Hoàn thiện cơ chế phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TCCS - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) có nhiều tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên sự phát triển lại chưa tương xứng, một phần bởi cơ chế phối hợp hoạt động của vùng bị hạn chế. Để thật sự trở thành vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và là một điển hình về phát triển bền vững, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Một số hạn chế về cơ chế phối hợp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. So với cả nước, vùng tuy chỉ có 8% diện tích và 17% dân số, nhưng từ nhiều năm nay sản xuất của vùng đạt hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 40%, tăng trưởng kinh tế bình quân gấp hơn 1,5 lần, thu ngân sách chiếm hơn 43% tổng thu ngân sách của cả nước, thu hút 56% số dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội: Hội tụ đủ điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học; nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng khá; trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, cảng vụ… Các địa phương thuộc VKTTĐPN luôn có mức tăng GDP cao hơn bình quân chung cả nước. Điển hình như năm 2018, tỉnh Long An có GRDP tăng 10,5%, Bình Dương hơn 9%, Thành phố Hồ Chí Minh là 8,3%, Đồng Nai tăng 8%, Tiền Giang là 7,2%... Kinh tế phát triển ổn định, tăng trưởng khá nên nộp ngân sách của vùng chiếm giá trị cao trong tổng thu ngân sách của cả nước (thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.420 nghìn tỷ đồng, riêng VKTTĐPN đóng góp trên 581 nghìn tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trong vùng cũng cao hơn cả nước, bình quân đạt trên 5.200 USD/ người, cao gấp 2 lần so với bình quân của cả nước.
Tuy nhiên sự phát triển trên chưa tương xứng với tiềm năng của từng địa phương trong vùng và cả vùng, trong đó có nguyên nhân do chưa phát huy, thực hiện tốt cơ chế phối hợp của vùng. Hiện nay, cơ chế phối hợp trên còn tồn tại một số hạn chế: Liên kết các địa phương trong vùng còn yếu, nguyên nhân chính là thể chế liên kết nội vùng yếu, thể hiện qua các chính sách và quy định về liên kết chưa được đầy đủ, không rõ ràng, bộ máy điều hành vùng thiếu quyền năng và cơ chế thực thi thiếu hiệu quả; việc hình thành và phát triển vùng còn mang tính hành chính, chủ quan, chưa tạo ra tiếng nói chung giữa các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho vùng phát triển; công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, của vùng chưa được đồng bộ, tồn tại không ít hạn chế; cơ chế tài chính bảo đảm cho mục tiêu phát triển vùng chưa được định hình rõ, do thể chế của vùng chưa phải là cấp hành chính cụ thể… Với những hạn chế trên, chất lượng hoạt động của các tổ chức quản lý, điều phối vùng của VKTTĐPN chưa cao, do bộ máy điều phối vùng hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, cơ chế thực thi thiếu hiệu quả. Cụ thể:
Cơ chế tổ chức và điều hành vùng chưa sát hợp với thực tiễn. Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành nghiên cứu, chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành, liên vùng, liên quan đến phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Ban Chỉ đạo không có quyền quản lý, điều hành trực tiếp hoạt động của vùng kinh tế trọng điểm, nên không thể phát huy được vai trò và thẩm quyền ra quyết định của vùng, các nội dung đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được đưa ra quyết định vượt quá thẩm quyền.
Hội đồng vùng không có đủ thẩm quyền để bảo đảm chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong vùng phải chấp hành các quyết định của vùng. Hội đồng chỉ đóng vai trò cầu nối phối hợp giữa các tỉnh hơn là đóng vai trò điều phối. Các nội dung điều phối của vùng rất rộng, nhiều khi vượt quá tầm kiểm soát và điều tiết của Hội đồng vùng. Cơ chế luân phiên chức danh Chủ tịch Hội đồng vùng như hiện nay chưa phù hợp, bởi lẽ mỗi lần thay đổi chủ tịch thường sẽ thay đổi kế hoạch triển khai liên kết trong vùng, sự phân bổ nguồn lực cũng khó khăn...
Cơ cấu tổ chức Tổ điều phối có 2 cấp, đó là: Tổ điều phối cấp bộ, ngành chịu sự chỉ đạo của các bộ, ngành thuộc Ban Chỉ đạo và tổ điều phối chuyên đề thuộc Hội đồng vùng. Thực tế, tổ điều phối cấp bộ chưa phát huy rõ vai trò của mình, hoạt động chưa thường xuyên, thiếu chủ động, nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết vẫn phải thực hiện theo các trình tự pháp luật hiện hành. Các tổ điều phối chuyên đề bao gồm các thành viên từ các địa phương trong vùng nhưng việc thành lập vướng về nguyên tắc tổ chức do cơ chế luân phiên làm Chủ tịch Hội đồng vùng nhưng nhân sự được lấy từ lãnh đạo ngành, địa phương khác, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giao việc và cơ chế chịu trách nhiệm khi triển khai công việc.
Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong vùng còn mang tính tự phát, chỉ dừng lại ở mức cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương, nên chương trình phối hợp phát triển kinh tế - xã hội vẫn mang tính cục bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả, lợi thế so sánh của từng vùng. Thậm chí, một số tỉnh, thành phố trong vùng đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhau trong đầu tư, phát triển hạ tầng,… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của vùng.
Cơ chế, chính sách hiện tại áp dụng cho vùng không có sự khác biệt nhiều so với các cơ chế áp dụng đối với các tỉnh nằm ngoài vùng. Thực tế, sự năng động trong phát triển của một số địa phương chủ yếu do sáng kiến của lãnh đạo nơi đó; nhiều khi các tỉnh, thành phố tự ban hành các cơ chế, chính sách mang tính “xé rào” để địa phương mình phát triển nhanh chóng.
Giải pháp hoàn thiện cơ chế phối hợp, nâng cao chất lượng hoạt động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Trong thời gian tới, cần củng cố tổ chức Hội đồng vùng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng; tiếp tục lấy Thành phố Hồ Chí Minh làm trung tâm của VKTTPN, do đó, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy để Thành phố trở thành một cực tăng trưởng, bảo đảm tính lan tỏa cho cả vùng và các vùng khác.
Hoàn thiện thể chế thông qua việc rà soát, bổ sung các quy định pháp lý để tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng; phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng trong công tác thực hiện, giám sát, tổng kết đánh giá hoạt động liên kết các địa phương trong vùng và liên kết vùng, hiệu quả của hoạt động kết nối liên tỉnh, liên vùng; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, chính sách về phát triển vùng để kịp thời đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp… Để đạt được mục tiêu trên, cần triển khai thực hiện 2 nhóm giải pháp:
Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Một là, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong điều hành phát triển vùng. Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm không gian phát triển kinh tế thống nhất trong cả nước và vùng theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ. Đồng thời phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm của các cấp, phù hợp với trình độ phát triển của vùng. Cơ quan quản lý cấp vùng cần có sự tham gia đầy đủ các ban, ngành, các địa phương trong vùng, đồng thời cần quy định rõ thể chế tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, địa phương chủ nghĩa trong điều phối vùng thì Trưởng Ban Chỉ đạo VKTTĐPN nên là Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng là Phó Trưởng ban thường trực và Chủ tịch Hội đồng vùng là Phó Trưởng ban; các ủy viên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Hai là, hoàn thiện cơ chế phối hợp các địa phương trong vùng. Việc hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng phải có sự đồng bộ, thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn với các chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước. Ngoài sự chủ động của các tỉnh, thành phố, cần có cơ chế quản lý, điều hành mối quan hệ trong vùng với tính chất ràng buộc trách nhiệm cao hơn.
Để hoàn thiện cơ chế phối hợp các địa phương trong vùng, cần lưu ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, quan hệ giữa các địa phương với nhau trong vùng dựa trên nguyên tắc: Đồng thuận giữa các tỉnh, thành phố trong vùng; hoạt động phối hợp được thực hiện thông qua hội nghị Hội đồng vùng để các địa phương trong vùng cùng nhau thảo luận, thống nhất và triển khai các nội dung liên kết; những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ được Chủ tịch Hội đồng vùng trình Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định. Thứ hai, về quan điểm phân quyền và điều phối, Hội đồng vùng có quyền ban hành chính sách và tham gia ý kiến vào quá trình xét phân bổ ngân sách địa phương, giám sát và trình Thủ tướng quyết định khi chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có những quyết định vi phạm quy hoạch vùng hay ban hành chính sách riêng đi ngược lại lợi ích chung của vùng. Thứ ba, về cơ chế điều phối chung, Hội đồng vùng là một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ và có văn phòng riêng. Cần phát huy cao độ vai trò của tổ điều phối tỉnh.
Ba là, hoàn thiện các cơ quan quản lý, giúp việc quản lý điều hành vùng. Hội đồng vùng chỉ thực hiện chức năng điều phối trong phạm vi VKTTĐPN, nên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội đồng vùng cố định. Các thành viên khác bao gồm chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố còn lại. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội đồng vùng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển vùng đến các địa phương, chuyển tải các ý kiến của địa phương về Trung ương, cũng như giám sát các địa phương tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng vùng. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, nguồn lực mạnh nhất trong vùng nên có khả năng điều phối, chia sẻ nguồn lực cho vùng phát triển. Văn phòng Hội đồng vùng đóng vai trò là đầu mối tiếp nhận, quản lý hồ sơ, tài chính... thực hiện các chức năng giống như văn phòng các cơ quan chuyên trách khác nhưng có thêm chức năng kiểm tra, giám sát thực thi các quyết định liên quan đến phát triển vùng của các địa phương trong vùng. Tổ điều phối cấp tỉnh là đơn vị điều phối liên quan đến các nội dung phát triển của vùng KTTĐPN triển khai thực hiện nhiệm vụ của tỉnh mình. Để tăng thực quyền cho tổ điều phối cấp tỉnh thì tổ trưởng nên là một phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ phó là giám đốc sở kế hoạch và đầu tư.
Bốn là, hoàn thiện công tác kiểm tra, giám sát cơ chế phối hợp. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng thì công tác kiểm tra, giám sát cơ chế phối hợp cần được quan tâm đúng mức. Để cơ chế phối hợp tác động đúng hướng, đúng lúc đòi hỏi trong quá trình vận hành phải tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, nhận diện những ưu, khuyết điểm của cơ chế phối hợp, từ đó đề ra các biện pháp kịp thời nhằm phát huy những mặt tốt, khắc phục những mặt hạn chế, bảo đảm cho cơ chế phối hợp của các địa phương diễn ra thông suốt, hiệu quả. Cần thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát vùng trực thuộc Văn phòng Hội đồng vùng.
Nhóm giải pháp mang tính đột phá
Một là, nâng cao năng lực của cán bộ làm việc tại các cơ quan vùng. Cán bộ làm việc cho hệ thống chính trị của vùng nói chung, các cơ quan điều phối vùng nói riêng cần được trang bị kiến thức cơ bản về vùng, vùng kinh tế trọng điểm, để làm việc “đúng vai”, có hiệu quả. Để nâng cao năng lực của cán bộ làm việc cho các cơ quan vùng cần nhanh chóng xây dựng khung tiêu chuẩn năng lực cụ thể của cán bộ làm việc tại cơ quan quản lý, giúp việc quản lý, điều hành vùng làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Các địa phương trong vùng cần xây dựng chương trình chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho cả vùng nói chung và từng địa phương nói riêng. Tạo điều kiện và có chính sách tốt thu hút các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học, công nhân có tay nghề cao, lao động có kinh nghiệm... đến sinh sống và làm việc tại vùng, đặc biệt là tham gia vào bộ máy giúp việc cho các cơ quan trong vùng. Khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục - đào tạo, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo…
Hai là, nâng cao năng lực tài chính vùng qua cơ chế đặc thù phân bổ ngân sách của Trung ương. Vùng cần có nguồn vốn chung để duy trì và nâng cao hiệu quả liên kết của các địa phương trong vùng. Nguồn vốn này nên được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương trong vùng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Nguồn vốn chung được xem là “Quỹ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, trực thuộc Hội đồng vùng quản lý, chịu sự giám sát của Chính phủ, ủy quyền trực tiếp cho Bộ Tài chính. Để tạo lập nguồn vốn, các tỉnh thuộc VKTTĐPN cần có cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng thị trường vốn, đổi đất lấy hạ tầng, huy động nguồn vốn thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong vùng...
Ba là, phát huy vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh trong hợp tác, điều phối vùng. Để Thành phố thật sự là đầu tàu, chủ động điều tiết, vùng trong chiến lược phát triển, cần đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để giải quyết vấn đề bài toán quá tải như hiện nay; đề xuất Quốc hội sớm thông qua điều tiết ngân sách từ Trung ương để lại cho Thành phố với tỷ lệ là 23%; cho phép Thành phố cơ chế điều hành linh hoạt (Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội đã cho phép Thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù nhưng việc cụ thể hóa nghị quyết vẫn chưa được tiến hành thống nhất, đồng bộ, mới dừng lại ở quy định chung, chưa thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện đầy đủ); cần có cơ chế điều phối để vừa bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc phát triển vùng để các địa phương phát huy thế mạnh, dựa trên lợi thế so sánh của mình, vừa giúp Hội đồng vùng phát huy chức năng điều hành và ra quyết định để tránh tình trạng các thành viên trong vùng liên kết tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau,…/.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển xã hội của đất nước  (12/12/2021)
Phát động đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc  (09/12/2021)
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Nghiên cứu và thực thi chính sách nhằm phục hồi và phát triển bền vững  (06/12/2021)
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh công tác giảm nghèo  (01/12/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay