Để "chắp cánh" cho hạt gạo ở vùng đất "Chín Rồng"
Năm 2008, xuất khẩu gạo Việt Nam tuy gặp nhiều “sóng gió” nhưng vẫn đạt khoảng 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 2,5 tỉ USD, tăng hơn năm trước 1 tỉ USD. Đây là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất. Dù có nhiều kỳ tích như vậy, nhưng người làm ra hạt gạo ở đồng bằng sông Cửu Long - nơi đóng góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu cho đất nước vẫn gặp không ít truân chuyên. Câu hỏi đặt ra là, làm gì để trong tương lai, hạt gạo của vùng đất “Chín Rồng”, bên cạnh tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước mà vẫn thiết thực tăng lợi nhuận cho người sản xuất?
Vượt qua “bão giá”...
Năm 2008, sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 20 triệu tấn, tăng hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước. Các tỉnh có diện tích trồng lúa nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long đều đạt sản lượng lúa tăng cao như An Giang đạt gần 3,5 triệu tấn, tăng 340 ngàn tấn so với năm 2007; Đồng Tháp đạt 2,7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay... Theo các chuyên gia nông nghiệp, sở dĩ năm 2008 sản lượng lúa ở các tỉnh có diện tích trồng lúa nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long tăng cao là do trúng mùa và do vụ đông - xuân trước đó, lúa được giá đã kích thích bà con nông dân tăng diện tích trồng lúa ở vụ tiếp theo.
Tuy được mùa như vậy, nhưng người trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn không vui là do giá lúa gạo năm qua biến động theo hướng liên tục sụt giảm. Bước vào vụ đông - xuân 2007 - 2008, lúa ở đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa và được giá. Lý do của được giá là thời điểm đó, thị trường thế giới đang khan hiếm lương thực nên giá gạo liên tục được đẩy lên cao mà đỉnh điểm là vào các tháng 4 và 5-2008, giá gạo trên thị trường thế giới lên cao chưa từng có với mức 1.100 USD - 1.200 USD/tấn. Theo đó, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg. Trước tình hình thương lái tranh nhau tìm mua lúa gạo, người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long khấp khởi vui mừng vì chưa có năm nào vừa trúng mùa lại vừa được giá như vậy. Trong niềm hân hoan đó, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thi nhau phá bỏ vườn cây ăn trái, ruộng mía... để chuyển sang trồng lúa.
Nhưng không ngờ, đến vụ lúa hè - thu, do nhu cầu gạo trên thế giới sụt giảm, kéo theo giá gạo đột ngột giảm mạnh, chỉ còn 600 USD - 700 USD/tấn; gạo 5% tấm chỉ còn 650 USD - 670 USD/tấn (giảm 300 USD so với thời điểm tháng 4/2008). Trong “cơn bão” đó, giá lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng sụt giảm chỉ còn 4.600 đồng - 4.700 đồng/kg (giảm từ 600 đồng đến 1.000 đồng/kg so với vụ đông - xuân). Mặc dù giá lúa và gạo đều sụt giảm mạnh như vậy nhưng nông dân muốn bán được lúa không phải dễ. Trong khi lượng lúa hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long còn tồn đọng rất nhiều, lãi suất ngân hàng tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám vay ngân hàng để trữ gạo xuất khẩu vì lo ngại sẽ lỗ do giá gạo trên thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, Chính phủ phải vào cuộc bằng hai giải pháp “nóng” là chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp thu mua lượng lúa hàng hóa còn tồn đọng trong dân, đồng thời có quyết định hoãn thu thuế xuất khẩu gạo. Các giải pháp rất kịp thời đó của Chính phủ đã làm cho “cơn bão” trên có phần lắng dịu, nhưng trong xu thế giá gạo thế giới vẫn tiếp tục sụt giảm, cả nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa hết lao đao. Trung tuần tháng 10 năm 2008, Bộ Công Thương cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và sở Công thương các tỉnh, thành phía Nam để bàn biện pháp xuất khẩu gạo cho những tháng cuối năm với mong muốn đạt mục tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong năm 2008. Nhưng đến trung tuần tháng 12 năm 2008, giá xuất khẩu gạo 5% tấm chỉ còn 500 USD/tấn, 10% tấm còn 460 USD/tấn, 15% tấm còn 440 USD/tấn và 25% tấm là 420 USD/tấn... nên đã không thể nào ngăn được “cơn bão” giảm giá. Thời điểm này, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 2.800 đồng/kg (lúa thường), 3.400 đồng - 3.600 đồng/kg (lúa hạt dài) cùng với lúa hàng hóa vẫn tồn đọng cả triệu tấn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã “vào cuộc” bằng giải pháp tiếp tục “mở hầu bao” xuất ra 3.500 tỉ đồng để doanh nghiệp thu mua một triệu tấn lúa tại đồng bằng sông Cửu Long; cộng với các giải pháp tích cực trên, trật tự thị trường và sự căng thẳng đang được từng bước vãn hồi.
Mùa xuân sẽ về!
Mặc dù năm 2008 là một năm thị trường lúa gạo Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long đầy sóng gió, nhưng cái được lớn nhất trong cơn bĩ cực này là xuất khẩu gạo vẫn tăng hơn 1 tỉ USD so với năm trước. Có thể coi đây là một kỳ tích mới cho hạt gạo ở vùng đất “Chín Rồng”, vì nó đã góp phần đáng kể trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước trong năm 2008.
Tuy nhiên, nhìn lại, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều bất cập. Tại Hội nghị sản suất và tiêu thụ lúa gạo bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2008, PGS,TS. Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất lúa gạo ở nước ta. Kết quả sản xuất lúa gạo ở đây quyết định an ninh lương thực quốc gia và duy trì vị trí xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất giống, công tác quản lý chất lượng giống lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với vị trí của vùng”.
Quả vậy, hiện ở đồng bằng sông Cửu Long có hơn chục giống lúa, nghĩa là trong mỗi bao gạo xuất khẩu ở đây đang có gần chục giống lúa tạo thành. Gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long cũng còn tỷ lệ tấm chiếm cao nhất (15% - 25%), tỉ lệ gạo nguyên xay xát hiện chỉ đạt 30% - 40%, trong khi ở các nước tiên tiến tỉ lệ này đạt trên 50%. Nguyên nhân là bên cạnh do hệ thống canh tác, thì việc chọn giống, tồn trữ, bảo quản giống của đồng bằng sông Cửu Long chưa tốt. Việc xây dựng thương hiệu lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long vì thế gặp nhiều khó khăn và rất yếu sức cạnh tranh, trước hết là với gạo Thái Lan. Trong khi đó, theo điều tra từ người tiêu dùng, thì có đến 89% số người được phỏng vấn cho rằng thương hiệu là yếu tố quyết định khi họ chọn mua sản phẩm. Lý do là từ thương hiệu sẽ cho người mua thông tin về xuất xứ, từ đó mà tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Thực trạng trên cho thấy, để “chắp cánh” cho hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long, một trong những giải pháp cần kíp và trước tiên là phải tổ chức lại sản xuất đi đôi với đầu tư xây dựng thương hiệu. Về vấn đề này, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đề xuất: “Phải tổ chức tại sản xuất theo hướng cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã. Điều này sẽ tạo sự thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và cho phép thực hiện qui trình cơ giới hóa một cách đồng bộ. Đi kèm theo đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới thực sự có thương hiệu...”.
Là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đang thực hiện chiến lược mà TS. Lê Văn Bảnh đã đề cập. Tỉnh An Giang đã và đang triển khai đầu tư 3,4 tỉ đồng để thực hiện chương trình xây dựng chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) trên 3 dòng lúa gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương là nàng Nhen Bảy Núi, gạo thơm Châu Phú và nếp Phú Tân với thời gian thực hiện trong 3 năm (2008 - 2011). Chương trình này nhằm gắn kết giữa nhà nông với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu gạo An Giang, đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu. Không riêng An Giang, hiện nay nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đã và đang xúc tiến xây dựng thương hiệu lúa gạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm bán được giá cao, đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân.
Hợp tác xã Mỹ Thành (Tiền Giang) đã thực hiện sản xuất gạo theo tiêu chuẩn Global GAP và tháng 9-2008, lúa gạo của hợp tác xã Mỹ Thành đã được công nhận tiêu chuẩn này. Công ty trách nhiệm hữu hạn ADC đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20% cho toàn bộ lúa của hộ xã viên hợp tác xã Mỹ Thành đạt tiêu chuẩn trên. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã thành công trong việc xây dựng thương gạo một bụi đỏ Hồng Dân, là loại gạo vừa ăn ngon, vừa đảm bảo khá đầy đủ thành phần dinh dưỡng mà loại gạo thường khó có thể đáp ứng. Hiện Bạc Liêu có 18.722 ha trồng loại lúa này, tập trung ở 2 huyện Hồng Dân và Phước Long. Giữa năm 2008, gạo một bụi đỏ Hồng Dân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, hứa hẹn tạo ra nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Mới đây, gạo một bụi đỏ Hồng Dân được ký kết hợp đồng cung cấp 25.000 tấn cho thị trường châu Âu, với tổng trị giá 375 tỉ đồng.
Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng cũng đã lai tạo thành công những dòng lúa gạo đặc sản ST như ST3, ST5, ST10... đã được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng với giá bán trên thị trường từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với gạo thường. Để khai thác lợi thế này, tỉnh Sóc Trăng đã qui hoạch vùng lúa đặc sản xuất khẩu tại vùng lúa cao sản của 4 huyện Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú và Kế Sách, phấn đấu đưa diện tích từ gần 30.000 héc-ta hiện nay lên 50.000 héc-ta vào năm 2010 và 100.000 héc-ta vào năm 2020...
Như vậy, với những nỗ lực phát triển quy hoạch vùng lúa gạo đặc sản chất lượng cao, xây dựng thương hiệu phục vụ cho xuất khẩu của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, chắc chắn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) dự báo năm 2009, mức tiêu thụ gạo thế giới sẽ vào khoảng 426 triệu tấn, tăng hơn năm 2008 khoảng 18 triệu tấn. Cuối năm 2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận với Tổng công ty Lương thực miền Nam tài trợ 4.000 tỉ - 5.500 tỉ đồng để thu mua và xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo... Đây là những tín hiệu tốt lành, trở thành nhân tố thúc đẩy sự tăng giá gạo trong thời gian tới.
Bước vào năm mới, với sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành; sự năng động sáng tạo của người sản xuất, cho phép chúng ta kỳ vọng rằng: năm nay, hạt gạo ở vùng đất “Chín Rồng” được làm ra bởi mồ hôi công sức của người nông dân nơi đây sẽ không còn gặp “bão tố”, để cả nông dân, doanh nghiệp và đất nước cùng trọn vẹn niềm vui./.
Đảng bộ Bắc Kạn với công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên  (11/02/2009)
Cuộc họp báo đầu tiên của ông B.Ô-ba-ma trên cương vị Tổng thống Mỹ  (10/02/2009)
Tuyệt đại bộ phận các hộ nghèo trong cả nước đã nhận được tiền hỗ trợ Tết Kỷ Sửu 2009 của Chính phủ  (10/02/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Hoàng Thái tử Nhật Bản  (10/02/2009)
Hợp tác cùng phát triển  (10/02/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên