Chính sách đối với người dân di cư, tái định cư do biến đổi khí hậu
TCCSĐT- Ngày 24-9-2014, tại Hà Nội, Đại diện tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức hội thảo về di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu, nhằm khảo sát tình trạng dễ bị tổn thương của các hộ gia đình sau khi tái định cư; phân tích các chính sách, chiến lược và chương trình bảo trợ xã hội hiện có trong việc hỗ trợ người dân sau khi di cư và tái định cư do biến đổi khí hậu.
Các ý kiến tại Hội thảo nêu rõ, di cư đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Con người di cư vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân là do áp lực về khí hậu và áp lực môi trường liên quan đến cuộc sống và kinh tế của họ. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam chịu tác động rất lớn của thiên tai và bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản, gây ảnh hưởng tới sản xuất.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Tham luận của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, ngày 24-8-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015. Tiếp đó, ngày 21-11-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 (thay thế Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg).
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn từng tỉnh, trọng tâm là bố trí ổn định dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai; đồng thời tiến hành khảo sát lập quy hoạch bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai của cả nước.
Hàng vạn hộ dân đã được di chuyển khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sụt lún đất…). Người dân đến điểm tái định cư bước đầu có cuộc sống ổn định, sản xuất phát triển. Nhiều công trình hạ tầng và phúc lợi công cộng để phát triển kinh tế - xã hội các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã được xây dựng, phát triển. Nhiều điểm tái định cư thực hiện xây dựng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như nhà ở phân lô theo quy hoạch, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, công trình vệ sinh gia đình …
Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ được các địa phương tích cực triển khai đã góp phần quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Thiệt hại về người, tài sản và kết cấu hạ tầng tại các địa phương đã giảm đáng kể.
Mặc dù vậy, hằng năm, bão lũ vẫn thường xuyên xảy ra ở một số địa phương khiến nhiều người thiệt mạng, gây thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với yếu tố khách quan đó, về phía chủ quan, ý kiến tại Hội thảo cũng cho thấy tiến độ thực hiện di dân của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu di dân thực tế, đặc biệt là ở các khu vực sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ. Một số dự án bố trí dân cư thực hiện kéo dài, chưa bảo đảm các điều kiện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, nhất là đất ở, đất sản xuất. Nhiều điểm dân cư ở khu vực có nguy cơ cao chưa được di dời đến nơi định cư an toàn…
Báo cáo của Liên hợp quốc do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đồng thực hiện nêu rõ: Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước những bất lợi của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như những áp lực môi trường liên quan, đặc biệt là các chiến lược tái định cư cho những hộ gia đình chịu ảnh hưởng của sóng thần, lũ lụt, lở đất hay lũ quét. Nhiều người lựa chọn thay đổi cách thức kiếm sống và di cư đến những vùng đất khác do áp lực kinh tế và môi trường tại địa phương quá cao và một số áp lực đang tiếp tục gia tăng do biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, di cư là một chiến lược sinh kế đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương cũng như các cơ hội kinh tế của địa phương. Ông Ba-khô-đia Bu-kha-nốp (Bakhodir Burkhanov), Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, phát biểu: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, di cư và tái định cư được coi là những chiến lược đối phó và thích ứng mang tính sống còn. Tại Việt Nam cũng như bất kỳ nơi nào khác, di cư do biến đổi khí hậu đang diễn ra hôm nay”.
Báo cáo của Liên hợp quốc đưa ra các khuyến nghị về đường lối chính sách và những công việc then chốt nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cả khu vực có người di cư và khu vực tiếp nhận người di cư trong những năm tới và thập niên tới, bao gồm:
- Củng cố và cải cách các chính sách có liên quan để nâng cao hiệu quả của hoạt động di cư và tái định cư nhằm tăng cường khả năng chống chịu của người dân và các cộng đồng ở Việt Nam.
- Tăng cường các chương trình cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm cải thiện điều kiện sống, mở rộng phương thức kiếm sống và nâng cao khả năng thích ứng của những người di cư, tái định cư, của các cộng đồng có người di cư và các cộng đồng tiếp nhận người nhập cư.
- Củng cố năng lực thể chế và quy trình hoạt động nhằm bảo đảm những người di cư và tái định cư do biến đổi khí hậu được hưởng các chương trình bảo trợ xã hội.
- Nâng cao kiến thức và hiểu biết về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu, di cư và tái định cư và vị trí của người di cư tại Việt Nam, đồng thời xây dựng nhận thức về vấn đề này./.
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2009, đến năm 2015 sẽ có thêm 130.000 hộ gia đình được tái định cư, trong đó khoảng 70% từ những vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, công tác thực hiện kế hoạch này đang vượt xa tiến độ. Nhiều hộ gia đình cũng được di chuyển ra khỏi các khu vực miền núi phía Bắc, bởi những khu vực này thường xuyên phải đối mặt với lũ quét, lở bùn và sạt lở đất; ra khỏi đồng bằng sông Hồng, do hiện tượng xói mòn ven sông và ven biển; ra khỏi khu vực Tây Nguyên, do lũ lụt; và ra khỏi khu vực Đông Nam Bộ, do nơi đây phải đối mặt với lũ từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. |
Việt Nam - Belarus cần mở rộng hợp tác kinh tế và viễn thông  (25/09/2014)
Hội nghị Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (24/09/2014)
Thủ tướng kêu gọi thế giới cùng hành động chống biến đổi khí hậu  (24/09/2014)
Công tác quản lý và sử dụng tài nguyên ở nước ta hiện nay: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục  (24/09/2014)
Lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân  (24/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay