Kinh nghiệm cải cách hành chính ở một số nước trong khu vực
Tùy thuộc vào trình độ, tính chất và yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mình mà mỗi nước có những phương cách, bước đi khác nhau trong quá trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, có một điểm chung cần được lưu ý là, hầu hết các chính phủ đều coi cải cách hành chính là một công việc thường xuyên và có ý nghĩa sống còn.
Cải cách hành chính ở Trung Quốc: Chính quyền chuyển từ "vô hạn" đến "hữu hạn"
Kể từ khi thực hiện đường lối mở cửa (năm 1978) đến nay, Trung Quốc đã trải qua 5 giai đoạn cải cách hành chính, nhưng đáng chú ý nhất là 3 giai đoạn cải cách gần đây, đặc biệt là từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nội dung chính của cải cách hành chính giai đoạn 3 (từ năm 1995 đến năm 1998) là, lấy việc tách dần quản lý hành chính nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời từng bước tiến hành cơ cấu lại doanh nghiệp quốc doanh và điều chỉnh chức năng của bộ máy quản lý nhà nước trong quan hệ với doanh nghiệp. Giai đoạn 4 của cải cách hành chính (từ năm 1998 đến năm 2002) có nội dung chủ yếu là, tiến hành những bước đi mạnh mẽ, trên quy mô lớn trong việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước các cấp, từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Trong đó, chú trọng đến phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức hoạt động của các đoàn thể, cải cách mạnh hai cơ quan lập pháp và tư pháp; đồng thời, tiến hành nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại Chính phủ thông qua việc điều chỉnh các chức năng của Chính phủ cho phù hợp với sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo quan hệ cung - cầu, nhằm tạo cơ chế vững chắc cho quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa. Trong 4 năm của giai đoạn này, Trung Quốc đã giảm 900 trên tổng số 2.000 cơ cấu tổ chức các cấp chính quyền và giảm 50% biên chế trong bộ máy hành chính. Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 5 (từ năm 2003 đến nay) là, phát huy những kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, tiến sâu vào công cuộc cải cách nhằm mục tiêu thay đổi thực sự chức năng của chính quyền theo kiểu cũ, theo hướng chuyển từ chính quyền vô hạn (làm mọi việc) sang chính quyền hữu hạn (chỉ quản lý ở tầm vĩ mô bằng luật pháp), không làm thay các doanh nghiệp và chính quyền cấp dưới.
Với những bước đi cụ thể, rõ ràng trong mỗi giai đoạn, đến nay bộ máy hành chính nhà nước của Trung Quốc đã có những thay đổi căn bản. Nền hành chính quốc gia Trung Quốc đã tương đối mạnh, điều hành hiệu quả toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Cơ chế phi tập trung hóa và việc coi trọng đạo đức công chức ở Nhật Bản
Nhật Bản là nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ). Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Chính phủ nước này đã thực hiện cải cách hành chính. Nhưng phải đến những năm gần đây công cuộc cải cách hành chính ở Nhật Bản mới thực sự sâu rộng và tạo ra nhiều chuyển biến mới, với mục tiêu là xây dựng một bộ mặt nhà nước mới, một xã hội mới để phát triển và phồn vinh.
Trước hết, công cuộc cải cách hành chính ở Nhật Bản tập trung vào việc thay đổi thể chế hành chính theo hướng làm trong sạch và lành mạnh hóa nền hành chính quốc gia để Chính phủ gần dân hơn, ngày càng thấu hiểu những tâm tư và nguyện vọng chính đáng của dân. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản kiên quyết giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết; giảm sự can thiệp trực tiếp và có tính mệnh lệnh của nhà nước trong các giao dịch dân sự, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh,...
Nét mới trong cải cách hành chính ở Nhật Bản những năm gần đây là đã thiết lập được cơ chế phi tập trung hóa. Từ khi Luật Khung về phi tập trung hóa được thông qua, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành phân quyền mạnh hơn cho địa phương và cải tổ bộ máy chính phủ. Hiện nay, chính quyền địa phương có vai trò rộng lớn hơn trong việc thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn hành chính của mình. Chính phủ trung ương tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển của quốc gia. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật rất quan trọng liên quan đến công chức là Luật Công chức và Luật Đạo đức công chức. Theo đó, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân của công chức, cũng như việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, chú trọng năng lực và kết quả công tác của công chức là những vấn đề mà Chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm. Bởi vì, chỉ có như vậy mới bảo đảm cho quá trình tuyển dụng công chức diễn ra thực sự nghiêm túc và bảo đảm cho công chức luôn là hình mẫu của công dân Nhật Bản đích thực để mọi người noi theo.
Chiến lược cải cách công vụ ở Xin-ga-po
Khác với Trung Quốc và Nhật Bản, Xin-ga-po là nước nhỏ bé hơn nhưng đã đi được một bước khá dài trong công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia. Những năm gần đây, trọng tâm của cải cách hành chính ở Xin-ga-po là tập trung giải quyết vấn đề con người công chức và quá trình thực thi các nhiệm vụ công. Theo các nhà lãnh đạo Xin-ga-po, cải cách hành chính phải đạt được mục tiêu xây dựng nền công vụ có hiệu quả, hiệu lực, đội ngũ công chức nêu cao tinh thần liêm chính, tận tụy và có chất lượng hoạt động dịch vụ cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ Xin-ga-po đã áp dụng bộ quy chuẩn ISO 9000 trong hoạt động của bộ máy hành chính, coi đó vừa là công cụ cải tiến lề lối làm việc, vừa là công cụ đánh giá năng lực và phân loại công chức, theo hướng lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Đi đôi với nhiệm vụ đó, Chính phủ tiến hành cải cách triệt để các thủ tục hành chính, chuyển từ bắt buộc, can thiệp sang khuyến khích, hỗ trợ, có tính chất dịch vụ cao.
Nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai trong cải cách hành chính ở Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, việc cải cách chế độ công vụ và công chức được đẩy mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, theo hướng đổi mới cơ chế tuyển dụng, đưa yếu tố cạnh tranh vào chế độ tuyển dụng trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai; đồng thời, xây dựng cơ chế đánh giá công chức gắn với điều chỉnh hợp lý hóa chế độ tiền lương. Kết quả là, từ năm 1997 đến nay, bộ máy hành chính của Hàn Quốc đã giảm được 7% tổng biên chế; hiện tại chỉ còn khoảng 576.000 người (bình quân 1.000 dân chỉ có 27 công chức). Điểm nổi bật nhất trong cải cách hành chính ở Hàn Quốc là việc hình thành một chính phủ điện tử. Hiện nay, Hàn Quốc đã hoàn tất việc kết nối mạng trực tuyến từ trung ương đến địa phương và ngược lại, nhằm thiết lập hệ thống xử lý công việc hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính thông qua mạng điện tử. Theo đó, công chức có trách nhiệm trả lời trực tiếp các ý kiến, kiến nghị của dân và của doanh nghiệp trên mạng in-tơ-nét trong thời gian sớm nhất. Làm như vậy, không chỉ tiết kiệm được rất nhiều thời gian của cả hai phía, mà còn giảm bớt sức ép về tâm lý, sự quan ngại của người dân đối với công chức và ngược lại.
Về chế độ tự quản của địa phương ở Phi-líp-pin
Phi-líp-pin là một trong số ít quốc gia ban bố các đạo luật liên quan đến việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền ở các địa phương từ rất sớm. Theo đó, toàn bộ đất nước Phi-líp-pin được chia thành 13 khu vực hành chính và ở mỗi khu vực này, Chính phủ trung ương đều được thiết lập. Nhờ vậy, người dân Phi-líp-pin cảm thấy gần gũi với Chính phủ hơn và Chính phủ cũng thấy gần dân hơn. Sự ra đời của Bộ luật Chính quyền địa phương (năm 1991) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách sâu rộng nền hành chính của quốc gia này. Theo quy định của Bộ luật, chính quyền địa phương được thực hiện chế độ tự trị.
Một vài nhận xét
Như vậy, tùy thuộc vào trình độ, tính chất và yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mình mà mỗi nước có những phương cách, bước đi khác nhau trong quá trình cải cách hành chính, theo hướng ưu tiên một số khâu nào đó trong hệ thống bộ máy hành chính. Tuy nhiên, cải cách hành chính là một công việc thường xuyên, cốt tủy và có ý nghĩa sống còn đối với mọi chính phủ. Suy cho cùng, cải cách hành chính là sự thay đổi có chủ đích của quan hệ sản xuất trước sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trong thời đại ngày nay. Nó thực sự là một sự cởi trói đối với mọi nền kinh tế có nhu cầu phát triển lành mạnh và bền vững. Đồng thời, đó còn là nhu cầu khách quan của sự điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước, chính phủ với cá nhân, cộng đồng hay với xã hội dân sự nói chung, theo hướng ngày càng tôn trọng quyền con người, đề cao tính tự quản của cộng đồng, địa phương, cơ sở trong một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, có sự phát triển phong phú, đa chiều. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là toàn cầu hóa kinh tế, hầu hết các nền hành chính quốc gia đều thường xuyên có sự thay đổi, đổi mới về nội dung, tính chất và mục tiêu. Điều đó là lẽ đương nhiên. Nhưng sẽ là không bình thường nếu như con người không nhận thức rõ điều đó và cố tình kéo dài sự lạc hậu, lỗi thời của một nền hành chính đang làm cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội. Hy vọng, những kinh nghiệm cải cách hành chính của một số nước trong khu vực sẽ góp phần giúp chúng ta có được sự nhìn nhận toàn diện hơn về công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
Cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh - nhân tố góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững  (28/11/2007)
Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong tình hình hiện nay  (28/11/2007)
Cải cách hành chính thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ mở cửa và hội nhập  (28/11/2007)
Vốn FDI vào Việt Nam vượt 15 tỉ USD  (27/11/2007)
Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (26/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên