Tính đến đầu tháng 1-2007, hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta gồm 5 ngân hàng quốc doanh, 32 ngân hàng cổ phần, 5 ngân hàng liên doanh và 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thêm vào đó, hiện còn có 10 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới, trong đó chủ yếu là các ngân hàng nước ngoài. Với sự sôi động của nền kinh tế và tác động từ việc Việt Nam gia nhập WTO, chưa bao giờ nhu cầu về nhân lực và cạnh tranh nhân lực của ngành ngân hàng lại tăng như hiện nay.

Với yêu cầu của gần 80 đơn vị cơ sở trong hệ thống ngân hàng thương mại đã có, và của các đơn vị sắp thành lập, đội ngũ cán bộ chuyên môn hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Những ngân hàng có thâm niên muốn giữ được người thì phải nâng lương; các ngân hàng “trẻ” hơn buộc phải làm theo để hút nhân lực về phía mình. Xu hướng chung là chi phí tiền lương, tiền công lao động của các ngân hàng sẽ bị “đội lên”, mặc dù chất lượng nhân lực có thể chưa tương xứng; với tình hình đó, trong năm 2007, khó có thể tìm được mặt bằng chung về lương giữa các ngân hàng. Hơn nữa, từ 01-4-2007, các chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được thành lập ở nước ta (theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam), khi đó sự cạnh tranh về nhân lực trong hệ thống ngân hàng thương mại sẽ còn tăng cao hơn.

Một số nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng lo ngại rằng, khi nguồn nhân lực hạn chế mà phải cạnh tranh thì rủi ro và chảy máu chất xám rất dễ xảy ra.

Nguồn: Bản tin Hội đồng Lý luận Trung ương số 58, tháng 2 năm 2007