Tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh - từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt đến Mặt trận Việt Minh

PGS, TS. Nguyễn Hoài Văn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
20:44, ngày 06-11-2015

TCCSĐT - Trong nhận thức của Hồ Chí Minh, các khái niệm: Dân - nước, dân tộc - giai cấp, dân tộc - quốc tế, dân tộc - thời đại luôn luôn gắn với nhau trong một thể thống nhất, thấm nhuần phép biện chứng mác-xít cũng như cách tiếp cận và giải quyết vấn đề dân tộc luôn mang tính cách mạng và sáng tạo.

Tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có từ rất sớm. Trước hết, nó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, tính cộng đồng dân tộc bền vững trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng, tư tưởng đó của Người còn xuất phát từ mong muốn có sức mạnh, có lực lượng để giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đồng bào mình. Khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh được khẳng định rõ nét và mang nội dung mới, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng.

Là người tổ chức và lãnh đạo công cuộc giải phóng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự coi mình là người giải phóng nhân dân mà chỉ coi mình là người góp phần thúc đẩy sự nghiệp giải phóng - “Người giải phóng nhân dân chính là nhân dân”. Quan niệm như vậy, Hồ Chí Minh đã đặt tiền đề vững chắc cho tư tưởng đoàn kết dân tộc.

Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt - nền tảng tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh

Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt - văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng ngày 03-02-1930 thông qua. Trong khi không xa rời mục tiêu chiến lược, Hồ Chí Minh chủ trương tập trung lực lượng toàn dân chống đế quốc và đại địa chủ, còn đối với “trung, tiểu địa chủ… thì phải lợi dụng chí ít làm cho họ trung lập”(1). Người kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố giai cấp để xem xét các lực lượng xã hội, phản ánh đúng mâu thuẫn chủ yếu nhất của dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược, cũng như thể hiện khát vọng độc lập tự do của nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm. Truyền thống yêu nước đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ chính trị không chỉ của giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc mà còn của đa số trí thức và nhiều người thuộc tầng lớp trên.

Đường lối của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt đúng cả về chiến lược, sách lược, vì vậy, nó có ý nghĩa tập hợp lực lượng rất lớn. Đường lối ấy là cơ sở vững chắc để thực hiện tư tưởng đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh, nó cũng là nền tảng đầu tiên đặt cơ sở cho việc hình thành, phát triển chính sách dân tộc của Đảng và giải quyết vấn đề dân tộc theo lập trường mác-xít. Tuy nhiên, vào thời kỳ 1930 - 1931 và mấy năm đầu của lịch sử Đảng ta, tư tưởng chính trị sáng tạo đó của Hồ Chí Minh không được nhiều đồng chí ở trong nước cũng như ngoài nước chấp nhận và bị thay thế bằng một đường lối “cứng rắn”, do vận dụng đơn thuần, máy móc dựa vào kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản, quá nhấn mạnh lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp. Thực tiễn ngày càng chỉ rõ quan điểm của Hồ Chí Minh phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam đầu thế kỷ XX - một nước ở phương Đông, tính chất xã hội thuộc địa nửa phong kiến, hơn 90% dân số là nông dân; số lượng công nhân công nghiệp chưa nhiều, giai cấp công nhân mới hình thành.

Vừa ra đời, Đảng đã có thành tích lớn là phát động được cao trào cách mạng của công - nông trong cả nước kéo dài hơn một năm, nhưng cao trào đó cũng bộc lộ tính hẹp hòi “tả khuynh” trong công tác vận động cách mạng. Có thể nói, vào thời điểm cách mạng gặp khó khăn, cũng là lúc mà sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân chưa được phát huy mạnh mẽ, lực lượng cách mạng chưa được tập trung rộng rãi trong một mặt trận dân tộc thống nhất. Phải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, trình độ lý luận của Đảng mới trưởng thành, từng bước nhận thức và tiếp cận được tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh. Và từ năm 1939 trở đi, những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng tiếp thu và phát triển.

Mặt trận Việt Minh - biểu hiện rực rỡ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng ta

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi do nhiều nguyên nhân, là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố. Nhưng trước hết, đó là sức mạnh của đoàn kết toàn dân. Với hình thức tổ chức Mặt trận Việt Minh và chính sách đúng đắn, Đảng ta đã tập hợp được lực lượng rộng rãi của toàn dân, hướng vào mục tiêu giải phóng dân tộc, chủ động đón thời cơ, tranh thủ điều kiện khách quan thuận lợi đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công nhanh chóng và ít đổ máu. Vì thế, nói đến Cách mạng Tháng Tám là nói đến Mặt trận Việt Minh, biểu hiện của sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần, là sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc mẫu mực, sự hòa hợp dân tộc theo tinh thần Hồ Chí Minh.

Năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã về Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước. Người triệu tập Hội nghị Trung ương(2), đưa ra quyết định chuyển hướng chiến lược - cương lĩnh chuẩn bị tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc. Ngày 19-5-1941, tại Hội nghị này, Người nhận định: Chủ nghĩa phát xít sẽ phát động chiến tranh chống Liên Xô và thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh này nhất định thuộc về phe dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam phải đoàn kết mọi lực lượng yêu nước và dân chủ thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tiến hành đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang chống phát xít Nhật - Pháp, chuẩn bị đón thời cơ khi Liên Xô thắng lợi thì nổi dậy giành chính quyền trong cả nước.

Cũng tại Hội nghị lịch sử này, Hồ Chí Minh đã đưa ra ý kiến chính thức thành lập Mặt trận Việt Minh. Việt Minh là tên viết tắt của Việt Nam độc lập đồng minh do Hồ Chí Minh nêu ra và đã được Hội nghị thông qua. Sự xuất hiện của Mặt trận Việt Minh như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Không chỉ là sự xuất hiện của một hình thức tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất mới, mà bản thân nó là một lời kêu gọi có tác dụng động viên rất to lớn, thức tỉnh toàn thể dân tộc”(3).

Sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Tuyên ngôn Việt Minh ghi rõ: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai; không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”(4). Mặt trận Việt Minh thực sự là ngọn cờ tiêu biểu cho khối đoàn kết dân tộc, quy tụ mọi lực lượng yêu nước và cách mạng.

Việt Minh kêu gọi thống nhất mọi thành phần, lực lượng trong dân tộc; có tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, được biểu hiện trực tiếp như là một hình thức tiền chính quyền, đảm nhận các chức năng của chính quyền cách mạng, là một bảo đảm cho sự vững chắc của Mặt trận và tỏ rõ thực chất của khối liên minh. Có tổ chức thống nhất là có lực lượng cả vật chất và tinh thần. Từ đấy các đoàn thể cứu quốc của các giới quần chúng đã ra đời nhanh chóng và phát triển rộng khắp cả nước. “Rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta, rộng rãi về phạm vi: từng xã, từng tổng, từng châu, từng huyện đã hoàn toàn tham gia vào hàng ngũ cách mạng; rộng rãi về thành phần nhân dân: nam, phụ, lão, ấu, đều rầm rộ tham gia công tác cứu quốc, chỉ trừ một số rất ít trung lập và phản động”(5).

Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm, nêu lên những nhiệm vụ cụ thể trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và đối với mỗi tầng lớp nhân dân. Các chính sách nêu ra trong Chương trình cứu nước vừa đáp ứng khát vọng chung của toàn thể dân tộc, vừa thể hiện quyền lợi riêng về chính trị, kinh tế cho mỗi tầng lớp nhân dân trong xã hội, “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sống sung sướng, tự do”(6). Điều đó chỉ rõ vì sao Việt Minh lại có đặc điểm lớn nhất, đáng chú ý nhất là tính quần chúng rộng rãi của nó. Dưới ánh sáng của đường lối cứu nước sáng ngời chính nghĩa của Đảng, Mặt trận Việt Minh đã cuốn hút được cả những người trước đó chưa tham gia vào đời sống chính trị, những người trong hàng ngũ địch, nhận rõ con đường về với dân tộc, đứng về phía cách mạng.

Vào giữa Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chí Minh và Đảng ta, Mặt trận Việt Minh đã triệu tập “Quốc dân đại biểu Đại hội” và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh đứng đầu, lãnh đạo việc tổng khởi nghĩa cả nước, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc nhanh chóng đến thành công.

Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh đã nhắc lại: “Bốn năm trước đây (khi thành lập Việt Minh) tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết, vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập tự do… Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn mạnh mẽ… Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(7).

Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành một sứ mệnh lịch sử cứu nước hết sức vẻ vang, ghi vào lịch sử một trang chói lọi. Thắng lợi đó của Việt Minh chính là một thành công lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện đường lối, chủ trương mở rộng đoàn kết tất cả các lực lượng cách mạng của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã chứng tỏ thành quả cách mạng mà Hồ Chí Minh là người gieo mầm đã đơm hoa kết trái. Là người sáng lập ra Việt Minh, sau đó là người đứng đầu “Chính phủ Việt Minh” của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành linh hồn của sự đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” - tư tưởng đó của Hồ Chí Minh lần đầu tiên được thể hiện một cách sinh động nhất, rực rỡ nhất trong thực tiễn Cách mạng Tháng Tám dưới hình thức Mặt trận Việt Minh./.

-------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t. 1, tr. 347

(2) Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII do Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941

(3) Bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Ban Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, ngày 23-02-1991

(4), (5), (6). Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr. 436, tr. 461, tr. 436

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 1, tr. 347