Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong đồng bào dân tộc ở Bạc Liêu

Lý Sa Phal Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu
22:25, ngày 19-09-2017

TCCSĐT - Trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng trong đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có bước phát triển, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong tình hình mới, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa các cấp ủy đảng với nhân dân, tăng cường sự thống nhất tư tưởng, sự đồng thuận trong xã hội.

Công tác chính trị tư tưởng có vị trí quan trọng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, được triển khai thực hiện qua nhiều hình thức, phương pháp phong phú, sinh động, trong đó tuyên truyền miệng là một hình thức được Đảng ta hết sức quan tâm. Đây là một vũ khí sắc bén trực tiếp đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái. Mặt khác, công tác tuyên truyền miệng có một lợi thế đặc biệt không có phương tiện thông tin đại chúng nào thay thế được, là một nghệ thuật diễn giải trực tiếp đến từng đối tượng, xử lý theo từng tình huống, từng thời điểm cụ thể và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Bạc Liêu là một tỉnh có 3 dân tộc chủ yếu (Kinh, Hoa, Khmer) sinh sống với dân số 891.641 người, trong đó dân tộc thiểu số là 89.751 người, chiếm 10,07% dân số. Xác định công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, nhất là việc thực hiện Chỉ thị 17, ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác tuyên truyền miệng; xem đây là cầu nối quan trọng để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào thiểu số, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp cho các cấp ủy đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, những hành vi lôi kéo, xúi giục một số đối tượng người thiểu số gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện Chỉ thị 17, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo về củng cố đội ngũ báo cáo viên và tăng cường, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, thực hiện Chỉ thị của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, cùng với nhiều chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là những chủ trương về tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng trong tỉnh đã không ngừng phát triển và thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Nhiều cấp ủy đảng quan tâm xây dựng, lãnh đạo, phát huy vai trò lực lượng báo cáo viên trong thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Đa số cán bộ, đảng viên đã trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền miệng thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn (hiện nay, số lượng báo cáo viên của Tỉnh ủy là 30 đồng chí, số lượng báo cáo viên của các huyện, thị ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy là 265 đồng chí; số lượng tuyên truyền viên ở cơ sở các xã, phường, thị trấn là 1.836 đồng chí). Đa số báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là báo cáo viên từng bước thể hiện được vai trò nòng cốt trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những sự kiện quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng trong những năm qua còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Do vậy, để từng bước đạt mục tiêu đối với công tác tuyên truyền miệng mà Chỉ thị 17 đã xác định, các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ chức vụ lãnh đạo, cần quan tâm thực hiện tốt một số việc sau:

Một là, nghiên cứu và quán triệt sâu sắc, toàn diện Chỉ thị 17. Các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; có trách nhiệm thực hiện công tác tuyên truyền miệng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xác định rõ mục tiêu của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, đó là “tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Lấy sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nhiệt tình hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, sự gắn bó giữa Đảng với dân làm thước đo chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Từng cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc rà soát lại việc lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 17 ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình trong thời gian qua. Đánh giá đúng thực chất ưu điểm để phát huy, đồng thời xác định những hạn chế để quyết tâm khắc phục. Chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Thường xuyên quan tâm định hướng, tạo điều kiện tốt để phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ba là, quan tâm xây dựng và phát huy vai trò lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ về số lượng, đặc biệt là mạnh về chất lượng. Thật sự coi đây là lực lượng nòng cốt, là khâu quan trọng trong công tác tuyên truyền miệng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trên thực tế, việc xây dựng, quản lý, lãnh đạo lực lượng báo cáo viên tương đối chặt chẽ, nhưng đối với lực lượng tuyên truyền viên còn lỏng lẻo, có nơi còn bỏ ngỏ hoặc giao khoán cho Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vì thế, cần quan tâm xây dựng, cơ cấu lực lượng tuyên truyền viên bao gồm: lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng, một số người có uy tín, tiêu biểu trong nhân dân, trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với lực lượng tuyên truyền viên, nhất là đối với những người không phải là cán bộ các đoàn thể, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Bốn là, Ban Tuyên giáo cấp ủy tiếp tục phát huy vai trò tham mưu của mình. Trong thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác tuyên truyền miệng, trong đó có nguyên nhân từ vai trò tham mưu. Do đó, cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo thực hiện chặt chẽ công tác này theo đúng tinh thần Chỉ thị 17.

Phát huy vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường lãnh đạo cán bộ, đảng viên cơ quan, đơn vị mình thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng. Kịp thời định hướng công tác tuyên truyền miệng trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước. Chịu trách nhiệm với Đảng về chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của cán bộ, của cơ quan, đơn vị mình.

Từng đảng viên của Đảng thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Lấy kết quả công tác tuyên truyền miệng là một nội dung để đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên hằng năm. Mạnh dạn, khéo léo đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động. Với tinh thần đó và với 24.163 đảng viên của Đảng bộ đang công tác trên hầu hết các lĩnh vực trong toàn tỉnh sẽ góp phần to lớn cho sự thành công không chỉ của công tác chính trị tư tưởng của Đảng mà còn góp phần to lớn trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nói được đã khó, làm được càng khó hơn, những vấn đề cần làm nêu trên khi thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng đó là điều cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, nếu mỗi đảng viên của Đảng đều quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được./.