Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma vừa chính thức ký tuyên bố chung về đẩy nhanh quá trình ra đời một thỏa thuận hạn chế vũ khí tiến công chiến lược mới nhằm thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn một (START-1).

Theo đó, các nhà đàm phán của hai bên sẽ xúc tiến thảo luận về hiệp ước mới và báo cáo kết quả vào tháng 7 tới. Việc chuẩn bị ký kết hiệp ước mới được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm vì nếu START-1 không được kịp thời thay thế trước khi hết hiệu lực vào tháng 12 năm nay, thế giới sẽ không có cơ cấu giám sát hiệu quả đối với hệ thống vũ khí chiến lược của cả hai bên.

Hiệp ước START-1 được ký tháng 7-1991 và chính thức có hiệu lực tháng 12-1994 giữa các nước Mỹ, Nga, Bê-la-rut, Ka-dắc-xtan và U-crai-na và được coi là biểu tượng kết thúc "chiến tranh lạnh". Hiệp ước này yêu cầu các bên tham gia cắt giảm đáng kể vũ khí tiến công chiến lược (chủ yếu là đầu đạn hạt nhân, ngoài ra còn có tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom) xuống mức không quá 1.600 đơn vị, đồng thời đề ra thủ tục giám sát quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỗi bên tham gia START-1 cũng được phép duy trì không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân.

Năm 1993, Nga và Mỹ ký Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn hai quy định cắt giảm mạnh số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và số đầu đạn hạt nhân, song tới năm 2002 Nga rút khỏi hiệp ước này để đáp trả việc Mỹ vi phạm Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972. Ðến năm 2002, Nga và Mỹ đã ký tại Mát-xcơ-va Hiệp ước cắt giảm tiềm năng tiến công chiến lược, trong đó quy định tới tháng 12-2012, mỗi bên phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân được triển khai xuống mức 1.700 - 2.200 đơn vị. Nga hiện có 3.113 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ sở hữu 3.575 đầu đạn.

Nga tuyên bố START-1 trên thực tế không còn phù hợp và Nga phản đối việc kéo dài hiệu lực của hiệp ước này. Nga và Mỹ đã trải qua nhiều khó khăn trong đàm phán về hiệp ước mới khiến dư luận thế giới từng lo ngại bất đồng và khác biệt giữa hai bên khiến việc tìm kiếm một hiệp ước thay thế START-1 bị trì hoãn và khó có thể hoàn tất trước khi START-1 hết hạn. Nga cho rằng, START-1 có những cơ chế tốt cần kế thừa, đó là việc hạn chế không chỉ đầu đạn hạt nhân mà tất cả các loại tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân. Nga yêu cầu hai bên cần thảo luận một thỏa thuận hoàn toàn mới trên cơ sở các điều kiện mới. Nga muốn hiệp ước mới quy định cắt giảm tất cả các vũ khí hạt nhân chứ không chỉ các đầu đạn đang được triển khai trên tên lửa.
 
Trong khi đó, với tham vọng bảo lưu quyền được triển khai số lượng không hạn chế các đầu đạn hạt nhân dự trữ trong các kho chứa của mình, Mỹ đề xuất để những đầu đạn không gắn trên tên lửa ra ngoài các hiệp ước để khi cần có thể triển khai nhanh chóng. Mỹ lo ngại rằng, tình trạng lỏng lẻo trong kiểm soát các kho vũ khí của Nga từ sau khi Liên Xô tan rã có thể khiến nhiều đầu đạn hạt nhân rơi vào tay khủng bố, một giả thuyết bị Mát-xcơ-va kiên quyết bác bỏ. Theo Itar-Tass, hiệp ước mới có chủ đề chính là giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược thấp hơn mức đề ra năm 2002. Hiện hai bên chưa thống nhất được cách tính và triển khai số đầu đạn hạt nhân.

Nga cho biết việc ký kết hiệp ước mới tiếp nối START-1 là một ưu tiên của Mát-xcơ-va trong quan hệ với Mỹ, vốn bị ảnh hưởng do những bất đồng về kế hoạch của Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại Ðông Âu, việc kết nạp thêm thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và sau cuộc xung đột vũ trang giữa Nga với Gru-di-a tháng 8-2008. Mát-xcơ-va cho rằng, thực chất các kế hoạch xây dựng một trạm ra-đa ở CH Séc và lắp đặt các dàn tên lửa đánh chặn ở Ba Lan là nhằm chống lại Nga, chứ không phải là để đối phó nguy cơ tiến công tên lửa từ Iran như Oa-sinh-tơn viện cớ. Ngoài ra, theo Nga, kế hoạch mở rộng về phía đông của NATO cũng nhằm mục đích bao vây nước này. Vì vậy, trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 gắn ít nhất bốn đầu đạn, được thiết kế nhằm chống lại các hệ thống phòng thủ tương tự như hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ dự định triển khai tại Ðông Âu.

Tuy nhiên, quan hệ Nga - Mỹ gần đây, đặc biệt sau khi Mỹ có chính quyền mới, có nhiều dấu hiệu bớt căng thẳng, nên việc các Tổng thống hai nước ký tuyên bố chung đẩy nhanh việc tìm kiếm hiệp ước mới thay thế START-1 được đánh giá là một thành công lớn của hai bên nhằm cân bằng vũ khí tiến công chiến lược. Cả hai bên đều coi hiệp ước mới là cách nhấn nút khởi động làm ấm lại mối quan hệ song phương và nằm trong xu hướng hàn gắn quan hệ. Các nhà phân tích đánh giá tuyên bố chung được coi là phép thử về sự sẵn sàng hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân dù có nhiều bất đồng cần được giải quyết./.