Bảy mươi lăm năm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai và những bài học lịch sử

Trường Lưu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
22:48, ngày 17-09-2014

TCCSĐT- Năm 2014, thế giới kỷ niệm 100 năm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và 75 năm Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Cả hai lần kỷ niệm này đều nhằm cùng mục đích là nhìn lại lịch sử, rút ra những bài học cho việc bảo vệ hòa bình trong bối cảnh hiện nay.

Thế giới ngày nay đã khác nhiều so với nửa đầu thế kỷ XX, nhưng có một thực tế chưa thay đổi là vẫn còn có những thế lực theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tư tưởng “nước lớn”, theo đuổi lợi ích dân tộc vị kỷ, tranh giành ảnh hưởng, áp đặt tư tưởng, giá trị cho các “nước nhỏ”, bất chấp luật pháp quốc tế. Thực tế đó đang đe dọa đến nền hòa bình, ổn định của thế giới. Nhìn lại sự bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta luôn ghi nhớ bài học lịch sử, đó là, phải đề phòng từ xa nguy cơ dẫn đến chiến tranh, và phải kịp thời chặn đứng hành động gây chiến xâm lược.

Nâng cao cảnh giác đối với chủ nghĩa dân tộc nước lớn cực đoan - nền tảng tư tưởng của đường lối đối ngoại bành trướng bá quyền

Ngày 01-9-1939, phát-xít Đức tấn công Ba Lan. Hai ngày sau, ngày 3-9, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đẩy loài người vào cuộc chiến khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai là chính sách gây chiến xâm lược của chủ nghĩa đế quốc quốc tế, trong đó có chủ nghĩa phát-xít Đức quốc xã, đứng đầu là A. Hít-le.

Chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng kỳ thị chủng tộc cực đoan là nền tảng tư tưởng chủ nghĩa phát-xít hiếu chiến, tàn bạo. Từ cuối thế kỷ XIX, ở nước Đức đã xuất hiện thuyết “Đác-uyn xã hội”, lấy quy luật “cạnh tranh sinh tồn”, “cá lớn nuốt cá bé” trong tự nhiên để giải thích quy luật tiến hoá trong xã hội loài người. Theo thuyết này, giới động vật phân ra nhiều loài, còn thế giới loài người thì phân ra nhiều chủng tộc, dân tộc; “kẻ mạnh” phải tiêu diệt hoặc nô dịch “kẻ yếu” mới tồn tại và phát triển được. Lực lượng phát-xít ở Đức tự cho dân tộc Đức là “siêu đẳng”, có sứ mệnh lãnh đạo chủng tộc da trắng “thượng đẳng”, tiêu diệt hoặc nô dịch các chủng tộc da màu “hạ đẳng” (da đen, da vàng, da đỏ). Lực lượng này đã nắm và lợi dụng tâm lý bất mãn đối với chính đảng của người dân Đức sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất để đưa ra những khẩu hiệu mị dân, như “chống sự nô dịch Véc- xay”, thậm chí “chống chủ nghĩa tư bản!”, lôi kéo nước Đức vào con đường chiến tranh, biến nước Đức thành “lò đúc súng”, đầu độc thanh niên Đức thành những “cỗ máy giết người” mất hết nhân tính, sẵn sàng làm bất cứ tội ác nào đối với con người, miễn là thiết lập được sự thống trị của “đế quốc Đại Đức” trên toàn cầu.

Kết cục là, lực lượng này đã bị thiêu cháy bởi chính ngọn lửa chiến tranh mà chúng châm ngòi. Chiến tranh đã làm cho nước Đức biến thành đống đổ nát. Hàng triệu người Đức bị chết. A. Hít-le đã phải tự sát, bọn đầu sỏ tội phạm chiến tranh đã bị toà án quân sự quốc tế Nuy-răm-be xử tội. Sau chiến tranh, chính con đường “phát triển một cách hoà bình” đã cứu vãn được nước Đức hồi phục và phát triển.

Ngày nay, những mầm mống của “chủ nghĩa phát-xít mới” vẫn là mối nguy cơ tiềm ẩn, còn chủ nghĩa dân tộc nước lớn cực đoan cũng đã xuất hiện trong bối cảnh quốc tế mới, đặt ra những nguy cơ tiềm tàng đe dọa hòa bình, ổn định, đòi hỏi nhân dân các nước cần nâng cao cảnh giác, kịp thời ngăn chặn, không để nhân loại phải đối mặt với những cuộc chiến tranh mới.

Một là, trong bối cảnh cán cân so sánh sức mạnh giữa các cường quốc có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, không còn phù hợp với sự phân chia vị thế theo trật tự thế giới cũ nữa, thì chiến tranh có nguy cơ trở thành giải pháp được lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn. Đầu thế kỷ XX, tình huống đó đã xuất hiện. Đế quốc Đức mới trỗi dậy, trong khi đất đai trên thế giới đã được phân chia hết, phần lớn nằm trong tay các đế quốc Anh, Pháp … Vậy là Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) bùng nổ giữa các đế quốc nhằm phân chia lại thuộc địa. Nhưng Chiến tranh thế giới thứ nhất chẳng những không giải quyết được mà còn làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các đế quốc. Nước Đức bại trận, thực hiện chính sách phục thù, chuẩn bị và tiến hành Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945).

Cục diện thế giới ngày nay cũng đang xuất hiện tình huống tương tự. Mặc dầu nước Mỹ vẫn đang duy trì được vị thế sức mạnh tổng hợp, áp đảo trên các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ,… nhưng vị thế đó đang suy giảm tương đối do sự trỗi dậy của các “quốc gia mới nổi”. Trên thực tế, trong quan hệ quốc tế đương đại, đang diễn ra quá trình “tranh” và “giữ” vai trò “lãnh đạo thế giới”, khiến nguy cơ xung đột để đoạt ngôi vị lãnh đạo thế giới, là một thực tế hiện hữu.

Hai là, trong một quốc gia dân tộc, những bất ổn xã hội, những tâm lý bất mãn chính đáng,… dễ bị các thế lực cực đoan lợi dụng kích động, lôi kéo vào con đường hiếu chiến. Qua Hiệp ước Véc-xay, các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã áp đặt những điều kiện khắc nghiệt lên nước Đức bại trận. Nước Đức sau chiến tranh bị bao trùm bởi một không khí xã hội ngột ngạt và những tâm lý bi quan, bế tắc. Chính lúc đó, Hít-le đã đưa ra những khẩu hiệu, như “chống sự nô dịch Véc-xay”, thậm chí “chống chủ nghĩa tư bản”!; tung ra luận điệu: “Chỉ có chủ nghĩa quốc xã mới có thể đưa thanh niên Đức tới tương lai xán lạn!”, “giải phóng những người phụ nữ Đức!”, “đưa nông dân Đức tới những miền đất rộng lớn, phì nhiêu”. Từ đó, lực lượng quốc xã đã kích động người dân, đưa nước Đức vào cuộc chiến tranh khốc liệt. Trong thế giới ngày nay, một khi khát vọng “phục hưng dân tộc” bị lợi dụng đến mức cực đoan sẽ có nguy cơ dẫn đến những hành động gây hấn với bên ngoài, coi thường luật pháp quốc tế.

Ba là, chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và dân tộc cực đoan. Đây là nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa quốc xã Đức. Trong thế giới ngày nay cũng đang xuất hiện luận điệu cho rằng, một dân tộc có văn hoá “ưu tú nhất thế giới” phải làm “lãnh tụ thế giới”. Quá trình phát triển của nhân loại cho thấy rõ rằng, trên lĩnh vực văn hóa truyền thống, giữa các quốc gia dân tộc chỉ có sự tương đồng và khác biệt, chứ không có sự hơn, kém. Người ta không thể đánh giá nền văn hoá nào ưu tú hơn nền văn hóa nào. Mỗi dân tộc đều có niềm tự hào về nền văn hoá của dân tộc mình, nhưng không nên tự cho rằng dân tộc mình “ưu tú” hơn dân tộc khác. Cách nhìn nhận như vậy là mầm mống gây nên những xung đột, cuộc chiến tàn khốc, không thể xem thường.

Rõ ràng là, những nhân tố từng làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay vẫn còn hiện hữu. Mặc dù, những thay đổi quan trọng trong cục diện thế giới 75 năm qua đã tạo ra những nhân tố thuận lợi để ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình của thế giới, nhưng hòa bình không tự nhiên mà có, và, nhân loại không bao giờ được quên những bài học lịch sử rút ra từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đoàn kết ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hoà bình

Trước hết cần khẳng định, chiến tranh không phải là “định mệnh”, nguy cơ chiến tranh không nhất định dẫn tới bùng nổ chiến tranh nếu lực lượng bảo vệ hoà bình đủ mạnh để ngăn chặn nó. Đáng tiếc là lực lượng hoà bình đã không đủ sức ngăn chặn nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc dập tắt ngọn lửa chiến tranh từ khi nó mới được nhen nhóm. Sự yếu kém của lực lượng chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình lúc bấy giờ không phải ở sức mạnh vật chất, mà chính là ở ý thức cảnh giác và tinh thần đoàn kết. Trước hết là các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đã không sớm thành lập được Mặt trận Đồng minh chống phát-xít để chặn đứng âm mưu gây chiến của phát-xít Đức. Trong khi đó, nhân dân các nước trong “trục phát-xít”, nhất là ở Đức, đã thiếu cảnh giác, đoàn kết trong việc đấu tranh ngăn chặn kịp thời mưu đồ của thế lực gây chiến.

Trong tình thế cấp bách nguy cơ chiến tranh phát-xít ngày càng tới gần, các cuộc đàm phán giữa Liên Xô và Anh, Pháp nhằm thống nhất hành động chống phát-xít vẫn bế tắc. Ngày 01-10-1938, Thủ tướng Pháp E. Đa-la-đi-ơ (E. Daladier) và Thủ tướng Anh N. Cham-bơ-lên (N. Chamberlain) đã ký với Hít-le Hiệp ước Muy-ních, cho phép quân Đức tràn qua Tiệp Khắc để đổi lấy lời hứa của Hít-le là sẽ không mở cuộc tấn công sang hướng Tây (Tây Âu). Điều đó có nghĩa là Hít-le sẽ mở cuộc tấn công sang hướng Đông (Liên Xô). Trong bối cảnh đó, ngày 23-8-1939, Liên Xô đã ký “Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức”. Không bao lâu sau khi Thủ tướng Pháp E. Đa-la-đi-ơ và Thủ tướng Anh N. Cham-bơ-lên bay về nước với sự hoan hỉ đá được quả bóng từ “khung thành phía Tây” sang “khung thành phía Đông” thì quân Đức tràn qua chiếm cả Tiệp Khắc, tấn công Ba Lan rồi quay sang tấn công Tây Âu, tập trung hầu như toàn bộ sức người, sức của châu Âu tư bản chuyển sang tấn công Liên Xô (22-6-1941).

Khi lần đầu động binh đưa quân vượt biên giới sang Tiệp Khắc, Hít-le rất lo sợ hiểm họa có thể ập đến nếu Anh, Pháp cùng Liên Xô ra tay chặn đứng hành động mạo hiểm của phát-xít Đức. Một số tướng lĩnh Đức còn có ý định phản chiến, chống Hít-le để tránh hậu họa cho quân Đức. Quả thật, nếu bấy giờ Anh, Pháp cùng Liên Xô hợp đồng tác chiến, có sự hậu thuẫn của Mỹ, thì hoàn toàn có thể giáng đòn phủ đầu vào lực lượng của Hít-le, dập tắt ngọn lửa chiến tranh ngay từ khi mới được nhen nhóm tại biên giới Tiệp Khắc. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Các chính phủ Anh, Pháp vẫn tin vào lời hứa của Hít-le không tấn công sang hướng Tây. Còn Chính phủ Mỹ thì thấy vị thế an toàn của mình do có sự che chắn của hai đại dương (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương); chắc chắn rằng, chiến tranh chỉ có thể diễn ra trên lục địa Âu - Á, nên chủ trương nước Mỹ chỉ tham chiến trong màn chót để quyết định cục diện chiến tranh và thế giới hậu chiến. Những toan tính đó đã làm cho chiến tranh bùng phát và trục phát-xít đã đánh lớn, thắng nhanh trong hơn hai năm đầu của cuộc chiến.

Chỉ tới khi nước Mỹ bị lôi vào cuộc chiến sau trận Trân Châu Cảng vào cuối năm 1941, Mặt trận Đồng minh chống phát-xít mới được hình thành vào đầu năm 1942, tập hợp được tất cả các lực lượng có thể tập hợp vào cuộc chiến tranh chống phát-xít và giành được thắng lợi, cứu nhân loại khỏi thảm họa huỷ diệt. Bài học lịch sử đó vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ hoà bình thế giới trong thời đại hiện nay.

Trong thời đại toàn cầu hóa, sự tùy thuộc vào nhau giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn ngày càng cao cùng với sự phát triển của vũ khí hủy diệt, phương thức chiến tranh thay đổi căn bản, hầu như rất ít khả năng nổ ra chiến tranh tổng lực trực tiếp giữa các nước lớn, dẫn đến chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, mưu đồ bá quyền và cạnh tranh địa - chiến lược giữa các nước lớn vẫn hiện hữu, thậm chí càng gay gắt hơn. Các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn tại các vùng “ngoại vi”, tức là các nước nhỏ. Vì thế, nguy cơ chiến tranh lan rộng là điều khó lường trước. Do vậy, khi xuất hiện âm mưu và hành động sử dụng vũ lực thực hiện ý đồ “nước lớn” của một cường quốc nào đó thì phần còn lại của thế giới phải sớm cảnh giác, thực sự đoàn kết, phối hợp đấu tranh để ngăn chặn kịp thời. Thất bại của “chính sách Muy-ních” trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã cảnh báo các quốc gia ngày nay không nên xuất phát từ những tính toán lợi ích vị kỷ trước mắt mà có những thoả hiệp, gây tổn hại cho lợi ích chính đáng của các nước khác, gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết và hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ hai cũng để lại bài học lịch sử cho chính nhân dân các nước trong “trục phát-xít”. Trong cuộc bầu cử tổng thống Đức năm 1933, Đảng Cộng sản Đức đã cảnh báo: “Bỏ phiếu cho Bru-ning là bỏ phiếu cho Hít-le! Bỏ phiếu cho Hít-le là bỏ phiếu cho chiến tranh!” (Bru-ning là một chính khách cực hữu, sau khi được bầu làm tổng thống đã đưa Hít-le lên làm thủ tướng, một năm sau Hít-le tự xưng là “quốc trưởng”). Nhưng cử tri Đức đã không thấy được tầm quan trọng của lời cảnh báo đó. Hậu quả là, nước Đức bị đẩy vào lò lửa chiến tranh, hàng triệu người dân Đức đấu tranh cho hòa bình và dân chủ bị sát hại trong các trại tập trung của chủ nghĩa phát-xít, đất nước Đức bị tan hoang do bom đạn của quân đội các nước đồng minh.

Thiết nghĩ, bài học lịch sử đó còn có ý nghĩa đối với nhân dân các nước khi giới cầm quyền đang có chiến lược đối ngoại bá quyền, có ý đồ và hành động sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước khác. Lòng yêu nước và ý chí “phục hưng dân tộc” của người dân có thể bị chủ nghĩa dân tộc nước lớn cực đoan lợi dụng nhằm phục vụ cho việc thực hiện những mưu đồ đen tối của thế lực cầm quyền, đẩy đất nước và nhân dân vào thảm họa chiến tranh. Đó là điều nhân loại cần nâng cao cảnh giác và chung tay hành động để ngăn ngừa.

Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự thay đổi cục diện thế giới sau chiến tranh đã tạo ra những nhân tố thuận lợi để nhân loại thức tỉnh, đoàn kết cùng nhau bảo vệ hoà bình công lý và hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc. Hy vọng những bài học lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai để lại sẽ gợi mở cho cộng đồng các quốc gia những suy nghĩ để cùng chung hành động vì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới./.

Chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài trong 6 năm, là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người (bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1.000 năm trước đó cộng lại). Đó là cuộc đụng đầu và sự thử thách quyết liệt, toàn diện giữa hai thế lực tiến bộ và phản động trên phạm vi toàn thế giới. Ngày 9-5-1945, trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân đồng minh, Cây-ten, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức đã ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện.