Với mức tăng trưởng GDP đạt gần 5% giai đoạn 2000 - 2002 và trên 5% trong 3 năm gần đây, châu Phi được đánh giá là một trong những châu lục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004 - 2010” đã thể hiện một lần nữa quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đẩy lên một tầm cao mới mối quan hệ hợp tác về kinh tế với châu Phi. Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO, thì việc mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với châu Phi là thực sự cần thiết. Tận dụng những cơ hội mà thị trường này đưa đến trên cơ sở phát huy những lợi thế mà Việt Nam đã có nhằm nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời tăng giá trị trao đổi cho tương xứng với tiềm năng vốn có của cả hai bên, đang được Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tập trung tìm giải pháp cho thời gian tới.

Để cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, doanh nhân đang quan tâm đến việc mở rộng các thị trường xuất nhập khẩu trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình, những gợi ý về giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thị trường châu Phi nói chung và 5 thị trường được xem là có tiềm năng nói riêng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách Thị trường một số nước châu Phi cơ hội đối với Việt Nam do tác giả Đinh Thị Thơm chủ biên. Cuốn sách đã hệ thống hóa, phân tích những thông tin và tổng hợp những ý kiến không chỉ thuần túy về phương diện kinh tế, thương mại mà cả về phương diện địa - kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội... những yếu tố quy định tính đặc thù của thị trường châu Phi.

Cuốn sách gồm 3 chương:

Chương I: Khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của châu Phi

Chương II: Năm thị trường tiềm năng đối với Việt Nam

Chương III: Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường châu Phi của doanh nghiệp Việt Nam