TCCS - Đổi mới toàn diện công tác biên phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Nó vừa có ý nghĩa về mặt lý luận, vừa có ý nghĩa sâu sắc trong thực tiễn; vừa cấp bách, vừa lâu dài. Việc đổi mới này phải tiến hành thường xuyên trên cơ sở căn cứ vào diễn biến tình hình ở các tuyến biên giới, vùng biển trong từng giai đoạn, từng thời kỳ theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng nói chung và quốc phòng, an ninh nói riêng.

Những năm qua, tình hình trên các tuyến biên giới có những chuyển biến quan trọng mang tính bước ngoặt: tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã từng bước trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị; tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đã có sự thay đổi cơ bản; việc phân định tuyến biên giới Việt Nam - Lào cũng được đặt ra một cách toàn diện, cấp thiết.

Tư tưởng đổi mới công tác biên phòng đã được đặt ra từ nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Trong suốt quá trình thực hiện đổi mới công tác này, chúng ta vừa làm, vừa tổng kết, do đó nhận thức ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Đến nay, chúng ta có thể rút ra được một số nội dung cơ bản trong đổi mới công tác biên phòng.

Đổi mới tư duy

Đó là nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới, thấy rõ những phát triển của tình hình cũng như yêu cầu mới đặt ra phải giải quyết; xác định rõ mục tiêu, giải pháp tiến hành công tác biên phòng cho phù hợp với thực tiễn.

Tư duy mới về công tác biên phòng đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia với xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng. Khác với thời kỳ diễn ra hai cuộc chiến tranh biên giới, thời kỳ đổi mới là thời kỳ mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, thời kỳ củng cố hòa bình, tạo môi trường ổn định để xây dựng đất nước. Hợp tác cùng phát triển là xu thế chung của thế giới, là lợi ích chung của mọi quốc gia. Do đó, nguyên tắc đấu tranh bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia cần phải được kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với đấu tranh củng cố, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Đây là định hướng cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể về biên giới quốc gia, đòi hỏi chúng ta phải giữ vững những vấn đề thuộc nguyên tắc, nhưng về sách lược và phương pháp phải khôn khéo, mềm dẻo, uyển chuyển, không để dẫn tới đối đầu, xung đột.

Tư duy mới về công tác biên phòng đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đối tượng và đối tác; giữa hợp tác và đấu tranh; giữa "mở cửa và gác cửa"; giữa xây dựng và bảo vệ biên giới.

Qua hơn 20 năm thực hiện đổi mới công tác biên phòng, chúng ta đã nhận thấy ngày càng toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn nhiều vấn đề cơ bản liên quan đến nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới. Đó là cơ sở để chúng ta tiến hành đổi mới công tác biên phòng một cách toàn diện.

Đổi mới chủ trương, đối sách

Đổi mới chủ trương, đối sách là điều chỉnh, thay đổi chủ trương, đối sách cũ đã lỗi thời, đề ra những chủ trương, đối sách mới cho phù hợp với tình hình cụ thể và đối tượng cụ thể, từng lúc, từng nơi nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Mỗi chủ trương, đối sách mới đều thể hiện được tính mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, khôn khéo về phương pháp và sách lược, nhưng bảo đảm những vấn đề có tính nguyên tắc là lợi ích cục bộ phải phục vụ lợi ích toàn bộ. Tình hình thế giới, trong nước và khu vực luôn luôn thay đổi, các vụ việc diễn ra cũng rất đa dạng, phức tạp. Do đó, việc đổi mới chủ trương, đối sách cũng phải được thực hiện thường xuyên, bám sát sự phát triển của thực tiễn. Chúng ta đã thành công về đổi mới chủ trương, đối sách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia (trên đất liền và trên vùng biển); trong quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực biên giới; đổi mới các chủ trương, đối sách xử lý các vụ gây rối, gây bạo loạn, với các hoạt động truyền đạo trái pháp luật và các hoạt động của bọn phỉ.

Đổi mới các biện pháp công tác biên phòng

Đó là sự điều chỉnh, thay thế, bổ sung, phát triển hoàn thiện nội dung, cách thức tiến hành các biện pháp công tác biên phòng cho phù hợp với thực tiễn.

Đổi mới biện pháp vận động quần chúng. Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã có sự đổi mới toàn diện cả về nhận thức và hành động trong công tác vận động quần chúng. Biện pháp vận động quần chúng có vị trí rất quan trọng, làm cơ sở, nền tảng cho các biện pháp công tác khác. Nội dung cơ bản của biện pháp vận động quần chúng là: tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ cho nhân dân; tham gia xây dựng, củng cố các xã biên giới vững mạnh về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng, củng cố phong trào quần chúng bảo vệ biên giới.

Trọng tâm của biện pháp vận động quần chúng là tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng phong trào hành động cách mạng của quần chúng bảo vệ biên giới. Động lực của phong trào quần chúng là chủ động, tích cực phối hợp với địa phương và các ngành, vừa tuyên truyền nâng cao giác ngộ cho quần chúng, vừa chăm lo giải quyết các nhu cầu thiết thực của nhân dân, thực hiện tốt cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Phương pháp vận động quần chúng là trực tiếp thực hiện các nội dung vận động quần chúng và tham mưu cho địa phương thực hiện các nội dung này. Phương châm tiến hành công tác vận động quần chúng là: "nghe được dân nói, nói cho dân tin, làm cho dân hiểu", "nói đi đôi với làm; nói ít, làm nhiều"; "thương yêu dân, tin dân, thật lòng vì dân". Nếu xa rời phương châm này thì công tác vận động quần chúng không thể thắng lợi, thậm chí thất bại. Đối tượng vận động quần chúng bao gồm tất cả mọi người sinh sống, hoạt động trong khu vực biên giới và tất cả những ai qua lại biên giới. ứng với mỗi đối tượng khác nhau sẽ có những nội dung, biện pháp tuyên truyền khác nhau.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định: vận động quần chúng là trách nhiệm của mọi cán bộ, từ người chỉ huy đến chiến sĩ đều phải chủ động tham gia. Mỗi người dù làm công tác gì, ở đâu cũng phải chủ động làm công tác vận động quần chúng, trong đó lực lượng nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng. Các lực lượng, các ngành đều làm công tác vận động quần chúng với mục đích khác nhau, nhưng mục đích của Bộ đội Biên phòng là hướng vào mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đổi mới biện pháp trinh sát. Chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của biện pháp trinh sát biên phòng, xác định nó là mũi nhọn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia, đặc biệt là trong điều kiện hòa bình. Vì, nó tiến công trực tiếp, chủ yếu, có chiều sâu vào các đối tượng. Nét đổi mới của công tác trinh sát biên phòng tập trung ở sự kết hợp chặt chẽgiữa hoạt động phòng ngừa tội phạm với hoạt động đấu tranh chống các loại tội phạm.

Trong tình hình mới, chúng ta nhấn mạnh vấn đề phòng ngừa tội phạm, coi nó là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; là một bộ phận của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với tinh thần chủ động, tích cực. Trong chỉ đạo phòng ngừa tội phạm, chúng ta đều coi trọng cả hai nhóm giải pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Nhóm giải pháp phòng ngừa xã hội là những hoạt động giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ cho nhân dân; tham gia xây dựng các xã biên giới vững mạnh về mọi mặt; tham gia xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ biên giới. Đây là biện pháp phòng ngừa cơ bản, xóa bỏ tận gốc nguyên nhân sâu xa của tình hình tội phạm. Vì nó xây dựng được những nhân tố vừa có tác dụng phòng ngừa tội phạm, vừa có tác dụng tạo ra sức mạnh trực tiếp tại chỗ để đấu tranh với các loại tội phạm.

Nhóm giải pháp phòng ngừa nghiệp vụ là những hoạt động nghiệp vụ nhằm ngăn chặn tội phạm, tìm ra nguyên nhân phát sinh tội phạm, trên cơ sở đó có biện pháp hạn chế khả năng phát sinh tội phạm. Nội dung hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ là triển khai đồng bộ các mặt công tác cơ bản; xây dựng và sử dụng mạng lưới bí mật, điều tra cơ bản, quản lý, kiểm tra nghiệp vụ. Trên từng mặt công tác đó, trong quá trình thực hiện đều có sự đổi mới về nội dung và biện pháp cho phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đổi mới chỉ đạo phòng ngừa tội phạm, chúng ta đã tiến hành đổi mới nhiều mặt trong đấu tranh chống tội phạm. Trong đó nổi bật là đấu tranh các vụ án, lập các chuyên án và tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.

Đổi mới biện pháp vũ trang. Trước đây khi biên giới còn căng thẳng, hoạt động vũ trang chủ yếu là trấn giữ các điểm chốt; tổ chức các hoạt động vũ trang để ngăn chặn, trừng trị những kẻ xâm phạm biên giới trái phép nhằm phá hoại an ninh đường biên. Hiện nay, hoạt động vũ trang của các đồn biên phòng chủ yếu là tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc quốc giới, ngăn chặn các hoạt động vượt biên trái phép, vi phạm quy chế biên giới; bảo vệ an ninh cho nhân dân. Đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động nhằm phòng chống các hoạt động cướp có vũ trang, hoặc hoạt động của phỉ. Trong những trường hợp đặc biệt cần nổ súng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc có cảnh cáo trước và không ảnh hưởng đến phía bạn. Trong đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, bộ phận vũ trang không bố trí ở phía trước, mà bố trí ở phía sau, làm áp lực, hỗ trợ cho bộ phận phản kháng tại chỗ cùng với nhân dân đấu tranh. Sự thay đổi hình thức sử dụng các đội vũ trang chính là sự thay đổi chủ trương đối sách để bảo đảm giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, không tạo ra đối đầu, căng thẳng, phục vụ yêu cầu chung của toàn cục.

Đổi mới biện pháp kiểm soát hành chính. Đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh, xuất, nhập biên được dựa trên cơ sở quán triệt và vận dụng đúng đắn tư tưởng chỉ đạo: "mở cửa đi đôi với gác cửa", "giữ vững kỷ cương phép nước qua lại biên giới đi đôi với tạo sự thông thoáng cho nhân dân qua lại biên giới thăm thân, làm ăn; phục vụ tốt chủ trương mở cửa, mở rộng hợp tác quốc tế của Đảng". Đổi mới biện pháp kiểm soát hành chính những năm qua đã tập trung vào một số nội dung:

- Tất cả các cấp trong Bộ đội Biên phòng căn cứ vào các quy định của Chính phủ, rà soát lại các văn bản, bỏ những quy định, những thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho khách qua lại biên giới; nghiêm cấm các đơn vị tự đặt ra những quy định trái với chỉ đạo của trên, đồng thời công khai hóa những quy định qua lại biên giới để mọi người hiểu và chấp hành đúng.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan (hải quan, công an, kiểm dịch...) đổi mới, sắp xếp lại phương pháp kiểm tra, kiểm soát, tránh trùng lặp, gây phiền hà cho khách qua lại biên giới, giảm bớt những sơ hở dễ gây ra những tiêu cực. Các đơn vị đã đổi mới phương pháp kiểm tra, kiểm soát ở các cửa sông lớn, kết hợp giữa biện pháp bí mật và công khai, giữa kiểm soát toàn diện và trọng điểm, dựa vào đông đảo quần chúng để quản lý và kiểm tra, nên vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ vừa tạo điều kiện nhanh chóng giải phóng tàu thuyền ra khơi.

- Tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, thông suốt từ Bộ Tư lệnh đến các cửa khẩu, phục vụ tốt công tác quản lý điều hành, chỉ huy, chỉ đạo của các cấp. Trong quá trình đổi mới công tác kiểm soát hành chính, các cấp chỉ huy đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, uốn nắn kịp thời những sai sót trong tổ chức thực hiện; tăng cường quản lý chặt chẽ nội bộ, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai trái và tiêu cực. Kết quả đổi mới công tác kiểm soát hành chính những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, được Đảng, Nhà nước đánh giá tốt.

Đổi mới biện pháp kỹ thuật. Trước đây biện pháp kỹ thuật chủ yếu là xác lập, xây dựng vành đai biên giới, tổ chức cài mìn, vật cản trên những khu vực dễ xảy ra xâm nhập. Nhưng khi quan hệ biên giới trở lại bình thường, biện pháp kỹ thuật tập trung vào việc xây dựng các biển báo ở khu vực biên giới, khu vực cấm để quản lý biên giới theo đúng quy chế biên giới; xây dựng các đài quan sát gần đường biên giới, xây dựng một số trạm kỹ thuật viễn thông để phát hiện kịp thời những thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ huy. Đối với các bãi mìn đã rải trước đây, chủ trương chung là tháo gỡ tất cả, giải phóng đất và giao lại cho nhân dân sản xuất, sinh sống. Sự đổi mới biện pháp kỹ thuật những năm qua phù hợp với tình hình mới và xu thế chung trong quan hệ giữa nước ta với các nước; phù hợp với công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong điều kiện hòa bình.

Đổi mới biện pháp đối ngoại biên phòng. Biện pháp đối ngoại biên phòng được xác định là một biện pháp công tác biên phòng, có vị trí ngày càng quan trọng trong quản lý, bảo vệ biên giới. Đó là một bước phát triển mới trong nhận thức. Qua tổng kết, chúng ta đã phân biệt rõ được công tác đối ngoại với công tác đối ngoại biên phòng và công tác đối ngoại của Bộ đội Biên phòng. Bước đầu chúng ta đã xác lập được một số lý luận cơ bản về công tác đối ngoại của Bộ đội Biên phòng; từ đó, có sự đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức công tác đối ngoại biên phòng, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng rất hiệu quả, đưa công tác đối ngoại biên phòng vào hoạt động có nền nếp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia chúng ta còn đổi mới sự phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các ngành, các cấp, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng.

Kết quả và những kinh nghiệm về đổi mới công tác biên phòng trong những năm qua vẫn có giá trị và ý nghĩa đối với công cuộc bảo vệ biên giới hiện nay và trong những năm tới. Tuy nhiên, phát huy và vận dụng nó như thế nào vào thực tiễn của tình hình mới để có hiệu quả nhất, đòi hỏi phải căn cứ vào điều kiện lịch sử cụ thể với sự sáng tạo cao. Chỉ có làm tốt điều đó, chúng ta mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho./.