Đại diện hơn 100 nước tham dự Hội nghị  nhất trí thông qua Tuyên bố cuối cùng kêu gọi thế giới đấu tranh không khoan nhượng với tệ phân biệt chủng tộc. Theo kế hoạch ban đầu, tuyên bố được đưa ra bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Hội nghị, tuy nhiên, các nhà ngoại giao quyết định bỏ phiếu sớm, một ngày sau bài diễn văn gây tranh cãi của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad với lời lẽ buộc tội chính quyền I-xra-en là "hoàn toàn phân biệt chủng tộc".
 
Các đoàn đại biểu đã lần lượt bỏ ra ngoài ngay khi bài phát biểu của Tổng thống I-ran bắt đầu.

Hội nghị quốc tế chống phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc diễn ra tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad có bài phát biểu với lời lẽ buộc tội chính quyền I-xra-en là "hoàn toàn phân biệt chủng tộc".

Mở đầu là đại sứ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếp đến là đại diện 23 đoàn ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ hội nghị ra ngoài ngay khi ông Ahmadinejad bắt đầu bài phát biểu dài 10 phút. Những đại diện này cảnh báo sẽ rời bỏ diễn đàn nếu ông Ahmadinejad tiếp tục đưa ra những lời cáo buộc mang tính bài Do Thái tại hội nghị.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun, trước đó chỉ trích một số nước tẩy chay hội nghị, cũng cáo buộc những lời lẽ của ông Ahmadinejad, cho rằng I-ran đã phá vỡ mục tiêu của hội nghị bằng cách gây bất đồng ngay từ ngày đầu khai mạc. Ông Ban Ki-mun lấy làm tiếc về bài phát biểu của nhà lãnh đạo I-ran gây chia rẽ, thậm chí kích động tại Hội nghị chống phân biệt chủng tộc. Theo ông Ban Ki-mun, phát biểu của ông Ahmadinejad đã ngược lại với những gì mà hội nghị tìm kiếm đạt được.

Phó đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc, ông Alejandro Wolff lên án bài diễn văn mà ông cho là "ghê tởm và đáng coi thường". Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi nhà lãnh đạo I-ran nên tỏ ra chừng mực, khiêm tốn hơn, chân thật và mang tính xây dựng hơn trong cách hành xử của mình khi giải quyết các vấn đề trong khu vực".

Trước đó, Mỹ, I-xra-en, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Đức, Ba Lan, I-ta-li-a, Hà Lan và Niu Di-lân đã thông báo tẩy chay Hội nghị chống phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc do lo ngại hội nghị này sẽ trở thành một diễn đàn chỉ trích I-xra-en, như từng xảy ra trong Hội nghị thế giới chống phân biệt chủng tộc, tổ chức tại Durban, Nam Phi, năm 2001.

Theo các nhà phân tích, cộng đồng quốc tế đã bị phân hóa trong việc cắt nghĩa khái niệm “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”. Điều này đã trở nên rõ ràng khi một số nước phản đối nội dung của bản dự thảo tuyên bố chung đề cập đến đấu tranh với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Giới phân tích nhận xét rằng, các nước vắng mặt tại diễn đàn chống phân biệt chủng tộc này phần lớn đều đang phải đương đầu với biểu hiện phân biệt chủng tộc và bài ngoại, cả trong nội bộ cũng như trong quan hệ với các quốc gia láng giềng.

Theo quan điểm của Thứ trưởng Ngoại giao Nga A-lêch-xan-đơ I-a-cô-ven-cô, đơn giản là những nước này chưa sẵn sàng có câu trả lời chính xác cho những thách thức của thời đại, như là yêu cầu đảm bảo quyền lợi và quyền của hàng triệu công dân nguồn gốc xuất thân từ châu Phi và châu Á, nhưng đã tạo thành những cộng đồng bền vững tại châu Âu.

Đại diện Viện Luật gia EU tại Mát-xcơ-va, ông A-lêch-xan-đơ Tret-xép, nhận định rằng, việc từ chối tham gia hội nghị cho thấy các nước không muốn thảo luận thẳng thắn những vấn đề đang khiến cộng đồng quốc tế lo âu. Theo ông Tret-xép, thế giới cần được thống nhất lại, chứ không phải là chia rẽ.
 
Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị cho biết, đại diện hơn 100 nước tham dự Hội nghị  nhất trí thông qua Tuyên bố cuối cùng kêu gọi thế giới đấu tranh không khoan nhượng với tệ phân biệt chủng tộc. Theo kế hoạch ban đầu, tuyên bố được đưa ra bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Hội nghị, tuy nhiên, các nhà ngoại giao quyết định bỏ phiếu sớm, một ngày sau bài diễn văn gây tranh cãi của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad với lời lẽ buộc tội chính quyền Israel là "hoàn toàn phân biệt chủng tộc"./.