Cha và con

16:11, ngày 14-09-2007

Sau nhiều năm công phu tìm hiểu các tư liệu lịch sử, chiêm nghiệm và suy tư về hình ảnh Bác Hồ, vị lãnh tụ mà nhà văn đã may mắn được gặp từ những ngày đầu tiên Cách mạng tháng Tám mới thành công ở Hà Nội; Với tình cảm của một người nguyên là “anh bộ đội Cụ Hồ”, với mối liên thông có phần tâm linh của người cùng có bút danh mang họ Hồ, nhà văn Hồ Phương đã đem đến cho bạn đọc những trang viết sinh động và sáng rõ thể hiện tình cảm, trách nhiệm cùng phong cách và tâm trạng của người cha đã ảnh hưởng tới sự phát triển và trưởng thành của cậu con trai thứ hai trong một gia đình nhà nho xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ XX.

Nhà văn Hồ Phương đã chọn một đề tài không hẳn là mới, đó là viết về thời thơ ấu và thời thanh niên của Bác trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước, nhưng ông đã khéo hướng ngòi bút tập trung vào mối quan hệ giữa Bác và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Người, qua đó vừa cho thấy sự ảnh hưởng quan trọng của người cha đối với con, vừa chỉ ra những hạn chế mà người cha, do điều kiện lịch sử không vượt qua được để rồi người con, đến lượt mình, sẽ tìm lấy con đường đi riêng, phù hợp và tất yếu cho dân tộc mình…

Những nhân vật, những biến cố lịch sử, những phong trào nổi lên trong một khoảng thời gian từ 1903-1911 như một bầu không khí đầy biến động, đầy giông gió ảnh hưởng tới từng gia đình nhỏ. Với tấm lòng của người cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vừa che chở dưỡng dục các con lại vừa tạo điều kiện cho các con nhập cuộc vào không khí xã hội lúc đó. Nhà văn tâm sự: Tôi cố gắng viết sao cho người đọc không có cảm giác Bác Hồ như thần thánh từ lúc còn là trẻ thơ. Chàng thiếu niên Nguyễn Tất Thành được miêu tả là một chú bé hiếu động lanh lợi như rất nhiều trang thiếu niên thời đó và cũng như mọi thiếu niên Việt Namkhác. Từ sự phát triển về tâm hồn, trí tuệ, văn hóa cho đến việc hình thành khát vọng ước mơ và một hoài bão lớn nung nấu của chàng trai Nguyễn Tất Thành chắc chắn chịu tác động quan trọng, có ý nghĩa nhất của người cha. Tác giả Hồ Phương vừa trân trọng tái hiện lịch sử vừa cố gắng phác họa chân dung một nhà nho yêu nước, thương dân, tôn trọng những bạn bè chiến sỹ đầy nhiệt huyết cứu dân, cứu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhưng cũng tỉnh táo nhận thấy sự bất lực của cả một thế hệ những người như chính bản thân mình. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã kiên nhẫn chịu đựng vượt lên số phận trước những biến cố bi kịch của gia đình: Vợ mất, nhà nghèo nhưng quyết cho con đi học từ trường làng lên trường tỉnh. Tuy không muốn làm quan nhưng vì muốn cho con ăn học ở kinh thành Huế mà ông chịu nhận một chức quan nhỏ ở triều đình. Thế rồi con bị đuổi học vì tham gia biểu tình chống thuế, một thời gian sau bản thân bị giáng chức vì bênh vực dân lành, thế mà ông đã dự cảm và hy vọng, tôn trọng và tin tưởng ở sự tự quyết định tìm con đường sống không phải chỉ cho riêng mình mà cho cả dân tộc của người con trai yêu quý Nguyễn Tất Thành, lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại sau này… Hình tượng nhân vật Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành hiếu động mà sâu sắc, hình ảnh người cha Nguyễn Sinh Sắc nghiêm khắc mà nhân từ... - hai thế hệ, hai cách nghĩ nhưng đều có chung mối đau đáu về vận mệnh đất nước.

Với lòng kính yêu lãnh tụ, với trách nhiệm của một thế hệ nhà văn- chiến sỹ đối với bạn đọc các thế hệ sau, với tác phong làm việc cần cù, bám sát thực tế những vùng đất văn hóa khác nhau Bắc, Trung, Nam, tôn trọng sự kiện và sử liệu, nhà văn Hồ Phương đã đóng góp thêm cho làng sách một “cánh cửa nghệ thuật” mới để bạn đọc có dịp tìm hiểu thêm về Bác Hồ.