Thành tựu và một số hạn chế của đào tạo sau đại học ở nước ta

TS. Đỗ Đức Minh Ban Thanh tra và Pháp chế (Đại học Quốc gia Hà Nội)
16:38, ngày 03-12-2014

TCCSĐT - Đào tạo sau đại học với mục tiêu trang bị những kiến thức sau đại học và nâng cao kỹ năng thực hành nhằm xây dựng đội ngũ những người làm khoa học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ của đất nước.

Những thành tựu chủ yếu

Một là, quyết định về đào tạo sau đại học được tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống, từng bước tạo ra chuyển biến tích cực: quy mô, tốc độ đào tạo không ngừng tăng lên. Quy mô đào tạo sau đại học (tổng số nghiên cứu sinh và học viên cao học) liên tục tăng qua các năm. Trong đó, số lượng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ tăng mạnh nhất, số lượng tuyển sinh đào tạo tiến sĩ tăng chậm hơn và trong 5 năm qua chưa tuyển hết chỉ tiêu. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó diễn ra không đều và căn cứ vào mức độ hoàn thiện về tổ chức cũng như những kết quả thực tế có thể chia thành hai giai đoạn: 1/ Giai đoạn đầu (từ khi triển khai thực hiện đến cuối những năm 1980), có tính thử nghiệm tìm tòi để xây dựng nội dung chương trình và hoàn thiện quy chế đào tạo. Do nhiều nguyên nhân, như chưa có đủ lực lượng, cơ sở vật chất, nguồn vào... nên kết quả đào tạo còn ở mức hạn chế. Nhà nước đã tuyển sinh và đào tạo một số khóa chuyên tu nghiên cứu sinh, song, do chưa có quy chế hoàn chỉnh cũng như thiếu hụt lực lượng hướng dẫn nên có vài khóa không tổ chức bảo vệ tốt nghiệp được (đa số những học viên này về sau được đặc cách thạc sĩ). 2/ Giai đoạn từ những năm 1990 trở đi, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 90/1993/NĐ-CP(1), trong đó quy định rõ bậc đào tạo sau đại học có 2 trình độ là tiến sĩ và thạc sĩ, với các hình thức đào tạo tập trung dài hạn và tại chức, trên cơ sở tuyển chọn chặt chẽ đầu vào. Từ đây, công tác đào tạo sau đại học của nước ta chuyển sang giai đoạn được tổ chức chủ yếu ở trong nước (ngoài hình thức cử đi đào tạo ở một số nước tiên tiến) thông qua việc triển khai rộng khắp ở các trung tâm đào tạo trong nước. Đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, chuyển sang giai đoạn bùng phát: số lượng tuyển sinh tăng lên nhanh chóng, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo ngày càng tăng, tạo ra bước phát triển nhảy vọt của đào tạo sau đại học.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, quy mô đào tạo sau đại học tăng lên rất nhanh. “Từ năm 2000 đến nay (năm 2009), các cơ sở đào tạo trung bình mỗi năm đào tạo 650 tiến sĩ trong nước. So với chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài, năm 2009, số lượng nghiên cứu sinh trong nước cao hơn 3,57 lần, học viên cao học gấp 15,3 lần”(2). Trong giai đoạn 2000 - 2005, số học viên cao học tăng 51,9%/năm, số nghiên cứu sinh tăng 61,1%/năm. Năm 2005 có 34.789 người được đào tạo sau đại học (tăng 3,1% so với năm trước). So sánh với giai đoạn 1996 - 2000 có số lượng thạc sĩ được đào tạo tăng 10,5%/năm và tiến sĩ tăng 6,2%/năm thì trong những năm gần đây, quy mô đào tạo sau đại học tăng quá nhanh. Năm học 2011 - 2012, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cả nước là trên 96.000 người. Trong năm 2014, ngành giáo dục vẫn tăng quy mô đào tạo sau đại học (chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 7%; thạc sĩ tăng khoảng 5%)(3). Đến đầu năm 2014, cả nước có hơn 130 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và hơn 150 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ. Không chỉ các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học công lập được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, mà cả các trường đại học ngoài công lập nếu đủ điều kiện bảo đảm chất lượng cũng được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Mỗi năm, ngành giáo dục cung cấp cho xã hội 20.000 - 25.000 thạc sĩ và hàng nghìn tiến sĩ. Con số đó đã nói lên vai trò quan trọng của đào tạo sau đại học trong nước đối với việc cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Hai là, đào tạo sau đại học của Việt Nam đã khẳng định vai trò và vị thế xứng đáng trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong đời sống xã hội. Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo và mỗi cơ sở đào tạo sau đại học nói riêng đã thực hiện nghiêm túc Quy chế đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của đơn vị; chỉ đạo, quản lý, tổ chức điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng sau đại học dần đi vào nền nếp; từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo; không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và sát thực tế, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của người học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; từng bước mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. Không chỉ khắc phục được tình trạng lực lượng cán bộ giảng dạy mỏng và dàn trải mà còn hình thành đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học tận tình, tâm huyết với giảng dạy và nghiên cứu khoa học với chuyên môn sâu. Nhiều người đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trong những lĩnh vực cụ thể.

Các cơ sở đào tạo không chỉ ổn định đào tạo chuyên ngành mà còn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Nhiều đơn vị thực hiện bước đột phá về chuẩn hóa giáo trình, tài liệu cho các đối tượng đào tạo; tập trung rà soát, phân loại theo từng nhóm ngành và khối kiến thức; kế thừa và bổ sung, sửa đổi, cập nhật kiến thức mới và sự phát triển của thực tiễn đơn vị, bảo đảm sự kết hợp tính phù hợp giữa lý luận và sự phát triển của thực tiễn. Nhiều cơ sở tích cực đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, hệ thống phòng học; phát triển và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống mạng in-tơ-nét, thư viện điện tử, cổng thông tin đào tạo, thiết bị giảng dạy đa phương tiện; xây dựng hệ thống học liệu phong phú, đa dạng, cập nhật thông tin mới, kịp thời phục vụ học tập và nghiên cứu của các đối tượng; từng bước số hóa bài giảng điện tử, sử dụng có hiệu quả mạng LAN, đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu, cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ hiện đại; triển khai công tác tổ chức đào tạo và các giải pháp phát huy các yếu tố thuận lợi, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sau đại học.

Chất lượng đào tạo nói chung, chất lượng luận văn, luận án tốt nghiệp nói riêng những năm qua có bước tiến rõ rệt. Nhiều luận văn, luận án thực sự là những công trình khoa học có tính mới; đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, tính cấp thiết của địa phương, đơn vị và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, đào tạo sau đại học giúp cho học viên cao học, nghiên cứu sinh được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở đại học; hiện đại hóa kiến thức chuyên ngành; tăng cường kiến thức liên ngành; hình thành năng lực tư duy, khả năng nghiên cứu độc lập và có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành đào tạo. Phần lớn những học viên cao học, nghiên cứu sinh được đào tạo đã thể hiện được trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành, khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát hiện giải quyết được nhiều vấn đề mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu nhiều đề tài luận án tiến sĩ được học viên khai thác, cung cấp các luận cứ khoa học để tham mưu với các bộ, ngành, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Sản phẩm của đào tạo sau đại học của cả nước trong thời gian qua chính là đã tạo nên đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo và rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Họ đã tham gia vào việc xác định đường lối đổi mới đất nước, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đó là những thành tựu hết sức quan trọng và rất đáng tự hào của quá trình đào tạo sau đại học của nước ta trong thời gian qua.

Là một trong những giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, đào tạo sau đại học ở nước ta đã và đang khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống đào tạo quốc gia cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị trí đó, trước hết được quy định bởi vai trò của sản phẩm do nó tạo ra: nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý - những người có trình độ khoa học - công nghệ đóng vai trò quan trọng vào quá trình nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ, đóng góp tăng trưởng nguồn tài nguyên tri thức - tăng cường tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Thành tựu có ý nghĩa cơ bản của đào tạo sau đại học trong thời gian qua là trực tiếp tạo nguồn cán bộ khoa học - công nghệ cho đất nước, góp phần vào việc tăng cường số lượng, nâng cao về chất lượng đội ngũ khoa học và thúc đẩy họ hoạt động sáng tạo hơn trong cơ chế mới.

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một bước đột phá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và là yếu tố quyết định bảo đảm đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững. Và đào tạo sau đại học đã đóng vai trò chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước trong thời gian qua. Phần lớn những cán bộ khoa học được đào tạo đều phát huy vai trò tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là một sự cố gắng phấn đấu rất lớn của các nhà giáo - nhà khoa học trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn.

Một số hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả trên, công tác đào tạo sau đại học những năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế cần sớm khắc phục.

Một là, quy mô và cơ cấu của đào tạo còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đào tạo sau đại học trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, song, nhìn chung tỷ lệ cán bộ khoa học - kỹ thuật trên dân số và lực lượng lao động của nước ta vẫn còn thấp, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn còn thấp về trình độ khoa học - công nghệ: Năm 2000, bình quân cứ 10.000 lao động ở nước ta mới chỉ có 5,7 người làm nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ năm 1991 là 76, ở Cộng hòa Liên bang Đức là 59, ở Nhật Bản là 73(4). Theo dự kiến, đến năm 2015, nước ta mới đạt 9-10 cán bộ nghiên cứu/10.000 người dân và con số này đến năm 2020 là 11-12 người(5).

Mặc dù số lượng được đào tạo tăng nhanh trong thời gian qua nhưng quy mô đào tạo sau đại học vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của đất nước; đồng thời số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng không đồng đều giữa các chuyên ngành đào tạo. “Nhân lực có trình độ thạc sĩ tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 30-39 (39,20%), sau thấp dần ở các độ tuổi cao hơn (độ tuổi 40-49 chiếm 22,15% và độ tuổi từ 50 trở lên chiếm 18,89%). Cơ cấu nhân lực có trình độ tiến sĩ giảm dần theo các độ tuổi từ cao đến thấp. Cụ thể, số tiến sĩ tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi trên 50 tuổi (60,29%), tiếp đến các nhóm tuổi 40-49 (21,03%), nhóm tuổi 30-39 (15,87%), nhóm tuổi 20-29 chỉ chiếm 2,81%”(6).

Cơ cấu ngành đào tạo cũng chưa hợp lý: thời gian qua, tuy tỷ lệ nghiên cứu sinh và học viên cao học tăng nhanh nhưng chỉ tập trung vào một số ngành: Tin học (10 lần), Kinh tế (7 lần), Luật (26,5 lần)(7)... Số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh phân bố không đều ở các chuyên ngành đào tạo đã tạo ra sự quá tải hay hẫng hụt ở một số chuyên ngành và vượt quá “khả năng giám sát” của Nhà nước; là một trong những nguyên nhân thiếu hụt đầu vào ở các ngành khoa học cơ bản và tăng rất thấp ở khoa học tự nhiên. Đây là sự mất cân đối trong đào tạo và không đáp ứng được yêu cầu phát triển đồng bộ giữa khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên và với nền kinh tế đất nước. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hạn chế này càng nổi lên gay gắt.

Hai là, chất lượng, hiệu quả đào tạo sau đại học còn nhiều hạn chế, phát triển quy mô chưa gắn với chất lượng đào tạo.

Đào tạo sau đại học ở nước ta bắt đầu từ năm 1976 và bùng phát từ những năm đầu thập niên 1990 với số lượng tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng tăng. Sau hơn 30 năm từ không đến có, từ chỗ phải gửi đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, đến nay, chúng ta đã có nhiều cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Quy mô đào tạo bậc thạc sĩ của rất nhiều cơ sở đào tạo đang bùng nổ mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng những điều kiện trọng yếu để bảo đảm chất lượng lại thiếu và yếu.

Trong khi quy mô đào tạo thạc sĩ ngày càng cao thì chất lượng đào tạo lại có chiều hướng suy giảm, chưa được như mong đợi của những người làm giáo dục và xã hội (nhất là đối với hệ đào tạo không chính quy). Theo ý kiến nhiều chuyên gia thì chất lượng đào tạo thạc sĩ là đáng lo ngại và có nhiều vấn đề cần phải bàn luận: trái với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng thì chất lượng đào tạo của bậc học này đang có chiều hướng đi xuống và đáng báo động. “Một số chương trình đào tạo sau đại học còn xa rời thực tế, không phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và thế giới; nội dung chương trình còn trùng lặp, nhắc lại các kiến thức của bậc đại học”(8). Hiệu quả học ngoại ngữ của học viên sau khi kết thúc chương trình chưa cao, nhiều học viên không đủ trình độ ngoại ngữ để tìm và đọc các tài liệu nước ngoài. Không chỉ yếu về tin học và ngoại ngữ mà nhiều người có bằng cấp thạc sĩ cũng hạn chế về kiến thức chuyên ngành.

Việc thực hiện các chuyên đề tiến sĩ còn mang tính hình thức, chưa coi trọng phương pháp nghiên cứu, cấu trúc của luận án tiến sĩ chưa được thống nhất. Một số đề tài luận án tiến sĩ chỉ như các đề tài khoa học ứng dụng, chưa đủ tầm khoa học, chưa giải quyết được các vấn đề học thuật; vì vậy, vẫn còn luận án tiến sĩ chất lượng thấp. Phần đông nghiên cứu sinh chỉ có số bài viết đủ mức quy định tối thiểu, chất lượng nhiều bài chưa cao vì nhiều người viết để đối phó lấy công trình. Nhiều luận án không đạt chuẩn khoa học quốc tế cả về nội dung và hình thức trình bày bài báo cáo khoa học (nhất là cách tham khảo tài liệu, phân tích số liệu thống kê…).

Những hạn chế của đào tạo sau đại học và thực trạng đội ngũ khoa học - công nghệ đã nói lên hiệu quả “trong” và hiệu quả “ngoài” của đào tạo chưa cao. Sau đào tạo, nhiều cán bộ khoa học chưa hình thành được khả năng độc lập nghiên cứu. Có thể coi đây là hạn chế căn bản về chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta. Xem ra chiếc áo của nhiều ông Nghè, ông Trạng nước ta còn rộng so tầm vóc khoa học của họ.

Theo Quy chế về Đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì:

“Thạc sĩ phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có năng lực thực hành và khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và kinh tế; có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc về chuyên ngành được đào tạo.

Tiến sĩ phải có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn; phát hiện và giải quyết được những vấn đề khoa học - công nghệ”(9).


Đối chiếu giữa thực trạng và những yêu cầu nói trên thì thấy chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta trong những năm qua còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; đào tạo sau đại học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước trong giai đoạn đổi mới ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, đổi mới đào tạo sau đại học thực sự là vấn đề có tính cấp thiết khi nước ta đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

----------------------------------------

(1) Nghị định số 90/1993/NĐCP, ngày 24-11-1993, của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Báo cáo sự phát triển của hệ thống Giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo (Báo cáo số 760/BC-BGDĐT, ngày 29-10-2009)

(3) Đó là chưa kể Chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài và Chương trình đào tạo tiến sĩ theo các Đề án 322, 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

(4) Nghiên cứu lý luận, số 5-2003, tr. 72

(5), (6) Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2013, Nxb. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 2014, tr. 24, tr. 86-87

(7) Nghiêm Đình Vỹ, Nguyễn Đắc Hưng: Phát triển Giáo dục và đào tạo nhân tài, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 90

(8) Đào tạo thạc sĩ: Bước tiến nâng chất nguồn nhân lực, http://vietnamnet.vn/vn/dich-vu-truyen-thong/182629/dao-tao-thac-si--buoc-tien-nang-chat-nguon-nhan-luc.html

(9) Điều 2, Quy chế Đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT