Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ (Kỳ I)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy cả 8 chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, là đỉnh cao cuộc đọ sức giữa quân đội ta và quân viễn chinh Pháp. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt. Trải qua hơn 100 ngày có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy Điện Biên - chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà còn để lại cho cán bộ, chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng.
Cụ thể là: 1) Tấm gương mẫu mực về tinh thần quyết chiến, quyết thắng và ý chí tiến công địch; 2) Phong cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân người chỉ huy và 3) Tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với mọi tư tưởng sai trái, mở đường đi đến thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch.
Đó là những bài học luôn có giá trị mà tất cả chúng ta đều có thể suy nghĩ và vận dụng trên cương vị của mình vào công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và xây dựng đất nước trong quá trình đổi mới hiện nay.
*
* *
Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, mặc dù đánh giá đây là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn đề nghị với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm chấp nhận giao chiến với Bộ chỉ huy Pháp, quyết tâm đánh bại hình thức phòng ngự chiến lược cuối cùng của chúng. Để thực hiện bằng được quyết tâm đó, ông đã vận dụng những biện pháp cần thiết trên các chiến trường toàn quốc để tạo thế chiến lược có lợi cho mặt trận trọng điểm Điện Biên Phủ cả trước và sau khi quân ta nổ súng tiến công.
Về phía địch, sau khi ném quân xuống Điện Biên Phủ, những người cầm đầu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lại phạm thêm một sai lầm có ý nghĩa chiến lược, đó là đánh giá không đúng sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta. Trong một bức điện gửi về Pa-ri đầu tháng 1 năm 1954, cao ủy Pháp Maurice Dejean đã dự báo với Thủ tướng Joseph Laniel rằng có thể tướng Giáp "không dám chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ", vì quân đội của Việt Minh chưa bao giờ đứng trước một trọng trách đáng sợ như nhiệm vụ tiến công một tập đoàn cứ điểm lớn như vậy. Phía Pháp có lý do để tin vào điều đó vì họ thấy rằng, trước đây quân ta đã không dám đụng đến tập đoàn cứ điểm lần đầu xuất hiện ở Hòa Bình, đã không thành công trong vài trận đầu tiến công vành ngoài của tập đoàn cứ điểm Nà Sản, tiếp đó lại không có cơ hội thử sức ở tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, mà so với các tập đoàn cứ điểm vừa nói thì Điện Biên Phủ vượt rất xa về nhiều mặt. Chẳng thế mà lúc đầu, cả Tổng chỉ huy Henri Navarre và chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ De Castries đều rất tự tin và họ nóng lòng chờ quân ta tiến công để hòng tiêu diệt mấy đại đoàn chủ lực của đối phương.
Hồ Chủ tịch, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy cũng như cá nhân Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch ở Điện Biên Phủ, cũng không đánh giá quá cao khả năng chiến đấu còn hạn chế nhiều mặt của quân đội ta, nhất là về hỏa lực và khả năng đánh công kiên. Bộ Thống soái của ta đều biết tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một mục tiêu đông về quân số, áp đảo về số lượng sắt thép, rắn về công sự, gồm rất nhiều cứ điểm rải ra trên một cánh đồng bằng phẳng rộng hơn 100 ki-lô-mét vuông. Đây là một chiến trường mà địch đã lựa chọn và đã chuẩn bị rất công phu để thách thức giao chiến với bộ đội chủ lực của ta. Điều đó giải thích vì sao khi giao nhiệm vụ cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Đây là một trận đánh rất quan trọng, có ý nghĩa về nhiều mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, nên chỉ được đánh thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh.
Phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự mới nhất và hiện đại nhất của quân đội Pháp trong những năm cuối của cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Bộ chỉ huy Pháp tin rằng, tập đoàn cứ điểm là một giải pháp chiến lược quân sự màu nhiệm. Họ hy vọng rằng, với hình thức phòng ngự này, quân Pháp có thể vô hiệu hóa để tiến tới tiêu diệt các binh đoàn chủ lực trang bị còn hạn chế của đối phương. Họ không hề biết rằng, sau đợt một của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, vấn đề đặt ra với Bộ Thống soái Việt Nam và riêng với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không phải là tiến công hay không tiến công mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy? Không đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược mới này của quân Pháp thì cũng có nghĩa là không mở được một cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển. Đó chính là quyết tâm không lay chuyển và cũng là niềm tin của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, khi ông rời căn cứ Việt Bắc hành quân ra tiền tuyến sáng ngày 5-1-1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dừng lại ở quyết tâm tiêu diệt quân địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà điều quan trọng là ở chỗ ông đã sớm suy nghĩ để tìm ra những biện pháp chiến lược-chiến dịch để thực hiện bằng được quyết tâm đó. Cụ thể: Thứ nhất, phải làm sao cô lập cao độ và giữ chân được quân địch ở Điện Biên Phủ để tiêu diệt, không để chúng triệt thoái, không để mất mục tiêu như đã từng diễn ra ở Nà Sản hồi tháng 8 vừa qua; thứ hai là phải làm sao hạn chế khả năng tăng viện của địch cho mặt trận này trong quá trình ta chuẩn bị tiến công cũng như trong diễn biến chiến dịch và thứ ba là suy nghĩ về cách đánh như thế nào để tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm của địch.
Để cô lập và giữ chân quân Pháp ở Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt (biện pháp thứ nhất), sau khi quân ta giải phóng Lai Châu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho Đại đoàn 316 nhanh chóng cùng Đại đoàn 308 hình thành thế bao vây địch trên cánh đồng Mường Thanh; lệnh cho Đại đoàn 308 phái Trung đoàn 36 đứng chân ở Pom Lót tạo thành một cái chốt chiến dịch trên con đường độc đạo từ Điện Biên Phủ sang hướng Thượng Lào. Thế là ta đã sớm đẩy quân Pháp trên cánh đồng Mường Thanh vào thế “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Vậy mà suốt dọc đường ra mặt trận, cán bộ tham mưu đi cùng vẫn thấy Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều lần đặt câu hỏi: Liệu địch có rút khỏi Điện Biên Phủ trước khi ta nổ súng hay không? Mỗi lần dừng chân dọc đường, dây trời vô tuyến điện căng lên để nghe báo cáo tình hình ở Điện Biên Phủ, ông thường lưu ý bộ phận quân báo ở phía trước phải theo dõi chặt chẽ những hiện tượng không bình thường của địch, đặc biệt là những triệu chứng chúng chuẩn bị rút chạy. Những thực tế từ Hòa Bình, Nà Sản và gần đây là Lai Châu cho thấy, quân Pháp có đủ phương tiện để tổ chức những cuộc rút lui quy mô lớn bằng không vận. Chỉ bằng 150 lần/chuyến Dakota trong vòng 5 ngày, địch có thể “bốc” cả 6 tiểu đoàn từ Nà Sản về đồng bằng. Ở Điện Biên Phủ, không loại trừ khả năng chúng có thể mở một đường máu, vượt qua chốt Pom Lót của Trung đoàn 36 để chạy sang hướng sông Nậm Hu-Thượng Lào(1).
Ngày 12-1-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng đoàn cán bộ có mặt ở Tuần Giáo. Vừa gặp Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái, ông đã hỏi ngay: Thế nào, liệu địch có rút khỏi Điện Biên Phủ không? Đồng chí Hoàng Văn Thái cho biết, không những địch không rút mà đã từ hơn một tháng nay chúng vẫn tăng quân và hối hả củng cố thế phòng thủ… Câu trả lời của Tham mưu trưởng chiến dịch khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp “cảm thấy mừng” vì mục tiêu còn đó, cũng tức là Tổng tư lệnh có thời cơ để thể hiện quyết tâm và ý chí tiến công, đánh đòn quyết định trong mùa khô này.
Để hạn chế khả năng tăng viện của địch cho mặt trận (biện pháp thứ 2), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo các chiến trường trong cả nước đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ, tiếp tục buộc địch căng kéo lực lượng hơn nữa trên nhiều hướng, làm cho khối quân cơ động chiến lược của Bộ chỉ huy Pháp tiếp tục bị xé lẻ, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tăng viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Từ đầu mùa khô, Tổng hành dinh đã gửi điện động viên quân - dân Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động, nhất là trên các trục giao thông chiến lược, thu hút lực lượng địch, phối hợp đắc lực hơn nữa với chiến trường chính.
Trên miền Bắc, trong lúc một số đại đoàn đang từ Việt Bắc và Liên khu 4 rầm rộ tiến quân về hướng Điện Biên Phủ thì Đại đoàn 320 được lệnh tiếp tục đi sâu vào vùng đồng chiêm trũng, đánh mạnh vào phòng tuyến sông Đáy, cùng lực lượng vũ trang Liên khu 3 đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, buộc địch phải rải thêm quân ra đối phó hòng tránh cho vùng châu thổ sông Hồng khỏi lâm vào tình thế mà tướng Navarre gọi là “bị ruỗng nát”. Trước khi lên đường ra mặt trận, trong bức điện gửi Đại đoàn 320, Tổng tư lệnh viết: Nhiệm vụ của các đồng chí rất nặng. Hoàn thành được nhiệm vụ đó tức là góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung, tạo điều kiện để giành thắng lợi trong thời gian tới…
Trên các chiến trường miền Trung, sau đợt một của chiến cuộc Đông Xuân, Đại đoàn 325 và một trung đoàn của Đại đoàn 304 được lệnh tiếp tục nhằm vào các hướng sơ hở của địch ở Trung-Hạ Lào và Tây Nguyên, buộc địch tiếp tục co cụm trong các tập đoàn cứ điểm mới hình thành ở miền Trung Đông Dương… Thực tế sau này cho thấy, do khối cơ động của Pháp bị thu hút đi đối phó và giam chân trên nhiều hướng chiến lược cho nên khả năng địch điều lực lượng lên cứu nguy cho đồng bọn ở Điện Biên Phủ rất hạn chế.
Biện pháp thứ ba là tìm cách đánh phù hợp để tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính phong cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân người chỉ huy để tạo nên sự đồng thuận đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm ra cách đánh phù hợp. Để tìm ra cách đánh tối ưu đã có một cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng ủy Mặt trận nhằm bác bỏ cách đánh mạo hiểm và đi đến chấp nhận cách đánh bảo đảm chắc thắng.
Cũng như các chiến dịch lớn khác trước đó, chịu trách nhiệm chung lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ là một Đảng ủy Mặt trận do Bộ Chính trị chỉ định, gồm: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng chiến dịch), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Hậu cần), v.v.. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chỉ huy trưởng Mặt trận. Ngoài ra, bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch còn có Đoàn cố vấn Trung Quốc do ông Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng.
Những gì đã diễn ra ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cho thấy, hai yếu tố khiến Tướng Giáp thành công trong việc cùng tập thể đi tới sự đồng thuận về cách đánh chiến dịch là: Trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, trước xương máu của cán bộ, chiến sĩ và phong cách sâu sát thực tế, dùng thực tế mà thuyết phục tập thể tiếp nhận yêu cầu cao nhất là bảo đảm đánh chắc thắng.
Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng với cố vấn tham mưu đi trước để chuẩn bị chiến trường. Khi Tổng tư lệnh vừa đến Tuần Giáo, đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo sơ bộ tình hình mặt trận. Lần đầu tiên qua tấm sơ đồ tập đoàn cứ điểm trải rộng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hình dung cụ thể hơn địa hình lòng chảo Mường Thanh và cũng lần đầu tiên ông thấy các vị trí địch ken dầy trên cánh đồng. Theo đồng chí Hoàng Văn Thái thì tập thể bộ phận tiền trạm cũng như cố vấn tham mưu là Mai Gia Sinh đều cho rằng, nhân lúc địch đứng chân chưa vững, ta nên tranh thủ đánh sớm, nếu không địch tiếp tục củng cố công sự, tăng thêm binh lực, tập đoàn cứ điểm trở nên quá mạnh sẽ khó đánh và chiến dịch sẽ kéo dài. Nếu chiến dịch kéo dài, ta phải giải quyết hàng loạt vấn đề về quân số, thương vong, đặc biệt là về tiếp tế trong điều kiện khó khăn vì mùa mưa đến.
(1) Dự kiến của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp về khả năng địch tháo chạy sang hướng sông Thượng Lào không phải là không có cơ sở. Sau này qua sách báo của các ký giả phương Tây và nhất là qua hai cuốn Hồi ký của Đại tướng Henri Navarre được biết, ngay sau khi ném quân xuống cánh đồng Mường Thanh, Bộ chỉ huy Pháp đã lệnh cho Trung tá Langlais đưa quân từ Điện Biên Phủ xuống, Thiếu tá Vaudrey đưa quân từ Luang Phabang (Lào) lên, hợp điểm ở Sốp Nao, nhằm thăm dò khả năng lập một đường liên lạc sẵn sàng đón quân Pháp ở Điện Biên Phủ rút chạy sang Thượng Lào khi tình thế bắt buộc. Kế hoạch triệt thoái này được mang tên Xênophon. Sau khi hình thành, con đường này được gọi là hành lang chiến lược (couloir stratégique) với binh lực chừng 6 tiểu đoàn.
(còn nữa)
Đối thoại với các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu  (09/04/2009)
Kỷ niệm xưa tiếp thêm động lực  (09/04/2009)
Ðiện Biên Phủ - nơi hội tụ sức mạnh của cả nước  (09/04/2009)
Vài nét về Điện Biên Phủ  (09/04/2009)
Câu chuyện về thắng - thua hay bồ câu - diều hâu  (09/04/2009)
Chính phủ Nga đưa ra kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế, tài chính  (09/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển