TCCSĐT - Ngày 06-12-2014, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Kinh tế Trung ương, tổ chức Hội thảo khoa học: “Hội nhập kinh tế quốc tế - 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”.
 
 Các đồng chí chủ trì Hội thảo (Ảnh Đào Trọng Nguyên)

Chủ trì Hội thảo, có GS, TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS, TS. Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Cùng tham gia Hội thảo có đại diện các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học; các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương. Tham gia và phát biểu tại Hội thảo có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước - những người đã trực tiếp tham gia các quá trình đàm phán của Việt Nam để ký kết các Hiệp định thương mại song phương, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).


Khai mạc Hội thảo, GS, TS. Vương Đình Huệ khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trong gần 30 năm qua, nhất là từ sau khi có các Nghị quyết của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế, các bộ, ngành Trung ương đã tập trung chỉ đạo một cách toàn diện, đồng bộ công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các lĩnh vực bằng những giải pháp triển khai cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng thời kỳ để phát huy tối đa nội lực, tranh thủ các nguồn ngoại lực. Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình đi liền với toàn cầu hóa kinh tế, là kết quả tất yếu khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Đối với các quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế có trọng tâm là tham gia vào các tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại khu vực và toàn cầu; tham gia vào phân công lao động, hợp tác quốc tế, kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với nguồn lực bên ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển, chiếm lĩnh vị trí phù hợp nhất trong nền kinh tế khu vực và thế giới. Nền kinh tế của mỗi quốc gia dân tộc là một bộ phận của nền kinh tế thị trường thế giới thống nhất.

Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, quan điểm của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành, bổ sung và hoàn thiện không ngừng qua các kỳ Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương giữa các kỳ Đại hội. Qua các kỳ Đại hội, tư tưởng và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng ta từng bước phát triển phù hợp với quá trình đổi mới tư duy và phù hợp với diễn biến của tình hình thế giới và trong nước: từ hội nhập rồi chủ động hội nhập; tích cực và chủ động hội nhập, đến chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu hơn và đầy đủ hơn với khu vực và thế giới và đến nay là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Việc hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế khu vực và thế giới, triển khai các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã và sẽ ký kết, bên cạnh những cơ hội mở ra, thì cạnh tranh cũng trở nên gay gắt, quyết liệt hơn ở cả cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, cạnh tranh ở thị trường ngoài nước và ngay trong thị trường nội địa. Hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những yêu cầu hết sức cấp bách cho việc bổ sung và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong phát biểu, PGS, TS. Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế. Hiện Quảng Ninh đang nỗ lực tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh trong xây dựng thương hiệu địa phương, tiến hành một số giải pháp để thay đổi diện mạo và phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, tiếp tục công cuộc hội nhập, tập trung xác định Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước, theo hướng phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo trình độ cao. Với quan điểm dựa vào nội lực là cơ bản chiến lược lâu dài và ngoại lực là đột phá, cần tiếp tục đẩy mạnh dân chủ đi đôi với kỷ cương, xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường đi đôi với an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích dân tộc tối đa nhưng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, quá trình nhận thức của Đảng ta, việc triển khai chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; về vấn đề này, các ý kiến thảo luận chúng ta cần hội nhập như thế nào, năng lực hội nhập ra sao; kinh nghiệm của nước ta và một số nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Nắm bắt kịp thời những cơ hội hợp tác và liên kết trên toàn cầu, trong gần 30 năm qua, đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng đã được đề ra nhất quán và được triển khai tích cực phù hợp với tình hình phát triển trong nước từng giai đoạn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp Đổi mới, phát triển đất nước. Điều này được thể hiện xuyên suốt từ Đại hội VI đến Đại hội XI.

Thứ hai, thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra của hội nhập kinh tế quốc tế trong gần 30 năm qua. Thực hiện đường lối và chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đó là, đã tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và tư tưởng về đường lối đối ngoại mở cửa; mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước, các tổ chức quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; góp phần đổi mới cơ cấu nền kinh tế, phát triển dịch vụ; thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư nước ngoài; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy cải cách chính sách trong nước theo hướng minh bạch hơn, cải thiện tích cực môi trường trong nước.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc chúng ta tham gia các FTA chưa thực sự chủ động và mới chỉ tập trung vào các lợi ích mang tính ngắn hạn, mà chưa chú trọng đúng mức đến các mục tiêu dài hạn như nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường, thể chế trong nước. Việc triển khai hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết đầy đủ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược phát triển ngành. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hợp lý và hiệu quả. Tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực là chưa cao. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp so với nước ngoài.

Thứ ba, đánh giá ở các góc độ khác nhau trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh trong gần 30 năm qua. Các ý kiến đánh giá Quảng Ninh là một trong những tỉnh thành công nhất trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nguyên nhân căn bản là đã tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp hội nhập tự nguyện; kết nối bên trong và mở cửa ra bên ngoài. Quảng Ninh có các đặc thù là tỉnh duy nhất có chung cả biên giới trên biển và trên bộ với Trung Quốc; có tiềm lực mạnh mẽ. Quảng Ninh cần tạo sự khác biệt bằng cách bảo tồn các di sản; ứng xử chuyên nghiệp của người lao động, công chức, bộ máy. Trong thời gian tới, Quảng Ninh cần có quyết sách để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, để trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước trên con đường hội nhập quốc tế, trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Thứ tư, cơ hội, thách thức và các giải pháp, kiến nghị để Việt Nam hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, có hiệu quả trong thời gian tới. Các ý kiến đều cho rằng, cần có chiến lược hội nhập, có tầm nhìn vượt trước. Trong chiến lược hội nhập phải định vị vị trí Việt Nam trong từng thời điểm; xác định rõ đối tác, tránh tình trạng lựa chọn đối tác theo tinh thần hữu nghị.

 
 Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Đào Trọng Nguyên)

Các ý kiến của Hội thảo đề xuất các giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần đổi mới toàn diện hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hội nhập. Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong nước và nâng cao năng lực thực thi thể chế.

Hai là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Ba là, không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường.

Bốn là, xây dựng và triển khai chiến lược, tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế - thương mại quan trọng trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích và khả năng của đất nước. Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Năm là, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhân tố quan trọng cho quá trình hội nhập.

Sáu là, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận. Đẩy mạnh việc tham gia vào các thể chế thương mại - tài chính - tiền tệ khu vực và toàn cầu, xây dựng và triển khai chiến lược hội nhập trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước.

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, PGS, TS. Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ghi nhận những ý kiến phát biểu và các tham luận tại Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh những nội dung của Hội thảo sẽ được chắt lọc, xã hội hóa, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thiết thực vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau gần 30 năm đổi mới và việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Với hơn 140 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các cán bộ chỉ đạo, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương, và 12 phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, phân tích dưới các góc nhìn đa chiều của tiến trình hội nhập, Hội thảo Hội nhập kinh tế quốc tế - 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh là dịp để nhìn nhận lại và nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp cái nhìn tổng quát và cụ thể, đa chiều về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam 30 năm qua và thực tiễn Quảng Ninh, tìm hiểu những nguyên nhân đưa đến sự thành công và hạn chế trong quá trình hội nhập, từ đó kiến nghị những giải pháp và lộ trình cụ thể trong tiến trình hội nhập của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế là trọng tâm, nâng cao nội lực và vị thế đất nước, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới./.