Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Với vai trò là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, khu vực Đông Bắc Á và ASEAN, trung tâm kinh tế biển của phía Bắc, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đột phá mới để mở rộng cánh cửa liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, khu vực Đông Bắc Bộ, góp phần tạo thế và lực phát triển trong giai đoạn mới.
Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ
Với phương châm “giao thông đi trước mở đường” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao theo hướng công khai, minh bạch, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh 5 phương thức vận tải đang khai thác là đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không. Cụ thể là: (i) Đường bộ: Quảng Ninh có tổng chiều dài hệ thống đường bộ là 6.343km, trong đó: 1 tuyến đường cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn (CT.06) dài 176km với tốc độ khai thác từ 100km/giờ đến 120km/giờ, quy mô 4 làn xe; 7 tuyến quốc lộ dài 480km gồm: QL.18, QL.18B, QL.18C, QL.4B, QL.279, QL.17B, QL.10 với quy mô các tuyến cơ bản đạt từ cấp III trở lên; 14 tuyến đường tỉnh và 10 tuyến đường cấp tỉnh quản lý dài 461km; 1.134 tuyến đường đô thị dài 935km; 119 tuyến đường huyện dài 723,86km; 331 tuyến đường xã dài 1.064km; 28 tuyến đường chuyên dùng dài 156,5km; 2.525 tuyến đường giao thông nông thôn khác dài 2.449km. (ii) Đường sắt: có một tuyến đường sắt cấp quốc gia đi qua dài 64km kết nối từ ga Kép (tỉnh Bắc Giang) đến thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí và Hạ Long. Dự án xây dựng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang tạm dừng, mới hoàn thành xây dựng đoạn tuyến từ ga Hạ Long tới cảng Cái Lân. Ngoài ra, còn một số tuyến đường sắt chuyên dụng của ngành than phục vụ khai thác và vận chuyển than. (iii) Đường biển: toàn tỉnh có 6 khu vực hàng hải bao gồm Vạn Gia - Hải Hà, Mũi Chùa, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên. Tuy nhiên, chỉ có 5 khu vực có hoạt động hàng hải (trừ khu vực hàng hải Cô Tô) với 3 khu bến (khu bến Yên Hưng - Quảng Yên, Cái Lân - Hòn Gai, Cẩm Phả), 2 bến cảng (Mũi Chùa, Vạn Gia), 1 cảng khách quốc tế Hạ Long. (iv) Đường thủy nội địa: toàn tỉnh có 37 tuyến luồng đường thủy nội địa, với chiều dài 838 km (Luồng đường thủy nội địa quốc gia dài 528,9km và luồng đường thủy nội địa địa phương dài 308 km) và có 159 cảng, bến đã được cấp phép hoạt động gồm 44 cảng và 115 bến. (v) Đường hàng không: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với quy mô cấp 4E; sân bay quân sự cấp II, công suất 2,5 triệu hành khách/năm, được đưa vào khai thác từ ngày 30-12-2018 kết nối tỉnh Quảng Ninh với cả nước và thế giới.
Để có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản đồng bộ, hiện đại, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đưa vào khai thác, sử dụng hàng loạt các công trình giao thông quan trọng như đường cao tốc, sân bay, cầu, cảng… Đây đều là những công trình góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh, là huyết mạch giao thông kết nối các vùng kinh tế - văn hóa - xã hội, là các “cửa ngõ” phát triển kinh tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và cải thiện một bước mạnh mẽ đời sống dân sinh. Đây cũng chính là những dự án thành công bởi nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Chỉ trong khoảng 4 năm, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp khánh thành 3 tuyến cao tốc quan trọng (Hạ Long - Hải Phòng kết nối vào tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn kết nối vào cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái kết nối vào cửa khẩu quốc tế Móng Cái); khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… Các công trình hạ tầng giao thông động lực này góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển ở tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh còn huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.
Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn; mạnh dạn, linh hoạt vận dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với các hình thức đầu tư, quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng dự án, với thực tiễn của địa phương, coi trọng hiệu quả sau đầu tư. Tỉnh cũng kêu gọi các nhà đầu tư lớn triển khai các dự án hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế, cảng tàu khách quốc tế). Đến nay, đã triển khai 46 dự án PPP, với tổng số vốn 58.800 đồng, trong đó, vốn nhà nước chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, việc huy động vốn đầu tư tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài 176km có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông kết nối liên kết vùng, rút ngắn thời gian và khoảng cách về thời gian, mở rộng không gian phát triển, khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực như Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái. Đây là tuyến huyết mạch kết nối cửa khẩu quốc tế Móng Cái, giao thương biên mậu với thị trường Trung Quốc cùng các nước ASEAN với thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc; kết nối 3 sân bay quốc tế gồm Vân Đồn, Nội Bài, Cát Bi; kết nối chuỗi cửa khẩu quốc tế với các khu kinh tế của địa phương như Khu kinh tế Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, dịch vụ logistics hệ thống cảng biển Quảng Ninh - Hải Phòng; kết nối trục các đô thị lớn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và không gian kinh tế, hành lang kinh tế biển vùng duyên hải phía Bắc. Từ đó, hình thành mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển, hình thành cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tạo không gian phát triển mới. Tuyến cao tốc sẽ giúp chuỗi liên kết này thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Đến nay, Quảng Ninh cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng khung chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại. Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, bảo đảm kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế. Đồng thời, đẩy nhanh đô thị hóa với sự định hình chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, hướng tới xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua các tuyến cao tốc gồm: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; 7 tuyến quốc lộ: QL.18, 18B, 18C, 279, 10, 17B, 4B; 3 tuyến đường sắt quốc gia Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long); Hạ Long - Móng Cái; các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia và quốc tế đã được xác định tại quy hoạch cấp quốc gia; hệ thống đường thủy nội địa quốc gia; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Quy hoạch các tuyến đường tỉnh kết nối với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, cảng biển, các nhánh đường sắt kết nối với cảng biển, tăng cường liên kết đường bộ - đường sắt - cảng biển - hàng không.
Quảng Ninh sớm hình thành các trung tâm logistics liên vùng, kết nối hoạt động vận tải hàng hoá trong nước và quốc tế; hình thành tuyến hành lang liên kết quan trọng nhất của tỉnh theo hướng Đông - Tây, liên kết 3 vùng kinh tế lớn của tỉnh và các khu đô thị, các khu chức năng trọng yếu của tỉnh, như các khu thương mại dịch vụ, các khu công nghiệp, các cảng biển... Hành lang này được hình thành trên cơ sở các tuyến đường cao tốc, đường tốc độ cao, quốc lộ đã hình thành và định hướng hoàn thành giai đoạn đến năm 2030 như: Tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, hình thành trục cao tốc xuyên suốt từ phía Tây đến phía Đông của tỉnh và liên kết đến vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; tuyến đường tốc độ cao 10 làn xe đi qua Uông Bí, Đông Triều và kết nối với đường vành đai 5; tuyến đường ven biển từ Tiên Yên đến Móng Cái hỗ trợ liên kết các đô thị, khu du lịch ven biển. Đồng thời, nâng cấp các tuyến quốc lộ, nâng cấp, xây mới các tuyến đường tỉnh để tăng cường liên kết khu vực miền núi với tuyến hành lang liên kết Đông - Tây, với các trung tâm đô thị lớn khu vực đồng bằng ven biển của tỉnh. Quy hoạch lại các tuyến đường mới liên kết Vân Đồn với khu vực biển đảo, tổ chức giao thông đường thủy liên kết biển đảo; quy hoạch hệ thống giao thông đường sắt liên kết các trung tâm kinh tế của tỉnh; hệ thống đường bộ, đường sắt liên kết các tuyến giao thông trọng yếu của quốc gia với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, tạo điều kiện phát triển các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không.
Với quan điểm kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn tới, hạ tầng giao thông Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế./.
Đảng bộ huyện Vân Đồn tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo sức bật để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025  (20/11/2023)
Tăng trưởng xanh: Chuyển biến từ nhận thức tới hành động - Nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh  (15/11/2023)
Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới  (14/11/2023)
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh: Mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội  (10/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển