Đồng chí Nguyễn Đức Hạt, Ủy viên
Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Xây dựng “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” là một công việc lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên đã thu hút được sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu thuộc các bộ, ban, ngành, các đoàn thể, các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, các cơ quan thông tấn, báo chí...

Qua 3 cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Chiến lược tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nhiều vấn đề trong bản dự thảo đã nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu tham dự.

Một là, trong thời điểm hiện nay, việc xây dựng một Chiến lược cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2015 và 2025 là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về lý luận mà còn là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và công tác xây dựng Đảng; góp phần đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Hai là, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đã được thể hiện khá đầy đủ và toàn diện.

Ba là, nên giữ nguyên tên chức danh của ủy ban kiểm tra các cấp như hiện nay.

Bốn là, cần có chế độ, ưu đãi với cán làm công tác kiểm tra và tăng thêm thẩm quyền kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng (kể cả thi hành kỷ luật tổ chức đảng) cho Ủy ban kiểm tra các cấp; cũng như cần có cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra.

Bên cạnh đó, về một số vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất, hoặc đề nghị tiếp tục sửa chữa, bổ sung. Cụ thể là: thứ nhất, phương án thành lập ủy ban kiểm tra. Một số ý kiến cho rằng, nên sáp nhập cơ quan thanh tra của Nhà nước vào cơ quan kiểm tra của Đảng, như vậy sẽ tinh giản bộ máy, giảm bớt đầu mối, thực hiện cải cách hành chính; đồng thời việc sáp nhập này sẽ tăng nguồn lực và chất lượng cho hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, những ý kiến khác đề nghị, không nên sáp nhập hai cơ quan này, bởi vì, đây là hai cơ quan có chức năng, nhiệm vụ và cách thức hoạt động riêng...

Đối với hai phương án kiện toàn cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp như dự án đã đề xuất, một số ý kiến tán thành phương án được nêu trong dự thảo: Ủy ban kiểm tra các cấp do đại hội Đảng cùng cấp bầu, nhưng tên gọi, chức danh vẫn giữ nguyên không thay đổi. Một số ý kiến khác lại đề nghị nên theo phương án khác mà dự thảo Đề án nêu: Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Đại hội Đảng toàn quốc bầu; Ủy ban kiểm tra từ cấp tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đến Ủy ban kiểm tra đảng uỷ cơ sở do Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp chỉ định. Tuy nhiên, cả hai quan điểm này đều cùng thống nhất ở một điểm là, dù thực hiện theo phương án nào chăng nữa cũng cần xác định lộ trình cụ thể và thực hiện thí điểm trước khi tiến hành đại trà.

Thứ hai, trong Chiến lược cần đưa ra những dự báo có tầm chiến lược, trên cơ sở phân tích cụ thể và sâu sắc những vấn đề lý luận, thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước; những tác động (tích cực, tiêu cực) của tình hình thế giới, khu vực... đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ ba, cần trình bày rõ hơn về công tác giám sát và kỷ luật của Đảng; nhiệm vụ, chức năng của ủy ban kiểm tra, giám sát các cấp, bám sát nhiệm vụ xây dựng Đảng, Điều lệ Đảng; các nhiệm vụ cần phản ánh rõ tính chất và lộ trình thực hiện chiến lược trong từng giai đoạn theo các nhiệm kỳ Đại hội Đảng.

Thứ tư, trong mục tiêu tổng quát của Chiến lược, cần làm rõ hơn nữa mục tiêu tối thượng là kiên trì đường lối đổi mới, nhanh chóng đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Cùng với các cuộc hội thảo tại thủ đô Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức 3 cuộc Hội thảo tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam và Đắc Lắc. Cuối tháng 3 này, 2 cuộc Hội thảo nữa sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và 1 cuộc tại Cần Thơ./.