Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn cách mạng mới
TCCSĐT - Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vấn đề nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo có ý nghĩa quan trọng quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ tri thức cho đất nước hôm nay và mai sau.
Một trong những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI là: “Đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý” (1). Kết quả này phản ánh một thực tế là Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm xây dựng và phát triển một đội ngũ nhà giáo bảo đảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Đại đa số nhà giáo tâm huyết với nghề, làm việc tận tụy với tinh thần trách nhiệm cao; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, giỏi về chuyên môn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số mặt hạn chế mà Nghị quyết Trung ương 8 chỉ ra, đó là: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” (2). Đặc biệt gần đây một số ít nhà giáo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của nghề dạy học, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội và giảm sút niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo. Do vậy, để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, khẳng định vai trò quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo ngày nay, cần tiếp tục củng cố, trau dồi những phẩm chất của người giáo viên.
Tích cực xây dựng lập trường, bản lĩnh, định hướng chính trị; tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Đối với đội ngũ nhà giáo, phẩm chất chính trị là yêu cầu chủ đạo, bảo đảm sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, giữ vững định hướng chính trị, giai cấp trong giảng dạy. Nghị quyết Trung ương 8 khẳng định: “Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên” (3). Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết đội ngũ nhà giáo phải có nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhãn quan chính trị sắc bén, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Do đó, đội ngũ nhà giáo phải được trang bị một cách cơ bản, hệ thống, thiết thực những vấn đề lý luận chính trị về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới, trong nước, yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường. Cần phải giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước gắn liền với giữ nước, những tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại. Đặc biệt, cần giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, những tấm gương nhà giáo mẫu mực của dân tộc trong lịch sử. Xây dựng lòng tin của đội ngũ giáo viên vào con đường, mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta. Phê phán, đấu tranh một cách khoa học với những quan điểm sai trái phản động hòng phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; loại trừ những quan điểm giáo dục tư sản thực dụng, hình thành lối sống cá nhân chủ nghĩa. Kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đường lối giáo dục của Đảng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng các nội dung, hình thức thiết thực, gắn với việc làm thiết thực của từng giáo viên, của tập thể đội ngũ nhà giáo, xây dựng tinh thần khát khao học tập, học tập suốt đời, xây dựng môi trường học tập tích cực làm cơ sở cho đội ngũ giáo viên học tập, rèn luyện và phấn đấu vươn lên. Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống nhà giáo.
Người thầy thực sự tâm huyết yêu nghề, yêu người
Nghị quyết Trung ương 8 khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp” (4). Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo người làm công tác giáo dục thực sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Theo Hồ Chí Minh, người thầy phải luôn luôn gương mẫu, phải không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Muốn phụng sự nhân dân, để xã hội tôn kính, trước hết đội ngũ nhà giáo cần yêu nghề, yêu trường, tận tụy, tôn trọng, yêu mến người học và thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn học hỏi đồng nghiệp. Có động cơ, thái độ, trách nhiệm tốt, thực sự yên tâm với nghề mà mình đã chọn; toàn tâm, toàn ý trong thực hiện nhiệm vụ, luôn có tinh thần say mê, sáng tạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn để cống hiến sức lực, trí tuệ cho từng tiết giảng, bài giảng. Khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Yêu nghề, yêu người là một trong những phẩm chất hàng đầu của nhà giáo cách mạng, càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu.
Nêu cao tinh thần tự học
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì “đức và tài” của người thầy càng phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhà giáo dục không chỉ làm một việc là truyền thụ tri thức đã có sẵn mà phải trở thành nhà tổ chức hoạt động nhận thức, định hướng nhận thức, gợi mở và xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường bản chất giai cấp công nhân cho người học. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo phải thực sự là con người văn hóa cao, tâm, trí rộng, “vừa hồng vừa chuyên”. Như vậy, yêu cầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ nặng nề và vinh quang của mình, đội ngũ nhà giáo phải không ngừng “làm mới” chính mình về tri thức, kĩ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Muốn làm được điều đó, đội ngũ nhà giáo, phải không ngừng tự học tập để mở rộng hiểu biết của mình về cả kiến thức chuyên ngành, liên ngành, khoa học xã hội nhân văn,… những tri thức mới về khoa học sư phạm hiện đại, kĩ năng giảng dạy theo phương pháp tích cực. Thực tế giảng dạy cho thấy rằng, một thầy, cô giáo không thể giảng dạy tốt môn học của mình đảm nhiệm nếu chỉ nắm vững kiến thức môn đó. Mà đội ngũ thầy, cô giáo phải uyên bác, thông tuệ, hiểu sâu, biết rộng, có phương pháp sư phạm tốt, nhiệt tình, trách nhiệm ý thức xã hội cao, yêu thương người học, bao giờ cũng có kết quả giảng dạy cao, uy tín rộng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của xã hội để xứng đáng là người “kỹ sư tâm hồn” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát huy tốt những năng lực cần thiết của người giáo viên
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), trong thế kỷ XXI, “thầy giáo phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức”. Đó cũng là đội ngũ “những người thầy có nhân cách phát triển toàn diện, có phẩm chất và năng lực của nhà giáo dục toàn cầu để tạo ra những công dân toàn cầu”. Trong những năng lực cần thiết này, một số năng lực nổi lên, đó là: Năng lực dạy học và giáo dục. Tức là giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà trở thành nhà quản lý, cố vấn, trọng tài, người điều khiển, nhà giáo dục để hình thành nên những phẩm chất nhân cách cần thiết cho học sinh. Đó chính là thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy là tạo ra những con người vừa “chuyên”, vừa “hồng”.
Năng lực nghiên cứu khoa học. Đây là năng lực cần thiết của người giáo viên. Hoạt động giảng dạy bao giờ cũng phải đi cùng với nghiên cứu khoa học, bởi trong quá trình giáo dục luôn phát sinh những vấn đề mâu thuẫn, những vấn đề mới cần phải thể hiện khả năng phát hiện vấn đề, lựa chọn đề tài, triển khai nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn.
Năng lực đa văn hóa. Trong thời đại toàn cầu hiện nay, các thông tin đa dạng, phong phú. Do đó, giáo viên cần phải có năng lực hiểu biết, ứng xử và giao tiếp hiệu quả, phù hợp trong các tình huống đa văn hóa. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng học tập, huấn luyện chuyên sâu, hiểu biết rộng về văn hóa các nước cũng như kỹ năng giao tiếp.
Bên cạnh đó, giáo viên cần có thêm các năng lực khác, như: năng lực học tập suốt đời; năng lực sống; năng lực ngoại ngữ và tin học. Những năng lực trên góp phần hoàn thiện giá trị của người giáo viên; đồng thời, góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
Tóm lại, trong xã hội, người thầy luôn được mọi người kính trọng và tin yêu. Chính vì vậy, người thầy phải luôn có ý thức rèn đức, luyện tài, tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng của Đảng và lòng tin của nhân dân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục. Tự mình phấn đấu trở thành người nhà giáo tốt, phải thực sự là hình ảnh phản chiếu sáng nhất, mẫu mực nhất đến người học. Họ phải thực sự “là những anh hùng vô danh” mà Bác Hồ đã dành tặng./.
------------------------------------------
(1 ) Đảng cộng sản Việt Nam,Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H2013, tr.115, 116.
(2) Sđd, tr.117.
(3) Sđd, tr.126.
(4) Sđd, tr.137.
Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 400.000 đồng từ đầu năm 2016  (20/11/2015)
Đề nghị công nhận tính pháp lý của tổ chức thừa phát lại đã lập  (20/11/2015)
Quy định mới về chuẩn hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020  (20/11/2015)
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 duy trì đà hội nhập khu vực  (20/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển