Báo chí cần đương đầu với khó khăn thách thức, chủ động và nhạy bén hơn nữa
TCCSĐT - Sáng 26-12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: Hiện cả nước có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in, trong đó có 185 báo (86 báo Trung ương, 99 báo địa phương), 664 tạp chí (530 tạp chí Trung ương, 134 tạp chí địa phương); 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh; cả nước có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo chí, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử; 178 giấy phép được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại này, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội.
Quang cảnh Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, năm 2017 các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước để thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí ngày càng thể hiện rõ vai trò chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, góp phần tạo động lực tinh thần để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế như: thông tin không đúng tôn chỉ mục đích, không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái xã hội, tình trạng thông tin phản cảm, giật gân câu khách chậm được khắc phục. Nhiều cơ quan báo chí chưa thực sự đề cao quy trình tác nghiệp, quy trình biên tập; chưa kiểm soát được nội dung phản hồi trực tuyến; một số phóng viên, biên tập viên lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo…
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và các cơ quan báo chí đã trình bày tham luận, trao đổi về các vấn đề quan tâm trong công tác báo chí, cũng như đời sống báo chí - truyền thông hiện nay. Các tham luận nhấn mạnh công tác quản lý các cơ quan đại diện, thường trực và phóng viên thường trú; vấn đề giữ đúng tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí và việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động báo chí hiện nay đang cạnh tranh gay gắt với các thông tin trên mạng xã hội, phải nhận diện rõ nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt với các tin tức giả mạo hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập... để có phương án hoạt động chuyên môn tốt hơn. Hiện nay, nguồn thu quảng cáo các cơ quan báo chí giảm mạnh cũng đòi hỏi báo chí phải không ngừng đổi mới, thay đổi.
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, TS. Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Để việc tuyên truyền, tổng kết lý luận và thực tiễn trên các tạp chí nghiên cứu lý luận của Đảng, nhất thiết phải làm tốt các nội dung như: Chủ động dự báo chính trị tầm nhìn trung hạn, hoạch định chương trình và góp phần xây dựng những quyết sách của Trung ương Đảng, theo lộ trình. Tăng cường nghiên cứu khoa học từ cơ bản tới triển khai, nhất là khoa học dự báo; liên kết với các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực tiễn, các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị… bổ sung và phát triển lý luận. Nâng cao chất lượng phản biện, đấu tranh phê phán lý luận trực tiếp, dưới mọi phương thức và hiệu quả trong công tác tuyên truyền tư tưởng lý luận. Đa dạng hóa ấn phẩm, phương thức, thể loại, đội ngũ cộng tác viên; tăng cường liên kết báo chí, xuất bản, phát hành, phổ biến sâu rộng lý luận chính trị. Sáng lập, tổ chức giải báo chí chính trị, thực thi hiệu quả kênh báo chí đối ngoại quốc tế về phương diện lý luận của Trung ương Đảng.
Đồng chí Nhị Lê phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Tiếp đó, đại diện Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Long chia sẻ về việc quản lý các văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: Hiện có 38 cơ quan báo chí của Thành phố và 142 văn phòng đại diện tại Thành phố: Trong năm qua lực lượng này đã đưa thông tin kịp thời, chính xác, giúp cho nhân dân Thành phố hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng, điều đáng nói là có nhiều thông tin trên một số báo chí chưa chuẩn mực, thiếu chính xác, hoặc có những thông tin chính xác nhưng chưa phù hợp, không có lợi đối với xã hội, với đất nước. Đáng chú ý, có một số phóng viên thường trú vi phạm Luật báo chí và nguyên nhân được xác định một phần là do cơ quan chủ quản giao khoán, những phóng viên này thiếu bản lĩnh chính trị. Do đó, cơ quan chủ quản cần quan tâm nhiều hơn nữa cơ quan báo chí, cơ quan báo chí cần quan tâm đến văn phòng đại diện; Cục báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để tổ chức thanh, kiểm tra các cơ quan thường trú của báo chí.
Với việc nêu lên tác hại bởi có không ít trang web mạo danh một số trang báo điện tử để trục lợi, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Lê Quốc Minh chỉ ra: Có tình trạng một số tờ báo sử dụng phương án “đăng tải tin trước, chỉnh sửa sau”; tình trạng loan tin giả làm ảnh hưởng đến những tổ chức, doanh nghiệp,…. làm cho độc giả, xã hội mất niềm tin đối với báo chí.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá công tác báo chí đã có chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng, toàn diện. Quản lý Nhà nước về báo chí tiến bộ, chất lượng giải báo chí nâng cao, hình thành một số giải thưởng mới được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý là, chất lượng thông tin tuyên truyền được nâng lên, nhất là trong đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ chủ quyền quốc gia… vấn đề được dư luận ghi nhận là các nhà báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, có nhà báo đã hy sinh mạng sống, vượt qua sự đe dọa của thế lực xấu, sự đối xử không công bằng của cơ quan chức năng, sự đố kỵ của chính cơ quan báo chí để hoàn thành nhiệm vụ. Một số hạn chế thiếu sót gây ảnh hưởng đến uy tin báo chí cần sớm được khắc phục.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị: Bước sang năm 2018, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Kết quả các mặt năm 2018 có ý nghĩa quyết định. Báo chí phải tập trung tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết trên tất cả các mặt, biểu dương các điển hình tiên tiến, phê phán phản bác các thông tin, quan điểm sai trái. Báo chí cần tiếp tục dám đương đầu với khó khăn thách thức, có bản lĩnh để tập trung nâng cao chất lượng theo hướng chủ động, nhạy bén hơn nữa./.
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản  (27/12/2017)
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2017  (27/12/2017)
Lào đánh giá cao đóng góp của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam  (27/12/2017)
Nhiều hoạt động thu hút du khách dịp Tết Dương lịch 2018  (27/12/2017)
Hội nghị các trụ cột Cộng đồng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN  (27/12/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên