TCCSĐT - Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kim chỉ nam, là định hướng cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Điều đó tiếp tục được thể hiện rõ qua nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng, “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thực hiện nghị quyết này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 24-11-1946, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hà Nội, Bác Hồ nói: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”(1). Để làm được điều trên đây, trước hết phải quan tâm tới xây dựng lối sống văn hóa và môi trường văn hóa, bởi như Bác Hồ chỉ rõ: Cốt lõi của lối sống văn hóa chính là nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, tiến bộ, nó được thể hiện trong lao động sản xuất, trong cuộc sống hằng ngày như, cách ăn mặc, cách ở, việc đi lại, khi làm việc, truyền thống coi trọng đạo lý, nghĩa tình… Còn môi trường văn hóa là điều kiện để hình thành nhân cách con người văn hóa và lối sống văn hóa. Ở đó, cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ được tôn trọng và phát huy, bảo vệ. Cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa phải bị phê phán, loại trừ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những nội dung và các giải pháp xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn hóa được nêu một cách cụ thể, giản dị mà sâu sắc. Chẳng hạn như: Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết. Cái cũ mà xấu thì bỏ, như: tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Thí dụ cưới hỏi quá xa xỉ, phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt như tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thì phải phát triển thêm.(2)

Xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn có xây dựng lối sống văn minh, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Đồng thời, nó phải được nhận thức và thể hiện từ mỗi con người, trong từng gia đình, từng làng xóm, phố phường đến toàn dân, mới mang lại hiệu quả bền vững, tích cực, rộng lớn và lâu dài.

Hồ Chủ tịch luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội mới, con người thực sự được tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, nhân phẩm, quyền lợi chính đáng được tôn trọng, bảo vệ; chủ nghĩa cá nhân bị phê phán, loại bỏ; tham ô, tham nhũng, lãng phí phải được ngăn chặn, con người biết tự giác tôn trọng Hiến pháp, pháp luật.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng lối sống văn hóa và môi trường văn hóa; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp về phát triển văn hóa qua các thời kỳ. Từ đó, làm cho lối sống văn hóa, môi trường văn hóa nước nhà phát huy được những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, tính ưu việt của văn hóa cách mạng được thể hiện rõ, trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng những phẩm chất và nhân tố tích cực trong cộng đồng, xã hội, góp phần vào những thành tựu to lớn, quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, nghiêm túc và thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta thấy hiện nay lối sống văn hóa và môi trường văn hóa nước ta còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, lo lắng, đang tồn tại ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, ở cả nông thôn và thành thị, doanh nghiệp, cũng như ở cơ quan, đoàn thể. Đó là, sự lãng quên vô thức của con người với các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp, các di sản của ông cha để lại, là sự tàn phá môi trường thiên nhiên… Một số người ở nhiều nơi, kể cả cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ, thanh, thiếu niên, sống thiếu văn hóa, xa hoa, lãng phí, ăn mặc lố lăng, nói năng văng tục, đua đòi, hưởng thụ, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu tôn trọng kỷ cương… Môi trường văn hóa ở gia đình, trong xã hội bị xuống cấp, có nơi, có lĩnh vực đáng lo ngại. Điều đó đang đặt ra cho các tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong nhà trường cũng như mỗi gia đình phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của nhiệm vụ xây dựng lối sống văn hóa và môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay, để làm cho văn hóa thực sự đóng vai trò “soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác Hồ căn dặn.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta đã dành mục VI nói về: “Chăm lo phát triển văn hóa”, trong đó nhiệm vụ “Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng” đã được đưa lên đầu tiên với những nội dung quan trọng, cơ bản và cụ thể để các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI, mới đây, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thông báo của Hội nghị nêu rõ: “Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế và văn hóa gia đình; phát triển và đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, bảo vệ di sản văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống văn hóa và môi trường văn hóa, nhất định chúng ta sẽ thực hiện có kết quả những mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cũng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đề ra./.

---------------------------------------------------

(1)Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2006, t. 3, tr. 379

(2)Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2006, t. 5, tr. 94