Quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
TCCSĐT - Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một vấn đề lý luận cốt yếu trong lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc nghiên cứu làm rõ vấn đề này mang tính cấp thiết và cần phải tiếp tục được làm rõ. Cuốn sách Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay phần nào đáp ứng yêu cầu lý luận và thực tiễn đất nước đặt ra.
Thời gian qua đã có hàng chục nghìn công trình, bài viết xoay quanh chủ đề này. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, kể cả những nhà nghiên cứu theo lập trường mác-xít. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới cũng đã thay đổi. Hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực đã tan rã hoàn toàn ở châu Âu, những nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã mở cửa, cải cách, đổi mới toàn diện để bước vào giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh đó, cuốn sách Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay do TS. Phạm Tất Thắng và PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu đồng chủ biên góp phần làm rõ vấn đề lý luận cốt yếu trong lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015”, mã số KX.04/11-15, cuốn sách gồm 408 trang được chia thành 5 chương. Chương I: Cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; Chương II: Kinh nghiệm của các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; Chương III: Bối cảnh mới của quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; Chương IV: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam: Nhận thức, thực tiễn và những vấn đề đặt ra; Chương V: Quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Các tác giả của cuốn sách Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đã khảo lược quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã khẳng định: Sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử - tự nhiên và sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác bao giờ cũng trải qua một quá trình biến đổi, chuyển đổi, đó là thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ là một tất yếu lịch sử, có thể diễn ra dài, ngắn khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể của từng nước khác nhau. Bên cạnh đó, V.I. Lê-nin khẳng định: Cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Bởi đây là sự thay đổi về chất, khác với tất cả các hình thái kinh tế - xã hội đã tồn tại trong lịch sử xã hội loài người.
Trong chương II, các tác giả đã chỉ ra kinh nghiệm quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua tư bản chủ nghĩa từ sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, kinh nghiệm của Liên Xô, Đông Âu, Cuba, các nước Mỹ Latinh và đặc biệt là Trung Quốc. Kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra rằng: Về kinh tế, cần phải phát triển kinh tế nhiều thành phần để huy động mọi tiềm năng sản xuất như vốn, kỹ thuật, quản lý, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân trong thời kỳ quá độ. Về chính trị, cần phải giữ ổn định chính trị trên cơ sở độc lập, tự chủ. Vấn đề đặt ra hiện nay của các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là việc đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và giải quyết các đặc điểm dân tộc trong con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của mỗi nước.
Các tác giả đã chỉ ra thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới với các xu thế: toàn cầu hóa; hòa bình, hợp tác, phát triển; dân chủ hóa đời sống quốc tế; nêu cao ý thức độc lập, bảo vệ lợi ích dân tộc; đa cực hóa đời sống kinh tế - chính trị thế giới. Do vậy, cũng đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phân tích đặc điểm thời đại ngày nay càng cho thấy, việc Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội và kiên định con đường đó. Tuy nhiên, xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Đảng ta đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc để giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ chống phong kiến đem lại ruộng đất cho dân cày được tiến hành từng bước. Sau khi giành được thắng lợi trong cách mạng dân tộc dân chủ, phải chuyển tiếp lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản với thời kỳ quá độ lâu dài, khó khăn, nhiều chặng đường. Các nước đang phát triển tư bản chủ nghĩa quá độ lên chủ nghĩa xã hội sẽ dễ dàng hơn, thời gian ngắn hơn. Nhưng nước ta, xuất phát điểm quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển của tư bản chủ nghĩa, chắc chắn sẽ lâu dài hơn, khó khăn hơn, phức tạp hơn và sẽ trải qua nhiều chặng đường hơn.
Thời kỳ trước năm 2001, Đảng ta xác định quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đến Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta có bước phát triển mới về thời kỳ quá độ là “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng kế thừa những thành tựu đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt những thành tựu về khoa học - công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại.
Trong chương IV, các tác giả đã chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản ở Việt Nam hiện nay, đó là:
- Từ nước có nền sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội không qua chủ nghĩa tư bản, nhưng không theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp nữa mà chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và xu thế toàn cầu hóa. Cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật.
- Việt Nam vẫn bị các thế lực thù địch tiến hành bao vây, chống phá.
Với những đặc điểm nêu trên, nội dung chủ yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản ở Việt Nam hiện nay: Một là, từng bước khắc phục dần căn bệnh đối lập một cách trừu tượng chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội. Hai là, tuân theo quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ba là, xử lý quan hệ sở hữu dựa trên tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Bốn là, thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch. Năm là, ngày càng đề cao sản xuất hàng hóa. Sáu là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Nhiệm vụ chủ yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay được nhóm tác giả sách chỉ ra là:
- Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư và rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức.
- Cần có chính sách nhất quán với các thành phần kinh tế.
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân.
Để thực hiện tốt nội dung, nhiệm vụ của của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản ở Việt Nam cần phải giữ vững nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, phải xuất phát từ thực tiễn đất nước, nhất là quy luật về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp. Phải nhận thức một cách đầy đủ và toàn diện bối cảnh mới của đất nước và thế giới hiện nay. Phải kiên trì giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, Việt Nam xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là thành tựu nổi bật cả về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, xã hội là một cơ thể thống nhất và đồng bộ. Các lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình vận động và phát triển dù có sự không đồng đều, nhưng về cơ bản phải tương thích và thống nhất với nhau tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Nhưng hiện nay, Việt Nam mới thừa nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn các lĩnh vực khác như: nhà nước, văn hóa, xã hội… đều được khẳng định là xã hội chủ nghĩa. Như vậy, về mặt lý luận và thực tiễn là chưa nhất quán, dẫn đến khó điều hành và triển khai. Do vậy, nhóm tác giả đề xuất quan điểm trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa cần tập trung triển khai bốn trụ cột là: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa; Nền văn hóa tiên tiến định hướng xã hội chủ nghĩa; Xã hội dân chủ định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đọc hơn 400 trang sách chúng ta dễ dàng nhận thấy, các tác giả đã khái quát cả lý luận và thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở một số nước trên thế giới và Việt Nam với cách tiếp cận mới, đó là theo phương pháp liên ngành, trong đó đề cao các phương pháp tiếp cận chuyên biệt như: triết học, kinh tế - chính trị học, chính trị học, sử học. Đồng thời, về mặt lý luận, cuốn sách đã làm rõ một số khái niệm, phạm trù với nội dung mới. Chỉ ra điều kiện tiên quyết để tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa của các nước lạc hậu như Việt Nam hiện nay là phải kế thừa thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách sẽ góp phần làm cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước khi hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, cuốn sách sẽ làm hài lòng những ai đang quan tâm tới xu thế vận động của các nước trên thế giới và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là tất yếu khách quan. Trên cơ sở đó có niềm tin vào chủ nghĩa xã hội cũng như hình thành mục tiêu, nhiệm vụ của mình trong tương lai./.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình hiện nay  (31/08/2017)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Kỳ họp Hội đồng ASCOPE lần thứ 43  (31/08/2017)
Petrovietnam - bài học về quản trị doanh nghiệp  (31/08/2017)
Về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (30/08/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay