Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa đô thị tại Hà Nội

TS. Vũ Công Giao Đại học quốc gia Hà Nội
16:09, ngày 03-10-2014
TCCSĐT - Là một đô thị lớn, Thủ đô của cả nước, lại đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý để các hoạt động văn hóa đi vào nề nếp, xứng đáng với danh hiệu Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Tại Hà Nội cũng như trong cả nước, nếu trong thời kỳ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm chạp, đô thị thường gắn với các trung tâm hành chính, thì từ giữa thập niên 1990, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ do sự tác động của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Dưới tác động của quá trình này, đặc biệt sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, quá trình biến đổi văn hóa đô thị tại Hà Nội diễn ra toàn diện, sâu sắc, song không tránh khỏi theo hướng tự phát ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Vì thế, cần phải thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa đô thị tại Hà Nội.

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đô thị

Trước hết, cần tiếp tục hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn hóa đô thị Hà Nội theo các nội dung: quản lý các hoạt động bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, như các công trình kiến trúc, các hiện vật cổ...; quản lý các hoạt động bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể (hội họa, điêu khắc, nghệ thuật biểu diễn tuồng chèo, ca trù, rối nước, các phong tục tập quán hiếu hỷ, lễ tết, lễ hội,...); quản lý các hoạt động giữ gìn, phát huy, phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng, như thông tin, cổ động, triển lãm, nhà văn hóa, câu lạc bộ, tượng đài, thư viện, rạp hát, báo, tạp chí, nhà xuất bản,...; quản lý các dịch vụ văn hóa của các thành phần kinh tế, như karaoke, trò chơi điện tử, photocopy, vũ trường, cà phê internet,...; quản lý các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, xây dựng các mô hình văn hóa (gia đình, cộng đồng dân cư, đơn vị văn hóa); quản lý môi trường văn hóa.

Tiếp theo, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế quản lý văn hóa, như: Quy định nếp sống văn hóa nơi công cộng; Quy chế quản lý báo chí, xuất bản; Quy chế quản lý biểu diễn nghệ thuật; Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo; Quy chế quản lý các dịch vụ văn hóa (vũ trường, karaoke, băng đĩa hình, trò chơi điện tử, internet…); Quy chế quản lý xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa, các hiện vật cổ,.... Đồng thời, khuyến khích việc xây dựng và thực hiện các quy định, quy ước văn hóa mang tính tự quản của cộng đồng tổ dân phố, dòng họ, gia đình,...

Hai là, quy hoạch không gian cho hoạt động văn hóa

Cùng với việc cải thiện đời sống, thu nhập, nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, thông tin của nhân dân hiện tăng lên rõ rệt, ngày càng đa dạng và trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Tất cả các nhu cầu trên đây đều phải được đáp ứng thông qua hoạt động và phong trào văn hóa gắn với hệ thống thiết chế văn hóa của Nhà nước và xã hội và đều đòi hỏi phải có không gian hoạt động.

Hiện nay ở Hà Nội, việc quy hoạch không gian văn hóa chưa hoàn thiện. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu quỹ đất, nhưng cơ bản vẫn là do chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của văn hoá trong đời sống kinh tế, xã hội, dẫn đến chủ trương, chính sách chưa hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển không gian văn hoá ở Thủ đô. Do đó, trong công tác quy hoạch thành phố phải có quỹ đất cho ''không gian văn hóa'', nhất là tại cơ sở xã, phường, thị trấn vốn là nơi “đất chật người đông”. Yếu tố văn hóa cần phải được tính đến trong công tác quy hoạch nói chung, bao gồm cả quy hoạch kiến trúc, xây dựng cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố nên phát động phong trào quyên góp, hiến tặng đất, nhà, tài chính... để xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa ở cơ sở; có chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng văn hoá ở cơ sở. Ví dụ, đối với việc tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc huy động được nhiều nguồn lực (đất đai, tài chính…) cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, có thể nghiên cứu, áp dụng các hình thức biểu dương, khen thưởng, tôn vinh như ghi tên trên bảng vàng, hoặc đặt tên cho công trình, tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư, bố trí việc làm cho các cá nhân có thành tích đặc biệt. Việc sử dụng những quỹ đất này nên giao cho ngành văn hóa tổ chức đấu thầu, để có hình thức sử dụng hiệu quả nhất.

Ba là, phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa

Yêu cầu đặt ra trong quản lý nhà nước đối với phát triển văn hóa ở Hà Nội hiện nay là tiếp tục hoàn thiện và triển khai trên toàn thành phố các quy định, quy ước, quy chế và nếp sống văn hóa; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và những hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa; có chế tài để ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn minh đô thị; tuyên truyền, khen thưởng những gương ''người tốt, việc tốt''; tích cực thực hiện cơ chế thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Mục tiêu là phát triển văn hóa và xây dựng văn hóa người Hà Nội tương xứng với sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của kinh tế và đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị.

Để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu trên, trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa cần có sự phân công, phân cấp phù hợp, bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ quản lý:

- Trách nhiệm quản lý ở cấp thành phố tập trung vào những hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chủ yếu và có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống văn hóa đô thị, như: dịch vụ quảng cáo; dịch vụ vũ trường; dịch vụ nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức các lễ hội lớn. Thực tế cho thấy đây là những dịch vụ mang tính nhạy cảm cao. Nội dung và hình thức biểu hiện của chúng rất dễ gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và sự phản ứng của dư luận xã hội. Việc quản lý những hoạt động và dịch vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ngành có liên quan như: quy hoạch và kiến trúc, xây dựng, công an, giao thông vận tải...

Trách nhiệm quản lý ở cấp thành phố mang tính toàn diện từ quy hoạch, triển khai thực hiện, điều chỉnh đến việc cụ thể hóa đường lối, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố; từ đó đề xuất xây dựng những chủ trương, chính sách phù hợp. Trong công tác quản lý thì khâu quy hoạch là quan trọng đầu tiên và có ảnh hưởng rất lớn đến các khâu quản lý khác. Do đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch. Hiện nay, thành phố cần tiếp tục tập trung hoàn thiện các quy hoạch sau: quy hoạch quảng cáo; quy hoạch hệ thống kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật,...

Cùng với việc nâng cao chất lượng quy hoạch là hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành giữa ngành văn hóa với các ngành, đoàn thể có liên quan. Ví dụ, trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hóa cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa với công an, quản lý đô thị … Sự phối hợp liên ngành cần phải được thể chế hóa bằng những quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Trách nhiệm quản lý của các quận, phường, thị trấn đối với một số hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa: Trách nhiệm của quận là xây dựng mô hình quản lý theo hình thức xã hội hóa, trong đó ngành văn hóa quản lý nội dung, các phường, thị trấn quản lý địa điểm. Đó là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí nơi công cộng; quản lý di tích danh thắng, tổ chức lễ hội; một số loại hình dịch vụ văn hóa, như karaoke, bán và cho thuê băng, đĩa hình;... Một số loại hình dịch vụ văn hóa không cần giấy phép hành nghề, quận, huyện chỉ quản nội dung và điều kiện kinh doanh. Đó là các dịch vụ chụp ảnh, bán băng, đĩa nhạc, trò chơi điện tử, internet, câu lạc bộ dạy khiêu vũ... Cần lưu ý về quy định khoảng cách tổi thiểu đến trường học, bệnh viện từ địa điểm kinh doanh các dịch vụ này.

- Trách nhiệm của các phường, xã, thị trấn được thành phố giao quản lý một số hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa gồm: quản lý địa điểm quảng cáo, địa điểm và điều kiện kinh doanh các dịch vụ văn hóa; điều kiện tổ chức lễ hội; tổ chức quản lý các hoạt động tu bổ di tích, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian ở địa phương. Việc quản lý phải bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp hiện hành, không được phép đặt thêm ''lệ mới'', gây phiền nhiễu cho cơ sở dịch vụ.

Bốn là, tiếp tục quản lý chặt chẽ việc phát triển các dịch vụ văn hóa

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dịch vụ văn hóa tư nhân bung ra và phát triển khá mạnh. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến công tác quản lý các loại hình dịch vụ văn hóa, như trò chơi điện tử, karaoke, bán hàng băng, đĩa nhạc,… Thực tế cho thấy, nhiều người kinh doanh dịch vụ văn hóa đặt lên hàng đầu lợi nhuận kinh tế cho nên thường vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước, như kinh doanh quá giờ quy định, kinh doanh những sản phẩm phi văn hóa và phản văn hóa... Đây là những vấn đề rất phức tạp liên quan đến không chỉ văn hóa, vì thế phải có sự phối hợp liên ngành để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Một đô thị lớn như Hà Nội, phát triển mạnh các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân là lẽ đương nhiên. Tham gia vào các hoạt động này có cả các cơ quan, đơn vị nhà nước và ngoài nhà nước. Trách nhiệm của chính quyền địa phương từ thành phố đến các phường, xã, thị trấn trước hết là khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ của các thành phần kinh tế và người dân; tiếp theo là phân công, phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, đưa các hoạt động này vào nề nếp, vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, đồng thời bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị./.