Đồng chí Lê Duẩn với việc giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên
79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm giữ trọng trách Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, đó là lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Cuộc đời cách mạng đồng chí Lê Duẩn tỏ rõ là bậc trí tuệ lớn qua những cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn rất quan tâm đến thanh niên và phong trào thanh niên, bởi thanh niên "là lực lượng tiên phong", "xung kích đóng vai trò nòng cốt trong cách mạng", "là những người nắm lấy tương lai huy hoàng của dân tộc"... Đồng chí khẳng định: "Thắng lợi của dân tộc ta không phải tình cờ mà có. Chúng ta giành được thắng lợi vĩ đại chính là dựa trên cơ sở sức mạnh đoàn kết chiến đấu của toàn dân ta nói chung và của thanh niên nói riêng. Phải khẳng định rằng dân tộc ta rất mạnh, thanh niên ta rất mạnh. Trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh"(1).
Đánh giá đúng vai trò của thanh niên trong cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho họ, giúp họ trở thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ tương lai của nước nhà. Đồng chí cho rằng: Thanh niên phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ. Có đạo đức cách mạng thì sẽ không sợ thất bại, không lùi bước trước khó khăn; có đạo đức cách mạng thì sẽ không kiêu ngạo, tự mãn, không kèn cựa địa vị, không suy bì về hưởng thụ, v.v...
Đồng chí Lê Duẩn đã khái quát một số nội dung giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên.
Thứ nhất, thanh niên phải xác định cho mình lý tưởng cách mạng đúng đắn.
Thanh niên là những người sục sôi “bầu máu” nóng, giàu nghị lực và rất khát khao lý tưởng. Bởi vậy, đồng chí Lê Duẩn cho rằng, đối với thanh niên, việc xác định lý tưởng cách mạng đúng đắn là vấn đề rất quan trọng. "Không phải mọi người sinh ra là đã có lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp cả. Lý tưởng, phẩm chất cách mạng chỉ có thể được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong sản xuất, chiến đấu và tu dưỡng"(2). Mỗi thanh niên cần phải xây dựng một lý tưởng tốt đẹp. Không có lý tưởng tốt đẹp thì không phải là người thanh niên tiên tiến. "Thanh niên chúng ta phải sống có lý tưởng cao thượng mà muốn có lý tưởng cao thượng, thì phải có lập trường dứt khoát, rõ ràng về cái sống và cái chết, về cống hiến và hưởng thụ"(3). Đồng chí viết: "Chúng ta không ai muốn chết, nhưng khi cần phải tranh đấu để giành lấy và bảo vệ cuộc sống của giai cấp, của dân tộc, chúng ta phải dám làm cách mạng, dám chiến đấu, dám hy sinh cả tính mạng của mình. Đứng trước sự mất còn của Tổ quốc, sự thành bại của cách mạng mà quỳ gối, cúi đầu cầu xin sự sống là sỉ nhục, hoặc chỉ bo bo nghĩ đến cá nhân mình, đến gia đình, vợ con mình là ươn hèn ích kỷ. Cuộc sống chỉ cao quý khi chúng ta sống có lý tưởng và để thực hiện lý tưởng, khi cần có thể xả thân vì sự nghiệp chung của dân tộc, của giai cấp"(4).
Bàn về nghĩa vụ của thanh niên đối với Tổ quốc, với nhân dân đồng chí Lê Duẩn nêu: "Tuổi thanh niên là tuổi để cống hiến. Nếu chúng ta nghĩ nhiều đến hưởng thụ, đặt hưởng thụ cá nhân cao hơn tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, tức là chúng ta đã hạ thấp phẩm chất của người thanh niên cách mạng, đã sống hoài, sống uổng những ngày đẹp nhất của đời mình. Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những toan tính được mất của cá nhân. Người nào chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình thì dù cho họ có ở lầu son, gác tía, ăn mâm cao cỗ đầy, họ cũng vẫn chỉ là một kẻ nghèo nàn, vì đầu óc họ trống rỗng, quả tim họ không đập cùng một nhịp với cách mạng"(5). Hạnh phúc lớn lao nhất của thanh niên là cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng.
Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, một trong những đức tính quan trọng, đầu tiên của thanh niên là phải có sự tận tụy và lòng trung thành. Chỉ có sự tận tụy mới giúp thanh niên làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong chiến đấu cũng như trong sản xuất hay trong bất cứ công việc cách mạng nào. Tận tụy phải gắn liền với lòng trung thành, đó là lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, lòng trung thành cần phải được nâng lên thành đức hy sinh, xả thân vì sự nghiệp cách mạng... Muốn thực hiện lý tưởng cách mạng mà không dám hy sinh thì chỉ là nói suông mà thôi(6). Mặt khác, thanh niên vốn có lòng tự trọng cao, trọng phẩm chất, trọng danh dự nên phải mở rộng lòng tự trọng đó thành ý thức tôn trọng tổ chức, tôn trọng kỷ luật, tôn trọng tập thể. "Ý thức tổ chức kỷ luật là đạo đức không thể thiếu được của người thanh niên cách mạng, là biểu hiện của người thanh niên có quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng cách mạng"(7).
Thứ hai, thanh niên phải có lòng yêu nước sâu sắc và yêu thương nhân dân lao động.
"Người thanh niên có quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng cách mạng trước hết phải là người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Lòng yêu nước đó là sự kết tinh của tinh thần giác ngộ cách mạng, giác ngộ về quyền lợi dân tộc và quyền lợi của giai cấp vô sản; là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản"(8). Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: "Người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn: yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tất cả những cái đó không tách rời nhau, mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước sâu sắc và cao đẹp của thanh niên"(9).
Theo đồng chí, một xã hội tốt đẹp là một xã hội trong đó mọi người thương yêu lẫn nhau, mọi người sống trong đoàn kết, thân ái, hợp tác, tương trợ. Tình thương là hạnh phúc của con người, là tình cảm cao đẹp giữa những người lao động. Đó là cơ sở của đạo đức cách mạng. "Dân tộc Việt Nam ta xây dựng đất nước trên tình thương và đấu tranh: Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình; đồng thời đấu tranh kiên cường bất khuất chống cường quyền, chống xâm lược. Dân tộc ta có tinh thần yêu nước rất cao, đồng thời là một dân tộc giàu lòng nhân ái... Ngày nay, trong chế độ mới, chúng ta cần nêu cao giá trị tinh thần đó. Đặc biệt, thanh niên cần phải xây dựng tình thương sâu sắc đối với nhân dân lao động. "Đối với nhân dân, thanh niên phải luôn tỏ lòng thương yêu, kính trọng. Tình cảm ấy, ý thức ấy phải biểu hiện trong nếp sống, trong sự tiếp xúc hàng ngày với nhân dân"(10). Đồng chí nhận định, trong xã hội ta, nhiều thanh niên đã biết tỏ lòng yêu thương quý mến nhân dân bằng những hành động dũng cảm và hào hiệp, lúc chiến tranh thì xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, lúc bình thường thì cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần những người đi đường bị ốm đau... Nhiều thanh niên đã hy sinh tất cả, ăn thiếu, mặc rách, mà không hề phàn nàn, đòi hỏi. Những việc làm mang nội dung đạo đức tốt đẹp đó rất đáng biểu dương, khen ngợi.
Thứ ba, thanh niên phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân.
Muốn nâng cao đạo đức cách mạng thì thanh niên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân, phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, là một trở ngại lớn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ ra mọi tính hư, nết xấu như lười biếng, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, tham ô, lãng phí v.v.. Đồng chí cho rằng: "Con người ai cũng có bản năng tự vệ, khi tình cảm cách mạng yếu đi, khi lý trí không chiến thắng nổi thì đứng trước khó khăn nguy hiểm, tình cảm cá nhân chủ nghĩa dễ trỗi dậy và chỉ cần một phút lơi lỏng là chúng ta có thể lùi bước gục ngã... Vì vậy, phải luôn luôn trau dồi đức hy sinh, xả thân vì cách mạng, phải thường xuyên đấu tranh tư tưởng tự phê bình và phê bình, đừng để có những phút yếu đuối, những kẽ hở để chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào"(11). Nếu thanh niên không rèn luyện tu dưỡng bản thân thì khi gặp hoàn cảnh khó khăn, những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong người sẽ trỗi dậy và kéo thanh niên lùi bước. Cho nên muốn thành người cách mạng, trước hết thanh niên phải làm cách mạng tư tưởng, phải luôn tự phê bình và phê bình.
Đồng chí Lê Duẩn căn dặn: "Bất cứ làm việc gì to, nhỏ, thanh niên đều phải hy sinh cái cá nhân nhỏ bé để phục vụ cái tập thể rộng lớn. Nếu chỉ vì cái cá nhân nhỏ bé tầm thường mà làm việc, mà xây dựng sự nghiệp thì sự nghiệp ấy không những chỉ nằm trong cái nhỏ bé, tầm thường, mà có khi còn dẫn tới sai lầm nguy hiểm"(12).
Đồng chí phê phán một số thanh niên trí thức chỉ muốn làm "quan cách mạng" một cách "an nhàn", họ sợ hy sinh phấn đấu, sợ trách nhiệm, chỉ thích hưởng lạc. Lý tưởng quang vinh của cách mạng đối với họ chỉ còn lại nào là đãi ngộ, hưởng thụ, địa vị, tiền đồ cá nhân, hạnh phúc cá nhân. Thanh niên phải khắc phục tư tưởng đó, nếu không thì sẽ làm lu mờ đạo đức cách mạng của thanh niên. "Thanh niên phải hết sức khiêm tốn, không được kiêu ngạo, phải luôn luôn biết ơn những người đi trước và không bao giờ quên quá khứ đau khổ của cha anh mình"(13).
Để trau dồi đạo đức cách mạng, theo đồng chí Lê Duẩn, thanh niên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân như rửa mặt hàng ngày, bởi vì đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, không phải cứ muốn mà được, mà phải thông qua việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thực tiễn và sự giáo dục, quản lý của xã hội và gia đình. Đồng chí nhắc nhở: "Hằng ngày, thanh niên phải suy nghĩ và tự hỏi hôm nay mình có khuyết điểm gì không? Sau một ngày làm việc, trước khi đi ngủ nên kiểm điểm xem mình đã làm cái gì đúng, cái gì sai và ngày mai phải làm sao cho tốt hơn ngày hôm nay"(14). Muốn làm được việc tu dưỡng đều đặn thì phải phấn đấu rất kiên nhẫn, rất quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ. Muốn tiến bộ, thanh niên phải tự rèn luyện mình là chính, phải xây dựng nề nếp tự phê bình thường xuyên. Đây là vũ khí hiệu nghiệm nhất để trau dồi đạo đức cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn nói: "Muốn trở thành con người mới, thanh niên phải lấy đạo đức của con người xã hội chủ nghĩa làm mẫu mực để kiểm tra mình. Phải dám vạch rõ tư tưởng sai lầm, nhìn thẳng vào khuyết điểm, không nên nuông chiều cá nhân mình"(15).
Đồng chí Lê Duẩn còn chỉ ra những yêu cầu rất cụ thể để thanh niên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng:
- Trong quan hệ gia đình: Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình. "Người thanh niên không biết tý gì đến việc nhà, không kính yêu cha mẹ, không thương mến người thân trong gia đình thì ra ngoài xã hội làm sao có lòng yêu mến nhân dân thật sự được. Thanh niên cần phải biết tổ chức tốt cuộc sống gia đình hợp với những tiêu chuẩn đạo đức mới nhằm tạo điều kiện cho mọi người trong gia đình làm tròn nghĩa vụ công dân, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng"(16).
- Trong quan hệ với bạn bè: Thanh niên phải lấy tình thân ái, đoàn kết thực sự để đối xử với nhau. Phải thật thà, thẳng thắn, cởi mở, không mánh khoé, lừa dối, đố kỵ nhau. Phải có sự thông cảm thương mến lẫn nhau, chia sẻ niềm vui và lo lắng của nhau, giúp đỡ nhau để không ngừng tiến bộ. Trong học tập, người khá bày vẽ cho người kém, không được làm cao, ích kỷ; người kém phải cố vươn lên, không được ỷ lại, nhưng không nên giấu dốt. Trong lao động, phải trao đổi kinh nghiệm cho nhau, khuyến khích nhau thi đua, giúp nhau trao dồi nghề nghiệp. Trong chiến đấu, phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau để hoàn thành nhiệm vụ, phải đồng cam cộng khổ, gian nguy có nhau, sống chết có nhau. Trong rèn luyện tư tưởng, phải học tập cái hay của nhau, động viên nhau làm điều tốt, nhắc nhở nhau tránh điều xấu, không nên vì quen thân mà dung túng lỗi lầm của bạn, trái lại, phải tìm cách đấu tranh phân rõ phải trái để giúp bạn sửa chữa khuyết điểm"(17).
- Thanh niên cần có quan điểm đúng đắn về tình yêu. "Tình yêu thật sự bền vững, đẹp đẽ không phải là những tình cảm lãng mạn, bồng bột, nhất thời, mà phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, coi trọng tính tình và ý kiến của nhau trên sự gắn bó với nhau về lý tưởng để luôn luôn giúp đỡ nhau tiến bộ suốt đời và cổ vũ nhau làm tròn nghĩa vụ đối với xã hội"(18).
- Thanh niên phải ra sức học tập, phải kiên nhẫn học tập, học trong sách vở, báo chí chưa đủ, mà còn phải học trong thực tế đấu tranh cách mạng, trong lao động sản xuất, trong việc gần gũi cuộc sống của công nông. Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: "Chế độ xã hội chủ nghĩa không cần những ông "quan cách mạng" mà cần có một đội ngũ những người lao động chân tay và trí óc làm việc siêng năng, thông thạo nghề nghiệp và có lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp"(19). Đồng chí nhấn mạnh: "Thanh niên phải ra sức phấn đấu để đạt tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật hiện đại. Thanh niên phải làm cho kỳ được nhiệm vụ đó và phải tin tưởng nhất định có thể làm được như thế. Cái gì các nước tiên tiến làm được, thanh niên ta cũng có thể làm được và phải làm được. Chúng ta luôn luôn khiêm tốn học tập nền khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới, nhưng chúng ta phải có đầy đủ lòng tự hào dân tộc, phải phát huy khí phách anh hùng của nhân dân ta"(20).
Sự quan tâm giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng đối với thanh niên của đồng chí Lê Duẩn đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi trí tuệ và sức lực của toàn Đảng, toàn dân. Đối với tuổi trẻ, hành trang thiết yếu để vào đời hôm nay và đi tới tương lai không có gì quan trọng hơn là nâng cao đạo đức cách mạng, trau dồi trình độ về mọi mặt, cống hiến tuổi trẻ và sức lực của mình phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
(2) Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, tr 111
(3) Sđd, tr 81
(4) Sđd, tr 82
(5) Sđd, tr 83-84.
(6) Sđd, tr 102.
(7) Sđd, tr105.
(8)Lê Duẩn: Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên, 1978, tr 275
(9) Sđd, tr 190
(10) Sđd, tr 275
(11) Sđd, tr 151
(12) Sđd, tr194
(13) Sđd, tr 279
(14) Sđd, tr 279
(15) Sđd, tr 123
(16) Sđd, tr 276
(19) Sđd, tr 123
(20) Sđd, tr 125
Những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực đối ngoại  (03/04/2007)
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - thực trạng và giải pháp  (03/04/2007)
Cổ phần hóa  (03/04/2007)
Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006-2010 họp phiên thứ nhất  (30/03/2007)
Làng quê không yên tĩnh  (27/03/2007)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay