần đến từng cán bộ, đảng viên, nên không có một sự thoái hóa biến chất nào về đạo đức, lối sống trong hàng ngũ đảng viên. Chính vì vậy trong nhiều năm liền, Đảng bộ xã Trung Lý đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, hằng năm cũng tăng dần lên, không có chi bộ nào bị xếp loại yếukém.

Suy nghĩ thực tế và giản dị về một tương lai

Nói đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng bộ xã Trung Lý không thể không nói đến Ban Chấp hành Đảng bộ mà người đứng đầu là Bí thư Lương Văn Ơn và Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lương Văn Quang. Hai tay lái vững vàng của "con tàu" Đảng bộ Trung Lý. Họ đều là những người con của dân tộc Thái, của quê hương Trung Lý. Nhìn vóc dáng gân guốc và những nếp nhăn già trước tuổi của họ, chúng tôi càng thêm hiểu họ phải trăn trở, vất vả đến thế nào để thực hiện mơ ước quê hương miền núi của họ tiến kịp miền xuôi. Điều đó dù vẫn còn là trong mơ ước nhưng trước mắt phải làm sao để dân bớt đói, bớt nghèo, bớt lạc hậu, mới là việc cần phải làm ngay. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra những mục tiêu chương trình và giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, v.v. Tuy vậy, để tìm cho được những giải pháp khả thi nhất để biến nghị quyết của Đảng bộ thành hiện thực vẫn đang là nỗi trăn trở lớn.

Tâm sự với chúng tôi, Bí thư Lương Văn Ơn nhấn mạnh: "Để thực hiện cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp - dịch vụ thương mại, chúng tôi phải tiến hành sao cho thật hài hòa nhiều biện pháp. Phát triển cây lúa nhưng phải thực hiện theo phương châm khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước, hạn chế dần việc phá rừng, đốt rẫy làm nương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao theo công thức 3 cây, 2 con là: cây lúa, cây đậu tương, cây ngô lai và con trâu, con bò. Còn trong lâm nghiệp, ngoài việc khai thác các sản phẩm của rừng tự nhiên, chúng tôi phải đồng thời trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng theo các dự án. Ngoài việc phát triển các dịch vụ thương mại, Trung Lý đang từng bước phát triển những mặt hàng qua sơ chế để biến chúng thành hàng hóa và giải quyết việc làm cho người lao động khi nông nhàn. Thực ra, trước mắt chúng tôi cũng chỉ dám quyết tâm xóa đói, chứ xóa nghèo thì cần phải có thời gian. Miền núi còn vô số những khó khăn, không chỉ riêng Đảng bộ chúng tôi phải đương đầu mà còn là bài toán đang cần có lời giải đúng của cả tỉnh và cả nước". Chúng tôi hiểu đó là những lời chân tình nhất của anh, người Bí thư Đảng ủy đã gắn bó đời mình với quê hương núi rừng. Anh đang cùng với tập thể cán bộ lãnh đạo địa phương sát cánh bên nhau, hợp tác thống nhất để gánh lấy trách nhiệm nặng nề này. Họ vẫn thường xuyên đi về các bản làng, dù xa xôi đến mấy, với đôi chân dẻo dai, bền bỉ nắm bắt từng tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để tìm biện pháp giải quyết. Có thể nói, họ là những nhịp cầu nối dân với Đảng, làm cho mọi người dân tin tưởng, đi theo con đường của Đảng, dù ở mọi vùng của núi rừng Tổ quốc.