Gia đình Việt Nam - biến đổi và triển vọng
Những biến đổi của gia đình Việt Nam thời gian qua đang tạo ra những băn khoăn, lo lắng cho không ít người về sự tác động của toàn cầu hóa đối với gia đình và văn hóa gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu về gia đình cho thấy, mặc dù có những vấn đề cần đặc biệt quan tâm và sớm có giải pháp điều chỉnh, nhưng những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay vẫn trong khung cảnh tôn vinh và làm mới những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp nhận một cách chủ động những giá trị văn hóa của gia đình hiện đại.
Vào những năm đầu đổi mới, “mở cửa”, với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường và sự du nhập ồ ạt lối sống, phương thức sinh hoạt của xã hội phương Tây vào nước ta, trên các phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn khoa học, không ít người đã lên tiếng báo động về nguy cơ “khủng hoảng” của gia đình Việt Nam. Sự lo ngại ở thời điểm ấy không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 20 năm đổi mới, gia đình Việt Nam không những không bị khủng hoảng mà ngày càng được củng cố và phát triển. Đó là một thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.
Vào thời điểm hiện nay, con người Việt Nam vẫn coi hôn nhân là sự kiện trọng đại, thiêng liêng và gia đình là phương thức sinh sống quan trọng nhất của hầu như tất cả mọi người. Gia đình là một thiết chế xã hội. Nó là sản phẩm của lịch sử. Vì thế, gia đình bị quy định bởi điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo… của một xã hội nhất định. Qua gia đình, chân dung của xã hội hiện ra một cách sinh động và toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, tư tưởng, tôn giáo, lối sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng… Gia đình là một nhóm xã hội đặc biệt được hình thành một cách tự nhiên bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống, mọi thành viên cùng chung sống và có chung ngân sách.
Mặc dù chịu tác động nhiều chiều của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa, nhưng hiện tại, gia đình Việt Nam vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội. Với tư cách là đơn vị kinh tế, đơn vị tiêu dùng của xã hội, một mặt, gia đình trực tiếp tham gia thúc đẩy sự phát triển của các quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông của đời sống kinh tế; mặt khác, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, nương tựa của mỗi con người trong suốt cuộc đời. Gia đình cũng là nơi lưu giữ, truyền thụ, chuyển giao và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gia đình Việt Nam đang trong bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực. Đó là sự biến đổi mang tính toàn diện cả về cơ cấu, các quan hệ, các chức năng và vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Sự biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay, trước hết, được thể hiện trong biến đổi cơ cấu gia đình. Loại hình gia đình rất phong phú, nhưng gia đình hạt nhân - loại hình gia đình tiên tiến, phù hợp với xã hội hiện đại - mang tính phổ biến. Quy mô của gia đình rất đa dạng, nhưng số gia đình hai thế hệ chiếm tỷ lệ cao nhất với số người trong gia đình trung bình là trên/dưới 4 người. Trong các mối quan hệ gia đình, quan hệ hôn nhân về cơ bản do tình yêu của đôi nam - nữ quyết định. Hôn nhân được sự đồng ý của cha mẹ, sự công nhận của pháp luật và được tổ chức cưới theo nghi thức đời sống mới. Tuổi kết hôn của cả nam và nữ đều có xu hướng tăng cao và sau khi kết hôn, đôi vợ chồng thường có nơi ở riêng và số con của mỗi cặp vợ chồng đa số chỉ là trên/dưới 2 con. Mặc dù trong gia đình người đàn ông vẫn thường được đề cao và cha mẹ vẫn có nhiều quyền uy với con cái nhưng nhìn chung, các mối quan hệ trong gia đình hiện nay đã mang tính chất tự do, dân chủ và bình đẳng.
Gia đình Việt Nam hiện nay, về cơ bản, vẫn là mô hình gia đình truyền thống đa chức năng. Các chức năng cơ bản của gia đình như: chức năng kinh tế; chức năng tái sản xuất con người và sức lao động; chức năng giáo dục - xã hội hóa; chức năng tâm - sinh lý, tình cảm… được phục hồi, có điều kiện thực hiện tốt hơn và có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với từng thành viên gia đình mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Chức năng của gia đình được đề cao cũng có nghĩa gia đình đang có vai trò và vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bình đẳng giới trong gia đình là một nét mới trong biến đổi của gia đình Việt Nam và đã thu hút sự quan tâm, đồng tình thực hiện của cả xã hội. Đó là người phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất, tái sản xuất, tiếp cận các nguồn lực phát triển, các quyết định, các sinh hoạt cộng đồng và thụ hưởng các lợi ích, phúc lợi gia đình; đồng thời, các thành viên gia đình và các dịch vụ xã hội cũng từng bước chia sẻ gánh nặng công việc nội trợ gia đình đối với người phụ nữ, góp phần thiết thực tạo điều kiện và cơ hội giúp phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình trong hội nhập và phát triển.
Trong bối cảnh đổi mới và toàn cầu hóa hiện nay, gia đình Việt Nam đã biến đổi một cách toàn diện và ngày càng trở thành một thực thể hoàn thiện - năng động phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều biến động. Sự biến đổi ấy chính là một quá trình liên tục bảo tồn, truyền thụ, phát huy những giá trị của gia đình truyền thống; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc và cải biến những giá trị tiên tiến, những tinh hóa của gia đình hiện đại. Có thể nói, gia đình Việt Nam hiện nay chính là sản phẩm của sự hiện đại hóa các giá trị cao quý của gia đình Việt Nam truyền thống và truyền thống hóa những giá trị, tinh hoa gia đình của các xã hội hiện đại.
Những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy như: tình yêu lứa đôi trong sáng; lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; trách nhiệm và sự hy sinh vô tận của cha mẹ với con cái; con cái hiếu thảo với cha mẹ; con cháu kính trọng, biết ơn và quan tâm tới ông bà, tổ tiên; tình yêu thương, chăm lo và đùm bọc anh em, họ hàng; đề cao lợi ích chung của gia đình; tự hào truyền thống gia đình, dòng họ. Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng tiếp thu nhiều tinh hoa, giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại như: tôn trọng tự do cá nhân; tôn trọng quan niệm và sự lựa chọn của mỗi người; tôn trọng lợi ích cá nhân; dân chủ trong mọi quan hệ; bình đẳng nam nữ; bình đẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm; bình đẳng trong thừa kế; không phân biệt đối xử đẳng cấp, thứ bậc giữa con trai và con gái, giữa anh và em... Đó chính là cùng với những đặc trưng của gia đình truyền thống được phát huy, gia đình Việt Nam hiện nay đang được củng cố và xây dựng theo xu hướng hiện đại hóa: dân chủ, bình đẳng, tự do và tiến bộ.
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội và những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa nhiều biến động và bất trắc: đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao; sống chung không kết hôn; tình trạng trẻ em nghiện hút; tệ nạn mại dâm; tình dục đồng giới; trẻ em lang thang; buôn bán phụ nữ qua biên giới; bạo lực trong gia đình; bất bình đẳng giới; ngoại tình; xu hướng đề cao tiền bạc trong quan hệ giữa người và người... đang tấn công vào gia đình từ nhiều phương diện khác nhau.
Trong bối cảnh đó, để gia đình Việt Nam ngày càng giữ gìn và phát huy được những giá trị cao quý vốn có của mình, chủ động, tích cực tiếp thu được những tinh hoa, giá trị của gia đình các xã hội hiện đại; đồng thời, ngăn chặn một cách có hiệu quả sự tấn công của tệ nạn xã hội, những nguy cơ dẫn đến tan rã gia đình... Cần tập trung vào một số vấn đề sau: có hệ giải pháp thiết thực để thực hiện tốt nhất Chiến lược củng cố và xây dựng gia đình; có hệ chính sách hữu hiệu hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình; phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí; có chính sách tích cực tạo điều kiện để đoàn tụ gia đình, gắn bó các thành viên gia đình; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo; tăng cường thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống chính sách xã hội đối với các gia đình chính sách; tiếp tục mở rộng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới góp phần thiết thực tạo lập sự bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
Thực hiện tốt những vấn đề trên, chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện tốt nhất để gia đình Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển theo xu hướng ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Gia đình Việt Nam hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ thực sự là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình Việt Nam là một nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với xã hội Việt Nam, gia đình bao giờ cũng gắn liền với xã hội, vì lẽ đó không thể có một xã hội phát triển nếu các gia đình bị suy sụp, khủng hoảng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "...nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Xã hội ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đó là cơ sở để khẳng định gia đình Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII  (22/10/2007)
Bế mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc  (22/10/2007)
Công ước CEDAW và việc thực hiện Công ước ở nước ta  (19/10/2007)
Xây dựng đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu ở Trung Quốc  (18/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay