TCCSĐT - Qua 30 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên mặc dù tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước, trong đó có sự yếu kém về lý luận, không sâu sát thực tiễn. Gắn lý luận với thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, do vậy vừa là công việc cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, cần sự nỗ lực với những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.

Vai trò của lý luận và mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin hết sức coi trọng vị trí, vai trò của lý luận đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Trong tác phẩm Làm gì, V.I. Lê-nin nêu luận điểm nổi tiếng “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”(1), “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(2). V.I.Lê-nin còn nhấn mạnh, nhiệm vụ của các nhà lý luận là phải biết vận dụng nó vào trong thực tiễn, phải tổng kết thực tiễn: “Chúng ta phải cố gắng theo kịp các sự kiện xảy ra, tổng kết lại, rút ra kết luận… Chúng ta phải làm công việc thường xuyên của các nhà chính luận - viết lịch sử hiện đại và cố gắng viết như thế nào để trang sử do chúng ta viết ra có thể giúp đỡ đắc lực cho những người trực tiếp tham gia phong trào”(3).

Vận dụng và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm sức để nghiên cứu, học tập lý luận. Cuối năm 1924, khi về Quảng Châu (Trung Quốc), nhằm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tuyển chọn những thanh niên yêu nước, nhiệt tình cách mạng để mở các lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Năm 1927, những bài giảng của Người trong các lớp huấn luyện chính trị này được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn sách nổi tiếng Đường kách mệnh. Trên trang bìa của tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc trích ghi luận điểm của V.I.Lê-nin: “Không có lý luận cách mạng, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mạng tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”.

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), những thanh niên yêu nước được học tập, rèn luyện trong các lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, sau đó tham gia phong trào “vô sản hóa” đã trưởng thành, trở thành cán bộ nòng cốt của Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thời kỳ này tuy ít, nhưng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về tinh thần học tập, nghiên cứu lý luận, lăn lộn trong phong trào quần chúng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự khẳng định đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Hồ Chí Minh, được đề ra xuất phát từ đặc điểm, tình hình lịch sử, chính trị cụ thể của cách mạng Việt Nam, bằng ý chí, nhiệt huyết, tinh thần xả thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa tới 5.000 người, nhưng được trang bị lý luận cách mạng tiền phong, được tôi luyện qua thực tiễn khắc nghiệt của các cao trào cách mạng.

Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn chiến lược đã ngày đêm suy nghĩ, trăn trở hoàn thành tác phẩm Sửa đổi lối làm việc làm tài liệu học tập, rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tác phẩm này được coi là một di sản lý luận quý giá mà Người để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đề cập một cách sâu sắc về vai trò của lý luận, về mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn trong việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Người, “lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh trong thực tiễn. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(4).

Cùng với việc học lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gắn lý luận với thực tiễn. Theo Người, lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Lý luận mà không gắn với thực tế là lý luận suông, còn thực tiễn không được lý luận dẫn đường là thực tiễn mù quáng. “Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”(5).

Trong nhiều bài viết và nói của Người ở các giai đoạn sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo và cần được bổ sung bằng những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động. Vì vậy, nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Trong học tập lý luận, cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin(6).

Có thể nói, những quan điểm, chỉ huấn của V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh về lý luận, vai trò của lý luận, về mối liên hệ giữa lý luận với thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Nghị quyết mỗi kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Cho đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đi vào nền nếp, có kế hoạch, lộ trình cụ thể và đã thu được những kết quả tích cực. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từng bước được đổi mới, phù hợp với từng đối tượng và cập nhật được kiến thức mới. Số lượng được đào tạo, bồi dưỡng không ngừng tăng, chất lượng cán bộ từng bước được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn không ít hạn chế, yếu kém, như Nghị quyết số 32 NQ/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã chỉ ra, đó là: việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, xa thực tế, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên…

Do những hạn chế, yếu kém nêu trên, nên mặc dù số lượng cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị là rất lớn(7), nhưng trình độ cán bộ, đảng viên còn không ít hạn chế, bất cập, biểu hiện như thiếu kiến thức chuyên môn cần thiết, yếu về lý luận, ít thực tiễn, hạn chế về trình độ, năng lực quản lý nhà nước…; có tình trạng vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ giữa lực lượng ở trung ương và lực lượng ở địa phương, giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực; tác phong, phong cách làm việc còn mang nặng tính hành chính, quan liêu, nặng về tư tưởng bao cấp, bình quân chủ nghĩa. Đại hội XI của Đảng thẳng thắn thừa nhận, công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Đại hội XII của Đảng đánh giá: hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu.

Sự yếu kém về lý luận, xa rời thực tiễn của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm giảm hiệu quả của công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay chủ yếu thuộc 3 loại: Một là, cán bộ am hiểu lý luận, nhưng ít thực tiễn; hai là, cán bộ có thực tiễn, nhưng yếu lý luận; ba là, cán bộ vừa không am hiểu lý luận, vừa xa rời thực tiễn. Số cán bộ vừa am hiểu lý luận, sâu sát thực tiễn chỉ chiếm số lượng rất nhỏ.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ngân sách Đảng và Nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không ngừng tăng, nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức lại chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn? Có 2 nguyên nhân được nêu ra: Thứ nhất, chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; thứ hai, bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa cố gắng, nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận, năng lực thực tiễn. Trong những nguyên nhân trên, quan trọng nhất là do chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị chưa đạt yêu cầu, thiếu tính thực tiễn, “lạc hậu về triết lý, tư duy và phương pháp giáo dục không chỉ so với các nước phát triển mà còn so với nhiều trường đại học tiên tiến trong nước thuộc khu vực giáo dục quốc dân”(8).

Tình trạng cán bộ yếu về lý luận, xa rời thực tiễn, hay cán bộ chỉ có lý luận, không có thực tiễn hoặc ngược lại đã gây những hệ lụy không nhỏ cho Nhà nước và xã hội… Đơn cử, trong thời gian qua, nhiều chính sách hay những văn bản cả ở thể loại quy định, hướng dẫn, thông tư cho đến thể loại cao hơn, như nghị định, chỉ thị của một số cơ quan chức năng liên quan đến nhiều vấn đề, như văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm,… dù là dự thảo hay đưa vào thực hiện đã gây luồng dư luận bất bình, bởi không phù hợp với thực tế, không phản ánh được hơi thở cuộc sống. Điều đó đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các chính sách, gây bức xúc trong dư luận. Đây là một thực tế mà nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, sẽ để lại nhiều hậu quả, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, người làm chính sách, ở đây là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hòa mình vào cuộc sống của nhân dân. Không thể “ngồi trong phòng lạnh” để đề ra chính sách.

Cũng vì những bất cập, yếu kém về lý luận và thực tiễn của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nên nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chậm đi vào cuộc sống. Ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, do cán bộ không nắm được tình hình thực tiễn, nên tham mưu không đúng, không trúng vấn đề, không phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cũng có nhiều cán bộ, đảng viên, vì kém lý luận, thiếu hiểu biết, nên không truyền tải, tuyên truyền, vận động, thuyết phục được nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không dám đối thoại với nhân dân, lúng túng trong xử lý các tình huống; nhiều cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ một cách máy móc, giáo điều, dập khuôn, thiếu tinh thần sáng tạo và không có quan điểm lịch sử - cụ thể khi xử lý, giải quyết công việc.

Một số giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững về lý luận, sâu sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững về lý luận, sâu sát thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Hiện nay, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ta chưa bảo đảm vị trí trung tâm của người học, chưa áp dụng các phương pháp khoa học để phát triển năng lực, kỹ năng của người học; nội dung chương trình mất cân đối giữa lý thuyết và thực tế, ít có sự liên thông, liên kết, thống nhất với nhau. Các trường chính trị hiện nay đang bố trí quá lệch về đào tạo lý luận chính trị, ít có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh và vị trí việc làm, nặng về dạy lý thuyết, nhẹ về thực hành, rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng làm người cán bộ…“Yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay không giống như cách đây vài thập kỷ. Không thể giữ y nguyên những gì đã có của thế kỷ trước, thậm chí của thập kỷ trước để đào tạo cán bộ cho thế kỷ XXI; cũng không thể lấy cái còn rất xa làm căn cứ đào tạo cán bộ hiện nay, mà phải chủ yếu xuất phát từ những yêu cầu cơ bản, cụ thể của đất nước trong giai đoạn hiện nay để xác định cho trúng mục tiêu, đối tượng, nội dung, chương trình, hình thức, phương thức và biện pháp đào tạo”(9). Do vậy, trong thời gian tới, cần chú trọng đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát triển năng lực học tập chủ động, tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên, giảm lý thuyết, tăng kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực hành, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, với chức danh nghề nghiệp; áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, chú trọng đến phương pháp tình huống cho từng đối tượng; tăng cường cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ,…

Hai là, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, đưa cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ trẻ đi thực tế ở cơ sở, địa phương để bồi dưỡng, rèn luyện.

Đây là cách làm đem lại hiệu quả cao, là phương pháp hữu hiệu để giáo dục, rèn luyện cán bộ. Thực tế thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác luân chuyển, đưa cán bộ, đảng viên đi thực tế tại địa phương, cơ sở, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp trung ương đến cán bộ ở các địa phương. Nhiều cán bộ ở trung ương được luân chuyển về địa phương và ngược lại, nhiều cán bộ địa phương được luân chuyển lên trung ương. Nhiều ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành ủy cho đến cấp huyện đều thực hiện chủ trương luân chuyển, đưa cán bộ đi thực tế cơ sở. Đơn cử, năm 2012, cán bộ trẻ vừa được tuyển dụng công tác tại Ban Tổ chức Trung ương được đưa đi thực tế 2 năm tại ban tổ chức các quận, huyện của thành phố Hà Nội và một số tỉnh, ngành để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và bước đầu đã cho những kết quả tích cực. Mặc dù quá trình luân chuyển cán bộ, đưa đi thực tế tại cơ sở còn có nhiều ý kiến khác nhau và không phải ai, cán bộ nào đi luân chuyển, thực tế cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, cái được vẫn nhiều hơn. Trong quá trình luân chuyển, cán bộ được trải nghiệm, rèn luyện thực tế. Từ quá trình này, chúng ta đã phát hiện, đào tạo được nhiều cán bộ tốt cho Đảng. Do vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, gắn lý thuyết với thực tế, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương luân chuyển, đưa cán bộ đi thực tế tại cơ sở, địa phương.

Ba là, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có chất lượng, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề. Đây là vấn đề cấp bách, là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Đội ngũ giảng viên có vị trí, vai trò đặc biệt không thể thay thế. Để nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị, cần có chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ xứng đáng; đồng thời đưa đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn tại các cơ sở để nâng cao kiến thức thực tiễn, phục vụ bài giảng; tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở trung ương và địa phương làm giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị.

Bốn là, cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn.

Trong sự vận động, biến đổi nhanh chóng của đất nước và thời đại, để giải quyết được những nảy sinh của đời sống thực tiễn, cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự học, tự rèn luyện, nâng cao trình độ, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, biết vận dụng sáng tạo lý luận vào trong thực tiễn; kiên quyết khắc phục bệnh lười học lý luận, xem thường lý luận trong một số cán bộ, đảng viên; đồng thời khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn, không bám sát vào thực tiễn của đất nước.

Trước những thách thức của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, trước thực trạng yếu kém về lý luận, thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự suy giảm lòng tin của nhân dân, cần thấm nhuần, quán triệt một cách sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng: Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ./.

------------------------------------------

(1), (2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 6, tr. 30, 32

(3) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 258

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 233-234, 234

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 496

(7), (8) Theo số liệu từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2005 - 2011, toàn hệ thống học viện đào tạo được 143.586 lượt người, trong đó: đào tạo chương trình cao cấp lý luận chính trị là: 60.995 lượt người; trung cấp: 2.995 lượt người; đào tạo đại học, cử nhân: 21.173 lượt người; đào tạo sau đại học: 354 tiến sĩ, 4.610 thạc sĩ; bồi dưỡng các chương trình khác: 53.459 lượt người. Dẫn theo Đỗ Minh Cương: Đổi mới thể chế và cách thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ, công chức nước ta, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 4 (67), 2013

(9) Tô Huy Rứa: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng vì công cuộc đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 270 - 271