Điều kiện mới với những thời cơ, thách thức, nguy cơ mới trong quá trình xây dựng Đảng

ThS. Nguyễn Việt Quân Đại học quốc gia Hà Nội
10:41, ngày 22-04-2015
TCCSĐT - Công cuộc đổi mới được mở đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã và đang đặt công tác xây dựng Đảng cầm quyền vào những điều kiện khác hẳn trước. Điều kiện mới cùng với hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa mới quy định và tác động vào quá trình xây dựng Đảng cầm quyền.
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã cho thấy, khủng hoảng không chỉ là tất yếu trong chủ nghĩa tư bản, mà vẫn có thể xảy ra dưới  thời chủ nghĩa xã hội khi đường lối của đảng cộng sản cầm quyền phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Nó cũng cho thấy, nếu đảng cộng sản cầm quyền sớm nhận thức được tình hình khủng hoảng để kịp thời điều chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách thì  vẫn có thể hạn chế và vượt qua được khủng hoảng; ngược lại, khủng hoảng có thể làm sụp đổ cả chế độ xã hội chủ nghĩa và làm mất quyền lãnh đạo của Đảng. Sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã thúc đẩy các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội trên thế giới đẩy mạnh cuộc tiến công vào các đảng cộng sản cầm quyền ở một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Đảng ta.

Khái niệm đổi mới mà Đảng ta sử dụng không chỉ phản ánh những yêu cầu nhất thời phải thay đổi những gì không còn phù hợp, phá bỏ những cản trở đối với sự phát triển mà nó còn phản ánh quy luật của sự phát triển. Điều kiện mới không chỉ là những nhận thức mới được phát triển từ phạm trù đổi mới hay cải tổ, cải cách, mà chủ yếu là biến những nhận thức mới thành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng để đi đến những đổi mới thực sự trong cuộc sống. Hiện nay, điều kiện mới đối với công tác xây dựng Đảng thể hiện ở chỗ: Đảng phải tìm cho được con đường đưa nước ta ra khỏi tình trạng đang phát triển với thu nhập trung bình thấp, vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế với sự tác động của những vấn đề toàn cầu và của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại.

“Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn” (1). Nhận định trên đây của Đại hội VI của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định phương hướng đi lên của đất nước trong suốt 30 năm qua và còn lâu dài về sau.

Thứ nhất, đổi mới để Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước

Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, cho nên đương nhiên, Đảng phải tự đổi mới trước. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa sống còn và quy luật phát triển của Đảng. Yêu cầu đổi mới Đảng được đặt ra với toàn Đảng. Yêu cầu này cũng gắn liền với toàn bộ sự nghiệp đổi mới đất nước. Đổi mới Đảng đòi hỏi phải từ bỏ những cách nghĩ, cách làm không đúng trong xây dựng Đảng về tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, tác phong và phương thức lãnh đạo. Trên cơ sở đó, Đảng xác định được đường lối đổi mới đúng và không ngừng bổ sung, hoàn thiện cũng như tìm ra phương thức lãnh đạo thích hợp với đường lối ấy.

Thứ hai, vươn lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền trong thời kỳ đổi mới

Tầm của Đảng là tầm trí tuệ, tầm tư tưởng, tầm phẩm chất, tầm năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn cần có, để hoàn thành nhiệm vụ của một giai đoạn cách mạng nhất định. Đó là tầm nhìn chiến lược, dự báo mọi tình hình thuận và nghịch, mọi khả năng tốt và xấu trong sự vận động của thực tiễn, để có thể làm chủ được những tình hình và khả năng ấy. Tương tự như vậy, người ta có thể nói đến tầm của một tổ chức Đảng, một cấp ủy Đảng hay của một cán bộ, Đảng viên so với yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu nâng tầm của một Đảng cầm quyền trong thời kỳ đổi mới là đòi hỏi phải có tầm tư tưởng thật kiên định mới có thể vững vàng trước những biến động của thế giới hiện nay; phải có tầm phẩm chất thật trong sạch mới không bị tha hóa trước quyền lực của một Đảng cầm quyền, trước những thử thách, cám dỗ của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa; đặc biệt phải có tầm trí tuệ cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Tầm trí tuệ thể hiện ở tri thức, năng lực vận dụng tri thức và năng lực sáng tạo cái mới. Phải đặt đỉnh cao của trí tuệ là năng lực sáng tạo cái mới thì mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn của Đảng; hay nói cách khác là nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới hiện nay.

Thứ ba, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt

Vấn đề xây dựng Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, để Đảng luôn luôn xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc đi đến thắng lợi của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trước thời kỳ đổi mới Đảng ta cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề xây dựng Đảng trong nhiều nghị quyết. Song việc quán triệt và thực hiện những quan điểm ấy không phải bao giờ cũng làm được tốt. Coi nhẹ công tác xây dựng Đảng là hiện tượng đã xảy ra trong thực tiễn.

Khi bước vào đổi mới, Đại hội VI của Đảng đã có một quyết định quan trọng: phải đổi mới Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) đã nêu một luận điểm mới: “Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” (2). Đến Đại hội IX (tháng 4-2001) luận điểm trên được điều chỉnh thành: “Nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế” (3). Hội nghị lần thứ 10 khóa IX (tháng 7-2004) bổ sung thêm: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội” (4).

Then chốt không phải chỉ có ý nghĩa là quan trọng nhất, mà còn có ý nghĩa là chi phối, quyết định toàn bộ những cái khác. Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, vì kết quả của việc xây dựng Đảng sẽ chi phối và quyết định việc phát triển kinh tế, văn hóa cũng như tất cả các mặt khác của công cuộc đổi mới đất nước. Thông qua đó mới thể hiện đúng vai trò của một Đảng cầm quyền, duy nhất lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Thời cơ, thách thức và nguy cơ luôn đan xen nhau và giữa chúng có mối quan hệ biện chứng. Trong việc xử lý mối quan hệ giữa thời cơ, thách thức và nguy cơ cần phân biệt rõ mối quan hệ chủ quan - khách quan, bên trong - bên ngoài; trong đó phía chủ quan, phía bên trong là quyết định. Phải nắm vững mối quan hệ này, nhất là trong quá trình Đảng ta lãnh đạo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, công tác xây dựng Đảng chỉ có thể thực sự được đẩy mạnh khi ý nghĩa then chốt của nhiệm vụ xây dựng Đảng được các tổ chức Đảng, trước hết là các cấp ủy Đảng, nhận thức sâu sắc và quán triệt trong thực tiễn xây dựng Đảng./.

-----------------
(1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.119

(2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.75

(3): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.137-138

(4): Kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Báo Nhân Dân, ngày 30-7-2004