TCCSĐT - Ngày 09-01-2018, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Văn phòng Chương trình KX01-16-20 (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo Quốc gia “Thể chế với phát triển kinh tế ở Việt Nam”.
Với mục đích nhằm đưa ra các khuyến nghị tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ về các chính sách cụ thể nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả là các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách.

Sau hơn 30 năm chuyển đổi cơ chế kinh tế, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa phần lớn vào việc tăng nguồn lực đầu vào, đặc biệt là thâm dụng vốn đầu tư trong khi hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Chất lượng tăng trưởng thấp và có xu hướng giảm. Việt Nam thiếu những động lực đủ mạnh để đưa nền kinh tế vượt qua “vùng trũng” tăng trưởng một cách bền vững. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó rào cản về thể chế kinh tế được xác định là một trong các nguyên nhân hàng đầu.

Rào cản của tăng trưởng

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thể chế đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng. Có những quốc gia nghèo tài nguyên nhưng phát triển và giàu có, trong khi có những quốc gia giàu tài nguyên lại không. Câu trả lời ở đây chính là do thể chế. Một thể chế tốt, hỗ trợ cho tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế, cần có một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu, tự do khế ước, tự do cạnh tranh, một cơ chế đáng tin cậy giúp giải quyết các tranh chấp cũng như một chính quyền minh bạch, tin cậy, mọi hành vi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế có tính tiên liệu và có khả năng lường trước được.

Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế đã bớt lệ thuộc vào chiều rộng, vào tài nguyên như hiện nay, câu hỏi đặt ra là động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2018 và những năm tiếp theo là gì? Theo GS,TS. Trần Thọ Đạt, việc cải cách thể chế, đặc biệt là tôn trọng quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch, là điều kiện rất quan trọng để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn sẽ tiếp tục là động lực quan trọng góp phần vào thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Việc nhận diện được rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, từ đó đề xuất các quan điểm, định hướng và các giải pháp để nhanh chóng khắc phục những rào cản đó, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn sắp tới là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Rào cản về thể chế kinh tế của Việt Nam

Theo GS,TSKH. Lê Du Phong, nguyên quyền Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, có nhiều rào cản về thể chế kinh tế của Việt Nam như chất lượng hệ thống pháp luật chưa cao, thường xuyên phải sửa đổi; một số luật chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp nên khó đưa vào cuộc sống. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, kém hiệu quả, còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; thủ tục hành chính còn nhiều và phức tạp; đội ngũ công chức còn thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu; các chủ thể tham gia nền kinh tế còn chưa được đối xử công bằng… Những rào cản này khiến cho việc điều hành kinh tế của Nhà nước còn khó khăn, hạn chế hiệu lực điều hành, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và làm lãng phí, thất thoát các nguồn lực cho phát triển. Lấy ví dụ về việc quản lý một dòng sông, GS,TSKH Lê Du Phong chỉ ra rằng, chỉ trên một dòng sông nhưng Bộ Giao thông - Vận tải quản lý nạo vét sông, Bộ Tài nguyên Môi trường phụ trách tài nguyên trên sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách quản lý nước sông. Đến khi “cát tặc” hoành hành thì không Bộ nào có trách nhiệm xử lý. Điều này cũng đúng bởi chỉ một dòng sông mà có đến 3 bộ quản lý, thì sẽ dẫn đến việc không bên nào nhận trách nhiệm về mình.

Đồng tình với những ý kiến nêu trên, tại hội thảo nhiều nhà khoa học cũng chỉ ra những bất cập hiện nay của thế chế với phát triển kinh tế ở nước ta. Ví dụ, cả nước có tới 23.000 đầu mối cơ quan có quyền ban hành các văn bản quy phạm Pháp luật. Số lượng công chức, viên chức hiện nay vào khoảng 2,8 triệu người. Trong khi đó, nước Mỹ có diện tích gấp 30 lần, dân số gấp 3,5 lần Việt Nam nhưng chỉ có 2,1 triệu người trong bộ máy nhà nước. Bộ máy cồng kềnh dẫn đến hiệu quả và hiệu lực kém như tình trạng “trên bảo dưới không nghe, vâng - dạ nhưng không làm”. Đội ngũ công chức còn “nhũng nhiều”. Với khảo sát của VCCI cho thấy 60% doanh nghiệp Top giữa phải móc hầu bao cho các khoản chi không chính thức. Cùng với đó, mặc dù các thủ tục hành chính đang được đơn giản hóa nhưng vẫn còn hết sức phức tạp, phiền hà. Điều này làm nản lòng cả các chủ thể chuẩn bị đầu tư và các chủ thể đang hoạt động trong nền kinh tế. Đơn cử như hiện nay có đến 100.000 loại hàng hóa xuất khẩu phải quan kiểm tra, gần 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu… cũng là những vấn đề mà các nhà phân tích đề cập đến tại hội thảo này.

Làm gì để tháo gỡ rào cản trên

Đánh giá, những hạn chế và tồn tại về thể chế đối với khu vực doanh nghiệp, PGS,TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong khi đó, vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế còn hạn chế. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp còn tồn tại. Nguyên nhân khách quan được PGS,TS. Trần Kim Chung chỉ ra là do mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hoàn toàn mới cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trên thế giới hiện nay chưa có mô hình này dẫn đến việc dùng dằng, chần chừ, thử đi thử lại các vấn đề về thể chế đối với nền kinh tế nước ta. Mặt khác, năng lực thể chế hóa và hiệu lực quản lý, điều hành thực hiện của Nhà nước còn yếu, thể chế quản lý còn lỏng lẻo, tạo ra nhiều kẽ hở để hình thành “nhóm lợi ích”, thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, gây nên tình trạng tham nhũng, lãng phí…

Để giải quyết những vấn đề liên quan tới thể chế kinh tế này, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Trần Kim Chung cho rằng: đối với các doanh nghiệp nói chung là giảm các thủ tục hành chính, giảm thanh tra, kiểm tra, chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Và đặc biệt, phải tăng cường thể chế hướng tới kiểm soát các dòng tiền để hạn chế tham nhũng, trốn thuế,… Cuối cùng, theo PGS, TS. Trần Kim Chung, cần thể chế hóa các quan hệ trong quy định hành vi, giao dịch. Phải bình đẳng trong giao dịch. Muốn thế, trước hết các chủ thể phải bình đẳng, thứ đến mới là các địa bàn phải bình đẳng.

Những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay

Với 3 bài tham luận và 7 ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá các rào cản về thể chế kinh tế Việt Nam nói chung, thể chế cho phát triển doanh nghiệp nói riêng và những tác động tiêu cực của những rào cản này đối với việc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đồng thời đề xuất một số các giải pháp nhằm xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phát triển doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ. Các bài trình bày và các ý kiến đóng góp đã nêu ra 08 vấn đề được đưa ra thảo luận gồm:

Lý thuyết kinh tế cũng như thực tiễn đã chỉ ra tầm quan trọng đặc biệt của thế chế đối với việc phát triển kinh tế xã hội;

Trong bối cảnh phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới hạn thì việc xóa bỏ các rào cản về thể chế đóng vai trò quyết định đối với việc thúc đẩy của phát triển nền kinh tế Việt Nam;

Cần phải có tính hành động cao hơn kể cả trong Nghị quyết lẫn trong khâu tổ chức thực hiện;

Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong việc phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển;

Xử lý tốt vấn đề sở hữu, vấn đề chủ nghĩa tư bản thân hữu và chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chọn lọc phát triển FDI;

Tạo áp lực cho cải cách bộ máy hành chính và điều hành; Hoàn thiện thể chế để nhằm phát triển bền vững, phát triển bao trùm;

Vai trò của thể chế trong bối cảnh mới, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian qua. Đồng thời, đánh giá về các rào cản thể chế quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã đánh giá thực trạng và nêu ra các khuyến nghị giải pháp với một loạt những rào cản thể chế đối với sự phát triển của các thành phần kinh tế, các loại thị trường và đối với việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện nay. Với những thực trạng và nguyên nhân được chỉ ra, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cải cách thể chế bao gồm việc hoàn thiện thể chế hướng tới giảm chi phí giao dịch; thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thể chế kiểm soát dòng tiền để hạn chế tham nhũng, trốn thuế và thể chế hóa các quan hệ trong quy định hành vi, giao dịch…/.