Ngày 23-2, tại thành phố Qui Nhơn (Bình Định ) đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở do Tỉnh ủy Bình Định tổ chức.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28-3-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Thông báo số 159-TB/TW ngày 15-11-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) và các nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy.

Nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của người dân đều được đưa ra nhân dân bàn bạc, giải quyết theo đúng tinh thần của Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo được không khí dân chủ, phấn khởi và khơi dậy được tiềm năng trong nhân dân. Thông qua việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, hệ thống chính trị xã - phường - thị trấn, các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước từng bước được củng cố, kiện toàn; phương thức lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể được đổi mới theo hướng sát cơ sở, sát dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các yêu cầu chính đáng của nhân dân; coi trọng việc  công khai các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội; ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với dân được nâng lên một bước.

Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở còn tạo thêm động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đơn vị. Tại tỉnh đã nổi lên một số đơn vị thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở như xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn), xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn), xã An Vinh (huyện An Lão), xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ), xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn), phường Lê Hồng Phong (thành phố Quy Nhơn)...; Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Bình Định, Công ty Sách thiết bị Bình Định, Công ty Dược trang thiết bị y tế Bình Định, Cảng Quy Nhơn, Công ty Bảo hiểm Bình Định...

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện Quy chế dân chủ cũng bộc lộ những tồn tại, khiếm khuyết: ở một khía cạnh, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể về Quy chế Dân chủ ở cơ sở chưa thật sâu sắc; có nơi chưa công khai kịp thời, cụ thể các khoản đóng góp của nhân dân, làm cho nhiều người băn khoăn, thiếu tin tưởng. Việc phát huy quyền làm chủ của người lao động ở một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có nơi chưa thật sự đổi mới, chưa thực hiện tốt vai trò đại diện hội, đoàn viên và nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra tổ chức thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở… Ở khía cạnh khác, có nơi, có lúc lại lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ luật, kỷ cương, tụ tập đông người, khiếu kiện vượt cấp...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh một số việc Bình Định cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay. Đó là:
 
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản, tài liệu, nghị quyết, chỉ thị... của Đảng, Chính phủ đã được ban hành; tập trung chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị định 87-NĐ/CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đã được ban hành năm 2007.

- Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch để nhân dân biết, bàn, kiểm tra, tham gia ý kiến, đặc biệt trong huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân và thực hiện chính sách xã hội ở địa phương, đơn vị.

- Làm tốt công tác vận động nhân dân đấu tranh ngăn chặn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần làm trong sạch và lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.

- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới quy chế dân chủ ở cơ sở và quy ước, hương ước ở khu dân cư. Gắn việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng khối đoàn kết nội bộ trong Đảng làm hạt nhân đoàn kết xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đạt hiệu quả thiết thực. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mọi hoạt động về cơ sở và địa bàn dân cư. Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở gắn với vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị, nhất là thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở…/.