Nhằm góp phần vào việc nâng cao năng lực tuyên truyền về việc thực hiện và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, trong 2 ngày từ 2 đến 3-4-2007, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của UNESCO đã tổ chức Hội thảo “Truyền thông với quyền con người, quyền trẻ em và bình đẳng giới ở Việt Nam”.

Các bản tham luận, báo cáo và ý kiến trao đổi trong Hội thảo xung quanh chủ đề trên của đại biểu quốc tế và Việt Nam đã cung cấp những thông tin phong phú về các vấn đề:

- Quyền con người và vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, lịch sử về quyền con người; cách tiếp cận và lợi ích của việc tiếp cận dựa trên quyền...

- Cơ chế quốc tế về bảo đảm Quyền con người: các văn kiện quốc tế về quyền con người; cơ chế bảo vệ quyền con người ở cấp độ quốc tế.

“...phụ nữ sản xuất từ 75%-90% sản lượng lương thực thế giới. Họ chịu trách nhiệm 95% cuộc sống của các hộ gia đình. Theo Liên hợp quốc, không có nước nào trên thế giới mà ở đó, nam giới dành thời gian cho công việc gia đình gần bằng phụ nữ. Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của các phong trào nữ quyền, phụ nữ vẫn phải gánh chịu bất công... cứ 3 người lớn nghèo thì 2 người trong số đó là phụ nữ. Phụ nữ làm 2/3 công việc trên thế giới, nhưng nhận 10% thu nhập trên thế giới và chỉ sở hữu 1% phương tiện sản xuất”.

Nguồn: Richard H. Robbins - Những vấn đề toàn cầu và nền văn hóacủa chủ nghĩa tư bản (Allyn và Bacon, 1999), tr 354

“Ở một số nước, hơn 2/3 trẻ em dưới 15 tuổi sẽ chết do AIDS. Việc bảo vệ Quyền con người đối với những trường hợp mới nhiễm trở thành vấn đề cấp thiết hơn.

(Nguồn: Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, 12-2004)

- Truyền thông về Quyền trẻ em và bình đẳng giới. Trong Luật quốc tế, tất cả các quyền con người cơ bản đều được áp dụng bình đẳng như nhau. Các quyền này được cụ thể hơn ở một số điều ước chuyên biệt về quyền con người, chẳng hạn: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước Quyền trẻ em, trong đó đặc biệt ghi nhận quyền trẻ em trên những lĩnh vực: giáo dục, trẻ em đi lính, trẻ em ở nơi giam giữ, cứu trợ cho trẻ em...

- Quan điểm cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về Quyền con người: Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài, là giá trị chung của nhân loại. Quyền con người được hình thành và phát triển liên tục qua các thời đại. Tất cả các dân tộc đều có những đóng góp vào giá trị nhân quyền bằng những cách thức khác nhau. Bảo đảm Quyền con người thuộc bản chất của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Từ quan điểm đó, chủ trương, chính sách cơ bản của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là: bảo vệ quyền dân tộc tự quyết; bảo đảm và nâng cao các quyền dân sự, chính trị; bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa...

- Pháp luật và cơ chế bảo đảm Quyền con người ở Việt Nam: Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam; hệ thống chính trị và thiết chế tổ chức bộ máy nhà nước đối với việc bảo đảm Quyền con người.

- Một số kỹ năng về truyền thông trong việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển Quyền con người ở Việt Nam: báo chí với kỹ năng đưa tin, thực hiện chức năng giám sát xã hội, nâng cao dân trí, làm “cầu nối” người dân với Đảng, Nhà nước; vấn đề đào tạo nhà báo ở Việt Nam; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; những nguyên tắc cần tuân thủ (kỹ năng) khi viết bài, đưa tin về những vấn đề liên quan đến Quyền con người. Thí dụ: đưa tin về phụ nữ, trẻ em; đưa tin về tội phạm (tránh kiểu đưa tin dẫn đường cho tội phạm); đưa hình ảnh (tránh đưa hình ảnh không có lợi cho những người có liên quan, đặc biệt là trẻ em)...